CHÚA ƠI, CHÚA ĐI CHỖ KHÁC CHO CHÚNG TÔI NHỜ!

Ngày còn học tập tại Sài Gòn, tôi thường ghé thăm một thầy già. Trong căn phòng nhỏ bầy biện đơn sơ, có ba pho tượng nhỏ của ba chú khỉ: một chú bịt mắt, một chú bịt tai, một chú bịt miệng. Tò mò về ý nghĩa của ba pho tượng, tôi đặt câu hỏi thì được thầy cho biết thầy đặt ba pho tượng trong phòng để nhắc nhở mình ít xoi mói chuyện người khác, ít tò mò nghe chuyện người khác và ít ăn nói lung tung về những chuyện của người khác. Tôi tự nhủ đó là một triết lí đơn giản và cũng hay hay về cuộc sống.

Gần đây, khi nói chuyện trao đổi với một vài người thân quen, tôi được họ cho biết họ cảm thấy không có nhu cầu phải sống đạo và giữ đạo, lí do thật đơn giản: nếu quả thật Thiên Chúa là tình yêu, nếu quả thật Thiên Chúa là Cha Nhân Từ thì Ngài không thể tạo dựng con người để rồi sau đó lại trừng phạt đày đoạ họ. Có người cha hay người mẹ nào lại nỡ đày đoạ đứa con chính mình đẻ ra, thế mà tình yêu của Thiên Chúa lại còn vượt xa tình cha mẹ thông thường kia mà. Cách lí luận có vẻ thật đơn giản và hợp lí, hợp lí đến mức có lẽ chẳng cần phải nói gì thêm. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia chẳng đã nói rằng: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

Phải nói rằng ẩn sau vấn đề được nêu ra là quan điểm không chấp nhận thụ tạo nói chung và con người nói riêng như là sản phẩm trong bàn tay một Đấng Tạo Hoá tàn ác cay nghiệt và tính khí thất thường, dựng nên con người để rồi sau đó lại huỷ hoại và trừng phạt con người như một cuộc chơi, một trò đùa quái ác và phi lí. Người Việt Nam xưa cũng đã từng ít nhiều có quan niệm này, nên Nguyễn Gia Thiều từng than thở trong Cung Oán Ngâm Khúc:

“Tay tạo hoá cớ sao mà độc

Buộc người vào kim ốc mà xoay

Chống tay ngồi ngẫm sự đời

Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!”

Một vị tạo hoá như thế, dù có quyền năng vô cùng, thật cũng chẳng đáng tôn thờ và có lẽ cũng không ai muốn tôn thờ vị tạo hoá ấy, nếu có chăng cũng chỉ vì sợ hãi. Đó cũng không phải là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá của người Công giáo.

Nhưng vấn đề chưa hề được giải quyết, vì nếu Thiên Chúa không phải là một vị tạo hoá độc đoán và cay nghiệt, mà theo Kinh Thánh, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), thì việc trừng phạt đi ngược lại bản tính yêu thương của Ngài.

Nhìn thoáng qua một cách hời hợt thì cách lí luận này thật hợp tình hợp lí. Nhưng chỉ suy nghĩ sâu xa hơn một chút thôi, lập luận này sẽ dẫn đến vô số những ngõ cụt. Nếu không có thưởng phạt, mọi chuyện trên đời này đều được phép, vì rút cuộc sau khi chết người ta đâu có bị trừng phạt gì và kẻ không cố gắng chụp giật, cố tận hưởng cuộc sống là kẻ ngớ ngẩn và dại dột. Cuộc đời này sẽ trở thành thiên đường cho những kẻ ích kỉ, tàn ác, vô nhân, những kẻ cơ hội, tham lam và thực dụng, để rồi sau khi chết đi họ sẽ chắc chắn lại được hưởng một thiên đường khác! Không có thưởng phạt, sau cuộc sống “mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90,10), con người sẽ ùa sang thế giới bên kia theo kiểu hoà cả làng, cũng có nghĩa là những nỗi đau khổ và oan ức của phần lớn nhân loại sẽ không hề có lời đáp, kiểu như hòn đá ném vào hư không! Không có thưởng phạt, mọi nỗ lực và cố gắng của con người trở nên vô nghĩa, cuộc sống sẽ tẻ nhạt và chẳng còn ý nghĩa vì không còn hướng đi, không còn mục tiêu tiến tới. Nói một cách rõ hơn, nếu không có thưởng phạt thì có lẽ con người cũng không còn lí do hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, vì tại sao Thiên Chúa không đặt ngay con người vào thiên đàng mà lại còn phải để họ sống một thời gian ở trần thế, để rồi sau đó cũng đưa tất cả họ vào thiên đàng? Đâu là ý nghĩa cho cuộc đời tại thế?

