Đọc bài: ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CHẤM DỨT "MỤC VỤ XIN TIỀN" của LM NGUYỄN HỮU LỄ

Một Giáo dân gọi điện thoại hỏi tôi:

- Ông Trình ơi, ông đọc bài của ông Cha Lễ chưa?

- Chưa. Cha Lễ viết gì đấy?

- Tôi không ngờ một Linh mục mà có thể viết như vậy.

- Ừ để tôi mở máy đọc coi xem sao.

Tôi mở máy ra thấy bài viết "Đã đến lúc phải chấm dứt "Mục Vụ Xin Tiền" của LM. Nguyễn Hữu Lễ do Sarah Nguyen gửi lên các Diễn Đàn. Rồi thấy cả ông Nguyễn Trung Châu, Chủ tịch Tổng Hội Cựu TNCT Việt Nam, cũng chuyển lên Diễn Đàn do yêu cầu của Cha Lễ "để phổ biến rộng rãi". Đúng là có kẻ tung, người hứng.

Đọc xong bài này tôi rất ngạc nhiên không thể ngờ được một Linh mục, một "Lãnh Tụ Chính Trị Tối Cao" của Phong Trào Nhân Dân Đòi Trả Lại Tên Sài Gòn mà lại có thể viết lách như vậy! Nhưng khi nhớ lại bài "Lời trối của Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, nguyên Giám Mục Bắc Ninh" của Cha Lễ phổ biến trước đây, tôi nhận ra rằng ông là người có thói quen chạy theo thời cơ, suy nghĩ và hành động theo cảm tính và thường bị thúc đẩy bởi các chiến dịch đứng đàng sau hơn là theo những suy nghĩ chín chắn và thường quên mình là một Linh mục (như hồi ký về Bùi Đình Thi). Chúng tôi thấy cách suy nghĩ và hành động như Cha Lễ sẽ có tác hại đáng kể, vì ông là một Linh mục. Do đó, tôi thấy cần phải có một vài ý kiến về bài nói trên của Linh mục Lễ. Sau đây là một số nhận xét của tôi:

THỨ NHẤT: Khi nêu vấn đề phải chấm dứt "Mục Vụ Xin Tiền" ra thảo luận và phân tích công khai, Cha Lễ đã nếu đích danh một số Giám Mục như Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám Mục địa phận Đà Nẵng, Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ tá địa phận Orange County, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám Mục địa phận Thanh Hóa, v.v..., tức là nói về những đứng bản quyền đang coi sóc giáo hội tại địa phương, nơi mà Linh mục Lễ đã nhận chức thánh. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội dạy: “Vì tham dự vào chức vụ linh mục và vào sứ mạng của các Giám Mục, linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài.” (Chương III, đoạn 28).

Điều 212 Giáo Luât ghi rõ:

a) Ý thức trách nhiệm riêng của mình, các tín hữu với lòng vâng phục Kitô Giáo, phải tuân theo những điều mà các vị Chủ chăn có chức thánh đại diện Đức Kitô, tuyên giảng với tư cách là các thầy dạy đức tin hoặc qui định với tư cách là người lãnh đạo Giáo Hội.

b) Các tín hữu có quyền trình bày cho các Chủ chăn của Giáo Hội, các nhu cầu của mình, nhất là các nhu cầu thiêng liêng, và các ước vọng của mình.

c) Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, họ có quyền, và đôi khi kể cả bổn phận, bày tỏ cho các Chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Giáo Hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các Chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.

Trong Đường Hy Vọng, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng đã viết:

Đùng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh, vì đó là nhiệm thể Chúa Kitô. Họ muốn tiếp tục giết Chúa Kitô, nhưng không giết được Ngài nữa, bèn phá Hội Thánh. (ĐHV số 251)

Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh (ĐHV 253)

Đối vói Hội Thánh, không ai tự nhiên cố ý phản bội. Nhưng thường có ba trường hợp người ta lâm vào thế phản bội:

1. Khi kẹt vấn đề tiền tài, tình cảm.

2. Khi bất mãn vì tham vọng.

3. Khi sợ cực, sợ đau, sợ chết. (ĐHV 262)

Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ, tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi ngưòi. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày. (ĐHV 264).

