ĐỌC SÁCH ‘CHÚA GIÊSU THÀNH NAZARETH' CỦA ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI

Xin được phép thân thưa trước cùng qúi độc giả và những người anh em có chung một niềm tin Kitô giáo : đây không phải là một bài phê bình văn học (người viết không có khả năng làm công tác khó khăn này, dù ĐGH chấp nhận mọi ý kiến phê bình xây dựng (1).

Nhưng xin hãy xem những dòng chữ này : duyên do và hòan cảnh hình thành tác phẩm ‘best-seller ‘ nói đây, từ đó chúng ta yêu mến Chúa hơn, ĐẤNG ĐÃ LÀM NGƯỚI NHẬP CUỘC VỚI CHÚNG TA TRONG HÀNH TRÌNH THỜI GIAN.

Thứ nữa, chúng tôi không có khả năng đọc những ấn bản bằng tiếng Ý, Đức, Ba Lan… Đành kiên tâm chờ đợi ấn bản tiếng Pháp, từ ngày 24/5 vừa qua (nhà xb Flammarion) và tham dự buổi trình bày của LM H. O ‘Mahony, giáo sư nổi tiếng của Liên Chủng viện Orléans /Pháp về Thần học tín lý, Giáo phụ và Giáo hội học, ngày 8/6/07 vừa qua.

Chúng tôi là những tín hữu - VN hải ngoại. Tín hữu, vì chúng ta cùng có niềm tin vào Đức Giêsu, Con TC; Điều này cần minh định, vì tác phẩm thời danh của ĐGH đã có tiếng vang rất lớn với anh em Tin lành và Chính thống. VN hải ngoại, vì chúng tôi không đủ thời gian và điều kiện nghiêm túc (do điều kiện sinh nhai hàng ngày và ưu tư cuộc sống) để học hỏi, nghiên cứu thêm. Vì vậy, nếu có gì thiếu sót hay sai trái, xin được các vị cao minh và chuyên môn chỉ dẫn cho, nhất là quí Tu Sỹ và Linh mục.

1. Ưu tư hình thành tác phẩm “Chúa Giêsu thành Nazareth".

Hồng y Joseph Ratzinger (tức ĐGH đương kim) khởi sự viết tác phẩm này từ năm 2003, lúc đó còn là Tổng trưởng Thánh bộ Đức tin, cánh tay mặt sau những tháng năm dài của Đức GH Gioan Phaolô I I, và chỉ viết khi có thì giờ: đúc kết của suy tư cá nhân và đời sống nội tâm về dung nhan Đấng Thiên Sai Giêsu. Tác phẩm được xuất bản nhân ngày sinh nhật 80 mùa xuân đời người của ĐGH (bát thập …cổ lai hy/đời người xưa nay mấy ai đạt tới …tám mươi tuổi). Tuy nhiên, đây mới là hai ưu tư chính của tác phẩm thời danh nói trên:

1.1 Người dẫn dắt đoàn chiên, có…nhiều con còn lạc lối trên đường về:

Từ khi lãnh trách nhiệm người chăn chiên Hội Thánh Công giáo của sứ vụ Phêrô, ngài đã nhận chân ra một trong những tính cách căn bản của người chăn chiên (mục tử) là yêu thương đoàn chiên đã được trao phó cho mình như yêu Đức Kitô, Đấng ngài phụng sư. Lời Đức Kitô nói với Thánh Phêrô vẫn còn vang vọng :HÃY CHĂM SÓC CÁC CHIÊN TA. Chăm sóc nghĩa là yêu thương, yêu thương cũng có nghĩa là chịu khổ đau, trao ban cho đoàn chiên lương thực tối hảo, dưỡng chất của hồng ân Thiên Chúa qua các bí tích, và đưa đoàn chiên này tới nguồn nước sự sống. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta còn là một con chiên lạc không còn tìm thấy lối về trong sa mạc tội lụy (hình ảnh Chúa Kitô và Hội Thánh). Người chăn chiên Bêneđictô XVI không thể thờ ơ trước cảnh còn qúa nhiều người đang sống trong sa mạc: sa mạc của nghèo đói, của cùng quẫn, của bỏ rơi, của cô đơn, của tình yêu bị hủy diệt. Lại còn có những sa mạc của đêm đen Thiên Chúa, sự trống rỗng của các tâm hồn không còn nhận thức được phẩm giá và mục đích đời người. Những sa mạc của thế giới bên ngoài đang tăng dần, vì những sa mạc của thế giới tâm linh đã trở thành quá mênh mông. Và ngài đã xin cả cộng đồng Dân Chúa cầu nguyện để không trốn chạy vì sợ sói dữ.

