CHỦ NHẬT 26 C THƯỜNG NIÊN

Người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin!

Cuối thập niên 70, phong trào nhạc cổ võ chiến đấu phát triển mạnh mẽ. Một trong những bài hát thịnh hành thời ấy là “Căn Nhà Ngoại Ô.” Bài này có câu hát, “Đêm đêm thức giấc ngỡ ngàng, nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.” Ai trong chúng ta cũng hiểu “Nghe lòng thương nhớ” muốn nói lên điều gì, nhưng giả sử đem dịch bốn chữ này sang tiếng ngoại quốc theo kiểu từ chương giống như “Thọ Xương chicken soup,” chắc chắn người bản xứ ngôn ngữ ấy cần nhiều suy tư, bàn luận… Sự thể này quả hợp với câu nói, “Người biết không nói, kẻ nói không biết.” Ngôn từ trình bày một đàng nhưng mang ẩn ý một nẻo.

Theo lối nói thông thưòng, người Việt hay dùng câu, “Tôi nghe thoang thoảng mùi thơm…” Giả sử đem lối phát biểu này làm luận đề bình giảng văn chương cho bất cứ người ngoại quốc nào muốn lấy cử nhân văn chương Việt Nam, chắc chắn họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn tra cứu nếu không muốn nói đành phải viết điều mình không hiểu cho qua. Nơi ngôn ngữ của bất cứ nền văn hóa nào đều có những câu nói như thế nhưng ẩn ý không phải thế.

Có một lần chuyển xe bus nơi bến gần nhà trọ độ 5 phút đi bộ trong khi bầu trời màn mây giăng đen nghịt, sấm chớp liên tục nổ đùng đùng, chợt nhớ câu ca dao, “Mấy đời sấm trước có mưa; mấy đời mẹ ghẻ có ưa con chồng,” tôi nghĩ, thôi đi bộ cho đỡ cuồng chân, và đã phải tránh mưa nơi một cửa tiệm tạp hóa hai tiếng đồng hồ. Cứ mỗi khi thấy nơi bàn ăn có món nấu với ớt chuông (bell pepper), câu ca dao “Ớt nào là ớt chẳng cay…” đều như cố ý nhắc nhở tôi cần mở rộng tâm hồn để suy nghiệm lại mọi vấn đề, chẳng nên ỷ y vào bất cứ sự nhận thức nào không phải của mình.

Câu Phúc Âm, “Người giầu có khó vào nước trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” đã khiến tôi thao thức suốt một tuần lễ. Lý do, tôi phải chia xẻ ý nghĩa câu Phúc Âm này nơi thánh lễ ngày chủ nhật. Nếu cứ dựa theo nghĩa từ chương rồi lên án chung chung những người giầu có cho dù vật chất hay tinh thần, tôi đều cảm thấy nghĩa đen này trở thành đề nghị tuyệt vời nhất khuyến khích người ta chẳng nên đi nhà thờ nữa bởi đàng nào thì cũng không còn hy vọng được đón nhận vào nước trời. Đàng khác, đem thực tại cuộc sống của những người đang hiện diện nơi nhà thờ so sánh với đại đa số dân chúng đang bị lầm than khốn khổ nơi vùng Đông Nam Á, lời Phúc Âm theo nghĩa đen trở thành sự kết án, ruồng bỏ không đem lại chút hy vọng cứu rỗi nào cho bất cứ ai, ngay cả chính tôi.

Thêm vào đó, nếu dân Chúa thất vọng bởi cho rằng đi nhà thờ và sống tốt lành đến mấy nhưng vì có cuộc sống khá giả hơn biết bao người nên sẽ chẳng được vô nước trời để rồi không đi nhà thờ nữa, linh mục sẽ thất nghiệp… Lời Chúa đem hy vọng tới bất cứ tâm hồn nào; như thế, câu, “Người giầu có khó vào nước trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” chắc chắn mang ý nghĩa nào đó thăng tiến con người nơi hành trình tâm linh.

