CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Bài đọc 1: Gv 1, 2; 2, 21-23

Bài đọc 2: Cl 3, 1-5. 9-11

Tin mừng: Lc 12, 13-21

Trong một dịp hành hương về La Vang, tôi có dịp ghé thăm một số lăng tẩm của các vua triều Nguyễn tại cố đô Huế. Theo các nhà chuyên môn về văn hoá nghệ thuật, thì các lăng tẩm tại Huế là “một thành tựu rực rỡ nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam” (Phan Thuận An, Lăng tẩm Huế, một kỳ quan, NXB. Thuận Hoá, 2003, trang 5). Các lăng tẩm này chiếm một vùng đất thật rộng lớn, chẳng hạn như lăng Gia Long rộng đến 20 ha, lăng vua Minh Mạng rộng 15 ha, hay nhỏ nhất là lăng vua Khải Định cũng chiếm tới 0,5 ha (Sđd, Bảng đối chiếu các lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế). Đó là chưa nói đến hàng chục héc-ta trong một tổng thể chung quanh với biết bao khe suối, sông ngòi, núi non cùng hướng về các lăng tẩm này.

Vậy mà khi đến nơi tham quan, tôi thấy tất cả đều nhuốm một vẻ hoang tàn, tất cả chỉ còn lại như là một di tích lịch sử. Thậm chí nơi lăng vua Minh Mạng, người ta cũng chẳng biết chính xác mộ của nhà vua ở đâu. Chính vua Tự Đức trong bài thơ “Ngẫm sự đời” cũng đã viết: “Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà ghê, sống gởi rồi ra lại thác về. Khôn dại cùng chung ba thước đất. Giàu sang chưa chín một nồi kê. Tranh giành trước mắt, mây tan tác. Đày đoạ sau thân, núi nặng nề. Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo, gượng làm chút nữa để mà nghe” (Sđd, trang 13).

“Khôn dại cùng chung ba thước đất”. Vâng, với kinh nghiệm của mình, chắc hẳn quý OBACE. cũng thấy rằng: cho dù khi còn sống người đó là ai, làm gì đi chăng nữa, thì đến khi từ giã cõi đời cũng chỉ còn lại “ba thước đất”. Cũng chính vì thấy rõ sự giới hạn của thế giới vật chất mà tác giả sách Giảng Viên đã nói: “Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không”. Và tác giả đã nêu lên lý do tại sao ông cho rằng tất cả là hư không, đó là “vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không”.

Ngay giờ phút này, nếu bình tâm nhìn lại, chúng ta cũng sẽ thấy không chỉ là các vua triều Nguyễn, hay những người đương thời với tác giả sách Giảng Viên, nhưng ai trong chúng ta cũng thường bị cám dỗ lo tìm kiếm, thu gom và tích trữ tài sản cho mình. Lời anh thanh niên hỏi xin Chúa : “xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi” chính là tiếng nói thầm kín nằm sâu trong lòng mọi người, đó là dư âm của cuộc cám dỗ đầu tiên khi Satan dụ dỗ người ta muốn bằng Thiên Chúa, qua việc chiếm hữu tài sản: bởi lẽ, tài sản làm cho người ta thấy mình có sức mạnh, vì nếu Chúa là Đấng làm được mọi điều Ngài muốn (x. Tv 115,3), thì chúng ta vẫn nghĩ rằng: người có tiền “mua tiên cũng được”.

Sức mạnh của tài sản còn làm cho chúng ta tưởng mình được tự do, có thể làm được mọi sự mình muốn. Sức mạnh của tiền bạc làm cho người ta thấy mình không còn lệ thuộc ai, ngay cả Chúa, như lời tác giả Thánh vịnh: “Nó đích thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đống tiền đống của” (Tv 52,9).

