Nhớ đến các Cha Già nhân Ngày Phụ Tử

Người Mỹ thường dành ngày Chủ Nhật thứ 3 của Tháng 6 để tưởng nhớ và biết ơn đến những người làm Cha. Riêng tôi, một cách đặc biệt là vào chính ngày này, tôi lại dành tâm tình sâu lắng nhất của riêng mình để tưởng nhớ đến các vị Linh Mục - những người đã vun xới, đào tạo, huấn luyện và gầy dựng nên trong tôi một thứ niềm tin Kitô Giáo - mà qua những lao nhọc, hiểm nguy, và cái chết, tôi có thể tìm được điểm tựa và tìm cách để bám víu vào chính Thiên Chúa - Đấng mà qua các vị Linh Mục - tôi đã biết, đã cảm nghiệm, đã tâm sự, đã sờ mó được và đã cảm thấy rằng Ngài quá đổi gần gũi và yêu thương với tôi hơn bao giờ hết.

Có thể nói, suốt gần hơn 30 tuổi đời, ngoài vốn kiến thức ít ỏi mà tôi lượm kiếm được qua dòng thời gian nơi học đường cũng như xã hội, tôi cảm thấy dường như nó vẫn chưa và không thể nào đầy đủ và trọn vẹn cho được, so với nguồn tri thức về đức tin mà tôi hiện có. Không có kho tàng đức tin, thì tôi chẳng bao giờ có thể tự mình phát triển lên một cách trọn vẹn và đúng nghĩa cho được.

Đối với tôi, niềm tin Kitô Giáo, dẫu đó là một thứ tài sản "vô hình," không thể cân đo và đong đếm được, thế nhưng nó quả thật là "vô giá" và "cao quý" hơn bất kỳ thứ kho tàng, hay kiến thức nào khác mà tôi hiện đang có, hay đang phải dày công lượm nhặt, hoặc vô tình gặt hái được ở bất kỳ nơi nào đó: nơi học đường, nơi chiến trường binh lửa, hay nơi trường đời đầy hiểm nguy, bụi gió, phong sương.

Những lúc yên bình, những lúc dằn lòng để nghĩ suy, và những lúc vấn tự lương tâm, tôi luôn mình tự hỏi:

Liệu tôi sẽ là loại người như thế nào nếu như tôi không có đức tin?

Liệu tôi sẽ sống như thế nào nếu như không có các vị Linh Mục - những người Cha thật sự - đã dày công khổ luyện và chăm sóc cho đời sống đức tin của tôi, từ lúc tôi hãy còn ấu thơ và mãi cho đến tận hôm nay - khi tuổi đời của tôi bắt đầu nhạt phai dần theo năm tháng?

Xã hội này, trần thế này, và thế giới này sẽ ra sao nếu như không có các vị Linh Mục?

Tôi chắn hẳn sẽ là một tên đầu trộm đuôi cướp; một tên khốn nạn; một tên đểu cáng; một tên vô học, gian manh, hay một tên vô liêm sĩ nào đó, vân vân... nếu như tôi không có những người Cha Tinh Thần - những vị Linh Mục âm thầm và miệt mài dắt dùi tôi - nơi Bí Tích Hòa Giải, qua các bài giảng trong Thánh Lễ, hay qua những lớp học Giáo Lý,...., mà tôi mãi luôn bận rộn và hăng say tham dự.

Đức tin Công Giáo đó, vốn được "tông truyền" xuống cho tôi, đã giúp tôi nhận biết ra chính bản thân mình và những yếu kém của riêng mình, cũng như nhận biết ra Thiên Chúa và đồng loại của tôi là ai, để từ đó tôi cố gắng hết sức mình, và sống sao cho trọn nghĩa tình của Thiên Chúa, dẫu có hiểm nguy, có cạm bẫy, có chán chường hay có mõi mệt!

Nói về các Linh Mục, tôi có rất nhiều kỷ niệm rất đẹp với các ngài, đặc biệt là các vị Linh Mục đã giúp tôi có được nền tảng Giáo Lý căn bản của Giáo Hội, cũng như những vị Linh Mục đã giúp tôi trưởng thành hơn về mặt tín lý, luân lý, thể lý và đạo đức.

Thưở đó, ở giáo xứ của tôi, không khí và mọi sinh hoạt ở nơi đó rất là vui, rất là nhộn nhịp, rất là đầm ấm, và rất là thánh thiện. Giáo xứ của tôi có tên là Giáo Xứ Tân Hòa, lúc đó do Cha Sơn làm Cha Sở, Cha Thủy làm Cha Phó, rồi có Cha Oánh, cùng các Thầy như Thầy Công, Thầy Hùng, Thầy Bổng, vân vân....

Xa Quê Mẹ đã lâu thế nhưng khi trong lòng mình tự cất cao bài hát : "Đã bao năm rồi, Tân Hòa là của Mẹ ơi, Tân Hòa yêu thương triều mến, Tân Hòa đẹp mãi tình thương, Tân Hòa là Mẹ thiết tha, Tân Hòa đẹp lắm Mẹ ơi!..... " thì lòng tôi lúc nào cũng đau thắt lại khi nghĩ về Giáo Xứ củ viết biết bao nổi niềm nhung nhớ, và tri ân.

