Hoà chung với bầu không khí mừng tết Trung Thu với mọi miền đất nước Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, một số thiếu nhi và giới trẻ giáo phận Vinh ngay tại quê nhà hay ở phương xa cũng đã có những hoạt động đón chào ngày hội Trăng Rằm tháng Tám.

Tại giáo xứ Cầu Rầm

Đúng tối rằm Trung Thu, mặc dù ánh trăng bị che khuất bởi mây mưa của cơn bão số 4, nhưng tại nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm vẫn tưng bừng ngày hội tuổi thơ.

Thay vì có thánh lễ cầu nguyện cho thiếu nhi như nhiều nơi khác, linh mục quản xứ Fx. Hoàng Sĩ Hướng chỉ tổ chức đọc kinh, sau đó dành thời gian cho các bạn trẻ vui chơi.

Do thời tiết mưa gió, nên chỉ có các em thiếu niên và giới trẻ trong xứ tập trung về tầng hầm dưới gian cung thánh của nhà thờ để múa lân, ca hát và chia sẻ bánh kẹo Trung Thu với nhau. Nhưng cha quản xứ cũng cho biết, tối hôm trước (14.08 Đinh Hợi), các giáo họ của xứ Cầu Rầm cũng đã tổ chức Trung Thu cho các em thiếu nhi trong giáo họ.

Điều đáng nói là, sau khi được phép của cha quản xứ, các bạn trẻ Hội Con Đức Mẹ trong giáo xứ đã đứng ra tổ chức đêm hội này. Để có được phần quà cho các em thiếu niên, ngoài số tiền cha quản xứ hỗ trợ, các bạn trẻ đã có nhiều hoạt động gây quỹ trong suốt thời gian qua như: bán hoa, tranh ảnh, thu gom chai lọ, túi ni-lông… nhất là trong mấy ngày qua đã đi múa lân trong một số khu vực của thành phố Vinh để kiếm thêm tiền chi tiêu cho đêm hội Trăng Rằm này.

Niềm vui của các em thiếu niên giáo xứ Cầu Rầm có lẽ không phải vì những phần quà cho bằng các em thấy mình được cha xứ và các anh chị Hội Con Đức Mẹ quan tâm chuẩn bị từ xa cho ngày tết này; bên cạnh đó, các em được hòa chung niềm vui đêm hội Trăng Rằm với nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước, được nhảy múa một cách hồn nhiên và sôi động theo tiếng trống chiêng và cử điệu của những chú lân, ông địa khôi hài, dễ thương.

Tại giáo xứ Khiết Tâm

Tối hôm 13 tháng Tám, chúng tôi có dịp vào Sài Gòn. Nhân dịp đó, chúng tôi đến giáo xứ Khiết Tâm, quận Thủ Đức, là một trong những nơi có nhiều công nhân thuộc giáo phận Vinh cư ngụ và làm việc, để tìm hiểu một số thông tin về dân di cư. Thật bất ngờ, chính tối đó, các bạn công nhân, sinh viên của lớp Hiệp Nhất cũng tổ chức mừng Trung Thu với chủ đề Nhớ Ánh Trăng Quê.

Thầy Giuse Hoàng Yến Linh, tu sĩ dòng Thánh Thể, người phụ trách dân di cư trong giáo xứ nói chung và lớp Hiệp Nhất nói riêng cho biết: lớp Hiệp Nhất gồm hơn 150 thành viên là công nhân và sinh viên của các tỉnh miền Bắc, trong đó người giáo phận Vinh chiếm hơn 1/3. Các bạn trẻ trong lớp này được thầy và hai nữ tu Dòng Con Đức Mẹ dạy giáo lý và những kỹ năng sinh hoạt căn bản.

