Nhớ Xuân xưa, Bình thôn đất đỏ.

Mỗi lần Xuân về trên đất Mẹ Bình Giã, hay trong lòng người viễn xứ xa quê, có lẽ chẳng ai quên được những ngày tháng xa xưa, đón Tết với cảnh nghèo thanh đạm nơi vùng đất đỏ Bình Giã yêu dấu.

Ra rứa” mà Xuân cũng đến rồi!
Thế mình lại được một phen chơi.
Hết năm bác đó, bác Rồng ạ,
Đến lượt chú rồi, chú Rắn ơi!
Mấy đứa choai choai chơi pháo tịt,
Dăm thằng lớn lớn bận đồ phai.
Nàng Xuân e thẹn dừng chân ngọc,
Chẳng lẽ mừng Xuân lại kém vui
. (1977)

Những năm của thập niên Sáu mươi, Bảy mươi, con đường cái quan chạy suốt từ xã Ngãi Giao tới cổng xã Bình Giã đầu làng Một, qua trung tâm chợ làng Hai về tận cổng làng Ba cuối xã còn là con đường trải đá xanh, bụi đất phủ đầy cây cỏ hai bên. Con đường lớn này nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày chuẩn bị chợ Tết, và những ngày đầu năm thì lại càng nhộn nhịp bước chân đi mừng tuổi, chúc Tết, thăm viếng bà con. Trên con đường này, đã có biết bao tà áo mới mừng Xuân vướng bụi mù đất đỏ của Bình Giã.

Đường ngang dọc trong làng được trải bằng đá ong, loại đá mềm có thể mài mòn bể mục theo ngày tháng, làm cho đường bằng phẳng hơn và cũng sạch sẽ hơn nhờ sạn đá vụn ra, nhất là sau mấy trận mưa rào. Dịp Tết có người tưới nước phía trước đường nhà mình cho bớt bụi, bà con đi lại cũng thoải mái hơn.

Mùa Tết đến là những dịp vui trong làng xã, nói là vui có lẽ do không khí Tết trên quê hương ảnh hưởng đến trong lòng mỗi người, chứ ở Bình Giã thì cũng ít khi có hội hè gì trong những năm đó. Một xã nằm cách biệt các Thị trấn lớn như Bà Rịa, Vũng Tàu…quanh năm chỉ có cày bừa ruộng nương, bà con đón Xuân mặc dù hân hoan vui vẻ, nhưng cảnh nghèo thiếu thốn vẫn là hoàn cảnh chung hầu hết mọi gia đình. Trước 1975 mừng Giao thừa không có pháo, vài anh lính chiến vác súng M16 làm mấy băng đạn lên trời thay pháo mừng Xuân, nếu được là đạn lửa thì lại càng khoái chí!

Trẻ em mong Tết mới có dịp được Mẹ mua cho bộ đồ mới, đôi dép mới, và cũng chỉ trong dịp Tết mới có thể được một ít tiền lì xì để tuỳ nghi xử dụng cộng thêm được thoải mái ăn chút thịt mà thôi.

Tết đi Xuân đến cứ lòng vòng,
Bảy Sáu năm ni lại bác Rồng.
Nhà chẳng có chi ngoài sạp gạo,
Dĩa trơn bày cả giữa mâm đồng.
Cây nêu trước ngõ cong phần gốc,
Bánh pháo mừng Xuân tịt nửa phong.
Thôi thế sang năm lại túng nữa,
Trời sinh chi Tết héo luôn lòng
! (1976)

Hồi đó, bò heo trong làng nuôi nhiều để cày ruộng và cũng có thêm thu nhập sửa sang nhà cửa…, nhưng chẳng mấy khi được mổ thịt để ăn, chỉ có dịp đến Tết, cả xóm rủ nhau năm bảy nhà chung nhau làm thịt một con bò, một con heo để ăn Tết. Khoảng chừng ngày “Hâm Tám hay Hâm Chín” Tết là bà con mổ bò, mổ heo chia nhau.