Tôi nhớ rất rõ là cứ vào mổi buổi chiều sau giờ tan học là bọn con nít chúng tôi phải đến nhà thờ để học Giáo Lý, để học cách làm người. Còn vào thứ Bảy và Chủ Nhật, ngoài việc tham dự Thánh Lễ ra, là giờ học giáo lý với các giáo lý viên, do các Cha hướng dẫn. Rồi phải học thuộc lòng và trả bài với Cha, hay với các giáo lý viên. Có một hôm trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Cha Thủy (mà sau này tôi biết là cháu ruột của Cha Sở), liền hỏi về một câu giáo lý như sau:

"Chúa Giêsu làm gì ở bờ sông Jordan?"

Tưởng câu hỏi gì chứ câu hỏi đó thì quá dễ, thế là cả bọn con nít chúng tôi đầy nhà thờ đều đồng thanh đáp lớn lên:

"Dạ thưa Cha, Chúa Giêsu được Ông Gioan làm Phép Rửa Tội nơi bờ sông Jordan!"

Đáp xong, chúng tôi tưởng là Cha sẽ khen ngợi, không ngờ Cha bất thình lình nổi giận lên, Cha la thét lên và đập vào bàn ghế thật mạnh, và nói:

"Các con trả lời sai rồi!"

Thế là bọn con nít chúng tôi, ai nấy mặt mày đều xanh xao, sợ hãi, và cố cúi đầu xuống để tránh né cơn giận "bất thình lình" của Cha một khi Cha đi lên, rồi lại đi xuống, rồi lại đi lên, những dãy ghế đầy khắp nhà thờ, vốn toàn là bọn con nít chúng tôi.

Không khí trùng xuống, và thinh lặng, thế nhưng vì bối rối, tôi liền mạnh dạn đứng lên và phân trần với Cha:

"Dạ Thưa Cha, không lẽ chúng con trả lời sai sao, thế nhưng chúng con làm sao mà có thể thật sự biết được là Chúa Giêsu làm gì ở tại bờ sông Jordan đó, ngoài những gì mà các Giáo Lý Viên dạy cho chúng con biết...."

Thế là Cha dìu lòng xuống, và dành thời gian để giải nghĩa cho chúng tôi. Cha giải thích cho chúng tôi biết được rằng:

"Chúa Giêsu là Đấng trong sạch vẹn toàn, Chúa Giêsu không có tội. Và vì là Đấng vẹn toàn không mang một thứ tội lỗi nào, thế nhưng vì quá yêu thương nhân loại, nên Ngài đã gánh thay tội lỗi của nhân loại, để chấp nhận cái chết đớn đau, tủi nhục nơi Thánh Giá,.... do đó, ngay tại bờ sông Jordan, chính Ông Gioan làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu - chỉ có chúng ta mới nhận lãnh Phép Rửa Tội, còn Chúa Giêsu thì chỉ nhận Phép Rửa mà thôi - không có chữ 'Tội' trong đó như chúng ta."

Một lời giải thích ngắn gọn nhưng sâu xa, cứ thế mà in mãi trong trí nhớ và tiềm thức của tôi, mỗi khi tôi suy niệm về việc Chúa chịu nạn!

Rồi qua dòng thời gian, tôi hiểu biết thêm về Đạo Công Giáo và về đức tin của mình hơn, tôi không còn được theo học Lớp Giáo Lý cấp thấp nữa, và thế là được chuyển lên lớp cao hơn cùng với Cha Oánh ở trên lầu.

Lớp học được diển ra một cách xuôn sẽ và đều đặn cứ vào mỗi cuối tuần, rồi có một hôm khi học về Chúa Thánh Thần và về Chúa Ba Ngôi, tôi không tài nào có thể hiểu được hai chữ "Mạc Khải" là gì, và cũng chẳng dám hỏi ai, vì rằng để hiểu được Mầu Nhiệm về Chúa Thánh Thần hay về Chúa Ba Ngôi nói chung, thì tôi bắt buộc phải hiểu rõ được hai chữ đó có nghĩa là gì, bằng không thì hoàn toàn mù tịt và bị thụt lùi với đám chúng bạn.

Tuy Cha Oánh không có khắt khe như Cha Sơn hay Cha Thủy, ít ra là Cha Oánh ít bao giờ cầm thước khẻ tay đau như hai Cha vừa kể, thế nhưng vì mỗi lần Cha giảng là Cha đều thao thao bất tuyệt, khó mà có thể dừng Cha được. Thế là, tôi đành câm nín và mang theo sự ngu dốt đó bên mình!

Một hôm cũng hết sức tình cờ và lạ kỳ, trong bài giảng giáo lý của mình, thật bất ngờ Cha Oánh tự dưng đề cập lại sự "Mạc Khải," rồi Cha bất ngờ dừng lại giữa chừng, và hỏi cả đám chúng tôi: "Các con có biết 'Mạc Khải' là gì không?"