Cũng theo thầy Linh, trong giáo xứ Khiết Tâm có khoảng 5.000 công nhân người giáo phận Vinh. Ngoài những bạn trong lớp Hiệp Nhất, trong các lớp Kinh Thánh, Linh Hoạt Viên, Giáo lý Hôn Nhân hay Ca đoàn phục vụ thánh lễ cuối của tối Chúa nhật số bạn trẻ người Vinh vẫn chiếm phần đa số. Tuy nhiên, thầy nói thêm: “Với khoảng 5.000 công nhân, thì con số tham dự các sinh hoạt trong giáo xứ như thế là quá ít. Biết rằng, một số bạn bận với việc tăng ca của công ty, nhưng phần đông có lẽ vẫn thích sống tự do.”

Thầy Linh không chỉ vui với một số công nhân hy sinh thời gian đến tham dự các lớp học, mà còn vui hơn nữa mỗi khi giáo xứ có công việc gì cần sự trợ giúp của các bạn trẻ, thì chính những công nhân này là những người tích cực góp tay.

Nhìn thấy các bạn trẻ xa quê vui chơi, ca hát với chủ đề Nhớ Ánh Trăng Quê, tôi thực sự vui thích nhưng cũng rất cảm động. Giữa chốn thành phố phồn thịnh với những dãy nhà cao tầng và muôn ngàn bóng điện đủ màu sắc, cùng hàng triệu con người, xe cộ các loại… nhộn nhịp như xóa lấp sự yên tĩnh của thôn quê, ánh trăng vằng vặc, nhẹ nhàng của mùa thu và sự thân thiện của xóm làng, thì chính những bạn trẻ của lớp Hiệp Nhất – một nhóm nhỏ của thế hệ tương lai của xã hội và Giáo Hội - đang cố tìm lại một chút tình cảm thôn quê với nhau khi tay trong tay ca hát những bài dân ca quanh bóng tre làng và ánh trăng rằm do chính tay các bạn tạo dựng trong suốt mấy ngày qua.

Thiết nghĩ, các lớp học và những sinh hoạt như thế này rất hữu ích. Bởi phần đông các bạn công nhân là những người do hoàn cảnh không được học hành nhiều để có một nghề nghiệp cao hơn như nhiều người khác trong xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là các bạn đó bị giới hạn kiến thức trong một số lãnh vực. Như thế, khi tham dự các lớp học này, ít nhiều gì đó cũng có một số kiến thức mới, không chỉ về giáo lý mà trong các lãnh vực khác, sẽ được các giảng viên cung cấp thêm cho các bạn trẻ. Được tích luỹ thêm kiến thức sẽ làm cho các bạn trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, nhất là trong tương lai có một nền tảng để sống và điều khiển gia đình.

Bên cạnh đó, khi sống xa gia đình, sống ngoài sự kiểm soát của cha mẹ, thì tham dự những sinh hoạt và những lớp học này, các bạn trẻ sẽ thường xuyên được gợi nhớ về tình cảm gia đình, quê hương, được nhắc nhớ để giữ những phẩm chất của con người, của người Kitô hữu, sẽ không bị cảm giác cô đơn và không bị cạm bẫy cuộc đời lôi cuốn đúng như linh mục Nguyễn Khảm đã nói trong Tuần lễ cho người di dân hồi tháng 1.2007: “Các bạn thường rơi vào hoàn cảnh cô đơn vì xa gia đình và quê hương. Vì thế chuyện các bạn đi tìm nguồn an ủi là bình thường. Nhưng nếu không giữ những ranh giới, các bạn dễ vi phạm những lề luật của xã hội và của Thiên Chúa. Các linh mục phụ trách sẽ cố gắng giúp các bạn thoát khỏi tình trạng cô đơn nhằm đi đúng ơn gọi Kitô hữu để có được hạnh phúc và bình an. Thiên Chúa đến thánh hóa trần thế. Các bạn đến các thành phố không phải để nó cuốn hút và làm gục ngã. Các bạn đến còn có một sứ mạng là làm các thành phố tốt đẹp hơn”.

Hoàng Trung Hoa