Một số nhận định của Đức Cha Giorgio Bertin, Giám quản tông tòa Mogadiscio về tình hình tuyệt vọng của dân chúng Somalia

Ngày 20-11-2007, 6 tổ chức phi chính quyền do hiệp hội ”Italia trợ giúp” phối hợp, đã báo động tình trạng khủng hoảng thê thảm của dân nước Somalia. Hiệp hội này đã hoạt động tại Somalia từ nhiều năm nay và bao gồm khoảng 10 nhân viên người Italia và vài trăm cộng sự viên người Somalia.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ông Nino Sergi, một trong những người phát động chiến dịch trợ giúp của các tổ chức phi chính quyền nói trên, cho biết chiến tranh và tình trạng bất ổn chính trị tại Somalia đã khiến cho 250 ngàn người phải trốn chạy khỏi thủ đô Mogadiscio. Nhiều người phải sống ngoài trời, dưới các gốc cây trong tình trạng vô cùng khốn khổ, vì bây giờ vẫn còn đang là cuối mùa mưa. Điều khiến cho ông Nino buồn nhất: đó là tình trạng sống tuyệt vọng của người dân Somalia bị thế giới truyền thông Italia và quốc tế lãng quên, mặc dù tình trạng của họ cũng thê thảm hay đôi khi còn thê thảm hơn tình trạng của người tị nạn Darfur bên Sudan. Ông Nino cầu mong xã hội Italia, đặc biệt là giới truyền thông biết tới tình trạng sống khốn khổ này để thông tin tức rộng rãi và huy động tình liên đới và sự trợ giúp của mọi người đối với Somalia nói riêng và các nước Phi châu nói chung. Ông cũng kêu gọi giới chức chính trị Italia và Âu châu chú ý hơn tới tình hình của các nước Phi châu và tìm cách trợ giúp các quốc gia này, đặc biệt các nước trước đây đã hiện diện tại Somalia như là thuộc địa.

Ngỏ lời với hơn 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21 tháng 11 vừa qua, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã kêu gọi trợ giúp nhân dân Somalia. Đức Thánh Cha nói: ”Người ta nhận được các tin tức đau đớn liên quan tới tính hình nhân đạo bấp bênh của Somalia, đặc biệt tại Mogadiscio, ngày càng khỗ đau vì sự bất ổn xã hội và nghèo đói. Tôi âu lo theo dõi biến chuyển của các biến cố và tôi kêu gọi các giới hữu trách chính trị địa phương và quốc tế hãy tìm ra các giải pháp hòa bình và đem lại vơi nhẹ cho dân chúng. Tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những ai dù trong hoàn cảnh bất ổn và khó khăn, vẫn ở lại trong vùng đất này để trợ giúp và đem lại ủi an cho dân chúng”.

Somalia rộng hơn 637 ngàn cây số vuông, có hơn 12 triệu dân, 75% là người du mục. Đại đa số dân, 99,5% theo Hồi giáo hệ phái Sunnít. Hệ phái Shiit chỉ là thiểu số. Tín hữu công giáo được khoảng 2000 người, hầu hết là các kiều dân Italia sinh sống tại đây.

Vào thế kỷ XIV Somalia nằm dưới quyền cai trị của Sultan Harrar. Cuối thế kỷ XVIII Somalia bị chia thành các vùng đô hộ của Anh, Pháp, Italia và Etiopia. Năm 1960 Somalia giành được độc lập và trở thành cộng hòa dân chủ Somalia với ông Aden Abdullah Osman làm tổng thống đầu tiên. Năm 1967 ông Abdirashid Shermarke lên làm tổng thống, nhưng bị ám sát trong cuộc đảo chánh ngày 20 tháng 10, do tướng Mohamed Syaad Barré cầm đầu. Tổng thống Barré theo Liên sô, để cho Liên Sô có các căn cứ quân sự tại Somalia và nhận viện trợ của đàn anh Liên Sô.