Thực ra, việc viện lí do Thiên Chúa là tình yêu nên không thể có chuyện Ngài đoạ phạt con người chỉ là một cái cớ người ta đưa ra để lảng tránh Thiên Chúa, một cái vỏ bọc thật đẹp nhằm che đậy lối sống vô thần thực tế, tức là cứ sống như không hề có Thiên Chúa, và cũng nhằm biện minh một lối sống thiếu trách nhiệm với chính mình và với mọi người. Người ta ngại phủ nhận một cách trực tiếp sự hiện diện của Thiên Chúa, vì kinh nghiệm bản thân và biết bao chứng cứ trong cuộc sống này không cho phép người ta đưa ra một lời phủ nhận tuyệt đối sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng nếu không phủ nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chẳng chóng thì chày, con người buộc phải đối diện với Thiên Chúa. Thế mà trong cuộc sống cạnh tranh và chạy như chong chóng này, trong một thế giới cứ nhấn mạnh đến hưởng thụ và hưởng thụ tối đa, trong một bối cảnh mà đồng tiền được xem như có sức mạnh vạn năng, việc phải đối diện với Thiên Chúa thật phiền phức quá. Khi phải đối diện trực tiếp với Ngài, người ta sẽ nhận ra rằng việc chạy theo mốt sống duy hưởng thụ trong xã hội có gì đó không ổn, mà sống theo luật Chúa thì khổ sở quá. Do vậy, tiện nhất là đẩy Ngài ra bên lề cuộc sống. Xin Ngài đi chỗ khác chơi, hoặc cứ ở đó với tình yêu bao la của Ngài, nhưng tôi nhắc cho Ngài nhớ rằng vì Ngài đã được tôi chụp cho cái vòng kim cô YÊU THƯƠNG, Ngài hãy để tôi muốn làm gì thì làm, nhưng dù thế nào, Ngài không còn quyền phạt tôi nữa đâu. Và thế là người ta có thể yên lòng để lương tâm mình ngủ yên: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,19).

Nghĩ cũng thật khổ cho Thượng Đế. Ngài bị con người gán cho một bộ mặt vô tình, cay nghiệt và phi lí rồi họ phỉ nhổ và phủ nhận Ngài với bộ mặt đó. Hoặc người ta lại vẽ cho Ngài bộ mặt yêu thương ngờ nghệch đến mức chẳng thể làm gì được với đủ thứ tội ác tày đình của họ! Nhưng dù Ngài có mang bộ mặt nào đi nữa, người ta cũng xua đuổi Ngài, mong Ngài biến khỏi cuộc sống của họ.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới một đoạn rất thú vị có tiêu đề là “Viên Đại Pháp Quan” trong cuốn tiểu thuyến Anh Em Nhà Caramazov của văn hào Nga Doxtoevxki.

Câu chuyện đưa chúng ta trở về thế kỉ XV, tại thành phố Xêvin, Tây Ban Nha. Đó là thời người ta đưa lên giàn hoả thiêu những người bị xem là lạc đạo hay rối đạo. Tại thành Xêvin, ngay ngày hôm trước, người ta đã đưa lên giàn lửa hàng trăm người bị coi là dị giáo. Chúa xuất hiện một cách lặng lẽ trước sân nhà thờ, vẫn với dáng vẻ của mười lăm thế kỉ trước. Ngay lập tức, mọi người đều nhận ra Chúa và một sức mạnh kì lạ đã khiến người ta tới vây quanh Ngài. Người ta tìm cách chạm vào áo Chúa. Rồi Ngài chữa cho một người mù loà, cho một bé gái sống lại. Cũng lúc ấy vị giáo chủ, cũng là viên Đại Pháp Quan, đi tới. Ông đã nhìn thấy tất cả và ông ra lệnh bắt giam Ngài. Uy quyền của ông rất lớn nên đám dân chúng đã quen thần phục liền ngoan ngoãn và run sợ vâng lệnh ông. Ông lẳng lặng đi ngang qua đám đông và ban phép lành cho họ. Quân lính dẫn Chúa vào một nhà ngục chật hẹp.