Úi trời ơi, tôi liền sợ run lên, xém chút nữa là "đái bậy" trong quần - ôi thôi rồi, Lượm ơi! vì ít ra tôi không hiểu được hai chữ đó có nghĩa là gì từ khoảng hơn hai tháng nay rồi! Thế là tôi tìm cách xin ra ngoài đi tiểu, để tránh né câu hỏi của Cha. Như có một sự linh tính nào đó, Cha bất ngờ chặn tôi lại và không cho tôi đi, còn mấy đứa khác thì Cha cho đi. Tôi lại càng sợ hãi hơn nữa, vì không hiểu tại làm sao mà Cha đã biết "cái tẩy" của mình rồi, tôi liền cảm thấy quá xấu hổ, và rất sợ ăn đòn, mặt tôi tái xanh lên, giống thể như đang trong giờ "lâm tử" vậy!

Cũng may, lúc đó, dường như hiểu được sự run sợ của tôi, nên Cha liền tha và bỏ qua cho tôi - thế rồi Cha liền hỏi đến các bạn của tôi, ai nấy cũng đều trả lời sai cả, từ A-Z đều trả lời sai cả, chứng tỏ bọn chúng cũng chẳng hiểu gì về hai chữ đó. Khi biết được điều này, tôi vô cùng sung sướng, vì hóa ra, cả đám chúng bạn cũng "ngu dốt" như tôi, chứ chẳng riêng gì tôi "ngu" đâu.

Thế là Cha giải thích ra cho chúng tôi hiểu: "Các con thân mến, hai chữ Mạc Khải - Mạc là màn che, còn Khải là mở ra - Mạc Khải là sự mở ra, là sự bày tỏ ra về một sự thật hay về một thứ ánh sáng nhiệm mầu nào đó cho nhân loại, cho chúng ta, để chúng ta biết được về Chúa Thánh Thần, về Ba Ngôi Thiên Chúa - Chính nhờ sự Mạc Khải này mà chúng ta biết được Thiên Chúa, để yêu mến và để sống đẹp lòng Thiên Chúa - Không có sự Mạc Khải thì chúng ta không thể nào biết được về Thiên Chúa các con ạ !"

Ồ, rõ ra là như thế, thế là mọi bế tắc trong kiến thức về đạo của tôi, từ đó cũng được khai thông! Từ chính sự giải thích này, mà tôi lúc đó và cho đến mãi bây giờ mới hiểu và mới thấy được việc Thiên Chúa đã, luôn và sẽ hằng ngày "Mạc Khải" để đến với tôi, qua những gì mà tôi gặp gỡ và diện đối trong cuộc sống này. Chưa có bao giờ mà tôi tự cảm thấy mình quá say mê để đeo đuổi, để cố mà tìm hiểu ra cho được một sự khúc mắc như vậy - tự suy xét lại chính bản thân mình - tôi nhận thấy rằng: kiến thức nơi học đường dẫu có mới hay xa lạ lắm, thì tôi lúc nào cũng có thể lĩnh hội được rất nhanh, có khi còn vượt xa cả chúng bạn nữa, thế nhưng, với kiến thức về Giáo Lý, thì có lúc tôi lại bị khựng lại, và nếu không có các Cha, chắc tôi sẽ ấm ức, và bực bội lắm!

Rồi vào những tháng của mùa Hè, khi Cha Sơn bắt đầu việc sửa sang lại Nhà Thờ, thế là bọn con nít chúng tôi lúc đó cũng khoảng từ 12-15 tuổi, được dịp vào giúp sức. Thường sau những buổi lao động mệt nhọc như vậy, ngoài việc ăn cơm trưa cùng với Cha, Cha Sơn còn cho chúng tôi ăn chuối, uống nước mía, rồi sau đó là tắm và bơi trong ao cá của nhà thờ! Ôi cảm giác thật tuyệt! Bọn chúng tôi la hét lên, rồi từ trên cây dừa cao, đồng loạt la hét lên, rồi nhảy xuống ao cá, và thi nhau bơi đua, rồi lên bờ, rồi lại nhảy xuống ao cùng la hét lên trong sung sướng..... Một cảm giác, một kỷ niệm rất tuyệt mà tôi khó có thể nào quên cho được!

Được có dịp học chữ, học cách làm con cái Chúa, và nhất là được các Cha chăm sóc, và cho giải trí, đời sống đức tin của tuổi thơ chúng tôi cứ thế mà lớn dần và trưởng thành hơn!

