Chúa Nhật XXV, C

Vận may cuối cùng


(Lc 16,1-13)

Có lẽ chúng ta đã đọc thấy được ý tưởng chính của câu chuyện về hành vi gian dối và phạm pháp của tên quản lý lưu manh, người đã khôn khéo tìm mọi thủ đoạn để có thể “hạ cánh an toàn” trước khi anh ta bị đuổi việc, mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới! Đó chính là: Chúa muốn nói với các khán-thính giả của Người rằng: Các ngươi hãy nhìn xem “con cái thế gian” tinh khôn và tháo vát biết chừng nào: để bảo đảm cho cuộc sống của mình được an nhàn yên ổn trong vài ba năm còn lại, họ đã biết đầu tư bao nhiêu là khôn khéo, bao nhiêu là mưu mô tính toán và táo bạo!

Vâng, tuy tên quản lý bất trung chỉ còn lại chút thời gian ngắn ngủi mà ông chủ còn thương tình dành cho để y giải quyết vấn đề, nhưng chúng ta thấy anh ta đã biết sử dụng tối đa và đã không ngần ngại dùng tất cả mọi mánh lới tráo trở để lo nơi ăn chốn ở cho mình sau khi bị đuổi việc! Và để cuộc sống về chiều của mình được bảo đảm như thế, viên quản lý bất trung đã táo bạo sử dụng tất cả mọi phương tiện sẵn có trong tay, dù cho danh dự có bị tổn thương và cả đến bị tù tội cũng không ngại, vì anh ta không muốn để lọt khỏi tay vận may cuối cùng của đời minh.

Còn chúng ta, những người đang mong chờ vào cuộc sống hạnh phúc thư thái trong “nơi ở vĩnh cửu”, những người không chỉ quản lý những việc lặt vặt của bất cứ một ông chủ nhân loại tầm thường nào đó, nhưng là những công việc trọng đại của Thiên Chúa, chúng ta đang phục vụ Nước Thiên Chúa; vậy chúng ta đã làm gì để bảo đảm được cho mình chốn ở vĩnh cửu này, để “đạt tới được Nước Thiên Chúa”?

Những câu hỏi khác cũng được đặt ra cho chúng ta hôm nay, chẳng hạn: Tại sao những Kitô hữu chúng ta thiếu sáng kiến, thiếu tư tưởng, thiếu đột phá, thiếu hăng hái và thiếu dấn thân trong những việc trọng đại, độc nhất vô nhị và muôn đời bền vững của Thiên Chúa, trong khi đó:

• tên quản lý lưu manh trong dụ ngôn, để lo cho cuộc sống về chiều của mình; hay:

• người đàn bà làm nghề “đứng đường”, để muốn có được một ngôi biệt thự trong tương lai ở một bờ biển nào đó; hay:

• người mạo hiểm leo núi, để tìm cách vượt qua và chinh phục được ngọn núi cao 5000 mét; hay:

• một tên khủng bố muốn tìm cách phá đổ mọi thể chế hiện tại của thế giới loài người, v.v…

tất cả họ đã không ngần ngại làm bất cứ chuyện gì, đã không ngần ngại sử dụng bất cứ phương tiện nào hầu có thể đạt được mục đích?

Tại sao chúng ta chỉ đầu tư, chỉ sử dụng tối đa sự khôn khéo và tháo vát của mình trong những công việc có liên quan mật thiết đến nghề nghiệp, đến miếng cơm manh áo, đến chút danh dự chóng qua hay trong việc khai thuế má, v.v… trong khi đó chúng ta lại hửng hờ và bất cần đối với cái giờ phút vô cùng quan trọng, giờ phút quyết định cho sự hạnh phúc hay sự bất hạnh đời đời của chúng ta, vâng, cái giờ phút chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa Tạo Hóa về cuộc sống và về những của cải – vật chất cũng như tinh thần – mà Người đã tin tưởng trao phó cho chúng ta quản trị? Tại sao những Kitô hữu chúng ta lại quá đầu tư mọi công sức và mọi khôn khéo của mình vào những lãnh vực trần thế, ngắn hạn, chóng qua, mà lại coi thường bỏ qua lãnh vực vĩnh cửu, đời đời trường tồn, một nơi trộm cắp không thể bén mảng tới được và những thứ của cải mối mọt không ăn mòn được?

Ngoài ý tưởng nền tảng đó, câu chuyện viên quản lý bất trung còn nói cho chúng ta những sự thật đáng tâm niệm khác nữa: “Hãy tạo cho mình nhiều bạn bè…!”