Trước khi công kích, con hãy tìm hiểu các văn kiện, các thông điệp của các Giáo Hoàng. Con sẽ ngạc nhiên và khám phá ra các Ngài đã đề cập đến tất cả mọi vấn đề với những tư tưởng tuyệt hảo, cách mạng, với đường lối canh tân, bát nguồn từ một tinh thần Kitô giáo rất tiến bộ, rút trong Thnáh Kinh, ơn Chúa à thơi hiệu. Nếu chúng ta chỉ thực hiện hai phần trên, như Đức Pio XII, Hội Thánh và thế giới đã biến đổi khác hẳn. (ĐHV 269).

Không hiểu Linh mục Lễ đã lấy tư cách gì để buộc hàng giáo phẩm Việt Nam phải làm theo những suy nghĩ thô thiển của mình với những lới lẽ thiếu tôn kính như thế?

THỨ HAI: Cha Lễ viết: "Trong bài viết này, tôi không có ý đi sâu vào chi tiết các sự việc nói trên, nhưng tôi coi những sự việc đó như là một giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước vốn dã đầy trong lòng tôi, trước cảnh hỗn loạn của đạo quân nhiều màu sắc trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ trong nước ra quyên tiến đồng bào hải ngoại. Thậm chí có người đã bày trò giả mạo, lường gạt để kiếm ăn."

Chuyện lạm dụng thì tổ chức hay cơ quan nào cũng có. Giàu có như nuớc Mỹ vậy mà một ông Tổng Thống còn lấy công quỹ (chỉ vài chục ngàn thôi, chẳng đáng là gì) mua quà cho Đệ Nhất Phu Nhân bị khui ra thì có gì lạ đâu. Nhưng không phải vì những sự làm dụng đó mà chúng ta phải hủy bỏ mọi công tác Rao Giảng Tin Mừng và Thực Thi Đức Ái.

Cha Lễ viết: "Giọt Nước Làm Tràn Ly". Tôi tưởng cái ly đó là các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại hay cái gì khác. Nào ngờ cha Lễ lại thú nhận: "...nhưng tôi coi những sự việc đó như là một giọt nước cuối cùng, làm tràn ly nước vốn đã đấy trong lòng tôi". Cha Lễ còn coi đó là "một thứ ung nhọt gây ra nhức nhối trong thân thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.”

Tôi thiết nghĩ, trong thực tế cái ung nhọt nơi Giáo Hội Việt Nam mà Cha Lễ mô tả, chỉ là cái ung nhọt do Cha Lễ tưởng tượng ra mà thôi. Nếu có chăng thì đó chính là ung cái nhọt đã mọc sâu trong lòng Cha Lễ do những thành kiến và suy nghĩ nông nổi, nên nó đã bộc phát ra ngoài bằng những câu mà một Linh mục không thể viết như "Ai cũng có thể hiểu là số tiền đó phải chia chác cho cán bộ, vì bọn chúng đã chịu khó "vét từng xu" trong túi của Việt kiều về thăm nhà khi bước qua ngưỡng cửa phi trường, thì không lẽ lại không để ý tới cái túi nặng chình chịch của các vị Hồng Y, Giám Mục, Linh mục... đang bước xuống phi trường."

