Tôi đi dự Đại Hội Công Giáo VN tại Đức kỳ thứ 31

Năm nay Đại Hội người Công Giáo Việt Nam ở Đức được tổ chức tại thành phố Aschaffenburg trong ba ngày, từ 26 đến 28. 05.2007, dịp đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, với một chủ đề hết sức thời sự : Truyền thông và gia đình.

Trước hết khi bước vào phòng hội chính của của Đại Hội, tấm hình Lôgô lớn được treo trên phông chính, vẽ theo hình tròn lớn, tượng trưng cho trời và quả đất. Trên hình đó ghi chủ đề của Đại Hội : Truyền thông và gia đình. Giữa tấm hình là tượng Thánh giá, được vẽ với những tia hào quang mầu vàng nhạt và xanh lá cây, làm cho người xem thoạt thấy ngay được chủ ý của tác giả là muốn nói lên rằng Thánh giá Đức Kitô là cây của sự sống và chỉ mang lại các hoa trái cho sự sống vĩnh cửu. Đặc biệt nhất là giữa thánh giá là hình con chim bồ câu trắng ngậm cành ô-liu xanh. Đây hẳn là tượng trưng Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn sống và là nguồn thánh hóa Giáo Hội cũng như từng người tín hữu, đồng thời chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và điều khiển ba ngày Đại Hội quan trọng của khoảng 16 ngàn người công giáo Việt Nam sinh sống tại Đức nói chung và của khoảng 6 ngàn tham dự viên của Đại Hội nói riêng.

Trước đây vốn vì hoàn cảnh sống và công vụ, ít khi tôi có dịp về tham dự Đại Hội. Nhưng từ bốn năm nay, tôi may mắn có điều kiện được về tham dự đều đặn hàng năm với anh chị em đồng bào Công giáo của tôi. Sau mỗi lần tham dự Đại Hội như thế, tôi lại lên đường trở về với tâm trạng nhẹ nhàng, với lòng đầy vui sướng và an ủi, tựa hồ như khi trở về sau một kỳ nghỉ hè đầy tĩnh dưỡng và khỏe mạnh vậy. Đặc biệt trong Đại Hội năm nay, Giờ sinh hoạt tâm linh cho các thanh thiếu niên được các Linh mục Hà, Lê Phan và Linh mục Liêm tổ chức những buổi sinh hoạt và hội thảo riêng, hợp với trình độ lứa tuổi. Nhất là giúp cho nhiều thanh thiếu niên chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích hoà giải. Năm nay Đại Hội cũng tổ chức thánh lễ Chúa Thánh Thần dành cho các thiếu nhi. Khoảng 600 trẻ em từ 12 tuổi trở xuống đã không còn phải ngồi ngáp dài ngáp ngắn giữa bố mẹ chúng khi tham dự Thánh Lễ chung với người lớn như mấy năm trước nữa, nhưng các em đã được các Nữ Tu, và các anh chị huynh trưởng dưới sự phối hợp và chủ sự của cha Phạm Văn Tuấn. Sau phần rước lễ, tất cả các em lại trật tự kéo vào tham dự phần Tạ lễ với toàn thể cộng đoàn ở phòng hội chính, khiến cho bầu không khí buổi Lễ trở nên thật sinh động, tươi trẻ và làm nức lòng mọi người như một luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi vào Đại Hội vậy.

Tiếp đến là phần thuyết trình trong ba ngày Đại Hội về chủ đề chính là Truyền thông và gia đình, được trình bày bởi các chuyên gia phục vụ trong ngành Truyền thông là Linh mục Gioan Trần Công Nghị, giám đốc mạng Internet VietCatholic từ Hoa Kỳ sang, và với sự phối hợp của Linh mục Bùi Thượng Lưu, chủ nhiệm nguyệt san Dân Chúa Âu Châu. Với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy của ngài trong suốt trên 10 năm hoạt động trong sứ mệnh truyền thông đại chúng, cha Gioan Nghị đã trình bày rất lôi cuốn và thực tiễn những lợi ích cũng như nguy hiểm tai hại của việc sử dụng mạng điện toán Internet, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên. Đặc biệt, ngài đã nêu lên những điểm hướng dẫn hết sức cụ thể mà các bậc cha mẹ đang chờ đợi trong việc xử sự với con cái họ trong việc sử dụng Internet. Các bài thuyết trình của cha Nghị tuy đã được đăng đầy đủ trên mạng : www.vietcatholic.net/news/ và xin các vị hãy truy cập để hiểu rõ, ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên mấy điểm tổng quát :