Ngoài sự náo nức chuẩn bị Tết bằng công việc chẻ lạt tre, rọc lá chuối để làm bánh tét, bánh chưng trong từng gia đình, cảnh làm thịt bò, thịt heo chung nhau vào những ngày đón Tết mới thật là hào hứng vui vẻ. Buổi sáng hôm mổ bò, bà con tụ tập lại, cười nói vui vẻ trong khi chờ nhau đông đủ. Con bò được ngã giá chọn mua đã bị trói lại, ba bốn người dùng cả mấy cây dài để gài giữ chân khỏi nó quậy đạp, vài người giữ cái đầu, trong khi đó một người với con dao nhọn rất bén sắc đâm tiết, cái chậu hứng tiết cũng được một người cẩn thận giữ chặt kẻo bị bò quẫy đạp đổ ra.

Nhiều người thích uống ly rượu pha với máu vừa chảy ra còn nóng ấm, có lẽ ai cũng tin rằng uống được như thế thì bổ khoẻ lắm. Những người mổ bò kinh nghiệm, họ biết chọn dòng máu chảy ra là máu sạch gọi là “huyết đào”như thế mới đúng cách uống huyết bò pha rượu. Mà quả thực những người khoẻ mới có gan uống như thế, mà lại uống được nhiều nữa!

Sau khi chảy hết huyết, con bò đã chết, mọi người khiêng qua một chỗ khô ráo, thường là nền xi măng sau giếng nước, hoặc được chuẩn bị lót sẵn những tấm ván bìa gỗ, rồi trải bằng lá chuối sạch sẽ. Gần đó, một nồi nước sôi thật lớn đang sôi sùng sục, vài người cầm gáo dừa múc nước sôi đổ lên da mình con bò, nước sôi làm dễ dàng cạo sạch hết lớp lông bò. Khi lông đã cạo sạch sẽ, con bò được mổ bụng, cắt đầu, chân rời ra, bộ lòng được một nhóm người phụ trách đem đi làm riêng. Phần thịt, xương được chia ra tuỳ theo số người chung nhau. Cuối cùng mọi người sẽ rút thăm để lấy phần mình, trước khi ra về, bà con còn chia nhau mớ lòng làm sẵn đã nấu chín. Có khi ngồi lại làm vài xị rượu trắng với lòng bò. Lũ nhỏ đứng xớ rớ cũng được ăn ké những miếng lòng nóng sốt này.

Những gia đình khá hơn thì chung nhau thêm một con heo nữa, còn nếu không ra chợ Tết làng Hai mua vài ký, vậy là dịp Tết có đủ cả thịt bò, thịt heo. Con heo làm thịt cũng như con bò, bà con chia phần đầy đủ cả lòng, thịt. Riêng lũ nhỏ, có khi lãnh phần cái bong bóng đem nhồi tro làm sạch, lấy ống đu đủ thổi lên cũng tàm tạm đá banh được vài buổi.

Dịp Tết, làng xóm cũng được quét dọn sạch sẽ hơn, hồi đó chưa mấy ai quét vôi nhà, vì một phần lớn nhà còn phên tre, thưng tôn hay ván, nhà xây gạch chưa có bao nhiêu.

Ngày nay, Tết có thể có nhiều nhà không có bánh tét, nhưng những năm của thập niên Sáu mươi, Bảy mươi có thể nói nhà nào không có bánh tét, bánh chưng là không có Tết. Đây là món bánh ăn Tết truyền thống từ xa xưa của dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết bánh dày, bánh chưng…Mà phải nói bánh tét ăn kèm với thịt mỡ heo thật là ngon, hoặc là quệt chút mật đường cô đặc “rất chi là” đậm đà hương vị Tết! Có thể không có cành mai, dưa hấu…nhưng bánh tét, bánh tàu là hai món hầu như không thể thiếu trong những ngày đón Xuân thời bấy giờ ở Bình Giã.