Kể từ đó tình hình Somalia nổi trôi trong cuộc chiến với Etiopia và các vụ đảo chánh hụt, do các sĩ quan quân đội cũng như đảng Mặt Trận Dân Chủ đối lập cầm đầu. Trước đó vào cuối năm 1977 tổng thống Barré đã trục xuất các cố vấn Liên Sô. Đầu thập niên 1980 đảng Mặt Trận Dân Chủ tái tổ chức hàng ngũ và được Etiopia yểm trợ.

Sau khi tổng thống Barré tái đắc cử năm 1986, các lực lượng phiến quân thuộc nhiều đảng phái khác nhau liên tục nổi lên đánh phá, bắt cóc và ám sát, trong đó có các đảng như Phong Trào Quốc Gia Somalia, Mặt Trận Dân Chủ Cứu Quốc Somalia, Mặt Trận Cộng Sản đầu tiên Somalia, Mặt Trận Dân Chủ Somalia, Đảng Quốc Đại Somalia thống nhất, Đảng Xã Hội Cách Mạng Somalia. Một vài đảng phái có tính cách bộ tộc nhiều hơn là ý thức hệ. Ngày mùng 9 tháng 7 năm 1989, Đức Cha Salvatore Colombo cũng đã là nạn nhân của cảnh bạo lực này.

Các lực lượng phiến quân liên tục đánh phá thủ đô Mogadiscio và gây áp lực khiến cho tổng thống Syaad Barré phải chấp nhận chế độ đa đảng năm 1991. Ngày 27 tháng Giêng năm 1991 phiến quân tiến đánh thủ đô và chiếm dinh tổng thống, khiến cho tổng thống Barré phải trốn về vùng Burumbuh.

Ông Ali Madhi Mohammed trở thành quyền tổng thống. Tiếp đến các lực lượng phiên quân chiếm Berbera và Kismayoo khiến cho gần 100 ngàn người phải di cư tị tạn. Ngày 15 tháng 5 năm 1991 Phong Trào Quốc Gia Somalia tuyên bố thành lập Cộng Hòa Somaliland tại miền bắc lấy Hargeysa làm thủ đô. Sau khi lực lượng phiến quân của ông Aidid đánh chiếm Mogadiscio vào tháng giêng năm 1992, nạn đói bắt đầu xảy ra. Chính quyền Pháp và Hoa Kỳ tổ chức chuyên chở thực phẩm cứu đói nhân dân Somalia và Liên Hiệp Quốc quyết định gửi quân đội Bảo Hòa tới giúp ổn định tình hình.

Đầu năm 1993 gần 29.000 quân bảo hòa tới Somalia. Nhưng các trận đánh ngày càng khốc liệt hơn. Đã xảy ra cảnh hãm hiếp phụ nữ từ phía các binh sĩ bảo hòa. Hình ảnh vài binh sĩ Mỹ bị giết và kéo lê trên đường phố Mogadiscio đã khiến cho dư luận Hoa Kỳ bàng hoàng. Quân đội bảo hòa không còn kiểm soát được tình hình nữa. Tháng 3 năm 1994, nhân danh 12 lực lượng phiến quân khác nhau, ông Aidid đồng ý đình chiến. Để tránh tình trạng sa lầy quân đội bảo hòa bắt đầu rút chân ra khỏi Somalia, để lại một quốc gia hỗn loạn và bị xâu xé giữa các lực lượng khác nhau, trong đó lực lượng dân quân hồi giáo do ông Aidid cầm đầu là lực lượng mạnh và hung hãn nhất.

Tháng 5 năm 2000 một hội nghị giảng hòa đã được triệu tập tại Gibuti và sau đó ông Abdulkassim Salat Hassan được bầu làm tổng thống. Từ năm 2004 tổng thống Somalia là ông Abdullahi Yusuf. Hồi năm 1969 ông đã bị bắt và bỏ tù vì từ chối tham dự cuộc đảo chánh do ông Siaad Barré cầm đầu. Được trả tự do năm 1975 ông tổ chức chiến tranh du kích chống lại tổng thống Barré với sự yểm trợ của Etiopia, trước khi bị tổng thống Menghistu của Etiopia bắt năm 1985. Được trả tự do năm 1991 ông trở về quê sinh là Puntland và trở thành người lãnh đạo vùng này từ năm 1998 đến 2004, khi được bầu làm tổng thống Somalia. Hiện nay ông được tổng thống Melles Zenawi của Etiopia ủng hộ. Trong các tháng qua Etiopia đã gửi quân sang giúp quân đội Somalia đánh nhau với các lực lượng du kích quân.

