Tâm thư gửi Linh mục Trương Bá Cần, Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc

Kính gửi Linh mục Trương Bá Cần – Tổng biên tập tờ báo Công Giáo và dân tộc.

Con vốn chỉ là một giáo dân, một tín hữu bình thường. Khi mẹ con đưa đến Nhà thờ chịu phép rửa tội, lại đặt con vào tay Thánh Jean Baptiste, một vị Thánh của Giáo hội mà cuộc đời của Ngài đã chịu nhiều đắng cay bởi sự trung thực và thẳng thắn để mang lấy cho mình cuộc đời đau khổ và cái chết không toàn thây.

Có thể bản thân con chưa được Thánh nhân bầu cử cho nhiều điều tốt đẹp, đức hạnh của Ngài. Nhưng Ngài ưu ái cho con quá nhiều tính thẳng thắn. Một đặc tính không phù hợp với thời đại Cộng sản mà con đang sống - thời đại của những điều dối trá lan tràn. Nhưng biết làm sao, cha mẹ sinh con nhưng Trời sinh tính.

Nói lên điều đó, con muốn nói rằng, với lá thư này, con cũng chưa bỏ được cái thói thẳng thắn của mình khi muốn gửi mấy lời tâm tư đến với quý Cha ở đây. Con mong Cha lượng thứ, nếu có những điều “nghịch nhĩ” nhưng là “trung ngôn”. Dù có những điều đau đớn, thì cũng nên nói một lần cho thẳng thắn. Vì vậy con mạnh dạn trình bày những thắc mắc, những tâm tình của con ở đây.

Con vốn được nghe đến tên Cha từ khi mới lớn, qua một người họ hàng của Cha ở đất Hà Tĩnh với một niềm tự hào đó là một linh mục học cao, biết rộng lại được trọng dụng nhiều lĩnh vực (Họ nói với con Cha tên thật là Trần Bá Cường?). Khi con đọc cuốn sách do Cha sưu tầm và biên soạn: “Nguyễn Trường Tộ - Con người và di Cảo” con nghĩ rằng: Cha sẽ là người học được nhiều ở Nguyễn Trường Tộ, một trí thức Công giáo đầy tài năng và trung thực, không ham cái bả vinh thân, muốn cho xã hội và Giáo hội có nhiều điều tốt đẹp.

Nhưng khi tìm hiểu về Cha, con thấy có quá nhiều điều khó hiểu. Qua lá thư ngỏ này, con muốn gửi đến Cha những ưu tư của mình để mong phần nào được Cha hoặc ai đó giải đáp, hầu giải tỏa những mối băn khoăn trong tâm hồn mà để nó lại, sẽ như một sự nhức nhối khi chưa có dịp để được giải đáp ngọn ngành.

Thưa Cha

Với chúng con, Linh mục là một ơn gọi, một ơn thiêng liêng mà không phải ai cố gắng cũng được. Linh mục là người đã được chịu Chức Thánh, vì vậy, dù là người phàm hèn, thì mọi giáo dân đều tôn trọng.

Theo những giáo dân bình thường, ít học như chúng con, thì khi rời khỏi gia đình vào tu viện để sống cuộc đời hiến thân, người tu sĩ phải biết quên hết bản thân mình, ngõ hầu sống với tình yêu Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Con đường đó nhiều chông gai, nhiều cách thể hiện và nhiều cách hi sinh, mỗi người chọn một cách đi riêng của mình tùy theo hoàn cảnh.

Cũng chính vì con đường hẹp đầy gian khó, hy sinh đó, mà người tín hữu, nhất là những tín hữu Việt Nam, đã dành cho các Linh mục, các đấng bậc một sự trọng thị và yêu kính hiếm có một quan chức nào có được.

Trong Giáo hội Việt Nam qua nhiều thời đại, đã có rất nhiều những vị mục tử nhân lành, dù phải qua muôn ngàn nguy biến, nhưng đã giữ vững được hồng ân của ơn gọi thiêng liêng ấy. Dù nhiều người đã về với Chúa, nhưng hình ảnh của họ không bao giờ mất đi trong tâm trí những người tín hữu Việt Nam. Hình ảnh của những vị mục tử đó, là mẫu mực cho những tín hữu công giáo khác còn đang phải vất vả để bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo hội của mình.

Tuy nhiên, khi đọc những bài viết của báo chí Nhà nước Cộng sản ca ngợi Cha cùng với nhóm linh mục Phan Khắc Từ, linh mục Nguyễn Thiện Toàn về những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng, con chợt nghĩ rằng Cha hình như đi làm Cách mạng cho Đảng Cộng sản thì đúng hơn là làm một linh mục, người chủ chăn của Chúa?

