ĐỂ TÁI DỰNG ĐẤT NƯỚC : PHÁT HUY VÀ TẬN DỤNG 'TƯ DUY MÀU XANH LỤC' (Bài 2)

TÓM LƯỢC:

Phần Một: Tư Duy Màu Xanh Lục phản ánh định luật chuyển biến, có mặt một cách phổ quát trong mọi hiện tượng của Trời Đất, Vũ Trụ và Con Người, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây…

Phần Hai: Bảy động tác cơ bản thuộc loại Tư Duy Màu Xanh Lục còn được gọi là lưỡng cực và song hành:

- 1) Vận chuyển thường giữa hai hay nhiều thái cực,

- 2) Cố quyết sáng tạo những điểm gặp gỡ giữa những thực thể khác biệt hay đối nghịch, thay vì ôm ẵm những xu thế so sánh, cạnh tranh, chia rẽ, hận thù như: “tao hơn-mày thua, tao tốt-mày xấu, tao có lý-mày phi lý, mày ngụp lặn trong sai lạc-tao nắm toàn diện chân lý trong tay,

- 3) Lưu tâm một cách đặc biệt đến tầm nhìn toàn đồ, hay là coi trọng mọi tiếng nói “lớn và nhỏ”, cũng như “trên và dưới”, “xa và gần”, “xưa và nay”,

- 4) Khai thác những quan hệ chiều ngang, nhất là trong lãnh vực lãnh đạo, giáo dục…thay vì chỉ nhận biết và bênh vực quan hệ chiều dọc trên-dưới,

- 5) Tư Duy Màu Xanh Lục còn mang tên là “Bất Nhị”, nghĩa là chấp nhận một cách vô điều kiện “ trong bạn có tôi, trong tôi có bạn”. Nói cách khác, với Tư Duy nầy, chúng ta can đảm “cùng làm người với kẻ khác” và cố quyết tạo điều kiện thuận lợi, nhằm giúp “kẻ khác cũng có khả năng làm người như chúng ta, với chúng ta và ngang hàng chúng ta, về mặt giá trị”. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, người khác ấy đang còn có những tác phong rối loạn, trên bình diện làm người,

- 6) Vì Tư Duy Màu Xanh Lục coi trong mọi biến chuyển, vấn đề tạo ra những cơ cấu “chuyển tiếp” hay là vùng “trung gian” giữa hai cơ cấu khác biệt và thậm chí đối kháng, là một sinh hoạt không thể nào thiếu vắng, mỗi khi con người thực hiện những kế hoạch xây dựng bản thân và cuộc đời,

- 7) Trong Tư Duy Màu Xanh Lục, đường hướng quan trọng hơn nội dung hay là kết quả cụ thể và “trước mắt”. Cho nên trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, thái độ học hỏi, tìm hiểu, kính trọng, lắng nghe, cho phép họ trình bày và khẳng định mình… là những điều kiện thiết yếu. Đồng thời, khi tôi diễn tả ý kiến và lập trường của mình, tôi dùng sứ điệp “TÔI”, để đảm nhận tính chủ quan trong những lời tôi nói, cũng như trong tầm nhìn của tôi, thay vì nói thay, nói thế, cả vú lấp miệng em, hay là áp đặt cho kẻ khác quan điểm riêng tư của tôi. Nói khác đi, Tư Duy Màu Xanh Lục thiết lập một cách nhạy bén, cán cân thăng bằng giữa Nhận và Cho, Ưng Thuận và Từ Chối, Đưa Tin về mình và Đón Nhận những đóng góp của kẻ khác, bằng cách lắng nghe họ và lưu tâm đến con người của họ.




Trong bài chia sẻ trước đây –được đăng tải trên Mạng Thông Tin ngày 18-12-2007, tôi đã trình bày ba động tác Một, Hai và Ba thuộc Phần thứ II. Bài hôm nay đề cập đến bốn động tác còn lại.

Động Tác Bốn: Tư Duy Màu Xanh Lục, còn được gọi là Lưỡng Cực và Song Hành, coi trọng và khai thác chiều ngang, hơn là đề cao quá đáng chiều dọc trên-dưới, trong tất cả mọi cơ cấu tổ chức xã hội, cũng như trong lãnh vực quan hệ tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều giữa người với người.

Thể theo Phương Pháp Tâm Lý của Eric BERNE, mang tên là “Phân tích những thể thức trao đổi qua lại” (Transactional Analysis), mỗi người trong chúng ta là một phối hợp, bao gồm ba loại Nhân Vật khác nhau:

Thứ nhất là Cha Mẹ ( viết tắt là CM),

Thứ hai là người Đồng Hành hay Trưởng Thành (TT),

Thứ ba là Trẻ Em (TE).