Chuyện một số Linh mục Tu sĩ Công Giáo ra hải ngoại quyên góp tiền bạc để lo xây dựng Giáo Hội tại quê nhà thiết nghĩ là chuyện thuộc nội bộ Công Giáo Việt Nam. Các vị đi quyên góp dù với mục tiêu và lý do nào như là làm công tác tứ thiện, tu bổ Thánh đường lâu ngày bị đổ nát, giúp người nghèo, bệnh nhân hay các em bị khuyết tật, xây dựng cơ sở Dòng tu hay Chủng viện, vân vân thì họ cũng chỉ đến các Cộng đoàn Công Giáo VN ở hải ngoại và phải thông qua Giáo quyền như Giám Mục địa phương và Cha sở họ Đạo. Đối với Giáo dân, có thì họ cho. Không có hay không dư giả thì họ không cho. Không có gì bắt buộc họ phải cho hay phải đóng góp. Giáo dân thời nay họ đâu có ngu gì mà cứ nhắm phải làm theo ông Cha. Cũng chẳng có ông Cha nào dám lên tiếng buộc Giáo dân phải cho, phải đóng góp. Giáo dân họ cho là quyền tự do của họ. Họ thích thì họ cho. Họ không thích hay nhận ra có sự lạm dụng thì không cho. Mấy vị ở Việt Nam dư biết điều đó và họ cũng chẳng bao giờ quyên góp ngoài phạm vi các Cộng đoànCông giáo.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của hãng thông tấn UCAN, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa, có nói: “Khó khăn tài chánh cũng là chuyện đương nhiên. Tỉnh Thanh Hoá cho đến nay, với một khối lượng dân đông đến 4 triệu, vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam. Có đến 90% dân Thanh Hoá sống bằng nghề nông làm ruộng nước, thu nhập thấp, mức sống dưới ngưỡng nghèo khó. Giáo dân nghèo thì địa phận cũng phải nghèo. Cho đến nay, giáo phận vẫn không có một hoạt động kinh tế nào. Mọi sự đều phải trông vào trông vào lòng hảo tâm của ân nhân xa gần, một cái phao để cứu nguy: rất cần nhưng cũng bấp bênh, trôi dạt.”

Không ai bắt buộc giáo dân ở hải ngoại phải giúp đỡ giáo hội hay đồng bào không may mắn tại quê nhà, nhưng đa số ý thức rằng những sự giúp đỡ của họ sẽ góp phần vào việc xây dựng một giáo hội và quê hương ngày càng tốt đẹp hơn, nên họ đã mở rộng cạnh tay, dù Linh mục Lễ và một số người chống đối.

Về phương diện chính trị, một số người Việt hải ngoại cho rằng việc giúp đỡ những người nghèo khổ và bệnh tật ở trong nước là trách nhiệm của chính quyền. Ta làm giúp là làm cho chế độ tồn tại lâu hơn. Trong khi đó, các cường quốc Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, đều tin rằng tăng cường các hoạt động kinh tế và xã hội tại các nước cộng sản sẽ biến dần các chế độ xã hội chũ nghĩa còn lại biến thành chủ nghĩa tư bản, vì thế họ đầu tư rất mạnh vào các nước này. Riêng Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc trên 150 tỷ USD. Nếu Linh mục Lễ không đồng ý quan điểm này, tại sao Linh mục Lễ không phản kháng Washington mà cừ phản kháng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam?

THỨ BA: Cha Lễ viết tiếp:

"Xin nói rõ ở đây mụch đích tôi viết bài này không phải là để phản đối việc người Công giáo Việt Nam Hải Ngoại đóng góp tiền bạc để sửa sang và xây dựng lại các cơ sở giáo hội bị đổ nát..."

"Tôi cũng không nói xấu hay đả kích Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đáng thương hơn là đáng trách. Điều tôi muốn nói là có một số người trong hàng ngũ chức sắc trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã lạm dụng và khai thác quá mức túi tiền của người Công Giáo Việt nam Hải Ngoại..."

Viết như vậy, Cha Lễ đã tự mâu thuẫn với chính minh, câu sau đá móc câu trước. Vã lại, trong cuộc phỏng vấn ngày 20.8.2007 dành cho Đài Phát thanh Vatican, ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ khanh Tòa thánh đã nói:

“Giới thông tin nào chỉ chú tâm vào các lầm lỗi của các thành phần trong Giáo hội là đưa ra trước công luận một hình ảnh lệch lạc về Giáo hội. Cũng có thể ví như họ trình bày một mảng đen trên bức họa vĩ đại ở nhà nguyện Sistine, được phục chế để lấy lại vẻ lộng lẫy nơi màu sắc nguyên thuỷ của nhà danh họa Michelangelo.

