WASHINGTON, DC (NV) - Một ngày sau khi Tòa Bạch Ốc loan tin về một thỏa thuận lớn để cải tổ luật di trú, một trong những nghị sĩ tham gia trong cuộc thương lượng này cho biết việc hạn chế đơn bảo lãnh đoàn tụ gia đình là một “nhượng bộ cần thiết” để các phe có thể đồng ý được với nhau.
Trong một cuộc họp báo qua điện thoại ngày 17 Tháng Năm, với sự tham gia của báo Người Việt và nhiều cơ quan truyền thông sắc tộc thiểu số khác, Nghị Sĩ Diane Feinstein, đảng Dân Chủ đại diện California, cho biết:
“Phía Tòa Bạch Ốc và các thành phần bảo thủ chỉ trích rất nặng nề cái họ gọi là ‘di dân dây chuyền.’ Vì vậy, để đạt được thỏa thuận, phải đồng ý để bỏ nhiều hạng đoàn tụ gia đình.”
Nghị Sĩ Diane Feinstein là một thành viên Ủy Ban Tư Pháp của Thượng Viện Hoa Kỳ, đồng thời là một thành viên Tiểu Ban Di Trú của Thượng Viện Hoa Kỳ. Cả hai ban này sẽ có thẩm quyền xem xét cuộc cải tổ luật di trú.
Trong một tài liệu do Trung Tâm Công Lý người Mỹ gốc Á (Asian American Justice Center - AAJC) tại Washington DC gửi đến báo Người Việt, bản thỏa thuận giữa Tòa Bạch Ốc và các nghị sĩ cao cấp sẽ giới hạn các diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình.
Theo tài liệu này, hầu hết các diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình sẽ bị hủy bỏ, chỉ còn chừa lại diện bảo lãnh vợ chồng và diện bảo lãnh con cái vị thành niên. Diện công dân Mỹ bảo lãnh cha mẹ sẽ chịu chỉ tiêu tối đa 40,000 hồ sơ mỗi năm. Diện thẻ xanh bảo lãnh vợ chồng và con vị thành niên sẽ chịu chỉ tiêu tối đa 87,000 hồ sơ mỗi năm.
Tài liệu này cũng cho biết, các cơ quan công quyền sẽ kiểm tra gắt gao hơn và hình sự hóa nhiều hơn các trường hợp vi phạm luật di trú. Việc phạt tù và phạt tiền khi làm hôn thú giả cũng sẽ gắt gao hơn.
Trong cuộc họp báo, Nghị Sĩ Feinstein nói, “Nếu chúng ta muốn cải tổ luật di trú, năm nay là năm duy nhất để đạt được mục tiêu đó. Năm tới là năm bầu cử tổng thống, sẽ không ai muốn nhắc tới luật di trú. Sau đó, chúng ta không biết vị tổng thống mới sẽ là ai và người tổng thống đó có muốn cải tổ luật di trú hay không. Trong khi đó, Tổng Thống Bush đã nhiều lần nói là ông muốn cải tổ luật di trú.”
Mặc dù phía Dân Chủ đang nắm đa số tại Thượng Viện (100 phiếu tất cả), Nghị Sĩ Feinstein cho biết không thể không thỏa hiệp với phía Cộng Hòa, “Một sự thật không tránh né được, là trong Thượng Viện, để ngưng tranh cãi và biểu quyết, chúng ta cần có 60 phiếu. Ðiều đó có nghĩa dự luật cải tổ di trú cần là một luật được lưỡng đảng ủng hộ.”
Nghị Sĩ Feinstein cũng nhắc đến một số sự thật trong thực tế: “Tiểu bang California, tiểu bang tôi đại diện, là tiểu bang nông nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. Nền nông nghiệp cần 450,000 người làm công, mà chúng ta biết là tất cả đều là di dân lậu.”
Bà nói thêm, “Một sự thật nữa là chúng ta hiện có trong đất nước Hoa Kỳ từ 10 đến 12 triệu người di dân không có giấy tờ. Nếu họ tiếp tục ở lậu, sống lậu, nằm dưới tầm kiểm soát, thì là một mối nguy về an ninh rất lớn. Dù muốn dù không, chúng ta phải chấp nhận thực tế này và tìm cách đưa họ ra ánh sáng với cuộc sống bình thường.”