Trong đa số trường hợp, thay vì soi sáng và hướng dẫn con cái một cách ý thức và sáng suốt, nhờ vào những kinh nghiệm và hiểu biết được thu góp trong suốt cuộc đời, nhân vật CM thường có xu thế và tập quán “làm cha chú”, hay làm “đấng bề trên”. Tập quán hay là phản ứng máy móc, tự động của nhân vật nầy là áp đặt từ ngoài. Chỉ huy, lèo lái từ trên. Phê bình và chỉ trích, hay là “vạch lá tìm sâu”, qui hướng tầm nhìn vào những vùng khiếm khuyết, những điểm tiêu cực, bỏ qua những cố gắng có tính tích cực của người đang thụ giáo. Trẻ em, con cái, người khác “ở dưới”, được cư xử và đãi ngộ như một đồ vật hay là đồ dùng, trong muôn ngàn đồ dùng thuộc tầm tay của mình. Nếu không thành tựu ý đồ độc tài của mình, nhân vật CM có thể thoái hóa thành TE, với những hành vi khóc la, bùng nổ, đập phá…

Nói một cách tóm gọn, bao lâu chúng ta chưa thành tựu công việc xây dựng những quan hệ và mạng lưới chiều ngang, trong đời sống giáo dục gia đình, cũng như trong các cơ cấu tổ chức xã hội, chúng ta vẫn còn làm con “dã tràng xe cát biển Đông”. Chầy kíp, mọi công trình mà chúng ta gọi là thành tích, thành công… chỉ là chiêng trống rùm beng, trò hề múa rối trong chốc lát.

Thay vì làm nhân vật CM, những cố gắng thăng tiến bản thân của chúng ta là trở thành nhân vật Trưởng Thành (TT) hay là Đồng Hành, chấp nhận vô điều kiện giá trị của người đối diện, có những giá trị và quyền lợi giống chúng ta, bất chấp vị trí của họ, trên bình diện vật chất, tuổi tác hay là phong thái xã hội. Với tư cách là nhân vật TT, tôi có trách nhiệm lắng nghe, tham khảo những người cùng làm việc với tôi hay là đang được tôi giáo dục, sáng soi, hướng dẫn. Quyền lợi phát biểu, diễn tả và khẳng định bản thân được đồng hóa với quyền lợi làm người.

Sau cùng, cho dù là ai, với chức vụ, vai trò xã hội và tuổi tác như thế nào, mỗi người trong chúng ĐANG còn là một nhân vật Trẻ Em (TE). Nhu cầu và yêu cầu cơ bản của nhân vật TE nầy bao gồm hai bộ mặt khác nhau:

Một là học tập, phát triển, tăng trưởng không ngừng cho đến lúc tắt thở.

Hai là sống hồn nhiên, hạnh phúc, sung sướng, yêu đời. Kinh nghiệm của cuộc sống đã và đang còn dạy tôi hôm nay, một bài học quí hóa: Khi tôi yêu thương và phục vụ một trẻ em bằng xương bằng thịt trước mặt và “ở ngoài” tôi, cho dù em ấy bị rối loạn và khuyết tật đến độ nào, tôi đang phục vụ nhân vật TE, có mặt “ở trong” tôi. Khi nhân vật ấy hạnh phúc và lớn lên mỗi ngày, chính toàn diện con người của tôi đạt đến những chiều kích làm người có giá trị cho mình và anh chị em hai bên cạnh, trong lòng Đất Nước và Nhân Loại.

Trái lại, khi còn ôm nặng những khổ đau chồng chất trong tâm hồn, tôi đang gặp nhiều trở ngại, trên con đường xây dựng bản thân và giáo dục kẻ khác, nhất là trẻ em hay là con cái của tôi. Nhân vật TE trong tôi và trẻ em khách quan, cụ thể bên ngoài có thể hà hơi, tiếp sức làm ô nhiễm cho nhau. Kết quả cuối cùng là mù dắt mù rơi xuống hố thẵm.

Động tác Năm: Tư Duy Màu Xanh Lục hay là Lưỡng Cực còn mang tên là Tư Duy Bất Nhị. Hẳn thực, có khả năng tư duy cho chính mình và phát huy tư duy cho người khác, những người nào biết khước từ cuộc sống ù lì, ứ động, bất động và bị động. Thay vào đó, họ thường xuyên sáng tạo những cơ cấu mới. Họ có khả năng khám phá và chuẩn bị những cơ cấu trừ bị.