Nhưng chẳng ai ngờ chính người tham lam lại là người phải chịu nô lệ cho một ông chủ thật ác nghiệt. Cả cuộc sống của họ là một cái vòng luẩn quẩn mà tác giả câu truyện ngắn “Cuộc phỏng vấn Chúa” đã khéo léo trình bày qua câu trả lời của Chúa về điều mà Chúa thấy ngạc nhiên nhất nơi con người : “...Họ chịu mất sức khoẻ để kiếm tiền rồi lại chịu mất tiền để phục hồi sức khoẻ; họ lo âu về tương lai đến nỗi quên mất hiện tại để rồi không được sống trong cả hiện tại lẫn tương lai...”. Đúng là một vòng luẩn quẩn không có lối ra. Khi chưa có của thì mất ăn mất ngủ để tìm cho có, nhưng khi có rồi thì lại lo giữ của, ăn ngủ không yên đúng như lời tác giả sách Giảng Viên trong bài đọc một: “Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng”. Thật, chẳng còn ông chủ nào tàn ác hơn là tiền của, bởi vì nó bắt người ta phải làm đến kiệt sức để mua lấy của phù vân, để rồi đến khi từ giã cuộc đời, họ chẳng mang theo được điều gì: “Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác (Tv 49,11)

Chính vì thấy rõ sự giới hạn, chóng qua của tiền bạc và của cải, nên khi thấy người thanh niên đến xin mình làm trọng tài để chia tài sản, Đức Giêsu đã bảo với anh ta rằng: “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải đảm bảo cho đâu”. Xác tín được sự giới hạn của cuộc sống trần thế và sự vĩnh cửu của đời sống mai hậu, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta: “Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chớ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”. Khi bảo chúng ta “đừng nghĩ đến những sự dưới đất”, thánh nhân không muốn chúng ta chỉ suốt ngày đọc kinh, mà không lo làm việc để nuôi sống thân xác, nhưng thánh nhân muốn chúng ta đừng để cho tiền bạc làm chủ cuộc sống của chúng ta, vì “tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ tồi”. Cách cụ thể hơn, thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta: “Còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Anh em chớ nói dối với nhau, anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó”.

Sống trong hiện tại, làm công việc thường ngày cách chu đáo, nhưng không quá lệ thuộc vào nó, đó chính là điều mà các thánh tử đạo Việt Nam, cha ông chúng ta đã làm, đã sống. Trong chuyến hành hương về La vang đó, tôi cũng có dịp đến kính viếng quê hương của hai thánh tử đạo Việt Nam là thánh Anrê Nguyễn Kim Thông ở Gò Thị – Quy Nhơn, và thánh Anrê Phú Yên tại Mằng Lăng – Phú Yên. Các thánh chính là những người sống đồng thời với các vua triều Nguyễn và cũng là những nạn nhân của các cuộc bách hại trong thời gian này. Thế nhưng giờ đây, cho dù không có những lăng tẩm lớn lao như các vua, các thánh vẫn để lại cho chúng ta là con cháu các ngài những di sản thật lớn lao, đó là một gương mẫu bất khuất về niềm tin. Các ngài đã không để mình bị lôi kéo, mua chuộc bởi tiền tài, danh vọng, bởi lẽ các ngài biết rõ “mọi sự đều là hư không”, và chẳng là gì so với cuộc sống vĩnh cửu. Các ngài đã sẵn sàng đánh đổi mọi sự, kể cả mạng sống mình để bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, và làm chứng cho mọi người biết về một đời sống vĩnh cửu mai ngày.

Chính vì thế, mãi cho đến hôm nay, vẫn còn đó từng đoàn người hành hương đến kính viếng nơi các ngài đã sống lúc còn sinh tiền, để mong nhờ lời chuyển cầu của các ngài, họ cũng nhận được sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống hiện tại, thẳng bước về tương lai. Chớ gì nhờ lời bầu cử của các thánh Tử đạo Việt Nam, từng người, từng gia đình trong giáo xứ chúng ta tuy vẫn cố gắng làm việc hàng ngày, nhưng không quá lệ thuộc vào của cải đời này, và sẵn sàng chia sẻ với anh chị em mình. Nhờ đó, chúng ta có thể dẫn đưa ngày càng nhiều người về với Chúa là Nguồn Chân Lý và là Nguồn Sống thật. Amen.