Chúng ta không thể đạt tới “nơi ở vĩnh cửu” một cách cô độc lẻ loi được, nhưng cùng đạt tới đó với những anh em đồng loại của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cứu rỗi được linh hồn mình, nếu chúng ta đem hết mọi khả năng và điều kiện sẵn có để giúp đỡ mọi anh chị em đồng loại của mình, cách riêng những người đang trong cảnh neo đơn và nghèo khổ. Thật ra chúng ta không phải là sở hữu chủ của mọi của cải chúng ta đang chiếm hữu, nhưng chỉ là những người quản lý mà Thiên Chúa đã cắt đặt để bảo quản và làm sinh lợi những của cải đó mà thôi.

Có lần kia một bà được tiếng là đạo đức trong giáo xứ đã gặp tôi và nói: “Thưa cha, con chẳng muốn quan hệ động chạm tới bất cứ ai khác; đối với con, con chỉ nghĩ đến Chúa và chỉ lo cho phần rỗi linh hồn mình mà thôi!” Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng người đàn bà đạo đức kia sẽ rất khó xử trong ngày Chúa đến và tính sổ đời với bà, vì chính Kinh Thánh đã viết: “Không một ai chỉ sống cho mình mà thôi và cũng không một ai chỉ chết cho mình mà thôi” (Rm 14,7); và không một ai có thể cứu rỗi được linh hồn mình mà không cần đến những “người bạn” đang bầu cử cho mình. Người ta đã không sai khi nói: “Sống cô đơn lẻ loi một mình thì chẳng vui bao giờ, dù trên Thiên đàng cũng không”. Và cùng với thánh Tô-ma Aquinô chúng ta có thể thêm: Người ta không thể lên Thiên đàng lẻ loi cô đơn một mình!

Đúng vậy, chúng ta không bao giờ là chủ nhân ông hay sở hữu chủ của các của cải vật chất hay của các khả năng tinh thần mà chúng ta đang chiếm hữu, nhưng chỉ là những người quản lỷ mà Thiên Chúa đã trao phó cho các của cải và tài năng đó để coi sóc giữ gìn mà thôi. Và vì chúng ta chỉ là những người quản lý các của cải chúng ta đang chiếm hữu, nên chúng ta có trách nhiệm phải quản trị, xử lý và sử dùng các của cải đó theo ý muốn và chương trình của chủ nhân đích thực của chúng, tức là Thiên Chúa, Đấng đã giao phó các của cải đó cho chúng ta.

Nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa thì chính những người nghèo khổ và túng thiếu là sở hữu chủ thầm lặng, nghĩa là những người đương nhiên có quyền được sử dụng tất cả mọi của cải chính chúng ta đang chiếm hữu nhưng không cần tới, những của cải thặng dư trong cuộc sống gia đình hay cá nhân của chúng ta.

Vâng, qua thái độ chúng ta đối xử với những người đói khổ bần cùng, chúng ta sẽ tự cho thấy chúng ta là những viên quản lý tốt hay xấu. Như vậy, những người nghèo khổ là “những người bạn” thầm lặng quan trọng của chúng ta, đến nỗi thiếu họ, chúng ta sẽ không thể tồn tại trong giờ phút mà chúng ta phải nghe lệnh truyền. “Ngươi hãy tường trình cho Ta về công việc quản lý của ngươi, vì từ nay ngươi sẽ không được làm quản gia của Ta nữa!”

Vậy, khi đối diện với những người nghèo khổ túng thiếu, chúng ta hãy luôn tâm niệm rằng, mình chỉ là người quản lý mọi của cải mà Thiên Chúa đã đặt vào tay mình để quản trị và sử dụng theo thánh ý Người mà thôi, tức biết đem chia bớt và san sẻ chúng với những người anh em đồng loại đang cần đến. Đàng khác, chúng ta hãy thâm tín rằng, sau này, chính những người anh em đói khổ đó sẽ là những người bạn cầm tay chúng ta để dẫn vào cửa Nước Trời, bởi vì chính Chúa đã quả quyết: “Khi các người giúp đỡ một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây, là các người đã giúp đỡ chính Ta vậy” (x Mt 25,40). Nói cách khác, việc liên đới trong tình huynh đệ với người nghèo và thật tâm giúp đỡ họ theo khả năng và điều kiện thực tế cho phép, chính là vận may cuối cùng của chúng ta!