Tôi vẫn nhớ mãi những ngày Tam Nhật trong Mùa Chay, nhất là Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh - Ngày Chúa chịu đóng đanh trên cây Thập Giá! Vào ngày này, những giáo xứ lân cận như: Nhà Thờ Đa Minh Ba Chuông, Nhà Thờ Bùi Phát, Nhờ Thờ An Lạc, Nhà Thờ Tân Chí Linh, Nhà Thờ Tân Sa Châu,... - không có Giáo Xứ nào là đông đúc và trang nghiêm như xứ đạo củ của tôi cả! Vì chưng đó là ngày diễn ra nghi thức đóng đinh Chúa Giêsu hết sức hoành tráng, hết sức thánh thiện và hết sức trang nghiêm. Bọn chúng tôi học và hiểu về việc Chúa chịu nạn, nhưng chúng tôi lúc đó không thể nào hình dung ra nổi sự tàn bạo của việc Chúa bị tra tấn là thế nào cả, đến khi chứng kiến tận mắt việc quân dữ xé áo Chúa, đánh đập Chúa, rồi treo Chúa trên cây thánh giá, rồi lấy lưởi đồng đâm thấu qua,..... từng cử chỉ, từng hành động... giúp cho chúng tôi biết ý thức rõ ra sự ghê tởm của việc phạm tội! Rồi sau đó là nghi thức Hôn Chân Chúa, bọn con nít chúng tôi rất thích: vì được Hôn Chân Chúa vốn có một mùi dầu rất thơm, và sau đó là lấy cốm ăn ngay trong Hòm của Chúa.

Với những sinh hoạt như vậy nên đời sống đức tin của tuổi ấu thơ chúng tôi ngày càng được vững chãi hơn. Lúc đó, vì chưa suy nghĩ cặn kẽ và chính chắn, nên chúng tôi chỉ có biết đón nhận mà thôi... đến khi chúng tôi bắt đầu biết tri ân, thì lúc đó các Cha cũng đã già....

Những vất vã, lao nhọc, cùng những nổi băn khoăn lo lắng, cứ thế mà hằn lên trên trán và trong tâm khảm của các Cha của tôi, khi các ngài luôn ý thức rất rõ về trọng trách của các ngài đối với cả đàn chiên trong nhà thờ: từ ấu thơ cho đến tuổi già! Thử hỏi, có người Cha thể lý nào có thể lo và chu toàn được bổn phận thật lớn lao và hết sức khó nhọc như vậy không cho cả cộng đoàn dân Chúa?

Rồi đến lúc bọn chúng tôi học lớp Giáo Lý Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu, trước khi diễn ra ngày Lễ trọng đại nhất trong đời đó của chúng tôi, Cha Thủy lúc nào cũng vậy, lo tất bật tất cả mọi chuyện để chuẩn bị cho chúng tôi rất kỹ càng về mặt tâm linh cũng như về mặt kiến thức Công Giáo. Ngày đó, chỉ còn một ngày nữa là đến ngày Đại Lễ, Cha Thủy bắt tất cả chúng tôi, phải tập xưng tội trước vào thứ Bảy. Lúc đó có 3 Cha ngồi tòa giải tội: Cha Thủy, Cha Sơn và Cha Oánh. Nhóm chúng tôi được phân chia ra thành 3 hàng dọc dài, và cứ theo sự phân công, tôi biết chắc 100% là tôi sẽ xưng tội thử với Cha Thủy.

Thế nhưng, tới phiên tôi, Thầy Công (giờ đây đã là Cha Công rồi) bất ngờ chỉ tôi ra tòa giữa là tòa của Cha Sơn, để tôi xưng tội thử. Tôi hú vía lên, và rất sợ hãi, vì lúc nãy giờ khi còn đứng ở hàng dưới tôi nghe tiếng Cha Sơn nói ra điều gì đó rất to, và Cha la những đứa bạn "không may mắn" của tôi đến xưng tội thử với Cha, có lúc thì Cha lại đập vào tòa giải tội, nghe rất to và kinh hãi. Tôi run sợ không biết đến phiên mình sẽ ra sao, và tự nhủ, mình đúng là số "con rủi" lúc nào cũng gặp "xui xẻo" cả, cứ tưởng sẽ xưng tội với Cha Thủy, đùng một cái lại xưng tội với Cha Sơn - vị Linh Mục mà chúng tôi rất sợ, sợ rét lên được!

Tôi tiến đến tòa giải tội của Cha Sơn, rút kinh nghiệm từ các bạn, tôi lấy bình tĩnh và nói thật lớn lên để Cha nghe cho rõ những tội mà tôi đã phạm. Tưởng là Cha sẽ hài lòng, không ngờ Cha lại quát tháo lên và bắt dừng buổi tập. Cha nói với tôi mà cả nhà thờ và chúng bạn đều nghe hết, thật là ốt dột và xấu hổ! Cha nói rằng: "Tại sao con xưng tội lớn thế? Bộ con muốn cả Nhà Thờ và các bạn nghe tội của con sao? Con không nên làm như vậy, chỉ nói với giọng vừa đủ nghe thôi - chỉ có Cha và con nghe được mà thôi!"

Thế là, tôi giảm âm lượng và xưng tội thử lại với Cha một lần nữa.