“Để làm chứng liệu cho lịch sử, các người phục chế đã để lại một vài điểm y nguyên như cũ, không phục hồi, để cho thấy đất và bụi bặm đã chồng chất lên như thế nào suốt bao nhiêu thế kỷ.

”Nếu ai đó đưa máy ảnh truyền hình nhắm vào một trong các điểm đen đó để chỉ cho thấy đó là nhà nguyện Sistine - thay vì đặt trọng tâm vào vẻ huy hoàng tráng lệ của (toàn bộ) nhà nguyện – thì đó là một việc làm giả mạo, xuyên tạc. Các điểm đen là một phần của nhà nguyện, nhưng những điểm đó không thể hiện chính xác tác động toàn diện của kiệt tác do Michelangelo thực hiện.

Ngài nhấn mạnh:

“Cũng thế, Giáo hội là một kiệt tác vĩ đại của Thiên Chúa và của các thành viên nam nữ trong Giáo hội đã và còn đang tiếp tục thực hiện một khối lượng khổng lồ những việc công ích ở khắp nơi trên thế giới này.”

Quả là Linh mục Lễ đang vác cái lọ cổ đi đập mấy con rồi!

KẾT LUẬN:

Sống lâu năm ở Mỹ, tôi thấy trên đấu trường chính trị, có những phần tử tài hèn, đức kém mà rất thích nổi danh. Họ không biết làm gì hơn là đánh phá những người nổi danh để mình được mau nổi danh. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Linh mục Lễ thuộc loại đó, vì ông là một LINH MỤC.

Điều 285 của Bộ Giáo Luật có dạy rằng “Các giáo sĩ nên xa lánh tất cả những gì không xứng hợp với bậc của mình...” và “Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì không xấu xa nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.”

Qua tinh thần giáo luật trên và để cho Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ biết là mình đang có những lời nói độc ác với Giáo Hội và hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đang có những hành động không xứng hợp với chức vị của một linh mục, chúng tôi xin các đấng bản quyền, các linh mục chánh sở, ngăn cản không để cha Nguyễn Hữu Lễ cử hành thánh lễ nơi có đông giáo dân Việt Nam vì đó là một con người đang hãnh diện làm gương mù gương xấu, vì Ngài có thể lợi dụng tòa giảng để xúi giục giáo dân hận thù Giáo Hội và hàng Giáo Phẩm Việt Nam.

Tôi cũng xin giáo dân Công Giáo Việt Nam tại Tân Tây Lan hãy tỏ thái độ cứng rắn với Linh Mục Lễ, hãy yêu cầu Linh Mục để hết tâm trí vào việc giúp qúy vị ngày càng nên thánh, đừng để Linh Mục Lễ dùng thi giờ dẫn dắt qúy vị vào con đường chống phá giáo hội, núp dưới chiêu bài chống cộng sản. Nếu cần, qúy vị hãy phúc trình cho Đức Giám Mục đia phương biết những lời nói độc ác và gian xảo của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đối với Giáo Hội và hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Những lời nói đó có ngay trong bài “Đã đến lúc phải chấm dứt Mục Vụ Xin Tiền” do Linh Mục Lễ viết.

Chúng tôi mong rằng Cha Lễ hãy khiêm tốn, hãy nằm sấp mình trên mặt đất như ngày nào khi chịu chức Linh Mục để sẽ suy nghĩ về lời ăn tiếng nói, về thái độ của mình đối với Giáo Hội và hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đồng thời chúng tôi mong rằng sau này có viết lách hay tuyên bố điều gì ông sẽ lấy lời Chúa để làm mẫu mực soi chiếu, vì ông là Linh Mục, là Alter Christus, là Chúa Kitô thứ hai, chứ không phải là tên Vi Tiểu Bảo trong truyện Tàu.