Hạt Bụi ngày Thứ Tư Lễ Tro

Tình cờ tôi đọc được một bài thơ tiếng Anh của một tác giả vô danh có lời như sau:

"Sand and dust

Which grain of dust has been turned into my body

So as one day it has awaken and grown

Oh, the marvelous dust

The sun has shone on a vagabond life

Which grain of dust has been turned into my body

So as one day I go back to become dust again

Oh, the tired dust

Which noise has been made relentlessly

How many years have past since being condemned to be human

One evening the hair turns white as lime

Like dead leaves falling down on top of a thick jungle

After a hundred years would die one day

Which sun shines on my heart for my love to turn into stone

My face in my hands, despairing

Days and nights, waiting for good news

Which woodland tattered dead leaves from abyss hear massy stone call

Destiny of sand which ink stroke will erase my name

Which sand"


Bài thơ này hay quá ! Nói lên “một kiếp người” của một hạt bụi.

Và tôi càng cảm thấy bài thơ hay hơn, khi nhận ra đây chính là bài dịch sang tiếng Anh từ bài hát rất quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi vẫn thường nghe qua giọng ca nhừa nhựa, khàn khàn của ca sĩ Khánh Ly hát:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi

Để tình yêu xay mòn thành đá cuội

Xin úp mặt bùi ngùi

Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây

Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy

Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay...


1) Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Theo định nghĩa vật lý thì “ Bụi là tên chung cho các hạt chất rắn có đường kính nhỏ cỡ vài micromét đến nửa milimét ”. Nghĩa là nhỏ lắm ! Với mắt phàm xác thịt thì ta không thể nào ta nhìn thấy hạt bụi được. Cho dù bạn có đi cắt mắt bằng tia Laser, hoặc đi thẩm mỹ viện sửa mắt cho to thành hai ba mí cũng không thể nào thấy hạt bụi nhỏ li ti này được. Nhưng bạn sẽ "cảm thấy" rất rõ ràng nếu hạt bụi này vương trong mắt, nhất là mắt của... em.

Đối với con người, bụi là cái gì dơ bẩn, là biểu hiệu của hoang tàn và chết chóc. Trong nhà mà có nhiều bụi là nhà dơ bẩn. Bởi thế chúng ta mới có máy hút bụi, có khăn lau bụi, có chổi lông gà phẩy bụi. Bàn ghế lâu ngày không có ai đụng tới thì chắc chắn sẽ có đầy bụi. Ngoài đường xá xe cộ chạy đi chạy lại trên nhiều đất khô, làm bụi bay đầy. Các bạn sống ở những vùng đất đỏ như Long Khánh, Gia Kiệm cũng đã có kinh nghiệm thấy những ngày đầy gió bụi thật khó chịu. Những đứa trẻ mồ côi không gia đình, không người thân lang thang ngoài đường được người đời gán cho những tên khinh bỉ là đứa trẻ bụi đời. Ôi cát bụi phận này ! là thế.

Một thân xác chết khô lâu ngày sẽ tan biến thành bụi.

Tro là những gì còn xót lại sau khi vật bị lửa thiêu. Hạt tro cũng nhỏ li ti như hạt bụi. Nhiều dân tộc và tôn giáo ngày nay dùng lửa để hoả táng. Do đó hình ảnh tro bụi gắn liền với trạng thái của thân xác con người sau khi chết.

Theo nguyên lý bảo tồn năng lượng thì bụi luôn tồn tại mãi mãi trong không gian vũ trụ.

Những người Phật tử thì tin vào Tuần Hoàn qua ý nghĩa của bánh xe luân hồi. Đời sống con người sẽ được hoá kiếp. Nhạc sĩ TCS đã diễn tả rất khéo léo ý nghĩa này trong câu nhạc: " Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.” Hạt bụi này có tiền thân là cha mẹ, là anh chị em, là con khuyển trong nhà, hay cũng có thể đã là con chim chết rũ trong rừng sâu mấy mùa thu trước như nhà thơ Phạm Thiên Thư trong bài Nam Phương Tử có viết:

"Gã tiều phu nhặt lông chim khô

Hơi gió bay thành nắm bụi.

Cánh chim ngày xưa bay

Hoặc nắm bụi vàng bay

Hay cái bay vừa bay mất hút

Ta cầm nắm bụi vàng

Hay nắm bụi trong lòng nắm bụi
."