Ngày 29-10-2007 tổng thống Yusuf cách chức thủ tướng Ali Mohammed Gedi, vì các bất đồng ý kiến giữa hai người. Sự kiện này khiến cho các lực lượng phò ông Gedi bất mãn.

Trong số các lực lượng du kích hùng cứ nhiều vùng khác nhau, lực lượng bộ tộc Hawiye mạnh nhất, và có vị thế vững chãi trong thủ đô Mogadiscio. Các tranh giành ảnh hưởng giữa các bộ tộc khiến cho trong các tháng qua nhiều bộ tộc nhỏ họp lại với nhau và ủng hộ du kích quân hồi giáo do Aidid lãnh đạo. Sự kiện này khiến cho tình hình Somalia, vốn đã bất ổn và hỗn loạn, lại càng hỗn loạn và bất ổn hơn. Ngày mùng 9 tháng 11 vừa qua 10 binh sĩ Etiopia đã bị các phiến quân hồi giáo giết vào kéo xác qua các đường phố thủ đô Mogadiscio khiến cho binh sĩ Etiopia tức giận trả thù. Trong các ngày qua các trận đánh khốc liệt trong thủ đô Mogadiscio đã khiến cho 175 ngàn dân phải trốn chạy chiến tranh. Từ đầu năm tới nay số người tị nạn chiến tranh đã lên tới 400 ngàn người. Hiện nay họ cần thực phẩm, quần áo chăn mền và thuốc men.

Đức Cha Giorgio Berin Giám Mục Gibuti, kiêm Giám quản tông tòa Mogadiscio cho biết tình trạng sống của người dân Somalia rất thê thảm, trong khi các trận giao tranh vẫn tiếp diễn. Đây là một cuộc nổi loạn thực sự. Đức Cha đã tiếp xúc với trạm phát thuốc của tổ chức Caritas ở Baidoa đang trợ giúp dân chúng địa phương và người tị nạn đến từ thủ đô Mogadiscio. Họ cho biết có rất nhiều thường dân bị chết vì bị kẹt giữa hai lằn đạn của quân chính phủ và phiến quân. Hiện nay không ai thấy trước được giải pháp cho Somalia. Sau 15 hội nghị hòa bình, hội nghị cuối cùng hồi tháng 8 vừa qua tại Mogadiscio, các lực lượng Somalia không có khả năng đi tới một thỏa hiệp hòa bình lâu dài. Đức Cha cũng không biết cộng đoàn Somalia hải ngoại gồm hơn 1 triệu người có đề nghị nào để giúp giải quyết tình trạng bế tắc của quốc gia hay không.

Tuy nhiên, theo Đức Cha tình hình của Somalia nằm trong tình hình địa phương và quồc tế, trong đó có các căng thẳng và xung khắc tái diễn giữa Etiopia và Eritrea, vấn đề của Sudan, các tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc ngoài Phi châu trong mưu toan kiểm soát và khai thác các mỏ dầu hỏa... tất cả đều là các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp trên các lực lượng Somalia. Có thể nói đến ”vòng cung khủng khoảng” từ Sudan cho tới Somalia. Theo Đức Cha Bertin, các cuộc khủng hoảng khác nhau của miền đông Phi châu đều có ít nhất hai yếu tố chung: thứ nhất là sự kiện khuynh hướng cực đoan sử dụng tôn giáo cho các mưu toan chính trị bành trướng trong vùng; thứ hai là sự tranh giành của các lực lượng khác nhau nhằm kiểm soát các tài nguyên trong vùng.

(Avvenire 14-11-2007)