Sáng Mồng Một Tết đi lễ, cả nhà thờ hầu như ai cũng xúng xính trong bộ quần áo mới, giày dép mới. Cả năm khó nhọc nơi ruộng đồng, chỉ ba ngày Tết mới có dịp áo quần thảnh thơi, thoải mái với chén rượu mừng Xuân. Tuy vậy, cũng không thiếu những người Tết nhất chẳng sắm sửa được gì, đành ngậm ngùi ngồi nhà lặng lẽ đón Tết!

Sáng ngày Mùng Một dậy chờ cơm,
Tết nhất cái chi cũng chẳng hơn.
Nằm đọc sách nhằm trang tích cổ,
Hát theo đàn lỗi nhịp cung ngang.
Ngoài đường trai gái tay tay nắm,
Cuối ngõ chàng nàng gói gói ôm.
Thiên hạ vui Xuân mừng có kể,
Rứa mà đây phỗng lại nằm suông
! (1976)

Những năm đó, Bình Giã còn thiếu thốn nghèo nàn hơn bây giờ nhiều. Có khi Tết, đám thanh niên rủ nhau thịt một con chó để nhậu, và chẳng có bia lon, bia hơi hay rượu mạnh gì cả, vài xị rượu trắng là đủ. Lắm khi những thứ xem ra rẻ tiền đó cũng không được dư giả gì! Cụng nhau ly rượu mừng Xuân chỉ cầu mong năm mới được an bình no ấm!

Mấy thằng vui Tết nhậu con cầy,
Chẳng lẽ Xuân sang mà “nỏ” say.
Trên dĩa nắm xôi, xôi sượng sống,
Dưới sàn xương chó, chó dành nhoày.
Con cầy ốm nhách mua trăm bạc,
Chai đế tong teo nốc một hơi.
Coi thế mà Xuân mừng cũng "phết",
Chắc là năm mới được nhiều may
! (1976)

Những năm của thập niên Sáu mươi, Bảy mươi, Bình Giã chưa được mấy cái tivi, có radio casset nghe nhạc là sang lắm rồi! Quán nhậu cũng chỉ có vài nơi, thanh niên ít có dịp giải trí bằng những phương tiện hiện đại như bây giờ. Ngoài những bàn cờ tướng, cờ domino, “lắc bầu cua”…của đám thanh niên và lũ nhóc, còn có bàn đánh bạc của người lớn nhiều khi thâu đêm suốt sáng trong những ngày Tết, và hậu quả chẳng vui vẻ gì cho nhiều gia đình!

Lắc bầu cua cũng là một hình thức cờ bạc, mặc dù ở mức độ ăn thua nhỏ. Mỗi lần nhà cái giở nắp lên, những tiếng reo hò mừng rỡ trúng “cửa” xen lẫn vài tiếng văng tục mất tiền. Cái vui của lắc bầu cua xem ra lấn át cái tác hại của nó, ai cũng có thể đặt tiền tham gia, từ nhỏ đến lớn và bàn lắc bầu cua ở khắp cùng ngõ hẻm. Có khi chỉ trong phút chốc tiền lì xì của ba ngày Tết không cánh mà bay!

Mùng Hai ai lắc bầu cua cá,
Mấy đứa ăn gian bị chọi đá.
Có kẻ dăm ba đồng đặt chơi,
Đôi thằng mấy chục bạc thua cả.
Ra con gà lại đặt cô cua,
Lúc trái bầu thì để chú cá.
Nhộn nhịp cười vui, thật quá vui!
Mừng Xuân cho trọn ai ơi, nhá!
(1975)

Cũng có những thanh niên nam nữ dịp Tết chẳng biết làm gì, đành ôm mấy cuốn truyện nghiền ngẫm cho qua Tết. Hay siêng năng hơn thì ôn bài luyện thi, hoặc viết vài dòng cho mớ bài tập bình giảng Việt văn…Có khi may mắn kiếm được một cành Mai vàng nở rộ đúng vào dịp Tết, đi ra đi vào nhìn thấy sướng con mắt thì coi như Tết trọn vẹn!

