ÐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA CHIA SẺ LỜI CHÚA

Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, ngày 18.11.2007

Sau thánh lễ, rất nhiều người đến bày tỏ với tôi sự thích thú được nghe bài giảng thâm sâu và có uy quyền giáo chủ của Ðức Cha Phaolô. Người thì thú nhận « 60 tuổi đầu, năm nào cũng nghe « Tội hồng phúc » mà chẳng hiểu gì. Hôm nay nghe Ðức Cha giảng, mới hiểu ». Người khác lại bảo « Không ngờ giáo dân việt nam mình lại được các nước khác quí trọng như vậy » ! Người khác nữa lại than « Ôi, sao Ðức Cha trao cho mình trách nhiệm nặng vậy ! Mình giữ đạo chưa chắc đã vững, mà ngài còn khuyên mình phải mang về cho Chúa một bổn đạo mới » !

Rồi nhiều người thấy tôi có ghi chép, đến xin tôi gắng viết ra bài chia sẻ Tin Mừng của Ðức Cha, để họ được đọc lại. Ðáp lại những ước mong ấy, sau đây, tôi xin tóm tắt những điều mà tôi ghi nhận được. Nếu có gì sai sót, kính xin Ðức Cha lượng tình bao dung.


Lời Chúa

Những bài đọc và Phúc Âm cho Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam hôm nay đã được Ðức Cha Phao lô đích thân chọn lựa. Ðó là ba đoạn trích từ Sách Khôn Ngoan, Sách Tông Ðồ Công Vụ và Sách Phúc Âm Thánh Gioan.

Số phận của những người công chính và của phường vô đạo (Khôn ngoan, 3, 1-9)

1 Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. 2 Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. 3 Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. 4 Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. 5 Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. 6 Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. 7 Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. 8 Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Ðức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. 9 Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.

Ông Tê-pha-nô bị ném đá (Công Vụ, 7, 55-60)

(56) Ông (Têphanô) nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa". (57) Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông (58) và lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. (59) Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con". (60) Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này". Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Tin Mừng Gioan (12, 24-26)

(24) Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25) Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở ời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (26) Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy".

Tội hồng phúc

Bài Chia sẻ Tin Mừng của Ðức Cha Phaolô chia làm hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất nói về các thánh tử đạo. Phần thứ hai nói về Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Sách Khôn Ngoan nói về cái chết của người công chính thời Cựu Ước. Người công chính được Chúa cho hưởng an bình, được chứa chan hy vọng trường sinh bất tử, được hưởng ân huệ lớn lao, được đón nhận như của lễ toàn thiêu, được Người yêu thương và ở gần Người. Nhưng họ cũng đã bị sửa dậy, bị thử thách và tinh luyện, như người ta luyện vàng trong lò lửa. Thánh Gioan trong Tân Ước nhắc lại Lời Chúa, ví họ như hạt lúa gieo vào lòng đất, phải thối chết đi, thì mới mọc ra cây và sinh sôi nảy nở được nhiều hạt khác. Sách Tông Ðồ Công Vụ kể chuyện ông Têphanô bị ném đá chết vì đã giảng về Thiên Chúa chịu đóng đanh và chịu chết. Nhưng Têphanô vẫn cầu xin Chúa đừng chấp tội họ.

Nét đặc biệt của các thánh tử đạo là bị thử thách ở mức độ cao nhất là mất sự sống, mà vẫn không căm ghét kẻ giết mình. Chẳng những không thù hằn, mà lại còn cầu nguyện cho họ nữa.

Trong xã hội ngày nay cũng có những người dám can đảm hy sinh mạng sống mình. Nhưng sánh với các thánh tử đạo, có rất nhiều khác biệt. Người cảm tử ôm bom tự sát, đầy lòng oán thù căm ghét, cố ý cho nhiều người khác phải chết theo, gieo nhiều tang tóc. Các thánh tử đạo chịu chết là muốn hy sinh vì Chúa, trong lòng bình an nhân ái. Các Ngài biến cái chết thành con đường hạnh phúc và trong lòng không căm ghét ai. Vì mến Chúa, các Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống và đồng thời rất yêu thương người khác, kể cả kẻ giết mình.

