Cái nhục của vị Quốc Trưởng

Đã là Quốc Trưởng, là người nắm vận mệnh của cả một quốc gia – dù to hay nhỏ, dù cường quốc hay tiểu quốc - thì khi tới thăm viếng một quốc gia khác vẫn được đón tiếp đúng với quân cách một vị Quốc Trưởng. Thật vậy, ngày 05.06.1957, khi cụ Ngô Đình Diệm, Tổng thống tiên khởi của Miền Nam VN đến thăm Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và khi tới phi trường New York, đã được chính Tổng thống Eisenhower ra tận cầu thang máy bay để bắt tay vui mừng chào đón và tiếp theo là lễ nghi chào quốc kỳ hai nước một cách long trọng. Sau này, mỗi lần Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sang thăm Hoa Kỳ luôn vẫn được ít là ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ra phi trường nồng hậu tiếp đón.

Thế nhưng, đúng 50 năm sau, vào ngày 21.06.2007, khi ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà Nước cộng sản Việt Nam, đến thăm Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và cũng đáp máy bay xuống phi trường New York, chính phi trường mà máy bay Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đáp xuống cách đây đúng một nữa thế kỷ trước, lại chỉ được các nhân viên Toà đại sứ VN, một số Việt cộng nằm vùng ở Mỹ và một số nhỏ Việt kiều hai lòng đang sinh sống ở Mỹ ra tiếp một cách vắng vẻ tương tự như một người bình thường từ Việt Nam đi thăm thân nhân ở Mỹ vậy, chứ về phía nước chủ nhà Hoa Kỳ, ngoài mấy anh cảnh sát gác phi trường, không có một đại diện chính quyền nào ra đón cả. Thật là một cái nhục không biết để đâu cho hết.

Chưa xong, sau đó, khi đứng trước báo giới, chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không ngượng miệng và trơ trẽn tuyên bố là ông rất cảm động và cám ơn sự tiếp đón long trọng mà chính quyền Hoa Kỳ đã dành cho ông và phái toàn Việt Nam.

Trước sự kiện đáng buồn và nhục nhã đó, người ta thử hỏi đâu là lý do của thái độ lạnh nhạt đến quá «bất lịch sự» của nước chủ nhà Hoa Kỳ, của chính quyền Mỹ đối với ông Nguyễn Minh Triết như thế?

Dĩ nhiên, ở đây người ta không thể chủ quan và vội vàng trách móc hay qui tội cho chính quyền Hoa Kỳ là bất lịch sự, là khinh người, là coi thường nước bé hay kỳ thị cộng sản được. Là một cường quốc đứng đầu thế giới không chỉ về sự giàu có vật chất, về kỹ thuật, về khoa học và về các thứ vũ khí tân tiến, nhưng nước Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ còn nắm giữ một nền dân chủ và văn minh tiến bộ hàng đầu nữa. Nói cách khác, chính quyền Hoa Kỳ dư biết luật xã giao phải đối xử, ít là là một cách hợp lý đủ, đối với một vị Quốc Khách, vị Quốc Trưởng của một nước khi đến thăm họ. Nhưng thái độ lạnh nhạt đến khinh thường của Hoa Kỳ đối với ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà Nước cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng về cả hai mặt: chính trị, xã giao.

1. Về mặt chính trị: Ông Nguyễn Minh Triết là Chủ tịch Nhà Nước cộng sản Việt Nam, một Nhà Nước độc tài đảng trị, chà đạp cách thô bạo mọi quyền cơ bản nhất của con người, như: quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ quan điểm chính trị, v.v…Hành động bọn công an của chế độ CSVN bóp miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý khi ông tự bào chữa cho mình trước toà án của họ là một bằng chứng trong hàng ngàn hàng vạn những bằng chứng điển hình khác. Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ là những người đại diện cho một đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới, thì đương nhiên họ không được phép dành cho một kẻ như ông Triết một sự đón tiếp long trọng và thân tình được. Ông Nguyễn Minh Triết và các nhà lãnh đạo Nhà Nước độc tài cộng sản Việt chắc chắn có đủ thông minh để nhận ra được điều đó. Thực ra, ông Triết và phái đoàn tùy tùng của ông được cấp chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Kỳ đã là một may mắn to lớn lắm rồi.