Để thực hiện cộng việc nầy, tinh thần BẤT NHỊ là địa bàn hoạt động của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức một cách khiêm cung và sáng suốt: đi tìm một cái gì MỚI chưa hẳn là sẽ đương nhiên thâu đạt và gặt hái một mùa màng tốt hơn, đúng hơn, cao quí hơn. Nổ lực của chúng ta, khi đi tìm cái mới, trong địa bàn Tư Duy Màu Xanh Lục, là mỗi ngày khám phá một khuôn mặt của người anh chị em, đang còn thoát khỏi tầm nhìn của chúng ta.

Với loại Tư Duy nầy, chúng ta “đi du lịch”, để thấy, để nghe, để yêu, để cảm…một bộ mặt của người anh chị em chưa bao giờ quen thuộc, một tiếng nói vô thanh, một ngôn ngữ còn chưa phát ra thành lời. Chúng ta chia sẻ, đồng cảm những xúc động chưa được gọi tên, chưa được chuyển biến thành nhu cầu và yêu cầu rõ rệt.

Ngôn ngữ không lời ấy, nhất là nơi trẻ em tự kỷ và khuyết tật, đang còn là một tiếng khóc la, thét gào, giận dữ, bùng nổ…

Tuy nhiên, với tư cách là nhà giáo dục biết sống thức tỉnh, chúng ta sẵn sàng lắng nghe, đón nhận, nhất là cho phép trẻ em nói ra, diễn tả loại ngôn ngữ đầu tiên, nguyên thủy ấy (proto-conversation).

Trái lại, khi vì lý do kỷ luật, chúng ta ngăn chận, cấm đoán, ức chế, dồn nén ngôn ngữ ở giai đoạn nầy, chúng ta có thể làm cho trẻ em, con cái chúng ta, hoàn toàn cân nín và bế tắc. Ngôn ngữ “có lời” sẽ không bao giờ có cơ may xuất hiện, vì bị ức chế, chôn vùi trong các vùng sâu thăm thẵm của nội tâm và cuộc đời.

Trong lòng Đất Nước, bao nhiêu người anh chị em đã bị dồn nén vào vùng tuyệt vọng xa xưa và cổ đại ấy…cho nên làm sao họ có khả năng đóng góp tiếng nói của mình, vào công cuộc “dựng Nước và giữ Nước”, với chúng ta và giống như chúng ta?

Thêm vào đó, tinh thần Bất Nhị còn mang tên là Đại Lượng và Tha Thứ, hay là chấp nhận vô điều kiện thực trạng “trong bạn có tôi, trong tôi có bạn”. Nói cách khác, trong mọi tình huống xấu hay tốt, phải hay trái, bạn và tôi là những người Đồng Hành, Đồng Bào (sinh ra từ một cái trứng duy nhất trong lòng mẹ), từ đời Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. “Chất Người” vẫn luôn luôn vẹn toàn, tròn đầy trong chúng ta tất cả. Không một hành động nào, cho dù đó là một tội ác khủng khiếp, kinh hoàng, có thể làm hoen ố hay đánh mất chức phận làm người của mỗi người anh chị em của chúng ta.

Phải chăng mọi người sinh ra để Yêu Thương và Hạnh Phúc? Tội lỗi, hận thù, chém giết, đấu tố… chỉ là tiếng kêu cầu cứu tuyệt vọng S.O.S. của những người anh chị em cần yêu thương, khao khát được yêu thương, nhưng chưa một lần yêu thương và được một người khác dạy cho họ yêu thương thực sự và trọn vẹn.

Trong lăng kính vừa được đề xuất, THỨ THA là một điều kiện “tất yếu”, để chúng ta có thể trọn vẹn làm người. Cơ hồ chúng ta phải ăn, phải uống, phải thở, phải bài tiết…Trong tinh thần ấy, Thứ Tha là quyền lợi và trách nhiệm làm người. Hẳn thực, khi chúng ta tha thứ cho một người anh chị em đồng hương, đồng bào, chúng ta sẽ được người khác tha thứ.

Rốt cuộc, thể theo quan điểm của Tư Duy Bất Nhị và Lưỡng Cực, Nhận và Cho là hai bộ mặt của một thực tại duy nhất. Có thở vào, chúng ta mới có khả năng thở ra. Đó là định luật “CHUYỂN BIẾN” thường hằng của toàn thể vũ trụ. Nhờ biết Thứ Tha như vậy, chúng ta tức khắc, ngay bây giờ và ở đây, có khả năng hủy diệt vòng luân hồi đã và đang trói buộc hằng hằng thế hệ Sơn Tinh và Thủy Tinh, trong những con đường tranh chấp, xung đột, hận thù và bạo động, ở giữa lòng Đất Nước Việt Nam.