• Việc sử dụng mạng điện toán Internet trong thời đại hôm nay là một điều cần thiết bất khả kháng. Nhưng Internet lại chứa đựng không chỉ những điều tích cực, như: để nghiên cứu, học hỏi, truy cập tài liệu, tin tức, nhưng còn chứa đựng cả những điều tiêu cực, hay theo từ của cha Nghị sử dụng là « mặt đen tối của Internet », như : các phim ảnh dâm ô đồi trụy, các tư tưởng quá khích, các lôi cuốn lừa lọc.

• Như vậy, phương pháp để các bậc cha mẹ có thể kiểm soát được con cái mình khi sử dụng Internet là chính cha mẹ cũng phải biết sử dụng Internet, càng giỏi càng tốt.

• Các máy vi tính có nối mạng Internet cần phải được đặt ở các phòng chung có mở cửa, để con cái không được tùy tiện truy cập vào các chương trình bất lợi cho chúng nó.

• Cha mẹ cần giới hạn thời gian sử dụng Internet hợp lý của con cái, vừa không làm hại sức khỏe, không mất qúa nhiều giờ, vừa giúp con cái học hành nên người.

Trên đây là một vài điểm trong hai bài thuyết trình hết sức quan trọng và thiết thực của Linh mục Trần Công Nghị mà đại đa số các tham dự viên Đại Hội đã hào hứng và phấn khởi lắng nghe và đón nhận trong buổi sáng và sau trưa của ngày chúa nhật 27.05.2007 cùng với những tiếng vỗ tay tán đồng hết sức nồng nhiệt.

Xuyên suốt qua các bài thuyết trình về chủ đề Truyền thông và gia đình, cha Nghị cũng nhấn mạnh đến sứ mạng Truyền thông của Công giáo là đem đến những món ăn tin thần, nuôi dưỡng đức tin và hướng dẫn quần chúng theo đúng đường hướng của Giáo hội.

Cha Nghị nêu lên tầm quan trọng của các phương tiện truyền trong lãnh vực tôn giáo là rao truyền chân lý Phúc Âm cho mọi người, đó là sứ mạng mà các linh mục, tu sĩ, và các anh chị em cộng tác cho mạng lưới VietCatholic đã tự đặt cho mình. Đây là sứ mệnh đầy thách đố nặng nề, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Thách đố to lớn và nặng nề ở đây là không làm lẫn lộn vai trò cứu chuộc của Đức Kitô với vai trò các nhà làm cách mạng chính trị hay xã hội, không lẫn lộn đức tin với chính trị, như chính ĐTC Bênêđíctô XVI đã khẳng định trong chuyến tông du của ngài vừa qua tại Ba Tây. Tuy nhiên, VietCatholic vẫn luôn luôn lên tiếng bảo vệ quyền tự do, nhân phẩm, công lý và các quyền chính đáng của con người, không những tại Việt Nam mà còn cho hết mọi người sống trong các quốc gia trên thế giới. Các bài viết và bài dịch các huấn lệnh của Giáo Hội về công lý và hòa bình, về đức tin và tự do được đăng trên VietCatholic từ trên 10 năm qua đã mặc nhiên chứng tỏ lập trường của VietCatholic là đi đúng đường lối đức tin và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Sau phần thuyết trình là phần trả lời các vấn nạn và thắc mắc của các thính giả hầu có được cuộc đối thọai chân chính và cởi mở giữa thính giả và các thuyết trình viên. Tôi ghi nhận được rằng hầu như tất cả các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề truyền thông, nhưng lại được nối kết với những sự kiện cụ thể khác nhau tùy theo suy tư của từng tham dự viên, như : cách thức bảo vệ hạnh phúc gia đình, lòng trung tín hôn nhân, cách thức để kiểm soát con cái trong việc sử dụng Internet, sự khó khăn của cha mẹ đối với con cái khi chúng sử dụng Internet, hay câu hỏi lan sang lãnh vực chính trị, mà biến cố nổi bật nhất là vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý bị chính quyền cộng sản Việt Nam bỏ tù, vụ các Giám mục Việt nam không lên tiếng, v.v… Theo ghi nhận của tôi, tất cả các câu hỏi và thắc mắc đều đã được Cha Nghị và Cha Lưu trả lời rất trôi chảy, lý thú, với những bằng chứng cụ thể hiển nhiên, và với những lập luận đúng đắn. Quý tham dự viên như tôi cũng ghi nhận là trong các câu trả lời, hai cha không phê bình chỉ trích riêng ai, nhưng quan tâm đặc biệt để hướng dẫn dư luận ngay chính, cách suy nghĩ và phán đoán trưởng thành, để phân biệt phải trái, để không bị những chỉ trích hồ đồ làm chao đảo… Qua việc trả lời với niềm xác tín và chân thành như vậy chứng tỏ hai vị linh mục này nắm rất vững các vấn đề liên quan tới tình hình của Giáo hội và xã hội Việt Nam. Vì thế chẳng những trả lời cách mạch lạc và đầy đủ, nhưng đôi khi Cha Nghị còn thêm tính cách hài hước trong các câu trả lời, khiến các tham dự viên reo vui vỗ tay đồng tình tán thưởng.