2. Về mặt xã giao: Nhìn vào hệ thống Nhà Nước cộng sản Việt Nam, mọi người đều nhận thấy rõ ràng một thực thể là ông Nguyễn Minh Triết tuy mang tiếng là Chủ tịch Nhà Nước, nhưng ông chỉ là người «hữu danh vô thực». Trong hàng ngũ các cấp lãnh đạo của Việt Cộng, ông Triết chỉ giữ vai thứ yếu sau Tổng bí thứ Nông Đức Mạnh, nghĩa là ông Triết chỉ đóng vai trò kẻ thừa hành, chứ không phải vai trò người lãnh đạo. Nói cách khác ông Nguyễn Minh Triết trong thực chất không có quyền hành gì cả hay rất giới hạn, ông không được phép có ý kiến riêng. Những gì ông nói hay thông báo cho chính quyền Mỹ và báo giới, ông chỉ nói và chỉ truyền đạt lại những gì thượng cấp của ông đã giao phó cho ông trước khi ông leo lên máy bay sang Mỹ mà thôi. Điều đó được chứng minh qua các câu trả lời lập lờ của ông trước các câu hỏi của báo giới Hoa Kỷ và quốc tế. Ông trả lời như một kẻ dưới quyền, chứ không phải như một nhà lãnh đạo. Sau mỗi câu trả lời bao giờ ông Triết – cũng như các nhà lãnh đạo cộng sản khác – thường lặp lại điệp khúc quen thuộc: «điều đó chúng tôi sẽ nghiên cứu lại sau». Và dĩ nhiên, địa vị cũng như trọng lượng của những lời phát biểu của ông Triết ra sao đều không thể qua mắt được chính phủ Hoa Kỳ. Và vì thế họ đã dành cho ông và phái đoàn của ông một sự tiếp đón xứng hợp với thực chất của con người và địa vị của ông, chứ người ta không thể chủ quan trách móc chính quyền Hoa Kỳ bất công với ông Triết được.

Tiếp đến, trong buổi gặp gỡ với một số doanh nghiệp Hoa Kỳ, sau khi kêu gọi sự đầu tư của họ vào Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng một câu ngắn gọn : «Chúng tôi nói và chúng tôi làm». Nhưng đối với những người từng sống dưới chế độ cộng sản và hiểu biết rõ tường tận chế độ gian ngoa cộng sản, thì ông Triết cần phải bổ túc thêm vào câu nói của ông như sau mới đủ: «Chúng tôi nói và chúng tôi làm. Nhưng dĩ nhiên quý vị cũng đã biết là đối với những người cộng sản như chúng tôi, chúng tôi nói một đàng và chúng tôi lại làm một nẽo. Chúng tôi tuyên bố và rêu rao «không có gì quý hơn độc lập và tự do», nhưng tất cả mọi người dân Việt Nam của chúng tôi không có bất cứ quyền tự do nào cả. Quý vị cứ nhìn tấm hình Lm Nguyễn Văn Lý bị ba anh công an chúng tôi dùng bạo lực bịt miệng lại khi ông muốn lên tiếng tự bào chữa cho mình trước tòa án là đủ biết…»

Nói tóm lại, thực ra thái độ tiếp đón lạnh nhạt và hờ hửng đến khi thường có dụng ý của chính quyền Hoa Kỳ dành cho ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà Nước cộng sản Việt Nam, không chỉ là một cái nhục cho một vị Quốc Trưởng đang tại chức, nhưng trước hết là một lời cảnh cáo nghiêm trọng của nước chủ nhà dành cho ông và cả tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam, đang theo đuổi một chính sách cai trị dân một cách lạc hậu, bán khai, phản dân chủ, phản tự do. Vâng, qua thái độ của mình, chính quyền Hoa Kỳ đã muốn nói thẳng vào mặt những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam rằng các ông và cả thế giới, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thế kỷ toàn cầu hóa, thế kỷ văn minh tiến bộ, thế kỷ của điện toán, thế kỷ của các quyền con người, thế kỷ của mở cửa và của hội nhập. Vì thế, các ông không chỉ mở cửa và hội nhập nền kinh tế vật chất mà thôi, nhưng các ông còn phải mở cửa hội nhập cả các quyền cơ bản nhất của con người, hội nhập cách sống và cách tôn trọng quyền tự do dân chủ của mọi người dân trong đất nước các ông nữa. Nếu các ông về thực hành được như vậy, lần sau các ông đến thăm đất nước Hoa Kỳ chúng tôi, chúng tôi sẽ cờ quạt và võng lọng nghinh đón các ông.

Nếu vậy, thì cái nhục hôm nay sẽ mau chóng trở thành cái vinh ngày may. Nhưng tất cả đều hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam.