Chúa Nhật XXIV,C

Lc 15,1-32

Tinh yêu thương chân thực luôn mang tính cách sáng tạo

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới một đề tài hết sức thời sự, có liên quan trực tiếp đến nhiều người trong chúng ta kèm theo bao bức xúc lo lắng, đến nỗi đã quên ăn mất ngủ.

Những trường hợp cụ thể sau đây không hề là những câu chuyện dã tưởng, bịa đặt hay phóng tác, nhưng là những sự kiện xảy ra hằng ngày đã được ghi nhận, và thường đã được nhắc đi nhắc lại qua thư từ hay qua điện thoại với văn phòng giáo xứ, đặc biệt trong các xứ đạo rộng lớn :

«Thưa cha, con phải làm thế nào đây? Gia đình chúng con tan nát hết rồi! Xin cha cứu con với! Trong nhà chẳng ai hiểu ai cả, con cái một đàng, cha mẹ một nẻo ! Không ngày nào mà không có tiếng to tiếng nhỏ với nhau ! Thằng con trai chúng con nay đã 19 tuổi rồi, nó tự do muốn làm gì tùy ý, không ai nói được nó nữa. Mỗi tối nó bỏ nhà đi hoang suốt cả đêm, chẳng thèm hỏi ai lấy một lời. Chúng con rất lo nó có thể nhập bọn với tụi bụi đời hay các hội đen. Nhưng cũng rất có thể nó đã theo bọn đó rổi. Con sợ đời sống gia đình chúng con cũng vì thế mà bị đổ vỡ, không sao cứu chữa nỗi. Trăm sự nhờ cha ! Con xin cha mau giúp đỡ gia đình chúng con!»

Một bản thống kê về những chuyện lục đục, gây gỗ rắc rối trong gia đình như thế chắc chắn không hề được kê khai rõ ràng, vì do sĩ diện, các bậc cha mẹ thường không bao giờ muốn «vạch áo cho người xem lưng», nhưng chắc hẳn đây không phải là lời cầu cứu duy nhất.

Các bậc cha mẹ trong cuộc luôn băn khoăn tự hỏi : «Chúng tôi đã làm gì sai ? sai ở chỗ nào ? Ai còn có thể giúp được cho đứa con chúng tôi ? Cha Quản Xứ ? Thầy giáo ? Bác sĩ ? Đứa con chúng tôi luôn quả quyết : «Con đã trưởng thành rồi ! Con đã quá chán ngấy cái cảnh luôn luôn phải vâng lời, phải chấp hành lệnh người khác, con phải tự chọn lựa và quyết định lấy đời mình…!» Như thế, chúng ta đang bàn tới câu chuyện «Đứa con hoang đường của năm 2009!»

Nhưng trong trường hợp gai góc này, cha Quản Xứ giúp được gì cho những người cha mẹ khốn khổ kia ?

Vì người ta tin tưởng chạy đến cầu cứu ngài, nên dù muốn hay không, cha Quản Xứ cũng phải ra tay giúp đỡ. Hơn nữa, đó là sứ mệnh của ngài trong tư cách là một Linh Mục chủ chăn.

Theo thiển ý tôi, chúng ta rất có thể góp ý giúp đỡ các bậc cha mẹ khốn khổ kia ra sao rồi. Vâng, chúng ta có thể nói với họ rằng : «Quý ông bà/anh chị hãy hành động giống như người cha nhân hậu trong dụ ngôn ‘Đứa con hoang đàng’ mà ngày nay thường gọi là dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu'!»

Nhưng người cha nhân hậu trong dụ ngôn đã hành động ra sao? – Ông ta đã chấp nhận ý muốn của người con thứ. Kinh Thánh viết : «Và người cha đã chia của cải cho hai con». Dĩ nhiên, chắc chắn trước đó, ông ta đã khuyên bảo, bàn hơn tính thiệt với người con thứ rồi. Nhưng người cha vừa đầy nhân hậu vừa đầy khôn ngoan kia đã không hề ép buộc người con phải theo ý mình. Ông dư biết một khi người ta đã khăng khăng tìm cách thực hiện cho bằng được ý riêng mình, thì những lời khuyên răn, những can ngăn của người khác chỉ là việc đổ dầu vào lửa mà thôi. Đàng khác, ông cũng đã không hề dọa nạt, truất quyền thừa tự hay từ cậu con.

Chính thái độ đầy thông cảm, khoan dung và quảng đại của người cha như thế, chắc hẳn đã gây ấn tượng mạnh nơi người con thứ và khiến cậu luôn phải suy nghĩ. Bởi vì «Ít ngày sau đó cậu con thứ đã thu góp tất cả rồi trẩy đi đến một miền xa.» Sự bình tĩnh và chính chắn của người cha trong cách thức ông đối xử với con mình chắc chắn đã làm cho cậu con thứ «đâm hoang mang» trong lòng về sự quyết định của mình khi bỏ nhà cha ra đi như thế.