Với sứ mạng người mục tử đè nặng trên vai, mạch văn trong tác phẩm này tương đối bình dị và dễ hiểu hơn (so với tác phẩm MUỐI ĐẤT, theo thiển ý chúng tôi), vì ĐGH đặt nặng ưu tư dạy giáo lý và suy tư thần học, tĩnh lặng và thao thức của đời sống nội tâm.

1.2 Nhà thần học Joseph Ratzinger tung LƯỚI Tin Mừng. (2)

Với chiếc nhẫn người tung lưới đeo trên tay (ngư phủ), một ưu tư nữa đè nặng trên trách nhiệm ĐGH Benoît với dân Thiên Chúa. ‘Đừng sợ, từ nay trở đi, con sẽ đi chài lưới người ‘ (Luc,5/1-11).

À mà lúc đó, thánh Phêrô còn được gọi là Simon, ông nói với Chúa :’ Lưới vẫn không rách, câu được 153 con cá lớn’(x.Gal.21/11)). Vui mừng thật… nhưng cũng gắn liền với một trách nhiệm không nhỏ từ 2000 năm nay : một đàng, hãy ra tận bể sâu của lịch sử và thả lưới, để dành lại bao người cho Tin Mừng – nhưng người tung lưới Tin Mừng lại có ý nghĩa ngược lại, vì lẽ : chúng ta hiện đang sống trong sự tha hóa, trong vùng nước mặn của khổ đau và chết chóc, trong vùng biển sâu không chút ánh sáng. LƯỚI Tin Mừng cứu chúng ta ra khỏi những vùng nước chết, và đem tất cả vào ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa.

ĐGH có nghịch lý không nhỉ. Vì còn một lời mời gọi hợp nhất :’Ta còn những con chiên khác không thuộc đàn này…sẽ thành một đàn chiên, và một chủ chiên ‘(Ga 10/16).

Và đây là lời đoan nguyện của ĐGH : Xin cho chúng con được trở nên một đoàn chiên và một chủ chiên. Đừng cho LƯỚI bị rách, cho chúng con trở nên những người tôi tớ của sự hợp nhất. Sự hợp nhất đó không có nghĩa là bác đoạt sự tự do hay nhân phẩm con người, hay những gì xây dựng nên một xã hội công bình.

Vậy là chúng ta đã hiểu lưu tâm thứ hai của ĐGH khi trình bày tác phẩm này : độc giả phải là TÍN HỮU, người có lòng tin, trong bầu khí Kitô giáo, không thuộc về tôn giáo khác. Các tôn giáo khác, có thể ĐGH sẽ trình bày trong một dịp khác ( ?). Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu sự lưu tâm của vị GH này, sinh trưởng và lớn lên trong bầu khí của vùng thuần Công giáo Bavière từ bao năm nay.

2. Những nét chính ảnh hưởng trên nền Thần học J.Ratzinger.

Bộ sách chia làm nhiều phần, phần I chỉ nói về ‘thời Chúa lãnh phép rửa tại sông Jordan cho đến khi Ngài hiển dung trên núi Tabor ‘. Theo thiển ý chúng tôi, ĐGH viết phần này trước, vì sẽ có tiếng vang rất lớn với anh em Tin lành và Chính thống. Và trong ưu tư hợp nhất, đây là mục tiêu quan trọng hơn cả. Trong phần hai này, xin phép được chia thành 3 chủ đề nhỏ: Kitô học, dung-nhan Đức Kitô và phương pháp (méthodes).

