SỐNG TUẦN LỄ MANG LẠI ƠN CỨU ÐỘ

Chúa Nhật Thương Khó, Năm C

Is 50:4-7; Pl 2:6-11; Lc 22:14 - 23:56


Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay người tín hữu bước vào Tuần thánh. Tuần thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá hay còn gọi là Chúa nhật Thương Khó đến Chúa nhật Phục sinh, là tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Ðó là tuần lễ ghi lại nhiều biến cố nhất trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Cứu Thế ở trần gian. Trong Tuần thánh, Giáo hội cử hành những màu nhiệm cứu độ mà Chúa Kitô đã hoàn tất vào những ngày cuối đời Người tại thế, từ lúc vào thành Giêrusalem trong ngày Lễ Lá, đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Nghe bài Thương khó của Chúa vào Chúa Nhật Lễ Lá (Lc 22:14- 23:56) khiến ta phải suy niệm về cuộc khổ hình của Chúa. Ði ngắm hay nghe ngắm Mười lăm Sự Thương khó Chúa, hoặc ngắm Dấu đanh, không phải để nghe xem ai ngắm giọng Bắc, ai giọng Trung, ai giọng Nam; ai ngâm cung triều, ai ngâm cung dòng, ai ngắm hay hơn ai, nhưng là để suy niệm về việc Chúa chịu nạn chịu chết vì tội lỗi loài người. Việc suy niệm về cuộc khải hoàn của Chúa vào thành Giêrusalem, về cuộc khổ nạn trong vườn câu dầu, về cuộc khổ hình thập giá chỉ mang lại ý nghĩa, nếu ta biết đem ra áp dụng vào đời sống.

Phúc âm Thứ Hai Tuần thánh kể lại câu chuyện Chúa đến dùng bữa tại nhà ba chị em Mác-ta, Maria và Lazarô. Giuđa phản đối việc bà Maria làm khi bà đem một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng mà xức chân Chúa, rồi lấy tóc mà lau (Ga 12:3). Giuđa nại cớ để dành tiền cho người nghèo, nhưng thực sự Giuđa không quan tâm gì đến người nghèo (Ga 12:4-5). Việc bà Maria làm thì Chúa bảo cứ để bà làm, có ý ám chỉ về ngày táng xác Chúa. Hôm nay là thời giờ giúp ta suy niệm kinh nghiệm sống đức tin của mỗi người, để tìm ra những yếu điểm của ta và để xem ta có sống trung thực với lòng mình không?

Phúc âm Thứ Ba Tuần thánh tiên đoán tội bán Thầy của Giuđa và tội chối Thầy của Phêrô. Nếu trung thực với lòng mình, ta phải nhận có lúc ta giống Giuđa, có lúc giống Phêrô. Giống Giuđa khi ta khước từ ơn Chúa, rồi đóng thêm đinh vào mình Chúa bằng cách sa phạm tội. Giống Phêrô khi không dám bầy tỏ đức tin, hay không dám tỏ ra mình là người công giáo chẳng hạn.

Phúc âm Thứ Tư Tuần thánh nêu đích danh Giuđa, kẻ phản bội và cảnh giác về hậu quả trầm luân của kẻ nộp Chúa: Khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ ấy đừng sinh ra thì hơn (Mt 26:24). Tuy nhiên Giuđa vẫn một mực theo đuổi ý định đen tối. Tội của Giuđa và tội của Phêrô không khác nhau bao nhiêu. Tuy nhiên lòng thống hối của Phêrô - ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26:75) - tạo ra một trời khác biệt. Nước mắt thống hối của ông đã xoá bỏ được tội chối Thầy của ông và đưa ông trở về sống trong ơn nghĩa.

Thứ Năm Tuần thánh kỷ niệm việc Chúa rửa chân cho các tông đồ để dạy họ và cũng dạy ta bài học khiêm tốn. Chúa còn bảo các tông đồ rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Hôm nay Chúa thiết lập Bí tích Thánh thể để ở lại với loài người cho đến tận thế. Ðể tiếp tục Bí tích Thánh thể, Chúa còn lập Chức linh mục. Như vậy Thánh thể và chức linh mục đi liền với nhau vì không thể có Bí tích Thánh thể nếu không có linh mục.

Thứ Sáu Tuần thánh kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa trên thập giá để làm giá cứu chuộc nhân loại. Hôm nay là ngày ăn chay kiêng thịt. Ăn chay kiêng thịt không phải như người Pharisêu. Kiêng thịt không phải hễ không ăn thịt là đủ. Kiêng thịt mà lại ăn tôm hùm chẳng hạn thì sao có thể nói được là hãm mình. Ăn chay kiêng thịt không phải vì luật buộc phải làm một cách bất đắc dĩ. Hãm mình ăn chay kiêng thịt vì yêu mến thì việc ăn chay kiêng thịt mới khỏi trở thành nặng nề, mới có ý nghĩa và mới mang lại ơn phúc. Và đó là tình yêu biến đổi. Chúa đã chết cho tội lỗi loài người. Còn ta có cùng với Chúa chết đi cho tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu để được sống lại trong ơn thánh không?

Vẻ trầm lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh giúp ta tiếp tục suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa và mong được sống lại về phần linh hồn cùng với Chúa sống lại vào CHÚA NHẬT PHỤC SINH.

Lời cầu nguyện xin cho được sống trong ơn nghĩa Tuần Thánh:

Lạy Chúa Giêsu!
Vì tội lỗi loài người gồm cả tội con
mà Chúa phải chịu khổ hình thập giá.
Xin khơi dậy trong con tâm tình thống hối
về tội lỗi con đã phạm.
Xin dạy con biết kết hợp những đau khổ của con
với những đau khổ của Chúa
để được tham phần vào cuộc Phục sinh với Chúa. Amen.