Chính vì tinh thần nầy đã “ăn đời ở kiếp” trong mỗi tế bào, chúng ta đang thao tác với nhau một loại quan hệ “tao hơn-mày thua, tao tốt-mày xấu, tao có lý-mày phi lý, tao yêu Nước-mày bán Nước”. Chúng ta tất cả đang còn là những Hồ Tinh, Mộc Tinh và Ngư Tinh… bằng cách nầy hay cách khác, ngày ngày chúng ta còn đàn áp, bốc lột và hành hạ người anh chị em, trên từng tất đất của Quê Hương, nhất là trong những lãnh vực như kinh tế, chính trị...

Động tác Sáu: Như trên đây tôi đã khẳng quyết: Vận Hành và Chuyển Biến là cơ bản của Tư Duy Màu Xanh Lục. Cho nên cấu trúc Chuyển Tiếp cần được coi trọng và khảo sát một cách đúng tầm, đến nơi đến chốn, trong tất cả mọi dự án và công cuộc của chúng ta.

Chuyển Tiếp bao gồm những phương tiện và cơ cấu trung gian khả dĩ tạo điều kiện thuận lợi, để chúng ta vận chuyển từ một cơ cấu thái cực quen thuộc này đến một cơ cấu thái cực khác còn xa lạ và đang còn nằm ở ngoài tầm nhìn và khả năng tiếp cận của chúng ta. Thiếu chuyển tiếp, những biến chuyển sẽ dễ dàng trở nên những biến động và biến loạn, tạo ra những đổ nát kinh hoàng và tang thương, trong tâm tưởng và đời sống tâm lý của mỗi người.

Trong lịch sử của Nước Nhà, bao nhiêu công trình không thành tựu, bởi vì chúng ta không lưu tâm đúng tầm, đến những cơ cấu chuyển tiếp, nghĩa là những giao điểm giữa tình trạng hiện hữu và tình trạng ước mong, dự phóng. Gần như trong mọi lãnh vực, chúng ta muốn đốt giai đoạn hay là thực hiện những bước nhảy vọt không tưởng. Cho nên, như Cha Ông chúng ta đã nhắc nhở, “trèo cao té nặng” là hệ quả đương nhiên của những chương trình và kế hoạch muốn chạy đua với thời gian, cũng như khinh thường những điều kiện cụ thể và thực tế của cuộc sống làm người.

Chính vì lý do nầy, tác giả L.S. Vygotsky, trong lãnh vực giáo dục và sư phạm, đã đề nghị phân biệt ba vùng hoàn toàn khác nhau, để giúp trẻ em từ từ đi lên từng bước, một cách thích thú và đầy tự tin.

Vùng thứ nhất mang tên là tự lực và tự lập. Trong vùng nầy, trẻ em đã biết mình cần phải làm gì, phải học thế nào, ở đâu, với ai, khi nào. Nếu giáo viên nhai đi nhai lại những giáo trình của mình trong vùng nầy, trẻ em sẽ dần dần mất hứng thú, nhàm chán và khinh thường việc học hành, vì không đem lại một luồng khí mới mẻ và hăng say.

Vùng thứ ba mang tên là vùng xa lạ, thoát khỏi mọi khả năng tiếp cận và thu nhận của trẻ em. Nếu bài học được tổ chức trong vùng nầy, trẻ em sẽ bỏ cuộc, mất tự tin và dần dần thoái hóa… cơ hồ một mình đi du lịch ở nước ngoài, mà không có bản đồ, không nói được một ngoại ngữ hay là không có một người thân dẫn đường. Du lịch trong những tình huống và điều kiện như vậy là một cực hình.

Vùng thứ hai là vùng trung gian hay là chuyển tiếp: Nhà sư phạm có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp đề nghị và hướng dẫn trẻ em làm việc trong một vùng ở giữa hai vùng trên đây. Vùng nầy bao gồm độ chừng hai phần ba những điều trẻ em đã biết làm và một phần ba những điều chưa biết làm.

Cách dạy dỗ của nhà sư phạm là giúp trẻ em biết phân biệt một cách có hệ thống ba công đoạn:

Thứ nhất là khởi điểm: Em bắt đầu từ chỗ nào?

Thứ hai là tận điểm: Em muốn đi đến đâu?

Thứ ba là từ từ đi tới, đi lên một cách có thứ tự và hệ thống, với những bậc thang như: 1, 2, 3…Nói khác đi, em đi qua những con đường nào?