Dịp phong thánh cho các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào năm 1988, có người đã nêu lên ý tưởng đừng nên rở lại hồ sơ xưa nữa, sợ rằng sẽ nhắc lại sự hận thù khi xưa. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã trả lời rằng : « Chúng tôi vẫn và càng yêu thương người khác ! Không có hằn thù đâu ». Người khác lại bảo có những vị đã có những tật xấu. Chúng ta biết rằng có những vị không phải là những người hoàn toàn. Có những vị chỉ vào lúc chót mới hoán cải cuộc sống bất toàn khi xưa. Chết trong sự xám hối vì Chúa cao cả, để chuộc lỗi lầm khi xưa. Ðó càng là một nghĩa cử làm sáng chói thêm đức tin, đức cậy và lòng mến cao cả của các vị tử vì đạo. Giửa cái chết vì lòng mến và cái chết vì căm thù có nhiều khác biệt lắm.

Các Giám Mục Phi Luật Tân cũng mong muốn có các thánh tử đạo. Tìm mãi họ mới kiếm được một vị. Toàn dân sung sướng. Có giám mục đã nói « Chúng tôi không có các thánh tử đạo vì vua quan ngày xưa của chúng tôi hiền lành quá ».

Năm 1980, trong một cuộc họp tại Huế, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã mời các giám mục đi thăm các lăng các vua triều Nguyễn. Trước lăng Minh Mệnh, Tự Ðức,…Ngài nói với các vị khác rằng mình cũng phải cám ơn các vua, bằng không làm sao mình có các thánh tử đạo. Các vua cấm đạo, giết hại giáo sĩ và giáo dân. Ðó là cơ hội để có được các thánh tử đạo vinh quang mà ta tôn kính hôm nay. Rồi Ngài nhắc lại bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh : « Ôi tội hồng phúc, vì đã đáng được Ðấng Cứu Chuộc cao sang như thể » !

Chị Cả của các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại

Sang phần thứ hai, Ðức Cha Phao lô đặc biệt ngỏ lời với Giáo Dân Việt Nam Paris nói riêng và với Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại nói chung.

Hôm nay và cả năm 2007 này, chúng ta đang mừng năm Hồng Ân, kỷ niệm 6O năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Giáo xứ Việt Nam Paris là chị cả của các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và của Các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại trên các nước khác.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Giáo Xứ đã được tiếp nhận sụ đóng góp công lao xây dựng của bao nhiêu tiền nhân. Giáo xứ là một cộng đoàn bền vững. Giáo Hội đã trao quyền chăm sóc cho một linh mục. Linh mục đã được giám mục bổ nhiệm. Chúng ta phải nhớ đến điều căn bản này. Nhờ giám mục, mới có linh mục, cha sở và giáo xứ. Rồi khi đã bổ nhiệm, giám mục vẫn quan tâm, chăm sóc và xem xét các sinh hoạt để hướng đi của giáo xứ luôn theo đúng đường hướng của Giáo Hội. Mỗi mọi giáo dân đều đã được sinh ra trong đức tin nhờ Phép Rửa; được nuôi dưỡng hằng ngày bằng Phép Mình Thánh Chúa, được lớn lên bằng Phép Thêm Sức. Ðời sống của mỗi giáo dân đều gắn liền với đời sống Giáo Xứ. Nhờ Giáo Xứ, giáo dân được học giáo lý, học tiếng việt, được gặp gỡ nhau, trao đổi tâm tình quê hương, chia sẻ tâm tư giáo hữu. Giáo xứ là một cái nôi tốt đẹp. Nhiều người nhận thấy Giáo Xứ Việt Nam Paris là nơi đã duy trì và gìn giữ được nhiều thói quen dân tộc, nhiều truyền thống văn hoá cha ông để lại, và việc học hỏi tiếng việt được tổ chức rất tốt.

Năm 1990, trong dịp gặp gỡ các giám mục Việt Nam đến tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới kỳ 8, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II kể rằng Ngài đi nước nào cũng được Các Giám Mục nước đó cho biết rằng các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại đó có một sức sống rất đặc biệt, rất sống động. Theo họ các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam biết quan tâm đến đời sống chung của giáo xứ, đời sống gia đình có nề nếp, con cái ngoan ngoãn, cả gia đình đi lễ đều đặn và tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, có nhiều ơn gọi. Rồi Ðức Thánh Cha nói : Xin cám ơn Giáo Hội Việt Nam đã đào tạo được những người con như vậy, làm phát triển và vinh danh cho Hội Thánh.

