Hà Nội - Ngày 09/08/2007, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Marine nói rằng tình trạng thiếu tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam là sự thất vọng lớn nhất trong thời gian 3 năm ông phục vụ ở Việt Nam.

Hôm thứ Năm, Đại sứ Michael Marine, người sắp kết thúc thời gian phục vụ 3 năm ở Việt Nam, cho biết rằng: trong những năm qua, việc tăng cường các mối liên hệ kinh tế giữa hai nước đã đạt được những thành quả đáng kể và Hoa Kỳ cũng đã gia tăng các khoản trợ giúp nhân đạo dành cho Việt Nam.

Mặc dù vậy, ông cảm thấy thất vọng trước sự kiện là Việt Nam vẫn duy trì một môi trường trong đó những cuộc thảo luận về chính trị bị bóp nghẹt và những người bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa bị bắt bớ và cầm tù.

Ðại sứ Marine nói: "Tôi thật sự mong ước là tôi có thể nói rằng tình hình đang cải thiện, nhưng tôi không thể nói như vậy. Đây có lẽ là sự thất vọng lớn nhất. Đó là chúng tôi đã không thể nới rộng không gian cho công cuộc đối thoại chính trị ở Việt Nam. Nhân quyền là một đề tài phức tạp, và nếu đề cập tới tự do tôn giáo thì tôi có những điều tích cực để thưa với quí vị. Tuy nhiên, nếu đề cập tới vấn đề người dân có thể thực hiện các hoạt động chính trị, thì tôi không thể có nhận định tích cực như vậy, và thật ra tôi cảm thấy hơi thất vọng."

Tháng tư vừa qua, cảnh sát Việt Nam ở Hà nội đã ngăn chận những phụ nữ có chồng là những nhân vật bất đồng chính kiến đến dự một tiệc trà tại tư thất của Đại sứ Marine, nhân dịp có nữ dân biểu Mỹ Loretta Sanchez đến thăm Việt Nam. Đại sứ Marine và các giới chức Hoa Kỳ đã tận mắt chứng kiến vụ ngăn chận này và tố cáo rằng nhân viên công lực Việt Nam đã có những hành vi thô bạo đối với các phụ nữ đó.

Cuối năm 2006, giới hữu trách Hoa Kỳ đã viện dẫn một số tiến bộ trong lãnh vực tự do tôn giáo ở Việt Nam để quyết định đưa tên Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.

Điều này đã dọn đường cho chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống George W Bush vào tháng 11 năm 2006 và dành cho Việt Nam qui chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn, tức PNTR. Việt Nam cũng đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng giêng năm 2007.

Từ đầu năm đến nay, những người chỉ trích, trong đó có một số các thành viên quốc hội Mỹ, đã lên án điều mà họ gọi là vụ đàn áp nhân quyền tệ hại nhất trong nhiều năm nay ở Việt Nam. Đại sứ Marine nói rằng Việt Nam cần nới rộng và bảo vệ không gian dành cho việc bày tỏ chính kiến để có thể thể hiện hết tiềm năng phát triển của mình:

Ông Marine nói: "Ở đây có những luật lệ cho phép nhà chức trách áp dụng những biện pháp chống lại những người dân bày tỏ quan điểm của mình, chống lại những người tổ chức bằng cách này hay cách khác và kêu gọi cho sự thay đổi về chính trị. Những hoạt động đó là những quyền cơ bản của con người và tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng đó là những quyền phổ quát của nhân loại và người dân Việt Nam nên được hưởng. Dĩ nhiên là sự thay đổi như thế sẽ diễn ra với một tiến độ mà đất nước Việt Nam, người dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam cảm thấy thích hợp. Chúng tôi không thể ép buộc được. Chúng tôi chỉ có thể khuyến khích, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này."

Về mặt kinh tế, Đại sứ Marine cho biết quan hệ giữa đôi bên đã phát triển khá ngoạn mục với kim ngạch mậu dịch song phương vượt mức 10 tỉ đô la trong năm nay. Ông cho biết thêm rằng Hoa Kỳ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là nước có số đầu tư nhiều hàng thứ tư ở Việt Nam. Cũng theo Đại sứ Marine, chính phủ Mỹ đã gia tăng các khoản trợ giúp phát triển cho Việt Nam, bao gồm một ngân khoản trị giá 66 triệu đô la trong Kế hoạch Khẩn cấp về HIV/AIDS của Tổng thống Bush và những chương trình tài trợ cho công tác dọn dẹp mìn bẫy, bảo vệ môi trường, và giúp đỡ cho người tàn tật.

Đại sứ Marine cho hay: ông sẽ rời Việt Nam vào tuần tới, và sau đó không lâu, người kế nhiệm ông là tân Đại sứ Michael Michalak sẽ đến nhận nhiệm sở.

(Nguồn: Michael Mathes, Đài BBC)