2) Ôi cát bụi tuyệt vời !

Nhưng là người Công Giáo, chúng ta tin là nếu hạt bụi có được hoá kiếp là nhờ tình thương của Thiên Chúa. Vì nếu không, muôn đời hạt bụi vẫn còn mãi mãi là hạt bụi.

Sách Sáng Thế Ký đoạn 2 câu 7 nói: Chúa đã dùng hạt bụi để tạo dựng con người:

Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. “ (St 2,7)

Con người sinh ra từ bụi đất nhưng con người không bằng bụi đất vì con người có hơi thở và hơi thở này là hơi thở Sự Sống của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Các muông thú động vật cũng có hơi thở nhưng sẽ chết đi và biến thành tro bụi. Con người khác xa các loài thụ tạo vì sự sống của con người đến từ Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống. Ngài là Sự Sống.

"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.“ (St 1,27)

Con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài nên con người cũng sẽ được như Ngài là sống bất diệt. Chứ không phải để chết như vạn vật.

Chính vì Tình yêu mà Thiên Chúa đã biến đổi thân phận của hạt bụi. Và hạt bụi đó được Thiên Chúa biến hoá thành con người giống hình ảnh Chúa để được sống và sống đời sống dồi dào trong tình Chúa yêu thương, trong sự thuận hòa với đồng loại.

Ôi cát bụi tuyệt vời !

Vâng, thật tuyệt vời, vì tôi đây đã xuất thân từ một hạt bụi, đã được Chúa yêu thương từ muôn đời và Chúa đã đưa tôi lên làm bạn thân thiết với Ngài.

"Bụi tro ôi thân con là bụi tro đâu đáng

Mà Chúa cao siêu ngập tầng trời

Đã khắc tên con vào lòng Người

Nên bạn tâm phúc từ đây

Giữa hàng khanh tướng quyền uy
." (Tình Yêu Thiên Chúa – Kim Long)

"Là hạt bụi không tên con vươn lên,

Con vươn lên làm vì sao

Đem ánh sáng của trời chiếu soi cuộc đời
." (Hạt Bụi Không Tên – Phanxicô )

Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo. Sau khi dựng nên vạn vật và con người Chúa rất là happy. Hạt bụi nào đó đã may mắn được Chúa chọn làm thành con người. Rồi Người thổi Thần Khí (Hơi Thở) của Chúa vào để con người có sự sống. Tiếng Do Thái chữ adamah (bụi đất) và chữ Adam (người đàn ông, con người) là hai chữ đồng âm. Các bản dịch ngoại ngữ khác không thể nào diễn tả được kiểu nói chơi chữ tài tình này của tác giả Kinh Thánh. Nếu không có Hơi Thở của Thiên Chúa, hạt bụi ngàn đời vẫn là hạt bụi; adamah không thể nào thành Adam được. Nhưng khi hạt bụi đó được thành người rồi thì con người đó cũng thánh thiện và tốt lành. Thánh Kinh đã ghi lại:

Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1, 31)

God looked at everything he had made, and he found it very good
.

3) Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Nhưng sau khi con người dùng sự tự do mà Thiên Chúa ban để đi nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa, thì con người đã từ chối sự Thánh Thiện và tốt lành mà Thiên Chúa ban. Con người đi vào hư vô, vào quãng "không". Có nghĩa là con người chìm đắm trong những sự không tốt lành, không thánh thiện, không yêu thương, không bền vững. Con người bị rơi vào vùng bóng tối, bị đoạ đày.

“Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3,19)

Làm kiếp con người là vậy ! “being condemned to be human” là vậy !

Cái sự đau khổ của con người chịu, càng đau khổ hơn vì con người đã được nếm mùi hạnh phúc, đã biết thế nào là được yêu. Cũng như khi bị tù đày mới khao khát những ngày được tự do; khi bị thất tình mới biết giá trị của những ngày có hạnh phúc.

4) Để tình yêu xay mòn thành đá cuội

Khi xa cội nguồn của Yêu Thương thì con người không còn biết thương yêu đồng loại nữa. Con người trở nên xấu xa, nên thù hận để mà giành nhau mà sống, để mà chiếm đoạt quyền lợi cho mình. Bởi thế mới có đau khổ, mới có chiến tranh, mới có tù đày.

Con người đã quên mình từ hạt bụi, mà còn muốn biến người khác thành bụi.