Đùng một cái, Cha lại la lên một lần nữa, khiến tôi xám mặt mày, suýt chút nữa là rớt khỏi tòa giải tội, lần này thì Cha dùng trường hợp của tôi mà nói lớn cho cả Nhà Thờ và đám chúng bạn nghe rằng:

"Khi các con xưng tội, các con phải nói số lần các con phạm một tội nào đó, một cách thật rõ ràng và cụ thể. Chẳng hạn, không đọc Kinh Tối 2,000 lần - Hổn láo với cha-mẹ 10 lần, ăn cắp vặt 100 lần,....., phải cụ thể ra, với số lần!"

Ôi, thật hú vía và muốn chết cho được!

Vì được Cha huấn luyện và dặn dò kỹ càng như vậy, nên có lần khi xưng tội với Cha người Mỹ, sau mỗi thứ tội tôi liền đính kèm theo số lần phạm tội, khi ban ơn tha tội cho tôi xong, Cha Mỹ liền ngúc đầu ra và hỏi tôi, khiến tôi bị giựt mình, Cha hỏi tôi rằng: "Ai dạy cho con phải nói ra số lần như vậy?"

Tôi liền nói nhanh: "Dạ, Cha Sơn - Cha Sở củ của con ở Nhà Thờ Tân Hòa, Cha ấy đã dặn con như vậy khi con tập xưng tội thử với Cha ấy!"

Cha người Mỹ liền mĩm cười, rất hài lòng và nói với tôi rằng: "Giá mà Cha Sơn của con có mặt ở đây để dạy cho người Mỹ, lớn cũng như già, cách phải xưng tội đúng đắn như vậy!"

Thế đó các bạn ạ, các bạn có bao giờ nhớ lại những gì mà các vị Linh Mục nơi Quê Mẹ, đã làm được gì cho chúng ta không?

Dẫu rằng, cha-mẹ theo huyết thống của chúng ta đã dày công và nuôi dạy chúng ta khôn lớn, và công ơn đó là biển-trời; thế nhưng công ơn của các vị Linh Mục dạy dỗ cho chúng ta còn lớn và cao trọn hơn thế nữa, thế mà chúng ta nào đâu có biết cách để tìm, để tri ân, và nhớ đến các ngài - khi các ngài tuổi đã bóng xế, đã một đời dày công huấn luyện và đào tạo chúng ta nên người, nên những người con cái thật sự của Thiên Chúa?

Giờ đây, các ngài đã bị chúng ta bỏ rơi, bị chúng ta lên án, hay trách móc, phải chăng chúng ta quá đỗi bất tâm, quá đỗi tàn nhẫn, và vô ơn nhiều lắm không?

Phải chăng thời thế này đã khiến chúng ta trở thành những con người quá thực dụng, quá vật chất, quá lộng quyền, quá vô lễ,.... để chúng ta, tự cho mình, có cái quyền thuộc vào loại "rỗm" nhất trên trần gian này hòng để lên lớp, phán xét, và dạy đời lại các vị Linh Mục của chúng ta, các vị Mục Tử của chính Chúa Kitô?

Sau khi lãnh nhận Phép Thêm Sức, tôi cùng đám bạn trưởng thành hơn, và tuổi thanh niên của chúng tôi tràn đến, lúc này chúng tôi đã không còn gắn bó ngày-ngày với xứ đạo của mình nữa, mà đã đến lúc, chúng tôi phải lăn xả vào cuộc sống để giúp đỡ gia đình trong cảnh đói nghèo và túng quẩn của chế độ!

Dẫu thế, chúng tôi tuần nào cũng tụ tập quây quần với các Cha trong từng Thánh Lễ. Xuất thân từ một xứ đạo như vậy, nên đời sống đức tin và nền đạo đức luân lý căn bản của chúng tôi đều được các Cha uốn nắn, rèn luyện và sửa sai, do thế mà trong số đám bạn của chúng tôi, cũng có không ít đứa sau này trở thành Linh Mục của các Dòng như: Dòng Đa Minh, Dòng Tên, vân vân... chỉ có riêng tôi, còn mãi lận đận, nơi trần thế!

Rồi những gì đến đã đến, khi đó Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ra lệnh là người nào thuộc giáo xứ nào phải về giáo xứ đó. Nhà tôi thuộc vào Phường I của Quận Tân Bình, nên Giáo Xứ chính thức của tôi phải là Giáo Xứ Đa Minh hay Nhà Thờ Ba Chuông, vì theo lệnh sắp xếp lại cơ cấu của Đức Tổng Giám Mục Phaolô, Giáo Xứ Đa Mình là gồm Phường I Quận Tân Bình, và Phường 10 Quận Phú Nhuận. Thế là tôi không còn là thành viên của Giáo Xứ Tân Hòa nữa, vì Giáo Xứ Tân Hòa là gồm hai phường: Phường 13 và 14 của Quận Phú Nhuận!