Mối nghi ngờ ấy hầu như không có cơ sở, vì báo chí Nhà nước xưa nay, có mấy ai đủ can đảm để tin là sự thật khi viết về những vấn đề tôn giáo? Điều này làm con cũng tự nghi ngờ chính mình.

Khi con tìm hiểu sâu hơn về các công việc Cha đang làm, là Tổng biên tập một tờ báo quốc doanh mang tên Công giáo, con vẫn chưa tin Cha là một cán bộ được Nhà nước ưu ái và đang làm việc cho Nhà nước nhằm ru ngủ những người Công giáo yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội.

Khi đọc tên Cha trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo – Một tổ chức “công giáo ngoài Giáo hội”, thường được gọi là “Giáo hội quốc doanh” mà khi tìm hiểu, ai cũng biết nó là cái gì, của ai – thì con vẫn ngờ ngợ, vì trong đó, vẫn có những linh mục, những giáo dân chẳng đặng đừng phải bước chân vào do hoàn cảnh.

Con vốn nhiều khi đã tự nhủ lòng mình, không nên nghĩ những điều không hay về các đấng bậc mình phải tôn kính, vì dù sao thì họ vẫn là những người thay mặt Đức Chúa Trời ở thế gian. Họ là những người thợ gặt được Chúa mời gọi và giao phó cho cánh đồng lúa phì nhiêu của mình.

Nhưng khi đọc bài trình bày của Cha “Về vụ Tòa Khâm sứ” trên báo “Công giáo và Dân tộc” thì những nghi ngờ của con hình như đã chiến thắng cái tính bảo thủ của con.

Con biết Cha là một người có nhiều học vấn, lại là một nhà nghiên cứu lịch sử, bài viết hay trình bày của Cha nói trên không thể là không hữu ý. Và một điều nữa, là chắc chắn Cha biết sự thật ở đó là thế nào, cũng vì vậy, chắc chắn Cha biết những điều Cha viết là không đúng tinh thần của Công lý và sự thật.

Đọc bài viết đó, con nghĩ rằng vai trò này là của một cán bộ tuyên truyền hạng xoàng thì đúng hơn, dù Cha đã viện dẫn nhiều những dữ liệu, nhiều tài liệu lịch sử nọ kia. Nhưng cái chính, ai cũng có thể đọc ra là bài viết dọn đường rửa mặt cho những hành động sai trái là chiếm đoạt tài sản Giáo hội mà Cha là người có trách nhiệm bảo vệ, vì chưa kể Cha là một linh mục, thì cũng là một tín hữu, một giáo dân.

Bài viết đã nêu nhiều dẫn chứng từ Tây cho đến ta, nhưng tựu trung lại là không nói đúng bản chất của sự việc, không trả lời được câu hỏi nhức nhối những con người đang đòi công lý: Cơ sở nào mà đất của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội lại được giao cho các cơ quan thiếu văn hóa kia quản lý, nhục mạ một Giáo hội trước một quãng thời gian mấy chục năm qua mà như Cha nói là “Chưa được đáp ứng”?

Cơ sở nào mà một khu đất, có tài sản đang là của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, không có một văn bản nào phù hợp pháp luật lại được ngang nhiên giao cho tổ chức, cá nhân làm nơi ăn chơi đàng điếm?

Cha đã không tìm cách trả lời câu hỏi đó một cách trung thực, mà trái lại, dùng những dữ kiện nào đó, văn bản luật pháp nào đó để bào chữa cho hành động chiếm đoạt vô căn cứ kia để làm gì?

Theo con, các văn bản, luật pháp nào đi nữa, thì trước hết cũng cần phải tôn trọng tiêu chí công bằng, công lý và sự thật. Có vậy, các văn bản, pháp luật đó mới có giá trị phục vụ đại đa số trong cộng đồng. Tất cả những văn bản, chỉ để phục vụ một nhóm người với mục đích thống trị và cướp đoạt, không dễ dược cộng đồng chấp nhận, nó chỉ có thể tồn tại khi được đi kèm súng đạn mà thôi.

Trong suốt bốn chục ngày đêm của một “Lễ hiện xuống” ở Hà Nội, giáo dân của Cha (?) dãi gió, dầm mưa, chịu rét mướt thấu xương cầu mong cho Công lý được thực hiện, cầu nguyện cho sự thật được sáng tỏ, bất chấp mọi sự đe dọa, hiểm nguy cận kề. Thì với vai trò của Tổng biên tập một tờ báo mang chức năng truyền thông, mang danh Công giáo, Cha vẫn đắp chăn ngủ kỹ, coi như việc đó Cha không cần quan tâm? Tờ báo do Cha là Tổng biên tập, nói đủ mọi loại trên trời dưới biển, ca ngợi đất nước, chính sách của Đảng và nhà nước, nhưng tịnh không có một chữ nào về vấn đề giáo dân đang nhức nhối?