Tết đến thảnh thơi cứ dạo chơi,
Thôi thì nghiên bút một hai bài.
Cái vần, cái luật tìm tìm mãi,
Chữ đối, chữ niêm kiếm kiếm hoài.
Vui Tết loay hoay vẽ bút mực,
Mừng Xuân quanh quẩn uốn cành mai.
Làm thơ ăn Tết mà hay nhỉ,
Thiên hạ vui Xuân được mấy người
! (1976)

Trước 1975, thỉnh thoảng để chào đón năm mới các giáo xứ trong Bình Giã cũng tổ chức Văn nghệ “cây nhà lá vườn” để đón Xuân, và có năm cũng có Hội chợ để bà con vui chơi ba ngày Tết. Nhưng hồi đó, phương tiện thiếu thốn, lại thêm chiến tranh có khi cũng chẳng được yên bình để vui Xuân.

Khoảng đầu những năm Tám Mươi, dịp trước lễ Giáng sinh có nhiều đoàn hát ca nhạc từ tỉnh thành về trình diễn trong khuôn viên nhà thờ xứ Vinh Châu, nhất là “nghìn năm một thuở” mấy gánh hát cải lương về dựng rạp biểu diễn vài vở tuồng cổ như “Bên cầu dệt lụa”, “Bao Công xử án”…Bà con Bình Giã được dịp thấy tận mắt cảnh các nghệ sĩ nổi tiếng về trình diễn ở quê mình.

Theo thời gian, hoàn cảnh xã hội dễ dàng hơn, những Hội đoàn trong các Giáo xứ tổ chức Hội chợ mừng Xuân vào dịp Tết để gây quĩ xây dựng Giáo xứ. Bà con tha hồ vui chơi trong những ngày Tết nơi các gian hàng trò chơi, xổ số, rút thăm…Rồi thêm các chương trình Văn nghệ, ca nhạc, thi tuyển Hoa Hậu… Có lẽ các “Miss BinhGia” bây giờ vẫn còn hãnh diện về những kỷ niệm đẹp đó.

Bây giờ mấy mươi năm trôi qua, nhiều người phiêu bạt xa quê, lập nghiệp làm ăn nơi thành thị, hoặc một vùng xa nơi tỉnh lẻ hay bôn ba tận hải ngoại, nhưng dù ở đâu, mùa Xuân đến bà con vẫn canh cánh trong lòng về những nỗi thương nhớ quê nhà, vùng đất đỏ Bình Giã yêu dấu.

Nhớ về quê cũ những ngày xưa,
Khóm trúc nương cau, ngọn lá dừa,
Bên giòng sông nhỏ xuôi chèo mái,
Thoảng tiếng hò xa theo gió đưa.

Nhớ nắng vàng hanh những buổi chiều,
Đôi bờ ruộng lúa gió hiu hiu,
Dáng cô thôn nữ nghiêng vành nón,
Rảo bước trên đê tiếng sáo diều.

Nhớ đàn cò trắng giữa hoàng hôn,
Sải cánh giăng ngang tận cuối đồng,
Đó đây thấp thoáng sương mờ lối,
Ngọn lúa rì rào lúa mênh mông.

Nhớ về quê cũ nhớ Mẹ già,
Một sương hai nắng tháng ngày qua,
Trăng thanh gạo trắng đàn con nhỏ,
Lòng Mẹ bao la thật không bờ.

Nhớ về quê cũ mùa Xuân xưa,
Quây quần thân tộc đón Giao thừa,
Thơm hương rượu nếp quê đầm ấm,
Tình nghĩa quê nhà! Ôi! Thiết tha.

(Xuân Nhớ Quê 1997)