Ý nghĩa việc tôn phong hồng y cho thượng phụ giáo hội Canđê

Vatican (CNS) – Khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặt chiếc mũ đỏ lên đầu Hồng Y Emmanuel-Karim Delly thuộc giáo phận Baghdad trong nghị hội hồng y ngày 24 tháng 11 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngài không chỉ tôn vinh một thượng phụ của giáo hội Canđê nhưng còn đề cao cảnh ngộ đau thương của người Kitô hữu Iraq nhằm làm cho cả thế giới quan tâm.

Trong cuộc họp báo hôm 23 tháng 11 sau khi dự phiên họp với Đức Thánh Cha và các hồng y cũng như những hồng y sắp được tấn phong, vị thượng phụ này nói với các ký giả như sau: Đức Thánh Cha nói với tôi rằng ngài hy vọng cử chỉ này sẽ là dấu hiệu hòa giải không chỉ trong phạm vi dân chúng mà còn đặc biệt giữa những người Sunnis, Shiites và người Kitô hữu, bởi vì đất nước Iraq là một quốc gia thân thương của ngài.

Tại công nghị hồng y ngày 24 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói trong bài giảng rằng việc đề cao nhà lãnh đạo giáo hội Canđê “là một cách thức cụ thể bày tỏ sự gần gũi tinh thần và tình thuơng mến của tôi đối với những người thiểu số theo Kitô giáo tại Iraq. Họ đang gánh chịu nơi thịt da mình những hậu quả đau thương của một cuộc xung đột lâu dài và nay phải sống trong tình trạng chính trị thật tế nhị và mong manh.”

Trong số hàng ngàn người hành hương đứng chen chúc trong vương cung thánh đường, có những người công giáo thuộc giáo hội Canđê đến từ Iraq, Syria, Jordan, Hoa kỳ và Âu châu. Người không vào tham dự nghi lễ trong đại thánh đường được thì đứng ngoài công trường thánh Phêrô. Có một nhóm đông người vẫy hai lá cờ Iraq rất lớn, không có chữ Arập, vui mừng hò reo lớn tiếng khi Đức Thánh Cha xướng tên vị thượng phụ của họ.

Lm Basel Yaldo thuộc giáo hội Canđê, 37 tuổi, là một trong số người đến Roma để tham dự lể tấn phong vị thượng phụ của mình. Tháng 9 năm 2006, cha bị bắt cóc 3 ngày, ngay sau khi Đức Thánh Cha đọc bài diễn văn về hồi giáo tại Regensburg nước Đức gây tranh luận và làm tức giận một phần thế giới hồi giáo. Vì có đe dọa trầm trọng đến sinh mạng nên cha được chuyển từ Baghdad về một giáo xứ ở Michigan.

Theo lời của một doanh nhân tại Southfield (Michigan) là Jerry Yono thì cha Yaldo đã bị những người bắt giữ đánh đập tàn nhẫn đến nỗi phải bước lặc liễng trong một thời gian dài, mãi đến nay mới đi đứng được bình thường.

Phát biểu với thông tấn xã CNS hôm 23 tháng 11 qua một thông dịch viên, cha Yaldo cho biết ngài không bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, nhưng những người bắt cha đòi một số điều kiện. Một trong những điều kiện đó là nói với thượng phụ Delly bảo mọi người theo Kitô giáo phải đi ra khỏi Iraq.

Cha Yaldo cho biết sinh mạng của cha cũng như của những người trong gia đình bị đe dọa, và trở về Iraq lúc này còn quá nguy hiểm mặc dù gia đình cha vẫn còn ở đó. Cha nói: Họ không có phương tiện để ra đi, không xin được chiếu khán, mà nếu bỏ đi thì nhà cửa sẽ bị những người hồi giáo tịch thu.

Đức Hồng y Delly nói rằng ngài sẽ ở Iraq và tiếp tục thăm dò các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo để cùng nhau hoạt động cho hòa bình và tăng cường an ninh cho xứ sở.

Ngài nói rằng lúc này trong cương vị hồng y khi ngài ra ngoại quốc ngài sẽ cố thuyết phục những người đã rời bỏ Iraq nên quay về để cùng nhau xây dựng Iraq.

Tuy nhiên, theo lời ông Joseph T. Kassab, giám đốc điều hành Tổ chức người Công giáo Canđê tại Hoa kỳ, trụ sở đặt tại Farming Hills (Michigan), thì một số người Iraq đã bỏ nước ra đi không có ý định quay về. Ông cho thông tấn xã CNS tại Roma biết: Họ có quá nhiều kỷ niệm đau thương, họ không còn tiền bạc, nhà cửa đã bị tịch thu. Cả một vùng lân cận vắng bóng người Kitô hữu. Thật là một cuộc thanh trừng sắc tộc.

Kassab cho biết tình hình tại Basra quá nguy hiểm đến độ Đức Thánh Cha phải thuyên chuyển anh của ông là tổng giám mục giáo hội Canđê tên Djibrail Kassab tới Úc châu, lãnh đạo giáo phận thánh Tôma Tông đồ ở Sydney.

Đức Hồng y Delly nói rằng thủ tướng, tổng thống và quốc hội nước Iraq đều gửi phái đoàn đến công nghị hội. Các đại diện chính trị gồm có thành viên của Hội đồng Tối cao Hồi giáo Iraq là một trong những đảng phái chính trị lớn và mạnh nhất tại Iraq được người Shiites ủng hộ, và các phái viên thuộc chính quyền Kurdish địa phương.

Ngài nói rằng những tín hữu hồi giáo Sunni và Shiite, người Kurds, người Kitô giáo, tôn giáo khác và các đại diện sắc tộc tới tham dự là để chứng tỏ là chính quyền Iraq ao ước rằng “chúng ta vẫn còn là một nước Iraq thống nhất, và riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục phục vụ (đất nước tôi) bằng tất cả sức lực cho đến giọt máu cuối cùng.”

Phái đoàn 20 người của chính phủ do bà bộ trưởng nhân quyền Wijdan Mikhail Salim cầm đầu. Bà là người Công giáo giáo hội Canđê. Bà nói rằng bà hy vọng việc phong chức hồng y cho thượng phụ Delly “sẽ là điều tốt đẹp cho cả nước Iraq.” Bà cho thông tấn xã CNS biết rằng chính phủ của bà “không muốn người Kitô giáo phải bỏ nước ra đi, mà muốn tất cả các nhóm đều sống chung hài hòa. Chính phủ đang cố gắng cải tiến an ninh cho toàn thể dân chúng.”

Bà nói chính phủ muốn cảm ơn Đức Thánh Cha đã làm cho thế giới chú ý tới Iraq qua việc tôn phong hồng y Delly. Theo lời bà, giáo hội Công giáo đã luôn luôn nhắc nhở cho mọi người biết rằng nước Iraq cần được giúp đỡ. Bà khen ngợi nỗ lực đó bởi vì “nó yểm trợ mọi thành phần dân chúng Iraq, không chỉ riêng người theo Kitô giáo.”

Mặc dầu các nhà thờ, đền miếu và các lãnh tụ tôn giáo thường là mục tiêu đặt bom và bắt cóc nhưng bà nói rằng cuộc xung đột tại Iraq không phải là cuộc nội chiến tôn giáo, mà các tội phạm, những tên khủng bố và các nhóm khác núp sau các biểu tượng tôn giáo nhằm thực hiện một số “mục tiêu chính trị”.