Chẳng những một câu, mà hầu hết những câu nói nơi Phúc Âm đều hàm chứa sự khôn ngoan thâm trầm. Thí dụ, “Gia tài của ngươi ở đâu thì lòng dạ của ngươi ở đó” (Mt. 6:21). Ai trong chúng ta tự hỏi vậy lòng dạ mình bây giờ ở đâu chắc chắn sẽ nhận thực ra hai chữ “gia tài” mang nghĩa nào đó, không phải tiền bạc, của cải, không phải xe hơi, nhà lầu, gia đình, thân thuộc, mà chính là câu Phúc Âm. Nói đúng hơn, ước muốn hiểu ẩn ý khôn ngoan của câu nói.

Qua một vài nhận định về ngôn từ phát biểu liên hệ đến dịch thuật ảnh hưởng nhận thức người đọc, chúng ta thấy đoạn Phúc Âm Luca (16: 19-31) khuyến khích mọi người mở rộng tâm hồn tìm hiểu, suy nghiệm Lời Chúa để tìm ra sự khôn ngoan Chúa muốn truyền rao cho chúng ta.

Trước hết, theo nghĩa từ chương của đoạn Phúc Âm, người giàu có vì đã được hưởng sung sướng nơi kiếp nhân sinh nên bị phạt trầm luân đời sau là điều phi lý, nông cạn, chỉ được phát sinh từ những tâm hồn ghen tương, bất mãn nếu không muốn nói là hoang phí và lười biếng. Thêm vào đó, cuộc sống minh chứng, đâu phải cứ ăn chắt để dành, keo kiệt, cúi đầu cật lực làm việc kiếm tiền là sẽ giầu hoặc có thể giầu có. Người được sinh ra để giầu có mới có thể trở nên giầu nếu nhận xét cuộc đời dưới quan điểm câu trả lời về người bị mù từ thuở mới sinh, "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Gn. 9:3).

Cuộc đời một người là phương tiện cho linh hồn của họ học những bài học cần phải học. Ý muốn, ước mơ phát xuất tự tâm hồn, linh hồn chứ không phải từ bộ óc. Não bộ chỉ là phương tiện chẳng khác gì đôi mắt, cặp tai là phương tiện cho linh hồn nhìn và nghe. Bởi thế, nơi cuộc sống nhân sinh, nếu một người chuyên tâm nhất chí theo đuổi điều chi chính là đang thực hiện lòng muốn, ước muốn của linh hồn mình. Vì ước muốn phát xuất tự linh hồn, khi thân xác qua đi, linh hồn vẫn đeo đẳng với ước muốn ấy. Phúc Âm giải thích sự thể này qua câu, “Điều gì dưới đất ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt. 16:19).

Xét thế, linh hồn người phú hộ bị rơi vào trường hợp được Phúc Âm diễn tả “Trong âm phủ, giữa những cực hình” (Lc. 16:23) nói lên sự dằn vặt, day dứt do đã đeo đuổi mộng ước thế tục khi còn sống nơi dương gian khi mà cơ hội làm lại cuộc đời đã qua đi. Trường hợp này rõ ràng giải thích ý nghĩa tổng hợp của hai câu Phúc Âm, “Ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng dạ của ngươi ở đó” (Mt. 6:21) và, “Điều gì dưới đất ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt. 16:19).

Ai nơi dương thế có quyền năng cầm buộc ước muốn, ước mơ của chúng ta ngoại trừ chính chúng ta. Ước muốn, ý định chính là hoạt động của linh hồn. Khi lòng thực sự ước muốn điều gì, chúng ta đang sử dụng quyền lực tối thượng của Thiên Chúa ngự trị nơi lòng mình, và chắc chắn sự thể sẽ xảy đến khi đầy đủ cơ hội như Chúa Giêsu đã đoan chắc nơi Phúc Âm Marcô, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc. 11:23-24).