Trong các câu hỏi được nêu lên, chỉ có một tham dự viên đặt câu hỏi trực tiếp cha Nghị như sau: « Thưa cha, trong bài thuyết trình cha có nói là mạng VietCatholic của cha chỉ chủ trương rao truyền chân lý Phúc Âm và bảo vệ Giáo Hội. Vậy, tại sao trên mạng VietCatholic còn cho đăng tải những bài viết chống đối Giáo Hội, như những cỏ dại mọc chung lẫn lộn với lúa trong ruộng ?» Khi nghe câu hỏi đó, không chỉ cha Nghị mà tất cả những độc giả thường truy cập mạng VietCatholic có mặt trong phòng họp hôm đó đều không khỏi bỡ ngỡ và tự hỏi tại sao tham dự viên kia lại nêu lên một câu hỏi như thế ? Câu trả lời đương nhiên là tất cả các tài liệu của VietCatholic vẫn còn lưu trữ và có thể kiểm chứng. Cha Nghị đã tỏ ra rất bình tĩnh khi trả lời câu hỏi đó bằng một câu hỏi khác: «Cho tới nay mạng VietCatholic đã dầy trên 500.000 trang, nhưng tôi đều có thể kiểm soát được nội dung từng trang một. Vậy, anh hãy cho tôi biết tên một bài viết hay tên tác giả của bài viết có tính cách chống Giáo Hội đã được đăng trên đó? hay bài đó tên là gì, hay ai viết, viết khi nào? Và nếu thực sự có gì sai trái tôi sẽ sửa, nhưng tôi cần biết cụ thể về điều anh hỏi! » Đương nhiên, câu hỏi cha Nghị nêu lên không có câu trả lời !

Có lẽ một phần vì sự xác tín và nắm vững hoàn toàn vấn đề của cha Nghị như thế và một phần khác cũng vì bầu khí đồng tình của đại đa số tham dự viên với nội dung bài Thuyết trình mà họ đã được nghe, nên các tham dự viên đều vỗ tay tán thưởng và đồng ý với lời trình bầy của Cha Nghị.

Tuy nhiên, qua các cuộc đối thoại ở các hành lang ngoài phòng họp chính mà tôi có dịp nghe được, cũng có một số các qúi vị đã nêu lên vấn đề về thái độ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và đôi khi cũng đã tạo ra vài cuộc tranh cãi hành lang rất sôi nổi, người bênh thì nhiều và cũng có người chống... nhưng cũng nhờ có sự hiện diện của một vài vị Linh mục ở cuộc nói truyện mà tôi có dịp chứng kiến, nên bầu không khí hoàn toàn đầy thông cảm và tốt đẹp.