2.1 Học thuyết về Chúa Kitô hay Cứu thế học (Christologie, Sotériologie).

Tây phương nói VĂN LÀ NGƯỜI (Style c’est l’homme) và khi viết văn, con người tùy thuộc vào môi trường, vào cảnh vực, vào môi sinh (milieu, écologie, environnement…) đã tạo nên cuộc sống. Và đây là một trong những khám phá lừng danh của khoa xã hội học hiện đại. Nói khác đi, chúng ta khi viết văn, sẽ ảnh hưởng nhiều vào môi trường của cuộc sống. Đạo học Đông phương thưòng nói luật ‘rút giây động rừng ‘ : có rừng thì có mưa, có mưa mới có sống, phá hết rừng là diệt sinh’.Trong trường hợp của ĐGH, chúng tôi thiển nghĩ ĐGH cũng không thoát khỏi cảnh trạng đó :sinh hạ và trưởng thành trong bầu khí thuần Công giáo vùng Bavière (Bayern). Cha mẹ Công giáo, bầu khí xã hội Công giáo, nền thần học Công giáo Đức trong thời điểm đó vẫn là sự sống chung không có xung đột với Tin lành phái Luther, dù họ xưng danh vô thần hay chủ nghĩa nhân bản thế tục (huma –nisme laïc). Bismarck, ông thủ tướng độc tài của vương quốc Đức (empire allemande), linh cả m rằng: muốn thống nhất đất nước, cần tham gia, cùng với phái tự do, chiêu bài văn minh hóa, nghiã là: tục hoá việc giảng dạy;trục xuất các LM dòng Tên, và đoạn tuyệt với toàn thánh La -Mã.

Một thứ văn hóa thế tục (Kulturkampf) : áp đặt tòan thể đời sống Hội Thánh dưới sự kiểm soát của quốc gia. Gia phạt, trục xuất, giam cầm các GM,LM, các tu hội đề kháng lại (2).Dĩ nhiên, hàng GM Đức, dưới sự hướng dẫn của ĐC Ketteler, cũng kết thành một khối (Zentrum) nhằm chống lại manh tâm của Bismarck,và dù sau đó kế hoạch của ông Thủ tướng này cũng thất bại…

Sống trong bầu khí văn hóa ‘kampf ‘đó và với đời sống nội tâm phong phú, ĐGH trình bày nền Ki-Tô học dưới sự ảnh hưởng sâu đậm của thần sư Augustinô và Bonaventura :

2.1.1 chịu ảnh hưởng về linh đạo của thần sư Augustinô.

Tư tưởng thần học của thánh Augustinô có ảnh hưởng sâu đậm trong học thuyết công giáo Tây phương, ít là cho tới thần học kinh viện của thánh Thomas. Tư tưởng của thánh Augustinô xoay quanh hai chủ đề chính: TC và thân phận con người, thân phận bị mất đi vì tội lỗi và hồi phục do ơn thánh.. Hiếu biết và tình yêu, hồi tưởng và hiện thực,sự thông thái khôn ngoan… là những nét sâu đậm của nền học thuyết này. Chính Luther (ông ‘tổ ‘ phái Tin lành ) đã xử dụng lại học thuyết này, khởi từ một lối nhìn bi quan về con người tội lụy.

ĐGH chịu ảnh hưởng tư tưởng của thánh Augustinô về ba phương diện:

- lý tưởng của thần học như một sự thông tuệ khôn ngoan, theo đó trí năng, tư duy, cảm tính, tư tưởng không quá bị ‘chia năm xẻ bảy ‘ như trong triết Hy lạp. Điều quan trọng là áp dụng những suy tư cảm tính đó vào cuộs sống con người.

-suy niệm, một tác động cần thiết để dẫn đưa người tín hữu vào đời sống cầu nguyện, tiếp cận với các Màu nhiệm Kitô giáo.Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi sư dấn thân của người tín hữu.