Đến khi sự việc đã căng thẳng đẩy Nhà nước vào chỗ lúng túng tìm cách giải quyết vấn đề cho đỡ mất mặt, thì Cha lại với vai trò xung kích của một tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng, tìm cách mở con đường giữ thể diện bằng cách bày mưu gieo mầm bệnh “XIN – CHO” - một căn bệnh đã làm băng hoại pháp luật cũng như đạo đức đời sống xã hội Việt Nam hiện tại, đã cướp mất nhiều quyền con người của người dân - như lời Hồng Y J.B. Phạm Minh Mẫn đã có lần đề cập.

Cũng qua bài viết kia, Cha đã đưa những thông tin với cách nghĩ một chiều nói lấy được rằng: “Phật giáo Hải ngoại không đồng tình mà cho rằng Công giáo đem biểu tượng tôn giáo đi đòi đất vốn không phải của mình”? Quả thật, đó là một sự xuyên tạc ác ý mà Cha đã vô tình hay cố ý đặt ra.

Việc một số người nhân danh Phật tử Hải ngoại như ông Trần Chung Ngọc, một số người ở nhóm Giao điểm, luôn luôn chống phá Giáo hội điên cuồng bằng tất cả những sự xuyên tạc trắng trợn và bỉ ổi nhất không chỉ người Công giáo không thèm chấp, mà cả những người không Công giáo đã thấy rõ bản chất tay sai của họ. Đó là sản phẩm của ai, Chắc người học rộng biết nhiều như Cha đã rất hiểu. Không phải ngẫu nhiên, mà để đả kích các cá nhân, báo chí trong nước như tờ Nhân Dân đã nhiều lần trích dẫn chính cái ông Trần Chung Ngọc này làm gương mẫu.

Cũng có lần con hỏi linh mục Giám đốc VietCatholic tại sao có nhóm như Giao Điểm, những người như Trần Chung Ngọc hay Charlie Nguyễn, Trần Kha...... luôn luôn nhằm tấn công Giáo hội Công Giáo, họ đưa ra những luận điệu xuyên tạc mà không thấy giới Công giáo phản ứng gì, thì được linh mục Giám đốc trả lời: “Hơi đâu mà mất giờ đối thoại với những loại người chuyên môn xuyên tạc như vậy! Thà để giờ làm truyện gì ích lợi và tích cực hơn. Ai có đầu óc một chút đọc họ thì hiểu ra liền về những ngụy tạo của họ hoặc họ dùng những luận điệu cũ rích của các nhóm chống đối Giáo hội kinh niên từ xưa rồi, chứ có gì mới đâu!”

Thực ra, con cũng biết những người trong nhóm Giao Điểm đó không phải là những người đại diện cho Phật tử, mà tờ báo đó, cũng như tờ báo của Cha đang làm Tổng biên tập đấy thôi, có đại diện cho Công giáo đâu? Nói chung là đồng hạng, đều là công cụ đơn thuần trong tay của những kẻ thống trị. Nhà nước này đã tốn khá nhiều công của, để dựng nên được những tổ chức, giáo hội quốc doanh kiểu “đạo pháp và chủ nghĩa xã hội” “công giáo và dân tộc” thì việc tuyên truyền cho chính chủ là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, cũng cần nói lên rằng: Những kẻ đã dùng con bài Phật tử để chống lại Công giáo, gây nên sự hằn thù, rẽ tôn giáo là một sự ngu xuẩn không hơn không kém. Đó sẽ là một thảm họa của dân tộc, của đất nước nếu điều này được tận dụng. Đã có biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu trên đất nước này chỉ vì hệ tư tưởng, bao xương máu đã chất thành núi, đã chảy thành sông.

Nhưng cuộc xung đột về dân tộc, về tôn giáo thì hậu quả sẽ khôn lường. Trên thế giới, những cuộc xung đột dai dẳng đó đến nay, vẫn là những vấn đề khó giải quyết và đau thương nhất.

Nếu nói rằng, đất đó trước đây thuộc Phật giáo, nay họ đòi lại, vậy thì những vùng đất phía nam Tổ quốc này sẽ ra sao khi những người Chiêm Thành, Chân Lạp trước đây nhất tề đòi lại? Nếu cho rằng đất đai đó là của Phật giáo, thì làm sao Giáo hội Phật Giáo có thể xây dựng được một trường Đại học, những ngôi chùa hoành tráng, khi mà đất đai đó thuộc một sở hữu khác trước khi có Phật giáo đến đây? Và cũng chính vì vậy, con cháu đời Lý, Trần có thể đòi lại những vùng đất như Hội trường Ba đình, lăng Hồ Chí Minh vì đất đai này trước thuộc vương triều giòng giống họ?