Bình thường người cha có thể nói cho con mình những kinh nghiệm đời của mình. Nhưng ông đã không làm thế. Vâng, người ta không thể kinh ngiệm thay cho người khác được. Mỗi người phải tự học lấy, phải tự thu tập lấy kinh nghiệm cho chính mình.

Như vậy, người cha không chỉ không ngoan, nhưng ông còn có thể nhìn thấy trước được những gì rất có thể xảy ra cho người con còn non trẻ của mình : Một cuộc sống phóng đãng và xa hoa phí phạm - không chóng thì chầy - sẽ làm cho con người trở nên buồn chán. Sự sung túc hào hoa giả tạo sẽ làm cho con người chóng thất vọng. Sự hưởng thụ sẽ không bền lâu và không dừng lại ở một biên giới nào nhất định. Nó luôn lôi cuốn những người chạy theo nó mãi cho tới đáy vực thẳm mới chịu thôi.

Và điều đó đã xảy ra cho người con thứ ! Vâng, chúng ta đã biết chuyện gì đã xảy đến với cậu : Cuối cùng cậu con thứ chỉ còn lại sự khốn cùng. Cuộc sống xa hoa đã chóng qua đi như bóng sổ, như mây bay, chứ không bền chặt như cậu từng mơ tưởng. Những người bạn trai bạn gái từng vui cười say sưa nhậu nhẹt với cậu thâu đêm suốt sáng, nay đã quay mặt bỏ cậu từ lâu.

Người con thứ nay phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu, đến nỗi cậu đã phải đi ăn mày kiếm sống nơi một người nông dân trong vùng. Quả thật, sự khốn cùng, thảm trạng của một đời người đã đạt tột đỉnh !

Thế nhưng, «giữa đêm tối, một ngày mới lại bắt đầu ló dạng»; vâng, một thảm trạng có thể trở nên một khởi đầu cho một cuộc sống mới : «Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ…». Đó là điều từ lâu cậu con thứ đã không làm.

Quý phụ huynh thân mến, còn quý vị, quý vị sẽ phải cư xử sao đây?

Nhân danh Chúa, quý vị hãy để cho cậu con 19 tuổi được tự do hành động theo ý nó. Nhưng dĩ nhiên trước đó quý vị hãy hết tình bàn hơn tính thiệt với nó, hãy cho nó biết những gì có thể đang chờ đón nó trong một cuộc ngoài vòng tay gia đình! Nếu cậu con vẫn «cố chấp» bảo thủ lập trường, chứ không thay đổi ý kiến, thì quý vị hãy bình tĩnh để cho cậu vui vẻ ra đi, dù rằng lòng dạ quý vị đang tan nát dày vò, và đó là điều mà cậu con cũng cần phải cảm nhận được!

Nhưng nhịp cầu thương yêu và tin tưởng ruột thịt giữa quý vị và cậu con luôn cần phải được nâng niu giữ gìn! Vâng, tình yêu thương chân thực luôn mang tính cách sáng tạo.

Đúng thế, quý vị hãy đợi con mình trở lại như người cha nhân từ trong dụ ngôn. Và quý vị cũng hãy cho cậu con biết rằng quý vị ngày đêm luôn mong mỏi cậu sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Quý vị hãy cho cậu con mình biết là sau những ồn ào và bất đồng, quý vị vẫn luôn một lòng thương yêu tin tưởng cậu, và cánh cửa gia đình luôn mở rộng đón chờ cậu bất cứ lúc nào cậu muốn.

Vâng, quý vị hãy luôn chờ đợi và cầu nguyện cho cậu con, hãy yêu thương cậu. Được thế, «đứa con hoang đàng» sẽ không còn hoang đàng nữa, nhưng cậu ta sẽ lại tìm thấy được vận may mới cho đời mình. Tình yêu thương và sự quảng đại của cha mẹ là động cơ chính thúc đẩy con cái bừng tỉnh khỏi những giấc mơ bồng bột của tuổi trẻ.

Một điều quan trọng mà quý vị không được bỏ quên, là không phải bất cứ ai làm một điều gì đó không tốt, thì đương nhiên là một kẻ xấu. Tiếp đến, một điều khác còn quan trọng hơn nữa, đó là quý vị hãy luôn ý thức rằng tự sức riêng mình, quý vị sẽ không bao giờ làm được những điều đó.

Vâng, chúng ta cần phải có ơn Chúa trợ giúp, nâng đỡ. Tôi cầu xin Chúa chúc lành và nâng đỡ thiện ý của quý vị trong việc giáo dục con cái, và giúp quý vị biết giải quyết những va chạm và xích mích trong gia đình với tinh thần bác ái của Tin Mừng.