-hãy trả lại nét sinh động cho lịch sử. Nét lịch sử này khác với lối nhìn của các sử gia, những dựa lưng nỗi chết, những nấm mồ kiểu Nietzche, Péguy…Nhưng là một lịch sử sinh động, theo đó ĐỨC GIÊSU MIỀN NAZARETH vẫn sống mãi trong lịch sử và thời gian.

2.1.2 Ảnh hưởng của thánh Bonaventura :

Thánh tiến sĩ Bonaventura, dòng Phanxicô, trong tác phẩm nổi tiếng HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN ĐI TỚI THIÊN CHÚA, đã lập luận rằng : chìa khóa vũ trụ và lý do việc nhập thể nằm trong Nhân ái của Thiên Chúa hơn là trong chân lý và sự hiểu biết về Ngài. Kinh qua nhiều giai đoạn, thần học là ngọn đuốc hướng dẫn cuộc đời tới sự ngây ngất chiêm ngắm TC. Do đó, mọi việc học hỏi đều hướng tới lòng nhân ái của TC. Ảnh hưởng này đã được thần học gia von Balthazar hiện đại trình bày khá chi tiết.

Chúng ta đừng quên rằng: ĐGH là một trong những chuyên gia nổi tiếng của Thánh công đồng Vaticanô 2, đặc biệt trong lược đồ 13, hiến chế NỖI VUI MỪNG VÀ NIỀM HY VỌNG, hiến chế về MẠC KHẢI (Révélation), và hiến chế ÁNH SÁNG MUÔN DÂN (Lumen Gentium).

Trong hiến chế NVM và NHV,chúng tôi không biết diễn tả ra sao nỗi thao thức và sự dằng co của thần học gia Ratzinger, vì lẽ: qua lược đồ 13, Công Đồng muốn là cánh cửa rộng mở cho thế - giới hiện đại, vươn cao hơn những bể dâu của cuộc sống. Nhưng trong lòng thần học gia Ratzinger vào thời điểm 1963-64, có lẽ có một nỗi ưu tư, day dứt (?): trào lưu Kampf, tư thế của nước Đức (nguyên nhân gần của hai cuộc thế chiến), phong trào Nazi, đất nứơc phân đôi…người dân Đức vẫn còn trong tâm trạng bàng hoàng, tủi nhục, phiền muộn, lo âu.

Nhưng trong hiến chế về MẠC KHẢI, chúng tôi thiển nghĩ tâm tư ĐGH thoải mái hơn: dù không chấp nhận hoàn toàn những tư tưởng tương đối ‘ táo bạo’ của Thần học gia Karl Rahner:

-Cha Karl Rahner: trình bày nhiều bài viết về Mạc Khải. TC đã tự- thông- đạt (auto–communication), truyền đạt cho chúng ta về chính Ngài qua Mạc Khải.

-Đề tài này lại được hai nhà thần học lừng danh hiện đại Karl Barth và Hans von Balthazar quảng bá rộng rãi : Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về TC. Chính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu miền Narareth đã tự truyền thông về Ngài. Nhưng ngài không có giới tuyến chính trị, ngài chỉ đến để mang lại bình an và công lý.

Vì đặt nặng vai trò thần học, nên ĐGH có một tấm lòng thật ưu ái với các Giáo phụ (Pères de l’Eglise) đặc biệt là thánh Cyprianô và Augustinô. Ít trưng dẫn học thuyết của thần sư Thomas d’Aquin, dù học thuyết thánh Tiến sĩ này vẫn là đỉnh cao của nền thần học Công giáo. Chúng ta hẳn còn nhớ giai đoạn phản chứng (contestataire) vào thời gian hậu Công đồng, điều làm cho ĐGH Phaolô 6 buồn lòng không ít. Một số thần học gia danh tiếng như Henri de Lubac, Jean Daniélou …đã coi thánh Thomas chỉ là một nhà siêu hình học (métaphysicien) và muốn du nhập vào Hội Thánh một nền thần học mới, cho hợp với cảm quan và tâm thức của thời đại ngày nay (3).

ĐGH muốn gửi gấm cho chúng ta sứ điệp gì, qua danh tác nói trên?