Mang hành trang và vốn kiến thức Giáo Lý khá vững vàng và "đồ sộ" nhưng rất có căn bản đó từ chính các Cha ở Giáo Xứ Tân Hòa, tôi bắt đầu những bước đi đầu khi hội nhập vào Giáo Xứ mới, Giáo Xứ Đa Minh - Thoạt đầu, tôi cũng ngỡ ngàng, vì thấy các Cha, các Sơ cùng các Thầy ở đây đều mặc áo dòng trắng như nhau, có chuổi hạt Mân Côi ở bên, chứ không phải áo trùng đen như các Cha củ của tôi ở Giáo Xứ Tân Hòa nữa.

Rồi qua Thánh Lễ này tới Thánh Lễ khác, qua lớp Giáo Lý này đến lớp Giáo Lý khác, rồi qua Lớp Bao Đồng, tôi hoàn toàn bị say mê và đắm chìm trong bể tri thức về đạo. Tôi hiểu được về Thánh Đa Minh, về Thánh Martinô, về Đức Mẹ một cách nhiều và sâu sa hơn, đời sống đạo của tôi bỗng trở nên phong phú và sôi nổi hơn lên lúc nào tôi cũng không hề hay biết.

Vì nhận được sự giáo dục của mẹ, nên sau giờ học, chiều nào tôi cũng tòn teng đi bộ đến Nhà Thờ để dự Lễ Chiều với các Cha Dòng Đa Minh. Tôi nhớ rất rõ, những bài giảng rất tình cảm, rất nồng nàn của Cha Đích, mỗi lần Cha nói về Đức Mẹ, và hầu như sau bài giảng nào, Cha cũng đều khóc cả, khiến tôi là nam nhi lúc đó, cũng khóc theo!

Rồi Cha Thiệp với những bài giảng rất hài hước, rất dí dõm, rất thông minh và rất vui nhộn, cho dẫu lúc đó có buồn bã hay đớn đau tột cùng gì cho lắm, nghe bài giảng của Cha, ai nấy cũng đều phải bật cười cả, nhất là khi giảng Cha dùng mọi cử chỉ và điệu bộ, đôi lúc Cha trợn mắt lên!

Rồi Cha Hộ với bài giảng thường hay bắt đầu bằng "Anh Chị Em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô,..... " rất xúc tích, rất dễ hiểu, và rất thánh thiện! Cha không dùng đến những từ ngữ "thần học," nên tôi lĩnh hội được khá rõ những gì mà Cha muốn truyền đạt cho cộng đoàn!

Rồi Cha Liêm, với bài giảng mà nghe vào - ai nấy cũng đều phải nhức đầu ngay, Cha coi giáo dân y như thể là các chủng sinh năm thứ 4 của môn Thần Học vậy! Cha giảng rất cao, và vì trình độ đức tin của tôi lúc đó vẫn còn quá yếu kém, nên tôi không thể nào có thể lĩnh hội được một cách trọn vẹn cho được! Giá mà lúc này Cha còn sống để tôi có được những bài học cao đức như vậy từ Cha!

Rồi Cha Vĩnh, mặc dầu Cha đã già, đã luống tuổi, nhưng mỗi khi nghe các bài giảng của Cha, tôi có cảm tưởng như Cha đang tâm sự điều gì đó với tôi, giống thể Cha là Ông Nội hay Ông Ngoại gì đó của tôi vậy, cùng ngồi xuống và tâm sự với đứa cháu ruột của mình là tôi, cũng như mọi giáo dân của Cha! Lúc đó, tôi không còn có cảm giác rằng Cha Vĩnh là một vị Linh Mục mà đúng ra là Ông Nội hay Ông Ngoại gì đó của tôi!

Rồi Cha Cương, mà gia đình tôi vẫn thường hay gọi là "Cha Lùn" vì Cha rất thấp so với Cha Hộ mập to và cao, Cha Liêm và Cha Thiệp rất cao, và Cha Vĩnh thì cao hơn Cha Cương chút ít! Đối với Cha Cương, thì điểm đặc biệt của Cha này là: khi giảng Cha nói rất nhỏ, còn khi đọc Phúc Âm, có lúc Cha đọc rất nhỏ, tôi ngồi hàng ghế đầu cũng khó mà nghe được, rồi bỗng tự dưng, có khúc Cha lại đọc thật lớn lên. Bài giảng của Cha vẫn thường là nói về các nhân đức, mà thú thật, có lúc tôi ngủ gục vì giọng nói quá nhỏ của Cha!

Rồi Cha Chữ, tuy ít nói và trẻ tuổi hơn, thế nhưng Cha lại rất sâu sắc và rất thông minh! Cha lại hiền và rất tốt bụng - Có thể nói, nghe các bài giảng của các Cha khác, tôi nhớ ngay lúc đó, và sau khi ra khỏi Nhà Thờ, tôi liền quên hết. Có lúc bị mẹ kiểm tra, xem thử ngày đó tôi có đi Lễ không, mẹ tôi hỏi "Hôm nay trong Nhà Thờ đọc bài đọc gì vậy con? Rồi Cha giảng điều gì vậy con?" Tôi liền ú ớ, thế nhưng đối với Thánh Lễ do Cha Chữ cử hành, thì tôi lại học được rất nhiều từ các bài giảng của Cha và ghi nhớ rất rõ những gì mà Cha giảng, cũng như các bài đọc trong Nhà Thờ.

