Nghệ An, Việt Nam (25/10/2007) - Ngày 23/10/2007, chúng tôi đón đoàn Sr. Maria Vũ Minh Phương, Dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ, Thủ Ðức & Chị Terêxa Thanh Thuỷ, anh Dom. Trịnh Tiến Dũng, Pet. Lê Hoàng Sơn Hải, nhóm VIDES FMA - Việt Nam, đến từ Sài Gòn. Ðại diện cho gia đình chị Lê Mỹ Dung, USA. mang món Qùa 30,000,000 VND, đến vùng bị lụt. Nước lụt đã rút hết chỉ còn trơ bùn lại trên mặt đường, nên phương tiện giao thông vận tải có phần dễ hơn nhưng lần trước.

Chiều 23/10/2007, đoàn đến thăm Làng Phú Mỹ, Dụ Thành, Nhân Hoà, Thành công, thuộc xã Hưng Châu, dân số khoảng 2,750 người, đa số là nông dân và ngư dân, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi mang theo 4 bao áo quần mới, 40 thùng mỳ tôm, dân chúng ra đón tiếp rất nồng hậu, đoàn đến thăm và tặng quà cho một số hộ hoàn cảnh khó khăn.

Sáng 24/10/2007, đoàn đến giáo xứ Phù Long, làng Bắc Châu, Yên Thái, Phù Mỹ, dân số 1,820 người, đa số là nông dân, thuộc xã Hưng Long, Hưng Nguyên Nghệ An. Niềm vui đã nở trên môi mọi người, cho dù chưa vượt hết gian nan. Chúng tôi mang theo 4 bao áo quần, 40 thùng mỳ tôm, đoàn thăm và tặng quà cho một số hộ hoàn cảnh khó khăn.

Khi đến tận nơi mới hiểu được hoàn cảnh của họ sau trận lụt, nhiều gia đình đang sống trong cảnh, bệnh tật, sốt rét và bệnh đi ngoài. Với kinh nghiệm đó đoàn chúng tôi mang theo một số thuốc tây, phát tận tay cho những người bệnh. Chúng tôi giúp một tiền để cho các gia đình có thân nhân đau ốm nhập viện, vì từ đây lên bệnh viện tỉnh khoảng 20km, vì các trạm xá của xã chưa phục hồi.

Trong buổi sáng ngày 24/10/2007, trên đường tìm đến Phù Long chúng tôi thị sát một số làng ven sông Lam, gặp nhiều cảnh tang thương nạn nhân của trận lụt, nhờ lời giới thiệu của người địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Côi, thực tế nói là gia đình, nhưng anh chẳng có một mái ấm như mọi người, cả gia đình anh sống trên một chiếc ghe, làm nghề đánh bắt cá trên giòng sông Lam, một mẹ già và 3 đứa con dại.

Chúng tôi chui xuống gầm cầu, chiếc cầu này nối liền thị trấn Nam Ðàn với xã Nam Lộc được xây dựng năm 2000. Dưới trụ cầu được che một tấm bạt, một bàn thờ bằng tre, treo hình 2 đứa con mới qua đời trong trận lụt vừa qua. chúng tôi thắp một nén nhang, cùng nhau đọc vài kinh cho 2 linh hồn nhỏ và tặng anh chị một chút quà.

Anh tên là Nguyễn Văn Côi, (lương dân) vì anh mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, lớn lên lập gia đình, vợ chồng sống trên sông nước. Chị Nguyễn Thị Mỹ, kể cho chúng tôi nghe sự cố xảy ra cho anh như vậy, là khi nước sông dâng cao và cơn lũ quét mạnh, thuyền anh đã neo buộc ổn định trong bờ, đang chuẩn bữa ăn chiều cho gia đình, thì một chiếc bè chở tre nứa, đang bị lũ cuốn mất định hướng và kêu cứu, anh Côi vội cho ghe của anh nổ máy để vượt ra giữa giòng, hòng kéo bè chở tre, nứa của người bạn vào, nhưng ra giữa giòng lũ quét, thì ghe anh bị chết máy, không sao điều khiển được, cứ thế giòng nước đẩy mạnh làm gãy bánh lái, rồi thuyền anh đã đâm thẳng vào trụ cầu, làm tan vở cả gia tài, sản nghiệp của anh tiêu tan. Hậu quả là 2 đứa con, 4 tuổi, 6 tuổi chết chìm như ác mộng, bà mẹ già vịn được mái che trôi xuống chừng 1 km thì người ta cứu được, chính anh Côi bị thương và chìm theo cơn lũ, nhưng may thay trên thuyền có con chó trung tín đã kéo được anh vào bờ. Trong khi người ta lặn xuống, điều tra thuyền anh có chở gỗ lậu hay không! còn xác 2 đứa con mãi ngày hôm sau mới tìm được, con chó trung tín không chịu nằm yên, nó kêu khóc, cào cấu cho đến khi tìm được xác 2 đứa bé. Nó không chịu ở yên, cho đến khi người ta cắt chiếc áo của đứa bé bị nạn treo vào cổ nó mới chiu nằm yên. Mãi đến hôm nay nó vẫn còn mang chiếc khăn tang đó trên cổ.