Vấn đề các tham dự viên này muốn nêu lên là vấn nạn tại sao các Đức Giám Mục Việt Nam lại đành lòng để cho cộng sản Việt Nam bắt Linh mục này bỏ tù Linh mục kia mà không lên tiếng phản đối để bênh vực cho người anh em của mình; chẳng hạn trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý ? Và tại sao các Đức Giám Mục lại cho phép một số Linh mục cộng tác với cộng sản Việt Nam, như các linh mục ra ứng cử quốc hội khóa 12 sắp tới, như các LM Trần Minh Cẩm, tức Thiện Cẩm, Trần Mạnh Cương, Lê Ngọc Hoàn, hoặc nhận các chức vụ khác ở cấp tỉnh, huyện, xã phường, v.v… ?

Theo thiển ý, tôi nhận thấy các tham dự viên này thực ra có ý tốt là muốn bày tỏ chống đối chế độ cộng sản Việt Nam độc tài, đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào trong nước, chứ không có ý chống đối và phá hoại Giáo Hội Việt Nam hay Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Nhưng sự phản đối của họ đối với chính quyền cộng sản VN có lẽ đã không có tiếng dội, đã không mang lại kết quả, nên họ cho rằng : những ai - dù là các Đức Giám Mục hay Linh mục – nếu không chống cộng sản theo cách thức của họ thì họ sẽ cho là bị « thuần hóa », là nhu nhược, là bị mua chuộc, v.v… Nhưng khi họ phản đối các Đức Giám Mục Việt Nam như thế, thì theo thiển ý, tôi thấy rằng cách phản đối đó là :

• Thứ nhất, lý luận phản đối của họ hơi một chiều vì không được thông tin chính xác và đầy đủ, họ cũng chưa hiểu rõ được hoàn cảnh và điều kiện thực tế của các Đức GM Việt Nam, cũng như chưa theo dõi sát các hoạt động đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào của các Đức Giám Mục Việt Nam.

• Điều nhận xét thứ hai của tôi là qua cách thức phản đối của họ, dù vì thiện ý, lại mang đến những hậu quả trái ngược với chủ trương của họ, tức họ đã vô tình bị rơi vào mưu kế của kẻ thù của họ là cộng sản Việt Nam, đó là chia rẽ Giáo Hội, chia rẽ giữa đàn chiên với chủ chăn, tách giáo dân ra khỏi Hàng Giáo Phẩm. Và như thế chế độ cộng sản sẽ dễ dàng thắng trận mà không phải tốn một viên đạn nào, không phải hao tổn sức lực.

Nói tóm lại, với tính cách một tham dự viên Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức vừa qua, tôi rất vui mừng phấn khởi và vô cùng biết ơn về sự thành công tốt đẹp của Đại Hội trong mọi mặt. Sự thành công đó dĩ nhiên không phải là một ơn Chúa Thánh Thần ban cho một cách nhưng không, nhưng là với sự cộng tác đắc lực của giữa các Linh mục Tuyên Úy và Ban Chấp Hành Liên Đoàn, Ban Tư Vấn và các Đại Biểu của các vùng. Và sau cùng, hai buổi thuyết trình quan trọng của Linh mục Gioan Trần Công Nghị cùng với sự phối hợp của Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu, là một đóng góp không nhỏ vào sự thành công đó. Nhất là, các bài thuyết trình đã trao tận tay các tham dự viên khi ra về có được một món quà bỏ túi quý giá, đó là những hướng dẫn cụ thể và thiết thực trong việc tránh cho con cái trước những cạm bẩy nguy hiểm trên mạng Internet.

Qua Đại Hội Công Giáo VN vừa qua với bao tư duy và ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đã đưa đến thành công quá tốt đẹp, tôi đã có thêm được một cảm nhận mới là trong khu vườn Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội CG Việt Nam nói riêng, mọi thứ hoa đều được phép mọc lên, đều có chỗ đứng của mình, miễn sao các bụi hoa đó phải để cho những bàn tay khéo léo của các người thợ có trách nhiệm với vườn hoa bứng trồng và sắp xếp, chứ không tự mọc lung tung vô trật tự, thì tất cả sẽ tạo nên được một vườn đầy màu sắc rực rỡ hấp dẫn.

Thanh Sơn