Rồi một vị Linh Mục khá trẻ tuổi và điển trai lúc đó, tương đương như Cha Chữ, tại Giáo Xứ Đa Minh mà tôi còn nhớ là Cha Phượng - khác với các Cha khác, vị Linh Mục này trông có vẽ sinh động và hoạt bát hơn, dẫu rằng các Cha khác thì trông có vẻ "bác học" hơn rất nhiều! Tôi nhớ rằng, những khi nào mà Cha Phượng làm Lễ là các bà - từ già đến bé - đều hiện diện rất đông đủ, và ngồi chật đầy các hàng ghế đầu của Nhà Thờ! Các bài giảng của Cha dĩ nhiên cũng rất sôi động và hùng hồn không kém!

Giáo Xứ Đa Minh, thời đó, dưới quyền coi sóc của Cha Hộ, rồi Cha Liêm, rồi Cha Cương, và rồi đến Cha Hòa, người mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Phải nói rằng: Cha Hòa chính là người mà tôi lúc nào cũng muốn bắt chước và noi theo, vì Cha rất giỏi Anh Ngữ, rất khiêm tốn và rất uyên bác! Cha thông dịch Anh Ngữ rất lưu loát cho cả giáo dân nghe, khi Cha Bề Trên của Tỉnh Dòng Đa Minh Quốc Tế có dịp đến thăm! Sau Thánh Lễ, tôi có dịp được chuyện trò trực tiếp với Cha Bề Trên Ngoại Quốc, và khi đó Cha Hòa cứ tưởng tôi là Việt Kiều mới về! Rồi những bài giảng của Cha đầy lòng sốt mến và nhiệt huyết. Cha không những chỉ dạy cho giáo dân về đức tin mà Cha còn chia sẽ cho giáo dân biết về những kinh nghiệm ở nước ngoài mà Cha đã từng sống hay đi qua, nghe rất là hay và rất hấp dẫn, khó có thể nào quên cho được!

Rồi Cha Bề Trên Giám Tĩnh của Dòng là Cha Đinh Châu Trân - cũng rất giỏi ngoại ngữ và rất uyên bác, đúng là Dòng Đa Minh chính là Dòng Thuyết Giảng với các vị Linh Mục rất thông thái và xuất chúng, mà tôi rất có hân hạnh được biết đến!

Ngoài các Cha ra, Giáo Xứ Đa Minh cũng còn có rất nhiều Thầy nhất là các Thầy già mà tôi quên tên, và các Thầy trẻ chẳng hạn như: Thầy Huy đánh đàn và dạy Giáo Lý rất hay; Thầy Hiệu rất giỏi điện toán mà tôi có dịp cùng cộng tác; Thầy Trung - người rất ốm và rất khiêm nhường; sau này có thêm Thầy Luật từ Gò Vấp chuyển về, rồi Thầy Hiển, vân vân... Đến khi ra hải ngoại định cư, tôi được tin các Thầy này đều đã trở thành Linh Mục, và có một người hiện đang làm Cha Giám Tỉnh của Dòng Đa Minh ngày nay.

Với Giáo Xứ Tân Hòa, các ngày trong tuần Tam Nhật của Mùa Chay khiến cho tôi có ấn tượng sâu sắc nhất, thì với Giáo Xứ Đa Minh, kỷ niệm đẹp mà tôi vẫn khắc ghi mãi là vào mỗi chiều Thứ 7, sau Thánh Lễ là toàn thể cộng đoàn đều hướng về Đài Đức Mẹ, đứng bên cạnh phi thuyền con thoi hay hỏa tiển, để cùng nhau ca hát và gởi tâm tình tri ân đến Mẹ - một hình ảnh mà tôi vẫn không thể nào quên được trong tiềm thức! Nhìn tượng Đức Mẹ nơi đây, tôi có linh cảm dường như Mẹ muốn nói điều gì đó với tôi! Tôi vẫn còn nhớ rất rõ nơi tượng Đức Mẹ màu trắng đó cùng với phi thuyền con thoi, còn có phần mộ của Cha Bá Đại Lộc - người đã có công tìm ra chữ Quốc Ngữ, và ngay tượng Thánh Martinô có hàng ngàn các bia chữ dâng lời cảm trạ và tri ân vị Thánh da đen này!

Rồi những lúc đi Lễ Nhất vào 5h sáng, khi cổng Nhà Thờ do một Thầy già ra mở, tôi liền nhanh nhẩu chạy vào để có dịp cùng hiệp ý, lắng nghe, và quan sát các Cha trong giờ đọc Kinh Sáng hằng ngày bằng tiếng La Tinh, từ đó đời sống đức tin của tôi cứ thế mà phong phú và trổ hoa lên.