Và khi trẻ em có hành vi tỏ ra em đang phân vân, lo ngại, lạc hướng, không làm được công việc đang phải làm ở một giai đoạn học tập, nhà sư phạm lúc bấy giờ cho phép hay là tạo điều kiện, để em có thể trở lui đằng sau hay là đi xuống với giai đoạn mà mình đã thu hóa và nhuần nhuyễn, để tìm lại lòng tự tin và khả tự lập cũng như tự lực của mình.

Trong lòng Đất Nước, nếu bất kỳ nguời cha mẹ nào, trước khi lập gia đình, cũng đều được dạy dỗ về cách nuôi dạy con cái như vậy, mai ngày, Quê Hương sẽ có những thế hệ trẻ ngang tầm với Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…biết xây dựng Non Sông và yêu mến anh chị em đồng bào, một cách thực sự và hữu hiệu.

Động tác Bảy: Trong loại Tư Duy Lưỡng Cực hay là Màu Xanh Lá Cây, cơ cấu hay là đường hướng có giá trị quan trọng hơn Nội Dung. Nói khác đi, “Cách Làm” quan trọng hơn “Điều Làm”. Thêm vào đó, chất lượng của Nội Dung quan trọng hơn nguồn gốc xuất xứ của người làm.

Trái ngược lạị, trong loại tư duy duy lý, chủ quyền của tác giả đóng vai trò hoàn toàn quyết định. Giá trị của Tư Duy tùy thuộc địa vị, danh tánh, tiếng tăm của người phát biểu. Thể theo quan điểm nầy,, chân lý chỉ là sở hữu của giai cấp thống trị. Chỉ những bậc “làm cha chú” mới có quyền ăn nói. Đám đông còn lại chỉ có khả năng duy nhất là “dạ dạ, vâng vâng”.

Trái lại, theo tầm nhìn của Tư Duy Lưỡng Cực, mỗi người, cho dù là ai, với chức vụ và quyền uy đến đâu chăng nữa…cũng chỉ có khả năng dung nạp một mảnh nhỏ chân lý. Để khám phá chân lý toàn diện, trái lại, chúng ta phải làm công việc góp nhặt từ nhiều phương, nhiều hướng, nhiều người…Chân lý chỉ xuất hiện hay là thành hình, khi nào một nhóm người có khả năng đồng hành và qui tụ lại với nhau. Lắng nghe nhau. Cùng nhau trao đổi, chia sẻ chiếc bánh số phận làm người. Lúc bấy giờ, mỗi người là một hạt nước nhỏ bé. Nhưng nhiều hạt nước, khi có khả năng họp lại với nhau như vậy, sẽ dần dần trở thành con suối, dòng sông, và cuối cùng làm Biển Cả bao la và trọng đại.

***

KẾT LUẬN:

Nhằm Kết thúc bài chia sẻ nầy về Tư Duy Màu Xanh Lục, cần được khai thác và tận dụng trong chiều hướng xây dựng Đất Nước, tôi xin phép ghi lại ở đây một bài thơ của một tác giả vô danh, với tựa đề “Xin cho tôi”…

Từ “Em” trong bài thơ, được tôi thuyên giải là thế hệ giới trẻ đến sau tôi, với tuổi đời từ 70 trở xuống, đang có nhã ý lắng nghe và tham khảo tiếng kêu trầm thống của tôi, trong nhiều cơ hội gặp gỡ.

Xin cho tôi biết yêu em, mặn nồng mà không ép buộc em phải bám víu và lệ thuộc,

Xin cho tôi biết biết khen em, mà không có ý đồ trục lợi, mua chuộc,

Xin cho tôi biết kề tay sát cánh với em, nhưng không nuôi ẵm ý đồ chiếm đoạt,

Xin cho tôi biết mời gọi em đồng hành, trên những nẻo đường của Quê Hương, nhưng không bao giờ cưu mang những toan tính ức chế, dọa nạt…

Xin cho tôi biết đóng góp cho em những nhận xét xây dựng chân tình,

Nhưng không để lại trong lòng em những mặc cảm tội lỗi u minh,

Xin cho tôi biết sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ và sáng soi em, khi cần thiết, trên những chặng đường xuôi ngược,

Nhưng không bao giờ biến em thành con người lệ thuộc, bị động, khiếp đảm và nhu nhược,

Xin cho tôi muốn đóng góp phần mình…để giúp em làm con người trưởng thành, biết ý thức đến trách nhiệm,

Nhưng tôi cũng xin em hãy can đảm dạy lại cho tôi “bài học thức tỉnh”, biết ngừng tay, không cố tình làm em bị thoái hóa và ô nhiễm…

Orsonnens, Fribourg - ngày 24 tháng 12, năm 2007