Trong bài viết về những chuyến hành trình cứu trợ, chúng tôi không thể kể hết được những trạng huống đau thương của kiếp người, đặc biệt của những mảnh đời hiu quạnh, neo đơn không nơi nương tựa, khi hoạn nạn rồi cũng không biết cậy nhờ ai. Khi phóng viên đài truyền hình đến phỏng vấn, họ nói: Bây giờ chúng tôi chỉ biết mấy ông "Cụ Ðạo" và các "Bà Xơ", đã cho chúng tôi ăn, mặc, giúp họ trong ngày đói.". Khi gặp gỡ dân chúng tại Phù Long, chúng tôi hỏi: Vậy thì nguồn cứu trợ Nhà nước không đến tay dân à? Họ nói có đến, nhưng 3 người được 1 gói mỳ tôm, thậm chí gia đình nào không đủ 3 nhân khẩu là không được nhận!

"Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể coi "liên đới" như một hình thức hiện đại hoá của bác ái Kitô giáo hay trần tục hoá tình yêu thương phổ quát (1). Ở đây, tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Vì vậy, cố gắng tiếp tay giải quyết vấn đề, bằng những công tác xã hội, tương thân tương ái hay đấu tranh nhằm thực hiện công bằng xã hội và cải tố cơ cấu bất công." (Liên đới theo quan điểm Tôn giáo - Lm. Nguyễn Thái Hợp)

Chúng tôi đi thăm nhiều làng dọc ven sông Lam, đều cảm nhận một màu ảm đạm như nhau, nhưng nguồn cứu trợ thì có hạn, không thể cấp phát cho cùng. Ðiều mà anh em trong ban Bái Ái Xã Hội nhắm tới một tương lai ổn định cho dân chúng, là chuẩn đầu tư hạt giống và phân bón cho vụ mùa tới.

Nếu có nguồn hỗ trợ, mỗi làng sẽ được cấp phát như sau:

- Phân hỗn hợp : 1,500,000 VND / tấn x 2 = 3,000,000 VND

- Lúa giống : 5,000 VND / 1kg x 1,000kg = 5,000,000 VND

- Thuốc trừ sâu và các chi phí khác : = 2,000,000 VND

- Tổng số tiền chi phí cho mỗi làng = 10,000,000 VND

Tính những vùng ven sông Lam & sông Hiếu, thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An, từ thượng nguồn xuống miền xuôi, có khoảng 50 làng mạc ven sông, bi trận lụt vừa qua phá hại mùa màng. Như vậy số tiền phải có là khoảng 500,000,000 VND tương đương 32,000 USD.

Kính xin các cộng đoàn, các Hiệp Hội, Hội Ðoàn, Công ty, các nhà Hảo tâm....

Thương giúp đỡ cho dân nghèo tại Nghệ An, nguồn vốn kịp để phục hồi đời sống.

Chân thành cảm ơn quý vị,

Nguyện xin Chúa là nguồn tình thương, trả công vô cùng bội hâu cho quý vị.

Mọi tặng phẩm xin gửi về:

Linh Mục Pet. Nguyễn Văn Khang,
Thủ quỹ ban Bái Ái Xã Hội giáo phận Vinh
Ðịa Chỉ: Nhà thờ Tân Lộc, Thị Xã Cửa Lò, Nghệ An, Việt Nam
Ðt: 0084.383.944913 � Email: rapxuannhan@yahoo.com