Hoa Kỳ sẽ đưa VN vào lại CPC?
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ vừa kết thúc hai tuần thăm Việt Nam
Báo Straits Times của Singapore vừa có bài nói phúc trình sắp ra của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Quốc Hội Hoa Kỳ có thể làm sứt mẻ quan hệ đang thân thiện giữa hai nước.
Nhà báo Roger Mitton của Straits Times tại Hà Nội trong bài viết ngày 10/11/2007 nhận định rằng ủy ban kể trên sẽ trình Quốc hội Mỹ bản báo cáo với nội dung nặng về chỉ trích tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam sau chuyến đi tìm hiểu thực trạng trong hai tuần.
Được biết phái đoàn ủy ban này đã gặp giới lãnh đạo Việt Nam, trong đó có thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và quan chức của các tôn giáo khác nhau tại Việt Nam.
Họ cũng tới thăm vùng cao nguyên, nơi vốn có biến cố liên quan tới việc khống chế sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt đối với giáo dân Tin Lành.
Phái đoàn cũng đã gặp những nhân vật tôn giáo bất đồng chính kiến như Hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Vào lại CPC?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội được trích lời nói: "Tôi không thích phái đoàn này của Mỹ tới đây để theo dõi tự do tôn giáo".
"Tại sao Hoa Kỳ lại tự cho mình cái quyền giám sát chúng tôi".
Mặc dầu bản cáo chưa được hoàn tất, Straits Time nói họ biết rằng nội dung báo cáo sẽ lên án thực trạng các nhóm tôn giáo bị hạn chế hoạt động.
Và điều này có nghĩa là bản báo cáo sẽ đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách những quốc gia cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Chris Seiple, chủ tịch một viện nghiên cứu tôn giáo của Hoa Kỳ có tên Institute for Global Engagement, được trích lời nói "Ủy ban sẽ chỉ trích nhiều hơn và có thể với ý định muốn đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC".
Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách CPC vào tháng 11/2006 khi Tổng thống George W Bush tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Tuy nhiên các nhóm tôn giáo cảm thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hành động quá hấp tấp.
Nhận định này được cho là có cơ sở vì sau khi tổ chức xong hội nghị APEC và gia nhập WTO, Việt Nam bị cáo buộc đã tiến hành đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến vì lý do chính trị hay tôn giáo.
Bài viết cho hay ủy ban kể trên cũng đã gặp các nhà hoạt động dân chủ đang bị tù như luật sư Nguyền Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân.
Hồi tháng Chín năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành bản báo cáo trong đó ghi nhận rằng 'sự tôn trọng về tự do tôn giáo tại Việt Nam đang mang lại những cải thiện quan trọng'.
Bài báo trích lời Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, từ George Mason University, nói: "Các quan chức Mỹ thừa nhận có những tiến bộ về tự do tôn giáo và họ đã thành công trong việc phản đối những đề xuất đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC".
Tuy nhiên một số nghị sĩ vẫn chưa thấy thuyết phục và đó là lý do khiến Quốc Hội Hoa Kỳ cử ủy ban này tới Việt Nam để đánh giá tình hình
Động thái của Hà Nội
Nhằm hạn chế tác động của khả năng sẽ bị lên án, Việt Nam đã chủ động tiến hành các hoạt động khác nhau.
2007
Chẳng hạn, trong tháng Mười, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự cuộc gặp của Hội đồng Giám mục việt Nam và ông Dũng đã ca ngợi những đóng góp của Giáo hội Công giáo đối với giáo dục, chăm sóc y tế và công cuộc phát triển đất nước.
Tuy nhiên theo tác giả, bước đi lớn nhất việc Hà Nội quyết định tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican, nơi từng chỉ trích Việt Nam rất mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Rome trong tháng Một.
Theo tác giả, để tỏ ra đồng thuận với trang mới trong quan hệ với Hà Nội, Vatican tỏ ý sẽ phản đối bất cứ động thái nào của Hoa Kỳ nhằm đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh được trích lời nói "Nếu Việt Nam thiết lập quan hệ với Cộng đồng Công giáo thế giới và có những dấu hiệu cho thấy chuyện đó sẽ xẩy ra, điều này sẽ giúp chúng tôi đạt được mục đích hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và làm cho những giáo dân Công giáo trong nước cảm thấy an toàn hơn".
Báo Nhân Dân, số ra ngày 24 tháng 10 năm 2007 có bài tường thuật về cuộc gặp giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với phái đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ.
Bài báo viết: "Đảng và Nhà nước Việt Nam trước sau như một luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tin ngưỡng tôn giáo của công dân".
Bài này cũng ghi nhận còn có một số quan niệm, cách nhìn nhận khác nhau về văn hóa, về tự do tôn giáo và hệ thống luật pháp.