B. TƯƠNG QUAN VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ


Theo giáo luật điều 515§1 xác định giáo xứ được trao quyền cho một linh mục coi sóc, mà chúng ta gọi là cha sở, chính ngài có toàn quyền trong giáo xứ của mình khi thi hành chức vụ mục tử, như: thành lập hội đồng giáo xứ, các đoàn thể công giáo tiến hành, các ban hát, giáo lý, hội đạo binh Đức Mẹ.v.v...để qua các đoàn thể ấy mà Lời Chúa được xuôi chạy đến với mọi tâm hồn giáo dân trong giáo xứ hoặc ngoài giáo xứ.

Thánh Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Do bí tích thánh chức, các linh mục Tân Ước thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Ki-tô hữu, các ngài cũng là môn đệ của Chúa Ki-tô, được mời gọi dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người” (1) . Chính vì lợi ích của các linh hồn đã được Hội Thánh trao cho cha sở, mà ngài luôn ưu ái lo lắng làm sao cho mỗi giáo dân trong giáo xứ của mình được dồi dào ơn ích thiêng liêng, do đó ngài cần có những người am hiểu tình hình giáo xứ, nhiệt thành phục vụ, để giúp ngài trong công việc điều hành giáo xứ, để giáo xứ ngày càng phát triển hơn.

Vì là Cha và là Thầy, nhưng đồng thời cũng là anh em với mọi người Ki-tô hữu, nên cha sở khi thi hành chức vụ thánh của mình, thì làm sao để mọi giáo dân nhìn thấy được Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động giữa họ: hòa đồng, bình dị, yêu thương và phục vụ. Do đó, mà ngài cần thiết thành lập Hội đồng giáo xứ để cộng tác với ngài trong việc quản lý giáo xứ, và qua Hội Đồng Giáo Xứ này, mà cha sở hiểu rõ những mong muốn và những khắc khoải của giáo dân của mình, trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về cả hai mặt đạo và đời.

Ở cấp địa phận thì có Hội Đồng Mục vụ, cấp giáo xứ thì có Hội Đồng Giáo Xứ hoặc gọi tắt là Ban Hành Giáo, hay một tên gọi nào khác tùy địa phương, nhưng dù tên gọi như thế nào chăng nữa, thì chức năng của Hội Đồng Giáo Xứ là giúp đỡ cha sở của mình, là mắt là tai và là cánh tay nối dài của cha sở, để phản ảnh lại nguyện vọng của giáo dân trong việc điều hành giáo xứ.

Khuynh hướng thành lập Hội Đồng Giáo Xứ trong giáo xứ ngày càng có nhiều cha sở hưởng ứng, theo nhu cầu và đà phát triển văn hóa cũng như sự hiểu biết của giáo dân đối với giáo xứ của mình càng ngày càng nhiều. Bởi vì cuộc sống ngày càng phức tạp, quản lý một giáo xứ lại càng phức tạp hơn, nhất là các giáo xứ lớn và trên địa bàn thành phố, nhu cầu có Hội Đồng Giáo Xứ càng lộ rõ hơn khi giáo dân đã trưởng thành, biết ý thức vai trò của mình trong Giáo Hội và trong giáo xứ. Dó đó, sự tương quan giữa cha sở với Hội Đồng Giáo Xứ là một tương quan được đặt trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau và nối kết bằng tinh thần yêu thương phục vụ.

Tuy nhiên, cũng có những cha sở không thích thành lập Hội Đồng Giáo Xứ, bởi vì các ngài không muốn giáo dân “biết” nhiều việc của các ngài làm, hoặc có những vị trong hội đồng giáo xứ thích vượt quyền hạn của cha sở, và khi ý kiến của mình không được cha sở tán thành, thì tìm cách nói xấu cha sở, xúi giục người này người nọ chống đối cha sở.v.v...do đó, mà có nhiều giáo xứ cha sở không muốn có hHội Đồng Giáo Xứ, nhưng xét cho cùng và theo xu hướng của thời đại, giáo xứ nào có Hội Đồng Giáo Xứ thì ở đó cha sở sẽ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian đọc sách, tu dưỡng, điều hành giáo xứ cách phấn khởi hơn, và hiệu quả chắc chắn là giáo xứ ngày càng trưởng thành và phát triển mạnh hơn.

