Vatican - Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 02/03, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã lên tiếng mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Rahho của tổng giáo phận Mosul đang trong tay bọn khủng bố tại Iraq. Đức Thánh Cha cho biết ngài theo dõi diễn tiến này với “sự đau buồn xâu xa”.

TGM Paulos Faraj Rahho
Đức Tổng Giám Mục Rahho đã bị phục kích hôm thứ Sáu vừa qua sau khi ngài ra khỏi một nhà thờ nơi ngài chủ sự cuộc đi Đàng Thánh Giá trọng thể. Một nhóm vũ trang khủng bố được tin là thuộc các thành phần Hồi Giáo quá khích tại Mosul đã xả súng bắn vào xe của ngài giết chết 3 người cận vệ trước khi bắt cóc Đức Tổng Giám Mục.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi hiệp thông trong lời kêu gọi của Đức Hồng Y Thượng Phụ Emmanuel III Delly, và những phụ tá ngài yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Rahho, sức khoẻ đang yếu kém, phải được trả tự do tức khắc. Đồng thời, tông cũng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn ba người bị giết, những người đã cận kề Đức Tổng Giám Mục khi ngài bị bắt”.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài với Giáo Hội tại Iraq, và đặc biệt, Giáo Hội Chanđê là Giáo Hội lại một lần nữa gánh chịu những đau thương do vụ tấn công gây ra.

“Tôi khích lệ tất cả các mục tử và anh chị em tín hữu can đảm và bền đỗ trong hy vọng, và với tất cả những ai ưu tư cho số phận của nhân dân Iraq, xin tất cả chúng ta hãy nhân lên những nỗ lực của mình để hòa bình và anh ninh người dân Iraq đáng được hưởng sẽ không bị khước từ trong tương lai”.

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lo lắng của ngài về tình trạng căng thẳng giữa Do Thái và người Palestine tại dải Gaza đang dâng cao trong tuần qua. Chỉ mới hôm qua, 54 người đã bị giết tại dải Gaza trong cuộc không tập của quân Do Thái nhắm vào quân Hamas để trả thù cho những vụ tấn công hỏa tiễn nhắm vào Do Thái.

“Tôi lặp lại lời mời gọi đến các nhà chức trách: cả Do Thái lẫn Palestine, xin họ ngưng ngay các hành vi bạo lực xoáy trôn ốc, đơn phương, vô điều kiện. Chỉ khi nào chúng ta chứng tỏ một sự tôn trọng tuyệt đối với sinh mạng con người, dù là của kẻ thù, thì chúng ta mới có thể hy vọng mang đến cho tương lai hòa bình, sự cùng tồn tại cho các thế hệ trẻ và cho tất cả mọi người có gốc rễ tại Thánh Địa”