Địa phận Hải Phòng

Theo thường lệ, hằng năm các Chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội được một ngày hành hương tham quan sau lễ Phục Sinh. Năm nay, các Bề trên nhà trường cho phép anh em về thăm Giáo phận Hải Phòng, một miền đất có khá nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước.

Được biết Giáo phận Hải Phòng bao gồm toàn bộ thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh và một phần nhỏ của tỉnh Hưng Yên. Diện tích 9,241 Km2 với 117. 092 tín hữu, chiếm 3% dân số.

Điểm dừng chân đầu tiên trong cuộc hành trình là khu di tích Côn Sơn. Nói đến Côn Sơn ai trong chúng ta cũng ngậm ngùi nhớ đến vị anh hùng dân tộc NguyễnTrãi, một con người có tài binh thao chiến lược, đã về đây ở ẩn trong những ngày cuối đời.

Địa danh Côn Sơn ở xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70 km. Đây là khu thắng cảnh với nhiều di tích nổi tiếng trong một cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp như Nguyễn Trãi từng đặc tả:

Côn Sơn có suối rì rầm

Ta nghe tiếng suối như cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

Rời Côn Sơn đoàn chúng tôi đến thăm giáo xứ Mạo Khê thuộc tỉnh Quảng Ninh. Xứ hiện nay có 3.800 nhân danh chủ yếu là bà con gốc Bùi Chu đi làm ăn phu mỏ từ thời xa xưa rồi cư ngụ tại đây.

Sau bữa cơm trưa, đoàn rời Mạo Khê tiếp tục hành trình lên Yên Tử, một danh lam thắng cảnh gắn liền với dấu tích của tông phái Thiền Viện Trúc Lâm.

Núi Yên Tử (An Tử sơn, cao 1.068 m) xưa có tên là núi Voi bởi dáng núi giống con voi quay đầu về phía biển. Sử sách còn gọi là Bạch Vân Sơn vì quanh năm mây trắng bao phủ quanh đỉnh núi. Đây là ngọn núi thiêng trong tâm thức người Việt Nam và là đất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân tộc, thể hiện rõ rệt nhất tư tưởng, tâm hồn người Việt.

Hệ thống chùa am Yên Tử được bài trí theo hai hệ trục chiều dọc hướng từ nam lên bắc. Qua suối Giải Oan bằng một cây cầu đá xanh dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi là tới chùa Giải Oan. Sau đó là chùa Hoa Yên (khói hương) nằm ở độ cao 543m nhô ra từ triền núi tựa trán rồng, với hàng tùng cổ hơn 700 năm tuổi. Trong chùa có tấm bia trang trí hoạ tiết rồng uốn khúc trong khuôn lá đề và bức phù điêu diễn tả ba ni cô niệm Phật, tượng Trần Nhân Tông khoác áo cà sa hở nửa ngực, ngồi thiền trong thế “liên hoa toạ”. Tựa lưng vào vách núi đá cao dựng đứng, ngôi chùa Bảo Sái sớm chiều vọng tiếng kinh tiếng mõ. Trầm thơm lan tỏa quyện với hương phong lan và sen cạn thoảng bay trong tiết xuân thanh khiết. Bảo Sái là pháp hiệu của vị cao tăng, đệ tử gần gũi của đệ nhất tổ Trúc Lâm. Gần chùa Bảo Sái có một giếng đá thiêng, sâu không đầy một thước mà quanh năm đầy nước mát trong veo như bầu Cam Lộ của non thiêng ban phát cho người thành tâm hành hội. Trên cùng là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3m, rộng 12m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử. Chùa cấu trúc hình chữ đinh theo dáng một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Gian giữa là cửa võng đúc hoa sen, hai bên chạm khắc hình nho sóc.

Đứng bên cạnh chùa Đồng ở độ cao 1068m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng như còn vọng tiếng thu thanh của những trận chiến chống quân phương Bắc. Vào ngày mù sương du khách như đứng trên bồng đảo nhỏ, nổi bồng bềnh giữa đại dương mênh mông. Gió lùa vào kẽ đá phát ra muôn tiếng nhạc trầm bổng. Giữa khung cảnh đất trời kỳ vĩ, lòng người xốn xang, tâm hồn nhẹ nhõm thanh thoát, bao nỗi ưu phiền trần tục tan biến rất đúng với câu thơ đầy phong vị cảm khái của Không Lộ Thiền sư:

“Núi cao có lúc trèo lên đỉnh

Kêu dài một tiếng lạnh cả trời”.

Rời Yên Tử đã là 5h30 chiều, đoàn hành hương tiếp tục trở về với miền đất một thủa thấm máu các anh hùng Tử Đạo - xứ Hải Dương. Tới nơi đã là hơn 7h tối, nhưng bà con giáo dân vẫn kiên trì đón chờ trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ. Dù đã thấm mệt với một buổi chiều leo núi, thế nhưng giờ đây anh em như thấy có thêm một sức mạnh thiêng liêng tiếp nối. Hiện nay xứ Hải Dương có khoảng 2500 nhân danh. Là một giáo xứ thấm nhuần máu các thánh Tử Đạo, giáo xứ Hải Dương luôn mang trong mình một đức tin trung kiên cùng với giáo phận Hải Phòng mở mang đạo thánh Chúa. Tuy nhiên là một giáo xứ trong thành phố, giáo xứ Hải Dương cũng ý thức những thách đố mới do các trào lưu kinh tế, văn hoá du nhập.Toàn thể giáo dân đang cùng nhau cộng tác xây dựng giáo xứ, cùng nhau xây dựng và phát triển đời sống đức tin, củng cổ giáo lý để có thể giữ gìn đức tin trong hoàn cảnh mới này.

Dầu muốn ở lại thêm nơi đây với mảnh đất thiêng này nhưng dẫu sao cũng phải trở lại Chủng viện. Chia tay cha xứ và bà con giáo dân, đoàn hành hương chúng tôi không thể quên được những ánh mắt lưu luyến, những cánh tay vẫy chào và lời hẹn hò ngày mai gặp lại.

Trở lại trường đã gần 10h đêm, trở về với bầu khí lắng đọng và yên ả của mái trường thân yêu. Một ngày hành hương với nhiều bài học quý sẽ là những món quà vô giá trong hành trình ơn gọi của mỗi anh em Chủng sinh.