Vậy, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ có những tương quan nào ? Có hai tương quan căn bản sau đây:

1. Tương quan giữa đầu và thân.

Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su chính là đầu của thân thể mầu nhiệm ấy, đây là một so sánh dựa trên sự hiệp thông của Chúa Giê-su và toàn thể Hội Thánh của Ngài, mà thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê đã dạy rằng: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1, 18), và đó là một tương quan bất khả phân giữa đầu và thân thể, giữa Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài.

Cũng vậy, cha sở và giáo xứ cũng có một tương quan đặc biệt như Chúa Giê-su và Hội Thánh, nghĩa là như đầu và thân thể. Mối tương quan này được cụ thể hóa và thực tế qua việc thành lập Hội Đồng Giáo Xứ dựa vào tinh thần yêu thương hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì đầu không thể làm gì được nếu không có thân thể, và thân thể cũng chỉ là một cái xác kỳ dị vô hồn nếu không có đầu.

Có một vài giáo xứ mà cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ thường xung khắc với nhau, bởi vì cha con không hạp nhau, bởi vì cha sở cứ khư khư dùng quyền cha sở mà coi Hội Đồng Giáo Xứ không ra gì, bởi vì Hội Đồng Giáo Xứ cứ tưởng mình là đầu của cha sở, cho nên thay vì có Hội Đồng Giáo Xứ để giúp cha sở xây dựng giáo xứ, thì lại làm rối tung lên vì đặc quyền đặc lợi (?), và gây ảnh hưởng phe cánh trở thành gương mù cho giáo dân. Hội Đồng Giáo Xứ là đại diện cho toàn thể giáo dân trong giáo xứ, thay mặt giáo dân để giúp đỡ cộng tác với cha sở, cho nên bổn phận và nhiệm vụ của Hội Đồng Giáo Xứ rất quan trọng bên cạnh cha sở của mình, họ là cố vấn, là cánh tay nối dài của cha sở, là những phần tử giáo dân ưu tú của giáo xứ chỉ biết phục vụ chứ không kể công, biết cho đi mà không đòi lại, biết xây dựng mà không phá hoại.

Đầu (cha sở) có nhiệm vụ hướng dẫn, đề ra phương hướng mục vụ và xây dựng hiện tại và tương lai cho giáo xứ, và sau khi bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ thì hướng dẫn giáo dân (thân thể) thực hiện, đó là một quá trình xuyên suốt giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ. Đương nhiên khi bàn hỏi thảo luận thì sẽ có ý kiến thuận và nghịch, cho nên cha sở cẩn phải khéo léo nhìn ra vấn đề đang bàn cải đi đến đâu để làm cho cuộc bàn thảo có tình huynh đệ, tình cha con.

Hội Đồng Giáo Xứ được thành lập để giúp cha sở điều hành giáo xứ, cho nên cha sở cần phải tôn trọng họ, không nên dùng quyền cha sở để độc đoán trong cách suy nghĩ và độc tài trong hành xử, nhưng cách hành xử hay nhất chính là bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ xin họ đóng góp ý kiến, và nhất là vui vẻ lắng nghe ý kiến của họ, bởi vì mọi giáo dân ai cũng muốn đóng góp công sức của mình cho giáo xứ, và họ rất vui khi được cha sở tín nhiệm bàn hỏi công việc với họ. Đó chính là tương quan giữa đầu và thân, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ.

(còn tiếp)

-----------------------

(1) Công Đồng Vat. II: “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của linh mục”, chương 2, 9.