Năm 1945, quả bom nguyên tử “Little Boy” thả ở Hiroshima, cả một thành phố và 140,000 người biến thành bụi. Ngày 9 tháng 1, 2008 trong một phiên toà ở Dallas, nạn nhân là một phụ nữ rất sinh đẹp, có chồng là người bị người kia giết chết. Trong phần xử án bà đã làm chấn động cả toà khi bà cầm một bao nylon nhỏ trong đó có ít bụi tro tàn. Nhìn thẳng vào mặt bị can bà nói: ”Đây những gì còn xót lại là chồng tao. Ngươi đã biến người thương yêu của tao thành... tro bụi.”

Tình yêu của con người không còn tốt lành nữa, đã nên chai lì, đã biến thành đá cuội. Con người không còn biết thế nào là yêu thương nữa.

Vì con người đang sống như tro bụi và coi anh em đồng loại là bụi tro.

5) Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, vẫn không bỏ rơi con người. Ta còn nhớ đoạn kinh thánh ông Abram can thiệp cho thành Sôdôma. Ông có tài cù cưa mặc cả với Chúa, còn hơn ta đi mua xe ở đại lý nữa. Ông nại lý do là thân con chỉ là... tro bụi, xin Chúa tha cho anh em đồng loại "cả thành", để Thiên Chúa nghe mà sẽ mủi lòng.

Ông nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao ?" Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." (St 18,27-28)

Đọc kinh thánh ta thấy, đây không phải là một lần đầu, mà cả ngàn lần sau này con người cứ xin lỗi rồi phạm tội, cứ hứa hẹn rồi lại thất hứa với Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đầy tình thương, Ngài biết thừa con người thề hứa thế, mà không phải thế. Ngài đã biết tủ con người là hay xa ngã, hay phạm tội, hay ích kỷ, vẫn chứng nào vẫn tật ấy.

Nhưng vì tình Ngài quá yêu thương nên Ngài đã... mủi lòng. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn sai chính Con của Ngài đến giải thoát chúng ta, để toàn thể con người không còn phải trở về kiếp bụi nữa. Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta cùng được phục sinh vinh hiển với Ngài. Đó là giao ước của Ngài với con người, với điều kiện là con người biết trở về với Ngài và biết bác ái yêu thương nhau. Nhưng, cũng chỉ vì tôn trọng tự do của con người, Ngài cũng phải kiên nhẫn đợi chờ. Thiên Chúa như người cha già hằng ngày đợi chờ mỏi ngóng tin vui chúng ta trở lại với Chúa.

6) Xin úp mặt bùi ngùi

Thứ Tư Lễ Tro là bắt đầu Mùa Chay để con người có dịp nhớ lại mình mà làm hoà với Thiên Chúa. Rắc tro bụi trên đầu để nhắc nhở thân phận chóng qua mau tàn của con người ta ở đời này.

"Ôi thân phận của con người, tựa bông hoa nở tươi

Một làn gió nhẹ lung lay, cũng biến tan sắc mầu
." (Hỡi Người Hãy Nhớ Mình - Kim Long)

Người ơi hãy nhớ thân phận ta chỉ là cát bụi.

Giàu sang phú quý chẳng theo ta đến tận cõi đời.

Mong manh kiếp người tựa nụ hoa phai sắc cuối trời.

Một kiếp phù sinh cuốn thân ta theo dòng nước trôi
.” (Nắm Tro Tàn - Đinh Công Huỳnh)

Thương phận người, u mê như loài hoang thú xấu xé nhau

Đời chốn phù hoa có gì đâu, tan biến như cát bụi
.” (Phận Người - Ninh Doãn Hùng)

Nhiều khi quên thân mình tro bụi

Con người say tìm bóng phù du

Kìa xem, núi cao lên rồi mòn

Hoa tươi lên rồi tàn qua mau ngàn giấc mơ vàng
.” (Bụi Tro – Phanxicô)

Hạt bụi rắc trên đầu tôi, nhắc cho tôi biết là tôi đã đến từ tro bụi.

Hạt bụi rắc trên đầu tôi đây.

Ôi hạt bụi rắc trên đầu hạt bụi.

Hạt bụi rơi trên đầu hôm nay.

Ôi mai tôi là hạt bụi dưới mồ
.

1) Hạt bụi bay trong thời gian người đi kẻ ở bao lần.