-NGÀI YÊU CHÚA GIÊSU : đây là liên hệ nội tâm với Chúa, kết quả của sự suy tư và đời sống nội tâm. Toàn bộ sách này là sự cảm thức chí tình với Chúa, và chia xẻ sự sung mãn của cuộcsống của Ngài với tín hữu.

-thông tri cho các nhà chú giải Thánh kinh ngày nay, vì tác phẩm là ĐỌC TIN MỪNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN THẦN HỌC, bởi không có môn thánh khoa nào có tính cách trung lập (neutre), Nhưng môn thánh khoa nào cũng cần có Đức Tin soi dẫn. Tin để hiểu, hiểu để tin (xem Th.Augustinô). Chúng ta còn nhớ câu nói bất hủ của Thánh nhân, khi tìm TC bằng con đưòng truy tâm nhập nội : ‘Ngài còn ở sâu hơn trong chiều sâu thân mật nhất của lòng tôi ‘ (Interior intimo meo). Hay danh ngôn của cha Eckhart, dòng Đa Minh :’ Trong đáy sâu của tâm linh tôi, đáy sâu của Tuyệt Đối hằng tại và đáy sâu của tâm linh tôi chỉ còn là một đáy sâu duy nhất ‘(Cha bị kết án là phiếm thần và bị thiêu…sống ! ! ). Quả thực, con đường truy nguyên nhập nội (intériorité) vẫn còn là một thao thức lớn.

2.2. Chúa Giêsu, miền Nazareth.

Người tín hữu mong đợi ĐGH trình bày khuôn mặt Chúa Giêsu từ lúc chào đời, vì Ngài sẽ phải trình bày tín điều ‘Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ‘ (Mẹ thụ thai, sinh hạ Chúa mà vẫn còn đồng trinh), nhằm đối thoại với anh em Tin Lành. Chúng tôi thiển nghĩ ĐGH ‘đủ sức trình bày Tín điều này ‘ (Virginité Mariale), bởi đây mới chỉ là Tín điều, chứ chưa phải là một định đề lịch sử. Ưu tư chính là hợp nhất với anh em Tin Lành và Chính Thống. Và đã có …tiếng vang lớn (4).

Trong tập I này, ĐGH chỉ trình bày từ khi Chuá lãnh phép rửa cho tới khi Ngài biến hình trên Núi Tabor. Ngài mạc khải TC, suy niệm về TC, và chúng ta thấy rõ điều này trong cả bốn cuốn Tin Mừng. Điều tương đối khó là phải kinh qua những biểu tượng, ngụ ngôn, hình ảnh của văn chương vùng Cận Đông, để qua đó chúng ta tìm thấy sứ điệp Chuá muốn trao ban. Chúng tôi xin thử phân tích một vài chương đầu:

- Khi Chúa lãnh phép quán tẩy do thánh Gioan Tiền Hô: phép quán tẩy gợi lại cho chúng ta hình ảnh sự chết. Nhưng trong chính biến cố này, Chúa Giêsu đã tự mạc khải mình là TC, và nước Trời đã gần đến (nước Trời của TC là Hội Thánh, là Linh hồn, là Thiên đàng). Và đó là nước Trời của chính ngôi vị Chúa Giêsu, của Ngôi Cha. Nói khác đi, nước Trời chính là Chúa Giêsu, là Ngôi Cha. Còn phép Thánh Tẩy mà người Kitô hữu lãnh nhận cũng là hình ảnh sự chết, sự thống hối, và sẽ là sự Sống Lại với Ngài.