Đêm ấy, cửa ngục mở ra và vị Đại Pháp Quan chậm rãi tiến vào, ông nhìn chằm chằm vào mặt Chúa. Ông tới gần, đặt đèn xuống bàn và nói: “Ông đấy ư? Ông ư?” Không đợi Chúa trả lời, ông nói tiếp: “Đừng trả lời, cứ im lặng. Với lại ông có thể nói gì được cơ chứ? Tôi thừa biết ông sẽ nói gì. Ông không có quyền thêm một lời nào vào những gì ông đã nói trước kia. Tại sao ông đến đây làm phiền chúng tôi? Ông đến làm phiền chúng tôi, điều đó thì chính ông cũng biết. Nhưng ông có biết ngày mai sẽ thế nào không? Tôi không biết ông là ai và không muốn biết có phải ông thật không hay chỉ là cái vẻ bên ngoài giống như ông, nhưng ngày mai tôi sẽ kết án ông và thiêu ông trên giàn lửa như một kẻ tà giáo độc ác nhất, và dân chúng hôm nay hôn chân ông thì ngày mai tôi chỉ vẫy tay một cái là họ đổ xô đến hất thêm than vào giàn lửa thiêu ông, ông có biết thế không?”

Không phải chỉ bây giờ, mà năm thế kỉ trước, hai mươi thế kỉ trước, nhiều người cũng đã nhận thấy thật phiền phức khi Thiên Chúa cứ hiện diện bên họ. Họ giải quyết vấn đề bằng những cách khác nhau: đóng đanh Ngài, tống ngài vào ngục, hoặc mượn tình yêu vô biên để tống cổ Ngài ra khỏi cuộc sống của mình. Thiên Chúa đã vì quá yêu thương nên trở thành bất lực và đó vẫn mãi là cách hành động của Ngài!

Thực ra, dường như ngay từ khi con người bắt đầu biết suy tư về bản thân mình và về vũ trụ, vấn đề Thiên Chúa đã được đặt ra, rồi từ Đông sang Tây, người ta cố dùng kinh nghiệm, ý chí và lí trí để tìm hiểu về Thiên Chúa. Khả năng giới hạn của con người nhiều khi dẫn đến những quan niệm đôi khi lệch lạc về một đấng tạo hoá như là “Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán”, vô tình, độc đoán, nhiều khi tàn bạo một cách phi lí.

Niềm tin trong Hội Thánh dạy chúng ta rằng con người chỉ thực sự hiểu đúng về ý nghĩa, thân phận cũng như cùng đích đời sống của chính mình, về Thiên Chúa và về vũ trụ nhờ mặc khải của chính Thiên Chúa. Mặc khải ấy được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng xưng mình “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), Đấng từng nói: “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Như vậy, hoặc là phải tin vào Chúa Giêsu, dám dấn thân sống theo Ngài và như Ngài; hoặc bằng cách này hay cách khác từ chối Ngài, cho Ngài qua chỗ khác chơi để tuỳ thích sống theo ý mình cho tiện.

Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và cũng chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến chuyện thưởng phạt: “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,32); và: “ ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống đời đời” (Mt 25,45-46). Nơi “cực hình muôn kiếp” còn được tả như là nơi “khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,12; 13,42; 13,50; 22,13; 24,51; 15,30; Lc 13,28).

Thiên Chúa mãi mãi vẫn là tình yêu, nhưng cuộc đời con người lại hữu hạn và mỗi người cũng chỉ sống có một lần duy nhất.

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa trao vào tay con người một món quà vô giá: TỰ DO. Đó là một cuộc mạo hiểm vô tiền khoáng hậu, một canh bạc mà dầu Thiên Chúa đã lường trước kết quả là Ngài sẽ thua lỗ, Ngài vẫn đặt cược vì Ngài quá yêu thương con người. Tự do làm nên phẩm giá con người vì nó khiến mỗi người trở nên một thụ tạo độc nhất vô nhị, nó cho thấy Thiên Chúa vô cùng yêu thương và tôn trọng con người, nó khẳng định con người không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của một cuộc tạo dựng vô tình và độc đoán. Nhưng than ôi, tự do cũng khiến cho con người chịu trách nhiệm về mọi hành vi có ý thức của mình. Tự do phủ nhận thuyết định mệnh nghiệt ngã, nhưng tự do cũng khiến con người không vô can và vô trách nhiệm đối với cuộc đời và với chính mình. Và Thiên Chúa đã yêu thương, tôn trọng con người tới mức chấp nhận cả việc con người, thụ tạo của Ngài, từ chối và phủ nhận chính Ngài.

