Đạo Đức Chúa Trời có 10 Điều Răn, thứ bốn thảo kính cha mẹ

Mãi tới nay tôi hãy còn nhớ rõ lúc còn nhỏ, khi đi học giáo lý dọn mình chịu lễ lần đầu, ông Cha Phó cứ bắt bọn học trò chúng tôi phải học đi học lại mãi 10 Điều Răn. Nhiều khi ngài còn bắt chúng tôi phải đọc thuộc lòng ngược 10 Điều Răn nữa, tức là thay vì đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối thì ngài bắt chúng tôi phải đọc thuộc từ dưới lên trên, từ điều thứ 10 ngược lại lên điều thứ nhất. Vì ngài bảo chúng tôi là 10 Điều Răn Đức Chúa vô cùng quan trọng cho cuộc sống con người.

Để làm cho chúng tôi hiểu được sự quan trọng và cần thiết của 10 Điều Răn, ngài thường đem so sánh cuộc sống con người trên thế gian này giống như chiếc tàu lênh đênh trên biển cả, chỉ thấy trên là trời và dưới là đại dương mênh mông, chứ không biết đâu là bờ bến, nên không thể định hướng được, nếu không có chiếc la bàn. Và 10 Điều Răn Đức Chúa Trời chính là chiếc la bàn cho cuộc sống con người. Do đó Cha Phó bắt chúng tôi học thuộc thật nhuyễn kinh 10 Điều Răn.

Nhất là ngài còn cắt nghĩa rất kỹ ý nghĩa của từng Điều Răn một. Tôi còn nhớ rõ khi Cha Phó chúng tôi cắt nghĩa đến Điều Răn thứ bốn là con cái phải thảo hiếu cha mẹ: nào là con cái phải yêu thương và kính trọng cha mẹ, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ, nhất là cầu nguyện cho cha mẹ, dù cho cha mẹ có thế nào đi nữa, thì có một đứa bạn tôi, mà cha mẹ nó đều đã chết, liền đứng lên hỏi : « Thưa Cha, nếu con không còn cha mẹ nữa, thì con có phải giữ Điều Răn thứ bốn không ? » Có lẽ vì câu hỏi nêu lên quá đột ngột và nhất là hoàn cảnh quá mủi lòng của thằng bạn tôi, nên Cha Phó đã phải ngập ngừng lúng túng một lúc rồi mới trả lời được. Ngài nói : « Trước hết, cha cám ơn em N. đã đơn sơ và chân thành nêu lên một câu hỏi rất quan trọng. Tiếp đến, cha muốn nói với các em rằng sống trên đời này mỗi người chúng ta không chỉ có cha mẹ ruột, tức những người đã sinh ra và nuôi dưỡng thể xác chúng ta mà thôi, nhưng chúng ta còn có những người cha người mẹ khác nữa. Thí dụ chúng ta còn có cha mẹ đỡ đầu, cha mẹ tinh thần, nhất là cha mẹ thiêng liêng, tức những người chăm sóc lo lắng cho chúng ta về phần linh hồn, về phần thiêng liêng nữa, đó chính là Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, các vị Linh mục, v.v…, và chúng ta cũng có bổn phận phải kính yêu, thảo hiếu, vâng phục và cầu nguyện cho các ngài như đối với cha mẹ chúng ta vậy, dù các ngài thế nào đi nữa... »

Đối với tôi, kể từ ngày hôm đó, khi được nghe Cha Phó cắt nghĩa như thế, tôi vô cùng lễ phép và kính trọng đối với Cha Quản Xứ và Cha Phó hơn. Sau này khi tôi được học giáo lý nhiều hơn và tôi càng hiểu rõ hơn, như Đức Thánh Cha là Đấng đại diện Chúa Giêsu ở trần gian này và các Đức Giám Mục là những Đấng kế vị các Thánh Tông Đồ, và tất cả các ngài đã được Chúa Giêsu giao phó cho việc dìu dắt, hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội của Người : « Thầy bảo thật anh em : ở dưới đất, anh em cầm buộc những gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy » (Mt 18,18).

Bởi vậy, là một tín hữu Công Giáo, tôi cảm thấy lương tâm tôi đòi tôi phải thực thi tinh thần của Điều Răn thứ bốn đối với Hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội, tức yêu mến, kính trọng và vâng phục các ngài. Vì với con mắt đức tin, tôi nhìn thấy được trong các ngài những Đấng đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để làm Đại Diện của Người ở trần gian. Dĩ nhiên các ngài vẫn luôn là những con người đầy khiếm khuyết và thiếu sót như chúng ta, như bạn và tôi. Nhưng tôi luôn ý thức rất rõ là khi tôi kính yêu và vâng phục các ngài, tôi không kính yêu và vâng phục những con người, nhưng tôi kính yêu và vâng phục chính Thiên Chúa mà các ngài là những Đấng Đại Diện mà thôi.

Nhất là đối với Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, tôi càng cảm thấy yêu mến, kính phục và biết ơn các ngài hơn nữa, vì dù ngày đêm phải đối đầu với một chế độ cộng sản vô thần đầy gian ngoa xảo quyệt và luôn tìm mọi cách để gây đủ mọi khó khăn rắc rối cho Giáo Hội, các Đức Giám Mục, các vị Linh mục vẫn luôn can đảm lèo lái con thuyền Giáo Hội Việt Nam trung thành tuyệt đối với Đức Kitô và với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Đúng vậy, khi có dịp về Việt Nam quan sát kỹ tình hình tại chỗ, người ta mới biết rõ được những thương tâm, những giới hạn, những khó khăn, những phức tạp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung và của Hội Đồng các Đức Giám Mục Việt nói riêng như thế nào trước sự kìm kẹp, áp đặt, chèn ép và khủng bố của chế độ cộng sản vô thần. Vì thế, thay vì đứng ngoài trách móc, phê bình cách vô tâm, chúng ta nên yêu mến, thông cảm, biết ơn và cầu nguyện cho Giáo Hội ở quê nhà. Nếu không, chúng ta sẽ gây thêm đau thương cho Giáo Hội quê nhà của chúng ta một cách bất công. Vì thái dộ và hành động phê bình chỉ trích đó cũng có thể so sánh với tình trạng khi gia đình chúng ta bị một bọn cướp gian ác với đủ thứ vũ khi xông vào cướp bóc, bắt trói và hành hạ cha mẹ chúng ta. Thế mà thay vì thông cảm, thương khóc và an ủi cho hoàn cảnh quá éo le và vô cùng thương tâm của cha mẹ chúng ta, thì chúng ta lại quay ra la mắng trách móc các ngài cách thậm tệ là tại sao các ngài đã không can đảm chống lại tụi cướp, sao cứ để cho bọn chúng cướp phá gia đình này nọ, v.v… !

Vâng, tâm tình thảo hiếu đối với cha mẹ trong Điều Răn thứ bốn mà Thiên Chúa đã long trọng trao phó cho Tổ phụ Mô-sê trên núi Sinai, cũng đòi buộc lương tâm mỗi người tín hữu chúng ta phải có đối với Hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội, nhất là Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đang triền miên phải sống trong cảnh cùm kẹp, cảnh trên đe dưới búa.