- Bài giảng trên núi, tức bài rao truyền TÁM MỐI PHÚC THẬT, mà chúng tôi xin được gọi là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI. Bài giảng này thật khác xa những gì mà từ xưa tới giờ chúng ta vẫn quan niệm, nhất là trong đà sống nặng về vật chất và tục hoá của chúng ta ngày nay. Chuá đảo ngược những giá trị mà chúng ta vẫn quan niệm. Trong phần này, ĐGH nhấn mạnh tới việc cẩn thủ giới luật (Torah) của người Do Thái, nhất là ngày Sabbat, ngày lễ nghỉ. Nếu ngày Sabbat nói lên sự sống còn và điều kiện sống của người Do Thái, sự gắn bó với Luật; thì Đức Kitô cũng cho hay rằng sự gắn bó với Luật cũng khác xa với mối liên hệ với Ngôi vị của Ngài, của dân Thiên Chúa…

Nếu Tin mừng nhất lãm (thánh Matthêu,Marcô, Luca) có tính cách truyền giáo, sai đi rao giảng, thì Tin mừng thánh Gioan quả là chứng từ về đời sống nội tâm phong phú, của duệ trí (gnose). Thánh Gioan là người tông đồ được Chúa yêu thưong đặc biệt, hiểu rõ bối cảnh lịch sử xứ Palestine thời đó.

Hai sự kiện nói lên sự khả tín lịch sử này : khi Chuá rứa chân cho các Tông đồ và ngày Thương khó :

Khi tên lính lấy lưỡi giáo đâm vào cạnh sườn Chúa (thư Gioan 19/35). Ngoài ra, tính cách chứng tá, sự kiện lịch sử, Thánh Thần linh ứng,kỷ niệm cá nhân thân thiết với Chúa,sự gắn bó của truyền thống HộiThánh từ khởi đầu…đã làm cho Tin Mừng thánh Gioan có một sắc thái huyền nhiệm đặc biệt,và ĐGH hết sức lưu tâm : hình ảnh Nước, cây nho và rượu nho, bánh nuôi dưỡng, người dắt chiên.

3. Phương pháp: đặt nặng suy tư thần học và đức tin.

Vì đặt nặng suy tư thần học, nên trong sách Chúa Giêsu miền Nazareth, ĐGH đã làm cho các nhà chú giải thánh kinh, nhất là những vị chuyên về phương pháp phê bình lịch sử (historico -critique ) buồn lòng không …ít ( ?), vì dù sao, phương pháp này vẫn bất toàn, bất túc, nếu bỏ qua Đức Tin.

Để hiểu khái quát về phương pháp phê bình lịch sử áp dụng trong văn chương, chúng tôi xin được có đôi dòng về phương pháp này :

Tháng 4 năm 1993, Ủy ban Giáo hoàng về Thánh kinh đã ra thông tư về việc giải thích sách Thánh, nhấn mạnh tới phương pháp phê bình lịch sử với 12 tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, đây không phải là những tiêu chuẩn ắt và có đủ, vì vẫn bỏ qua Đức Tin, nhưng để có một khuynh hướng mới chống lại phái truyền thống trong việc giải thích Thánh Kinh (5). Thực ra, phương pháp này đã có từ thế kỷ thứ 18 với Johann David Michaelis, Johann Salomo Semler, nghiên cứu nhiều trên những mảnh da cừu bình bể, giấy cói…Sang thế kỷ thứ 19, phương pháp phê bình văn chương thịnh hành hơn với Karl Heinrich Graf,Julius Wellhausen, Hermann Gunkel qua phương pháp lịch sử truyền thống, biên soạn (Formgeschichte/ Sitz im Leben). Dĩ nhiên, khuôn mặt nổi tiếng nhất trong giai đọan này vẫn là LM Marie Joseph Lagrange với trường nghiên cứu Thánh kinh Jérusalem.

Sau đây là 12 lối của phương pháp phê bình lịch sử :

1.phê bình lịch sử 2.tu từ (rhétorique) 3.thuật truyện (narrative)
4.ký hiệu (sémiotique) 5.tiếp cận thư qui (canonique) 6.truyền thống Do thái
7.lịch sử bản văn 8.chiều kích xã hội 9.phân tâm (psychanalytique)
10.giải phóng (libérationiste) 11.phụ nữ (féministe) 12.nhân văn hóa (anthropologie culturelle).


Phương pháp phê bình lịch sử đặt nặng hai tiêu chuẩn :

1/ phê bình bản văn : nguồn gốc, phạm vi, bối cảnh, truyền thống biên soạn, từ vựng, ngữ pháp,thể văn, từ nghĩa (sémantique)… Đặc biệt phải xem có dị bản không, thủ bản nào gần với bản gốc nhất.

