Chúa Nhật II Mùa Vọng, A

Vỏ trấu và hạt lúa mì !


(Mt 3,1-12)

Hôm nay, một hình ảnh khẩn thiết được trình bày một cách sống động trước mắt chúng ta. Người ta tách vỏ trấu ra khỏi hạt lúa mì bằng cách dùng một chiếc máy tung cả hai lên cao trước một ngọn gió đang thổi, những hạt lúa sẽ rơi xuống những chiếc thúng được đặt sẵn ở phía dưới, trong khi đó toàn bộ vỏ trấu và các thứ rơm rạ bụi bặm sẽ bị gió thổi cuốn bay đi. Vâng, những gì có giá trị thì nằm ở lại, còn những gì vô dụng thì bị gió cuốn trôi đi. Ngọn gió quyết định và tách biệt giữa những hạt lúa tốt và những rác rưởi.

Ðó là cả một hình ảnh đầy ấn tượng và khẩn thiết ! Khẩn thiết đến nỗi người ta sợ rằng những ý nghĩa quan trọng của nó có thể bị mai một đi chăng ! Một điều có thể gây cho chúng ta một cảm giác bất an khi chúng ta cảm nhận được rằng hình ảnh đó muốn ám chỉ cuộc sống của mỗi người chúng ta và câu hỏi được đặt ra ở đây là cuộc sống chúng ta được so sánh với vỏ trấu hay với hạt lúa tốt ! Giữa hạt lúa mì và vỏ trấu thì một thứ có thể tiếp tục tồn tại, còn thứ kia thì không !

Hình ảnh cụ thể trên giúp chúng ta suy tư và nhìn lại chính cuộc sống của mình : Nếu tôi phải đứng trước ngọn gió đang thổi mạnh của Chúa Thánh Thần thì những gì trong đời tôi sẽ còn nằm sót lại ? Ðâu là « hạt lúa mì» của cuộc đời tôi để có thể tồn tại trước án quyết của Thiên Chúa ? Và sau cùng, những gì trong cuộc sống của tôi được coi như những vỏ trấu vô dụng bị gió thổi và cuốn trôi đi như những rác rưởi và chỉ còn đáng quẳng vào lửa mà thiêu đốt đi ?

Những suy tư trên đượm màu sắc nhắc bảo và cảnh cáo một cách nghiêm chỉnh ! Bởi vậy, bằng mọi giá, tôi phải ăn năn hối cải và quay trở lại với Thiên Chúa là chân thiện mỹ tuyệt đối, là nguồn sống vô biên và là cứu cánh đời tôi. Tuy nhiên, theo tâm lý, không một ai trong chúng ta muốn làm bất cứ một điều gì vì bất đắc dĩ hay vì bị cưỡng ép. Nếu một ai đó nói cho tôi hay là tôi đã sống không đúng và nhất thiết tôi phải cải thiện và sửa đổi lại chính mình, tự nhiên một cảm giác bất đồng và phản đối bừng lên trong tôi. Và đó là điều hợp lý, vì nó nói lên tôi là một nhân vị độc lập và có tự do. Vâng, mỗi người trong chúng ta – đàn ông cũng như đàn bà - phải biết rõ là mình phải làm tốt và sống tốt đời mình như thế nào !

Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau bình tĩnh nhìn kỹ lại hình ảnh «vỏ trấu và hạt lúa mì». Tôi nghĩ rằng đàng sau sự cảnh cáo là lời mời gọi đi khám phá ra một sự nhắn nhủ và hướng dẫn đầy tâm tình yêu thương : Chúng ta phải làm thế nào để đời mình có thể trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn !

Trước hết, vỏ trấu : Nó không thuộc về hoa màu, nó chỉ là thứ vỏ bao phủ hạt gạo bên trong. Vì thế nó cũng cần thiết để hạt gạo bên trong có thể phát triển, lớn lên và chín mùi. Ý nghĩa được áp dụng vào con người : Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng ở đây muốn đề cập tới những đòi hỏi và yêu sách. Vâng, những đòi hỏi mà chúng ta tự đặt ra cho mình hay người khác đặt ra cho chúng ta và chúng ta chấp nhận là chúng ta phải làm theo ý họ. Tuy nhiên, những yêu sách và đòi hỏi đó không đụng chạm trực tiếp vào cốt lõi cuộc sống chúng ta. Chắc hẳn chúng ta đều trải qua kinh nhgiệm là nhiều khi chúng ta khệng khạng chạy theo những đòi hỏi : Anh phải làm cho xong việc này hay anh phải giải quyết gấp chuyện kia, v.v… Ðối với tôi là cả một điều khủng khiếp : trong khi soạn sửa dọn mừng lễ Giáng Sinh mà phải điên đầu vì bao nhiêu chuyện dồn dập, chồng chất hết chuyện này đến chuyện kia : nào là tất tưởi chạy hết cửa hàng này đến cửa hàng kia để chọn mua các thứ quà tặng, nào còn lo phải mua cho được thứ bánh này bánh nọ hay thứ rượu này thứ rượu kia, nào còn bao thư thiếp mừng Giáng Sinh phải viết cho xong chiều nay để gửi cho kịp, v.v… tất cả đã biến những tuần lễ Mùa Vọng trở thành những tuần lễ rộn ràng và vất vả nhất trong năm !