Dù là những người dân ít học, người ta cũng thấy đó là những chuyện nực cười. Là người nghiên cứu lịch sử, chắc Cha phải nắm rõ những điều hiển nhiên đó?

Vấn đề chính người giáo dân và những người quan tâm cần nói lên là: Đất đai này, thuộc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đang là người sử dụng, bị Nhà nước chiếm đoạt vô cớ, không có tính pháp lý. Và nay, cả hai bên Giáo hội và Nhà nước cùng tồn tại và Giáo hội đang đòi lại. Đó là thực thi Công lý, công bằng trong một Nhà nước Pháp quyền. Vậy thôi.

Những sự việc vừa qua, đã làm cho những người quan tâm hiểu được cái Chính, cái Tà trong đó và vai trò của mỗi người trong Giáo hội. Tất cả những điều đó được thể hiện mạnh mẽ qua những sự kiện người tín hữu chứng tỏ lòng trung tín, chứng tỏ đức tin mạnh hơn cái chết. Thì cũng qua đó, người ta hiểu được sự hèn nhát vốn có của không chỉ nhiều người dân, mà ngay cả hàng ngũ những trí thức, không chỉ của tín hữu mà ngay cả những người trong hàng Linh mục, Giáo phẩm đã biết mà không dám nói, chỉ vì nỗi sợ hãi đè nặng từ bao đời truyền lại sau gần hai phần ba thế kỷ sống dưới chế độ Cộng sản.

Nhưng còn tệ hại hơn là những người tiếp nối cho những hành động trái lẽ công bằng và Công lý kia. Chưa nói đến là sau đó, lại còn có những suy nghĩ, những lời nói và hành động nói lên não trạng của những người ngoài cuộc, thậm chí đối lập và kết án họ.

Ngay từ khi bước vào Giáo hội, thì điều răn thứ 8 “Chớ làm chứng dối” đã được các giáo dân học thuộc lòng. Vậy con không hiểu việc đưa ra những điều không thật để hòng đè bẹp một sự thật có là lỗi điều răn này không thưa Cha?

Theo chúng con, đời sống linh mục là đời sống tận hiến tất cả cho Thiên Chúa với những suy nghĩ và hành động, với cả cuộc đời hiến dâng tự nguyện, vậy thì chúng con không hiểu được tại sao, lại vẫn có những linh mục chưa hết những bon chen, tham lam cái không thuộc về mình như chức tước, danh vọng và nhiều điều khác nữa?

Con nghĩ rằng, với một linh mục, cái cần nhất là hoàn thiện chính bản thân mình để mục đích là phục vụ tha nhân và xây dựng ngôi nhà Giáo hội ngày càng vững bền. Vậy nên con không hiểu tại sao, có những người vẫn ngang nhiên phục vụ những thế lực chống phá Giáo hội điên cuồng?

Mà những tấm gương của những kẻ làm tôi hai chủ kia, đã được những gì, cho họ và cho Giáo hội? Họ có đạo đức hơn trong đời sống cá nhân hay không? Có gương mẫu hơn trong những trách vụ của mình, hay dần dần, họ chỉ là những con bài trong cuộc chơi, chỉ là con dao của người đồ tể để lại những tấm gương xấu mà muôn đời không cách nào tẩy rửa?

Thiết nghĩ những câu hỏi đó, Cha là người có đủ dữ liệu để trả lời.

Theo con, người ta không trách anh Hàng thịt bẩn thỉu, không trách anh chàng Trương Ba hay đánh cờ, mà người ta cảm thấy nhầm lẫn khi hồn Trương Ba lại mang da anh Hàng thịt mà thôi.

Thưa Cha, quả là còn nhiều điều để nói. Nhưng thư đã quá dài, dù những điều thắc mắc thì chưa thể nào giải tỏa hết, con cũng dừng lại ở đây.

Kính chúc Cha luôn tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa, để giữ vững ơn kêu gọi của mình là nên Thánh, xây dựng một nước Thiên Chúa trên trần gian thông công và hiệp nhất, thánh thiện. Xứng đáng là một thợ gặt lành nghề được Thiên Chúa chọn và chúc phúc.

Xin Cha cầu nguyện nhiều cho chúng con, những tâm hồn tội lỗi.

Hà Nội, Ngày 22 tháng 2 năm 2008