2/từ đó, phương pháp này cố xác định ra Ý NGHĨA THẦN HỌC, hiện đại hoá thông điệp của bản văn. Thông điệp đó, qua những điều kiện hạn hẹp của ngôn ngữ, tuy gắn bó với một biến cố lịch sử, nhưng sẽ cho chúng ta một Ý NGHĨA THẦN HỌC hay BÀI HỌC ĐỨC TIN nào không ? chia sẻ niềm tin, ý nghĩa bản văn, ‘một hạt cứng đập ra lấy cái nhân ‘.

Dẫu ‘Thánh kinh là linh hồn của khoa Thần học ‘, nhưng qua cuốn sách best-seller này, chúng tôi thấy ĐGH, tuy tôn trọng những tiêu chuẩn của phương pháp phê bình văn chương và lịch sử, nhưng cần phải kinh qua những giới hạn của ngôn ngữ và văn chương, bối cảnh lich sử hạn hẹp của dân Do thái (vùng trái độn, vùng biển động và sóng ngầm, nằm trên ‘hành lang ‘ của những nền văn minh lớn tại Trung Đông như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ba Tư…) - để từ đó, Ngài yêu mến Chúa, chia xẻ đời sống nội tâm với các tín hữu, tìm gặp Dung Nhan đích thực của Con Thiên Chúa – trong tinh thần tôn trọng truyền thống Hội thánh từ hơn 2000 năm nay, tôn trọng truyền thống các Giáo Phụ, Đức Tin và quyền Giáo huấn của Hội Thánh (Magistère de l’Eglise).

Mời qúi độc giả va anh em tín hữu đọc tác phẩm này, với tất cả niềm trân trọng và biết ơn NGƯỜI CHA CHUNG.

Chú thích:

(1)xem Jésus de Nazareth, J.Ratzinger, phần avant-propos, éd. Flammarion Paris 2007,trg 19.

(2)thủ tướng Otto von Bismarck (1815-1898), với hùng tâm thống nhất nước Đức và vương quốc Phổ (Prusse) thời đó, đã duy trì một đường lối cai trị độc tài. Văn hoá Kampf (tương tự như trào lưu Laïcité, phân biệt thần quyền và thế quyền, thời Napoléon bên Pháp) là một điển hình.

(3) Đây là ý kiến của cha Hervé O ‘Homany, Giáo sư thần học Liên chủng viện Orléans/Pháp. Chúng tôi không rõ lắm về giai đoạn phản chứng này.

(4)Theo tuần báo Osservatore Romano, thì Giáo hội Chính thống và phái Tin lành phúc âm (Protestants Evangéliques) hết lòng khen ngợi nỗ lực hợp nhất của ĐGH qua tác phẩm này. Phái Tin lành khuynh hướng tự do (libéraux) thì ngược lại.

(5) Thuyết nền tảng (Fondamentalisme) là một trào lưu thần học Tin lành, xuất hiện tại Mỹ thời đệ nhất thế chiến (khoảng 1910-1918). Thuyết này chỉ chấp nhận ý nghĩa văn chương của Thánh Kinh và cho rằng có sự linh ứng khẩu truyền, hoàn toàn phi bác mọi giải thích lịch sử và khoa học. Hiệp hội World’s Christian Fundamentals Association hình thành từ học thuyết này.


Khảo chứng:

1.tác phẩm Jésus de Nazareth, ĐGH Benoît XVI, nxb Flammarion, Paris, 2007.

2.bài giảng của ĐGH trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô (xem Dân Chúa ÂC, số 272- tháng 6/2005, trang 23-26, 27-29).

3.bài thuyết trình của cha Hervé O ‘Mahony, Liên chủng viện Orléans Pháp ngày 08/06/2007.

4.một số tư liệu được trích dẫn trong phần dẫn nhập của CD-Rom’ Vietnamese Bible’ (ấn bản của VietCatholic).