Bông hoa sớm vừa nở đến chiều tàn phai.

......

6) Hạt bụi trông lên trời cao niềm tin bé nhỏ dâng trào.

Xin Cha giữ gìn mãi giữa đời bể dâu
.“ (Hạt Bụi - Phanxicô)

Dòng nhạc của nhạc sĩ Phanxicô lặp lại những chữ hạt bụi để nhấn mạnh số phận của hạt bụi và của con người ngang nhau. Cá mè một lứa mà !

Hạt bụi được rắc trên đầu của hạt bụi con người. "Kiếp hạt bụi" hay "kiếp con người" không có gì khác xa nếu cùng đứng trên bình diện vật lý. Thân xác con người rồi sau này cũng tan nát, cũng thành bụi. Nhưng con người hơn tất cả vạn vật khác, là con người còn có linh hồn. Linh hồn này chính là sự sống mà chính Thiên Chúa đã thổi vào hạt bụi khi Ngài tạo dựng con người. Có nghĩa là đời sống của con người sẽ thay đổi chứ không mất đi. Thân xác con người sẽ biến thành cát bụi, nhưng linh hồn của con người vẫn còn sống mãi.

"Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay

Đã qua bao ngày, trọn một kiếp này

Dù sống hay chết tin vào ngày mai

Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay. "

(Sự Sống Thay Đổi Mà Không Mất Đi
– Phanxicô )

Tưởng như vô tình mà Chúa đã chọn ta từ một hạt bụi để làm bạn thân thiết với Ngài ư ? Không, Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nhưng ta đã phản bội Ngài và ganh ghét đồng loại. Nhưng vì Ngài yêu thương chúng ta đến cùng, nên Ngài luôn "xí xóa" mọi lỗi lầm, mong muốn chúng ta hoán cải, từ "không" trở về "có", để chúng ta "có" hạnh phúc, để chúng ta "có" tình yêu của Thiên Chúa, để chúng ta "có" yêu thương đồng loại, "có" đời sống mãi mãi, như thuở ban đầu Chúa và con người mới... "quen nhau". Remember ! Ngài đã gọi ta là " bạn rất thân " very best friend cơ mà !

Nhờ Chúa Giêsu mà hạt bụi tôi đây, không còn phải trở về kiếp bụi nữa, mà tôi sẽ được phục sinh. Nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ được sống vinh hiển như Ngài. Chúng ta đã hơn vạn vật là Chúa đã cho chúng ta cùng trở về, lại được sống hoà thuận với mọi người trong nhà Chúa.

Với điều kiện là chúng ta có muốn trở về với Ngài hay không !

Do đó, Mùa chay càng phải là mùa chúng ta biết "úp mặt bùi ngùi", biết nhắc nhở mình là thân tro bụi, biết Chúa đã tha tội và đang mong muốn chúng ta trở về để ăn năn thống hối những lỗi lầm đã xúc phạm đến Chúa.

Khi nhận tro ngày thứ tư lễ tro, chúng ta sẽ được nghe một câu khác nhắc nhở: ” Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” ( Mc 1,15). Thái độ cúi đầu nhận tro là bước đầu để chúng ta tỏ lòng khiêm nhường, hạ mình nhìn nhận thân phận yếu hèn, rất cần tình thương và Ơn Cứu Độ của Chúa. Đó cũng là dấu hiệu tỏ ra chúng ta muốn trở về nhà với Ngài.

Nếu Thiên Chúa muốn ban ơn mà ta không muốn đón nhận, thì Ngài cũng không thể làm gì hơn, đành chịu ! "No can do !"

Tro bụi hôm nay sẽ luôn nhắc nhở ta là hãy luôn ăn năn sám hối, hãy luôn bỏ đường tội lỗi, hãy luôn sống thánh thiện, luôn yêu thương anh em (những-hạt-bụi-làm-người khác) để lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng về cùng Thiên Chúa, để được Phục Sinh vinh hiển, để được hạnh phúc với Ngài mãi mãi.

Hay ta lại vẫn còn lạnh lùng, vẫn dửng dưng, vẫn dùng sự tự do của mình để đi xa Chúa, nghĩa là vẫn muốn đi vào cõi hư vô, quên lãng như dòng nhạc của Trịnh Công Sơn đã kết:

"Destiny of sand which ink stroke will erase my name

Which sand


Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay
..."