Trả lời một phóng viên từ Florida, Nghị Sĩ Feinstein cho biết, “Sẽ không có chuyện di dân lấy mất việc làm của công dân Mỹ. Thí dụ như trong ngành nông nghiệp, ở California hoặc ở Florida. Khi có những vụ khám xét giấy tờ, người di dân không có giấy tờ lo sợ nên không đến chỗ làm, thì không thấy có người công dân Mỹ đứng ra thay thế.”
Nghị Sĩ Feinstein gọi thỏa thuận giữa các phe cấp tiến và bảo thủ trong Thượng Viện, cũng như với Tòa Bạch Ốc, là “một cuộc trao đổi đau đớn” (nguyên văn: “painful exchange”). Nhưng bà nói là “không có cách nào khác.”
“Phía đảng Cộng Hòa muốn ngăn chặn cái mà họ gọi là 'di trú dây chuyền' (chain immigration) và chúng ta không thể đạt thỏa thuận nếu không đồng ý điều này.”
Tài liệu do AAJC cung cấp cho biết tất cả các hồ sơ đoàn tụ gia đình thuộc diện bị hủy sẽ được tiếp tục giải quyết nếu nộp trước ngày 1 Tháng Năm 2005 (năm trước năm ngoái). Hồ sơ nộp sau ngày đó sẽ bị bác bỏ. Theo ước tính của Tòa Bạch Ốc, tất cả hồ sơ còn lại sẽ có thể giải quyết được trong vòng 8 năm.
Trong buổi họp báo ngắn ngủi kéo dài chưa tới 30 phút, Nghị Sĩ Feinstein không xác nhận hạn chót có phải là ngày 1 Tháng Năm 2005 hay không, nhưng bà có xác nhận là hồ sơ tồn đọng có thể giải quyết trong vòng 8 năm. Theo bà cho biết, số hồ sơ có thể bị bác bỏ là khoảng 150,000 hồ sơ.
Trong tương lai, chính sách di trú sẽ thay vì dựa trên quan hệ gia đình, mà sẽ dựa trên nhu cầu kinh tế của nước Mỹ để cho nhập cư những người có trình độ. Nói với báo Người Việt, Luật Sư Tammy Peng thuộc Trung Tâm Pháp Lý cho người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương (APALC) so sánh: “Hệ thống điểm của chính sách di trú mới sẽ giống như chính sách hiện nay của Canada: Không khuyến khích bảo lãnh đoàn tụ gia đình, mà cho điểm cho những người có tay nghề, có bằng cấp đại học, rành tiếng Anh, v.v..”
Luật Sư George C. Wu thuộc AAJC nói thêm với Người Việt, “Ðiều không hay trong chính sách dùng hệ thống điểm, là người dân các nước nào ít dùng tiếng Anh, hoặc người dân những nước mà các trường đại học của họ không được công nhận, sẽ khó di trú vào Hoa Kỳ.”
Nghị Sĩ Feinstein trong cuộc họp báo cũng xác nhận điều này. Bà nói, “Trong tương lai, việc di dân lấy thẻ xanh sẽ tùy thuộc vào một hệ thống điểm, trong đó các yếu tố như bằng cấp, khả năng, sẽ được coi trọng hơn là quan hệ họ hàng, quan hệ gia đình với người công dân Mỹ.”
Tuy nhiên, những điều đạt được trong thỏa thuận giữa Tòa Bạch Ốc và các nghị sĩ vẫn chưa chắc trở thành luật.
“Chắc chắn sẽ còn tu chính. Ðó là bản chất của quá trình thông qua luật,” Nghị Sĩ Feinstein cho biết. “Sẽ có tu chính ngay trong bản văn của Thượng Viện. Rồi Hạ Viện có thể thông qua dự luật khác. Hai bên phải thương lượng với nhau trước khi thông qua bản cuối cùng để tổng thống ký ban hành.”
Bà nói thêm, “Ðây là một sự thỏa hiệp. Mà đã là thỏa hiệp thì chắc chắn có những điều trong đó mỗi người chúng ta không thích, không đồng ý, kể cả cá nhân tôi.” (H.N.V.
(Người Việt)