Nhưng thực ra, tất cả những lo lắng đó chỉ thuộc loại thứ yếu. Ðiều quan trọng và chủ yếu ở đây phải là tình trạng tâm hồn chúng ta : An vui, thanh thản, hoan lạc, tin yêu và phó thác ! Vì thế, lời mời gọi hãy ăn năn và hoán cải cuộc sống nhắm tới việc khích lệ và động viên chúng ta phải giải thoát đời mình khỏi những bận tâm và đòi hỏi như thế hay những đòi hỏi tương tự khác. Bởi vì, có nhiều việc chúng ta phải làm và muốn làm, không hề có liên quan đến trọng tâm của cuộc sống chúng ta, nhưng chỉ là những việc thứ yếu và phụ thuộc mà thôi. Có những hoạt động hay những sự việc thoạt nhìn qua tưởng là có giá trị, nhưng khi quan sát và kiểm kê lại kỹ càng thì chỉ là những việc vô ý nghĩa, không đáng quan tâm.

Nhưng việc nhằm tới vấn đề trọng điểm của cuộc sống, có nghĩa là lên đường trở về với nội tâm lòng mình. Vì thế, thái độ ăn năn hối cải chân thành phải được hiểu là phải thực sự quay trở về với lòng mình, với đời sống nội tâm của mình. Cảnh vật thiên nhiên trong mùa đông cũng có thể giúp chúng ta bắt kịp và hiểu rõ được ý nghĩa đó dễ dàng hơn : Cây cối và cỏ hoa rụng hết chiếc lá cuối cùng và thu rút sức sống vào trong chính mình, cuộc sống xem ra như hoàn toàn ngừng phô trương ra bên ngoài để chỉ lưu thông trong chính mình. Cũng thế, đối với con người chúng ta cũng là một điều hữu ích và hợp lý khi chúng ta tìm về nội tâm mình, tìm lại sự an bình thanh thản trong tâm hồn. Khí hậu giá lạnh bên ngoài và những buổi chiều mùa đông dài mời gọi chúng ta hãy để lắng đọng lại những ồn ào của nghề nghiệp trước cửa lòng mình, dĩ nhiên không phải để dẹp bỏ, nhưng là :

• để chúng ta có chút thời giờ rảnh rỗi để suy tư,

• để tạm dừng lại mọi đòi hỏi và mọi lo toan của cuộc sống, hầu có thể trở về với chính mình,

• để có thể tìm gặp được một nơi chỉ có một mình mình tôi, một nơi thực sự chỉ riêng một mình tôi với tôi mà thôi.

Có rất nhiều cách thế để bắt đầu con đường trở về với chính mình. Chẳng hạn : viết thư! Các bạn hãy cố gắng tìm cho mình chút giờ rảnh để có thể yên tĩnh viết thư cho một người thân quen nào đó : Hãy kể cho họ nghe hiện các bạn đang sống thế nào, điều gì đang làm các bạn vui, các bạn đang gặp khó khăn nào, đối với các bạn điều gì đặc biệt quan trọng nhất trong cuộc sống, v.v… Ðàng khác, tôi cũng nghĩ rằng còn có một vài cách thế khác cũng rất quan trọng, có thể giúp chúng ta thực sự trở về với chính mình, như đi gặp gỡ một vị linh hướng để bàn hỏi về tình trạng nội tâm mình hay để xưng tội, hoặc trong những lúc rảnh rỗi cố gắng đi viếng nhà thờ trong giây lát, chỉ đơn giản là để tìm lại cho tâm hồn mình chút thư thái yên tĩnh và để cầu nguyện.

Chắc chắn rằng, con đường trở về với nội tâm của lòng mình không phải luôn luôn là con đường dễ dãi, ai cũng bước đi được. Bởi vì, khi đi trên con đường đó, chúng ta sẽ luôn luôn phải chạm trán với chính sự bất ổn của lòng mình, một sự bất ổn mà bình thường rất được ngụy biện che đậy, mà lý do thường là : còn phải làm điều này điều nọ quan trọng hơn. Ðể có thể tự chủ được trước sự bất ổn của chính mình, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn. Người ta không có thể dễ dàng đi thẳng vào nguyên nhân của sự bất ổn đó, trái lại tốt nhất là chấp nhận chính cái nguyên nhân đó. Cũng tương tự như nơi sự chín vàng của hạt lúa mì : Ðể có thể loại bỏ được vỏ trấu từng bảo vệ và bao bọc hạt gạo, cần phải kiên nhẫn tạm chấp nhận cái vỏ trấu kia, hầu hạt gạo bên trong có đủ thời gian phát triển và tới hồi chín vàng.

Trong việc cảm nhận được điều chính yếu của cuộc sống chúng ta : Ai bỏ quên điều đó và chỉ chạy lo từ trách nhiệm này đến bổn phận nọ, thì tự cắt đứt giòng nước mát đang tuôn chảy về mình. Hoặc như hình ảnh được bài Tin Mừng hôm nay nói đến : Chính người đó đã tự đặt cái rìu dưới gốc cây của đời mình. Một đàng, không gì có thể làm giảm thiểu được tính chất nghiêm trọng của bài thuyết giáo của Gioan Tẩy Giả. Nhưng đàng khác, theo ý nghĩa của bài thuyết giáo thì ai ăn năn hối cải và tiếp tục hành trình trên con đường trở về với chính mình, người đó cũng có thể dọn đường cho Ðức Chúa, sửa soạn đường cho Người trong chính cuộc đời mình.

«Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến!»> Nhưng Nước Trời sẽ không thể đến gần bất cứ một nơi nào khác hơn là chính nội tâm và chính trọng tâm cuộc đời chúng ta !