Vậy là lá bài đã được đặt vào tay con người: chấp nhận Thiên Chúa hoặc đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Thiên Chúa vẫn luôn luôn chờ đợi một lời đáp từ phía con người. Ngài thành một người cha mỏi mòn chờ đứa chỉ muốn con bỏ nhà lang thang cho thoả thích (x. Lc 15,11-31). Ngài như người mục tử bỏ chín mươi chín con chiên để băng rừng bạt núi tìm con chiên lạc (x. Lc 15,4-7; Mt 18,12-14). Ngài mở “tiệc lớn và đã mời nhiều người”, nhưng “mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu” để rồi “các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” lại được mời vào bàn tiệc (x. Lc 14,15-24; Mt 22,1-10). Thiên Chúa đã thất bại khi trao cho con người tự do, nghĩa là khả năng từ chối lời mời của Ngài. Dưới cái nhìn của con người, Thiên Chúa đã thất bại thê thảm. Thiên Chúa tạo dựng con người để rồi con người dùng tự do đi theo lời mời của ma quỉ (x. St 3,1-24). Con Thiên Chúa đến cứu con người để rồi bị họ đóng đanh chết trên thập giá. Cứ như thế, lịch sử nhân loại là lịch sử của những lần con người từ chối Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không thất bại, vì Ngài vẫn tiếp tục yêu thương vẫn tiếp tục chờ đợi con người trở về với Ngài. Ngài yêu thương đến cùng và cũng tôn trọng tự do của con người đến cùng. Bàn tiệc đã được dọn ra, bao nhiêu người nhất loạt từ chối, nhưng rồi sau cùng, phòng tiệc cũng “đầy thực khách” (Mt 22,10). Tình yêu thương nhân từ, lòng kiên nhẫn quảng đại của Thiên Chúa là vô cùng, nhưng kiếp người lại hữu hạn và quyền lựa chọn chỉ có thể diễn ra khi cuộc đời chưa kết thúc. Trong dụ ngôn về mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13), Chúa Giêsu kể lại rằng năm cô khờ dại vì mang đèn mà không mang theo dầu, khi đèn tắt mới vội chạy đi mua dầu, các cô trở lại phòng tiệc thì cửa đã đóng. Các cô gõ cửa và nói: “Thưa Ngài! Thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”

Truyện Kiều có câu:

“Từ phen đá biết tuổi vàng

Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ.”

Kinh Thánh lại nói Nước Trời giống như chuyện người kia tìm được kho báu chôn giấu trong ruộng, liền về bán tất cả để mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống chuyện một thương gia tìm được viên ngọc quí, ông cũng về bán đi tất cả để mua viên ngọc (x. Mt 13,44-46). Chúa Giêsu cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Ai có tai thì nghe” (Mt 11,15; 13,9; Mc 4,9; 7,16; Lc 8,8; 14,35).

Tình yêu, tự do và trách nhiệm là quà tặng đi liền với nhau và cần được đón nhận một cách trân trọng đúng như là quà tặng.

Tôi nghĩ rằng cũng nên kết thúc ở đây vì bài viết đã khá dài. Tôi lại nhớ tới căn phòng của thầy già thủa nào, nơi có tượng ba chú khỉ. Để cho tiện, nhiều khi người ta cũng chỉ muốn bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để khỏi nghe lời Chúa nói, khỏi nhìn thấy Thiên Chúa và khỏi cần nói về Ngài. CHÚA ƠI, CHÚA ĐI CHỖ KHÁC CHO CHÚNG TÔI NHỜ! Tôi lại nhớ tới bộ phim Một Cõi Tâm Linh của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Để mở đầu bộ phim này, nhà đạo diễn lừng danh đã dùng một câu nói mà tôi xin trích lại ở đây như một lời kết: “Một người Âu nổi tiếng và vô thần nhưng đã có lúc nói rằng: CÁC NGÀI XEM, SỰ VÔ ĐẠO THÌ THẬT LÀ TIỆN LỢI ĐỂ SỐNG, NHƯNG ĐỂ CHẾT THÌ THỰC LÀ BẤT TIỆN, THẬT LÀ ĐỒ QUỶ SỨ!”

Paris, cuối hè 2007

KIM ÂN