Thực sự ước muốn điều gì, con người sẽ dồn hết tâm trí và khả năng để thực hiện điều ấy. Con người thực sự là nô lệ cho ước muốn, ý định của mình. Phúc Âm xác định rõ sự thể này, “Không ai có thể làm tôi hai chủ,” hầu mong chúng ta để ý nhận định ước muốn của mình là gì. Đoạn Phúc Âm không nhắc đến ước muốn nào đã lãnh đạo, dẫn dắt người phú hộ nơi cuộc sống, nhưng suy luận theo kết quả được đề cập, chắc chắn người phú hộ đã miệt mài theo đuổi ước muốn, tham vọng thế tục và tất nhiên đã đạt được điều mình mơ ước khi cuộc đời dương thế qua đi.

Điều này cũng giải thích tại sao Phúc Âm được viết, “Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm khiến cho tự bên này có ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi và tự bên ấy, người ta không quá giang đến được với chúng ta” (Lc. 16:26). Ai không muốn kiếm con đường thứ ba giữa đôi nẻo chính tà. Thực tế minh chứng, con đường thứ ba tất nhiên dẫn dắt con người đi giữa hai lằn đạn và sẽ không tránh thoát thiệt mạng do ham muốn nhị trùng nghiêng ngả cho hợp với câu, “Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng lạnh hẳn mà cũng chẳng sôi. Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi! Vì ngươi hâm hẩm như thế và chẳng nóng, chẳng lạnh thì Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta!” (Kh. 3:15). Oai vọng thế tục, được người ta khen thế này, ca tụng thế kia cũng chỉ là kết quả của ước muốn thế tục. Dứt khoát, Lời Chúa đương đường minh định, “Nếu tay hay chân ngươi làm ngươi vấp phạm thì hãy chặt mà quăng nó đi khỏi ngươi; thà ngươi cụt tay, què chân mà vào sự sống, còn hơn là có hai tay hay hai chân mà bị quăng vào lửa đời đời…” (Mt 18:8; Mc. 9:43-45). Nơi trường hợp này, có lẽ chúng ta nên để ý suy nghiệm câu, “Ai có tai thì nghe.”

Câu kết luận của bài Phúc Âm nêu lên, “Nếu chúng không nghe Môisen và các tiên tri thì cho dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu!” (Lc. 16. 31). Câu này thét vào tai mỗi người chúng ta! Chỉ có một người độc nhất sống lại từ cõi chết đó là Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có nghe, có nghiệm chứng, có để tâm suy nghiệm lời Ngài giảng dạy không, hay chỉ nghe người này nói về lời giảng của Ngài; người kia biện luận, giải thích Phúc Âm. Chúng ta tin vào lời giảng của Chúa Giêsu hay tin vào những suy luận thế tục về lời giảng của Ngài? Chúng ta theo đuổi, nghiệm chứng lời giảng của Ngài hay tin vào lời giải thích về những lời dạy của Ngài?

Nơi Phúc Âm, Chúa Giêsu phán dạy, “Trong các tiên tri đã có viết: Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta” (Gn. 6:45). Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người và chính Ngài dẫn dắt mỗi người. Nếu không suy nghiệm, không để tâm nghiệm chứng, không mở rộng lòng cho Thánh Thần dẫn dắt mà chỉ hay đâu chầu đấy, nghe hơi ngồi chõ, chắc chắn sẽ không thể nào áp dụng được lời dạy của Chúa Giêsu nơi cuộc đời của mình. “Không ai có thể làm tôi hai chủ;” chúng ta chỉ có một con đường độc nhất hoặc là suy nghiệm Phúc Âm hoặc theo đuổi thế tục hy vọng người khác có thể nghiệm chứng dùm mình?

Chúng ta có chứng nghiệm lời “Người Chết Sống Lại” nơi cuộc đời mình không?