Bằng chính sự nghiêm túc, đứng đắn và mực thước của người Linh Mục; bằng chính sự thánh thiện; bằng chính sự uyên bác và lòng khiêm hạ lạ thường, các Cha Dòng Đa Minh thời đó, thật sự đã gây ấn tượng rất mạnh, và rất đẹp trong trí nhớ trẻ tuổi của tôi! Tôi ước gì thời vàng son và truyền thống cao đẹp đó, cùng với những kiến thức uyên bác đó, cứ mãi lan truyền xuống cho thế hệ hôm nay!?

Qua các Cha tôi học biết thêm được rất nhiều điều về Đạo, về Thiên Chúa, và về con người. Nói về Thiên Chúa, tôi chưa có bao giờ có thể cảm nghiệm và thấu rõ cho được thế nào là hình ảnh của một vị Mục Tử nhân hậu, đức độ và tài năng, mãi cho đến khi tôi được mẹ mình đặt vào trong lòng của các vị Linh Mục - những người đã dày công để dạy dổ, chăm sóc và vun xới lên cho tôi nên người mỗi ngày, mỗi ngày một!

Rồi những chiều thứ Bảy, nhóm bạn chúng tôi ở Giáo Xứ Đa Minh, cùng rũ nhau đi bộ qua một đoạn đường rất dài, để đến Chầu Thánh Thể nơi Dòng Chúa Cứu Thế - Từ đó chúng tôi biết thêm các Cha như: Cha Trị, Cha Thành Tâm, Cha Phụng, Cha Thao, Cha Giao - những vị Linh Mục vốn cũng rất uyên bác và đức độ không kém so với các Cha Dòng Đa Minh! Chính tại nơi Giáo Xứ này, mà tôi có dịp được hiểu rõ hơn về Thánh Lễ, về các Thánh và về Đức Maria!

Xin cám ơn các Cha đã giúp cho chúng con được hiểu biết thật nhiều về Đạo, về Thiên Chúa và về Đức Mẹ Maria! Thiết nghĩ, cũng may là tôi được các Cha đào tạo và giáo huấn bên Việt Nam, chứ nếu sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ này, thì đức tin của tôi khó mà có thể vững chãi và sâu sắc cho được!

Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu xuống cho các Cha - những vị Linh Mục - đã, đang và sẽ còn âm thầm hy sinh, dìu dắt, giáo huấn và chăm lo cho cả đàn chiên!

Ước gì không những trong Ngày Phụ Tử này mà còn trong những tháng ngày khác nữa, chúng ta - những người Công Giáo Việt Nam chân chính - đừng bao giờ quên các Cha, các vị Linh Mục của chúng ta - những người đã dày công góp sức cùng với người mẹ và người cha thể lý của chúng ta - trong việc giáo dục, dưỡng nuôi, chăm lo, và rèn luyện đời sống đức tin của chúng ta hằng ngày, vì suy cho cùng, không có đời sống đức tin, chúng ta cũng chẳng bao giờ có hay đạt được bất kỳ điều gì cả trong cuộc sống này!

Công ơn của các vị Linh Mục, tuy vô hình, nhưng thật lớn lao và khó có gì có thể đền đáp được! Hiện thể tâm tình tri ân sâu trọng này, chúng ta hãy luôn nhớ và nguyện cầu mãi cho các vị ân nhân "thiêng liêng" của chúng ta, và hãy làm nên điều gì đó đích thực để cảm tạ các ngài, và cảm tạ Thiên Chúa đã hết sức nhân từ đoái thương ban xuống cho chúng ta những vị Linh Mục thánh thiện và cao quý!

Chúng ta hãy thử dành ra vài phút trong Ngày Hiền Phụ này để suy tìm và hiểu rõ ra cho được công ơn biển trời của các vị Linh Mục đã từng đến, ngự, rồi qua đi khỏi cuộc đời của chúng ta đi? Sau đó, chúng ta phải tự hỏi chính chúng ta rằng: Phải chăng chúng ta đã quá vong ơn và quá bội bạc với các ngài nhiều lắm không?!

Xã hội tục trần đã khiến chúng ta chỉ biết nhìn, đánh giá, và trả công cho ai đó nếu như người đó có giúp đỡ cho chúng ta một cái gì đó rất thiết thực, để rồi chúng ta phải mãi mang nặng nghĩa ân, suốt đời, suốt kiếp. Cũng tương tự như thế, chỉ có Ba-Mẹ mới là người mang nặng đẻ đau và nuôi nấng cho chúng ta lớn khôn nên người, do đó, chúng ta cần phải ghi công ơn biển trời đó của Ba-Mẹ - Thế nhưng còn các vị Linh Mục thì sao? Còn Thiên Chúa thì sao? Nếu đã biết ơn, thì chúng ta phải nên biết ơn sao cho trọn, kẻo phải trở thành những kẻ bất hiếu, những người vong ân!

Hãy luôn ghi nhớ và biết rằng: không có các vị Linh Mục thì chúng ta sẽ chẳng là gì cả!

Hawaii, Mùa Hè 2007

Tâm Tình Tri Ân Con Xin Gởi Đến Các Cha