Trong một chuyến Phái Ðoàn Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam viếng thăm Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, ban tổ chức có dành một chỗ để Phái Ðoàn Việt Nam tiếp đón các Giám Mục Hoa Kỳ. Chúng tôi dự trù, chỗ Việt Nam, nhiều lắm chỉ được độ vài chục vị đến thăm là cùng. Thực sự, hơn bảy chục, trên cả tám chục vị Giám Mục Hoa Kỳ đã đến thăm chỗ phái đoàn Giám Mục Việt Nam. Họ đến chỗ Việt Nam để cám ơn Giáo Hội Việt Nam. Họ kể chuyện về các Cộng đoàn Công giáo Việt nam trong giáo phận của họ. Họ nói về các giáo dân việt nam đã làm gương sáng trong giáo phận của họ.

Giữa Giáo Hội Mẹ Việt Nam Quê Nhà và tất cả các Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, có một sự liên lạc bền chặt, một sụ hiệp thông chắc chắn. Ðó là nếp sống đạo tốt của đa số giáo dân việt nam. Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, từ ngày 28/11/2005 đến ngày 5/12/2005, Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc, đã có một cảm tưởng rất tốt về Giáo Hội Việt Nam. Ngài nói : « Tôi đã nhìn thấy một Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dồi dào sức sống, hăng say phục vụ và rao truyền Tin Mừng. Các tín hữu của giáo hội này, sau khi đã nhận biết Ðức Kitô, họ có một đức tin vững mạnh, và sẵn sàng nhiệt tình rao truyền Tin Mừng này cho nhiều người khác. Quả thật, đức tin của họ được biểu lộ ra trong một sức sống mãnh liệt, một đức tin cương quyết, và điều này đã làm cho tôi rất cảm động. Có lẽ đã từ lâu, chúng ta ít có dịp được nhìn thấy những tấm lòng thành tâm, thiện tín và nhiệt tình như thế. Ðiều này làm cho tôi nghĩ rằng giáo hội này là một giáo hội không những có được một sức sống mãnh liệt để làm chứng cho Niềm Tin vào Chân Lý mà còn là một giáo hội đầy nhiệt tình Tin Yêu vào Ðức Kitô, họ cảm nhận được rằng Ðức Kitô thuộc về họ, họ yêu mến Ðức Thánh Cha, đồng thời cũng hăng say tham gia vào những hoạt động văn hóa dân tộc xã hội địa phương, điều này nói lên những điểm đặc sắc của giáo hội tại Á Châu. ». Nghe kể rằng trong phái đoàn của Ðức Hồng Y, có một linh mục không ưa Việt Nam lắm, sau chuyến viếng thăm Việt Nam về, đã đổi hẳn thái độ, đến nỗi đã nói « bây giờ, nếu giáo dân Việt Nam có xin nửa nước, tôi cũng cho ».

Tháng 5-2007 vừa qua tại Rôma có tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Tông huấn về Hồng Ân Ðức Tin (Fidei donnum), do Ðức Giáo Hoàng Piô XII ban bành ngày 21.04.1957. Giáo Hội Hàn quốc đã từ lâu áp dụng Tông Huấn này. Mỗi giáo dân hàn quốc phải đem được một người ngoại đạo vào công giáo. Tôi hỏi thăm các cha thừa sai Paris. Các Ngài xác nhận điều ấy. Tôi vẫn đọc báo La Croix. Ở những mục giữa mỗi số hay có những bài về tình hình công giáo. Số người công giáo tại Pháp mỗi ngày mỗi sút. Tại sao mỗi giáo dân việt nam tại Pháp không nhận lấy sứ mệnh mang về cho Giáo Hội một người tín hữu mới ?

Kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ, cùng với những việc có tính cách làm chứng, cần nên có những việc đưa người ngoài về với Chúa, như là trả nợ nến bạc Ðức Tin mà Chúa đã ban cho.

Tôi xin chúc cho Giáo Xứ Việt Nam được nhiều Ơn Chúa, được sự hỗ trợ của Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Chúc cho Giáo Xứ có dịp nhìn lại cuộc sống, có những quyết tâm làm những bước tiến mới, đem lại sự phát triển cho Giáo Hội.

Paris, ngày 20 tháng 11 năm 2007