THÁNH THIỆN THEO CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II

Chưa bao giờ Hội Thánh lại có nhiều vị được tôn phong lên bàn thờ như thời đại chúng ta, nhất là thời Đúc Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II còn tại vị.

Sở dĩ như thế, vì từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II đến nay, đã có những lời khuyên dạy mới về sự thánh thiện. Thật vậy, hiến chế Lumen gentium về Hội thánh đã dành trọn chương V cho vấn đề này. Từ nay, sự thánh thiện là dành cho mọi người trong Dân Thiên Chúa, chứ không như trước kia xem ra chỉ dành riêng cho giới linh mục tu sĩ. Khi thu thập các tài liệu và văn kiện nói về việc nên thánh theo Công Đồng, nhất là trong hiến chế nói trên, người ta không khỏi ngạc nhiên về tính hiện tại của vấn đề. Điều đáng lưu tâm là trong những năm gần đây, sụ lan rộng của Công Giáo Tiến Hành, việc canh tân nền tu đức trong bậc vợ chồng, các cố gắng trong công cuộc Đai Kết, mối bận tâm đối thoại với thế giới bên ngoài đã làm cho Hội Thánh giảng dạy về việc nên thánh một cách mới mẻ. Về điểm này, linh mục Hồng Giáo viết: “Nhiều người quen nghĩ rằng làm thánh là việc dành tiêng cho các nhà tu hành, còn giáo dân thì làm sao có thể mơ tới lý tưởng cao cả ấy được ? Quả thật, có một thời người ta đã lấy các vị đan sĩ, tu sĩ làm mẫu mực cho lý tưởng Ki-tô giáo, và ai ai trong Hội Thánh từ các giáo sĩ đến giáo dân cũng phải gắng sức xích lại gần mẫu mực ấy được chừng nào hay chừng ấy.

Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nhắc lại rằng tất cả mọi thành phần Giáo Hội đều được mời gọi nên thánh, nhưng mỗi người tùy theo đấng bậc, tùy theo khả năng và hoàn cảnh riêng, khiến cho Giáo Hội được trau dồi bằng những vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc. Mẫu mực thánh thiện chỉ có một, nhưng cách “họa lại” mẫu mực ấy thì thiên hình vạn trạng.”

Cách thức Công Đồng đã dùng để đưa ra những lời chỉ dạy về sự thánh thiện đòi người ta phải đón nhận những lối nhìn rộng rãi hơn. Đó là những điều được tìm thấy trong sách thánh về sự thánh thiện. Như vậy, phải theo sát những sắc lệnh, hiến chế về Hội Thánh, đặc biệt Anh sáng muôn dân mới mong thấy được vấn đề.

Thật vậy, sau khi đã định nghĩa bản tính của Hội Thánh lữ hành, lược đồ đầu tiên về hiến chế Hội thánh chỉ chú trọng đến những vấn đề mang tính thời sự, như cần phải thuộc về Hội thánh mới được cứu rỗi, xác định quyền chức giám mục, định nghĩa các bậc hoàn thiện, thiết lập định chế cho bặc giáo dân, lưu tâm đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và vấn đề Đai Kết, rồi sau đó mới đi tới một tổng hợp hoàn chỉnh để trở thành hiến chế Anh sáng muôn dân.

Giáo huấn của Công đồng về việc nên thánh cũng chịu chung môt luật biến chuyển đó. Trong bản sơ thảo, các Nghị Phụ chỉ bàn đến sự thánh thiện một cách chung chung, khi đề cập đến chương dành cho các bậc đời chuyên lo đạt tới sự hoàn thiện của đức mến yêu, tức là bậc tu trì.

Tuy nhiên, sự hoàn thiện không chỉ dành riêng cho bậc tu trì, mà mọi người, ai nấy tùy theo ơn gọi và bậc đời đều được mời gọi nên thánh. Dựa theo hiến chế Anh sáng muôn dân, sự thánh thiện được coi như một ơn gọi, một sự xếp đặt, một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho con người và chờ đợi con người đáp lại ơn gọi đó. Sau đây, xin bàn giải những điểm hệ trọng trong giáo huấn của Công Đồng về sự thánh thiện, để hiểu thêm về mối bận tâm của Hội thánh trong vấn đề này.

1. Thánh là được tham dư vào đời sống thần linh của Thiên Chúa

Đọc những lời sau đây trong thư Ê-phê-xô : “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Nguời ban tặng cho ta trong Thánh Tử yếu dấu,” (Ep 1, 3-6) chúng ta thấy viêc Thiên Chúa chọn và cho chúng ta được hưởng đời sống thần linh của Người là một ơn hoàn toàn nhưng không. Người đã tự ý lấy lương khoan hồng mà nâng chúng ta lên hàng nghĩa tử (LG, 2). Chúng ta không thể giải thích được ơn trọng đại này cách nào khác ngoài dựa vào tình thương vô biên và sự săn sóc ân cần của Người. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa kêu mời và tiền định cho chúng ta là chính sự sống trường sinh của Người. Sự sống này không đến từ loài người mà đến từ Thiên Chúa, để mọi tín hữu đón nhận sự sống đó “có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Giê-su, hợp nhất với Chúa Thánh Thần.” (LG 4) Thiên Chúa cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự thánh thiện của Người bằng cách ban cho chúng ta ơn Thánh Thần của Con Một Người. Chúng ta sẽ được hiểu biết Chúa Cha theo tình con thảo như Chúa Giê-su, và được biết Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, nếu chúng ta lắng nghe Người khi cất tiếng kêu :”Abba, Cha ơi”! (Rm 8,15; Gl 4,6). Sự thánh thiện hay sự sống trường sinh này trước hết là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô theo ý định ngàn đời : “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep,10) Vì thế, Chúa Giê-su là tác giả, là Đấng hoàn thành sự thánh thiện trong Hội Thánh (LG 40). Chính Người đã lấy máu thánh mà chuộc tội cho chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta. Tất cả các ơn lành và sức sống của Dân Thiên Chúa đều từ Người mà phát ra như tù nguồn suối hay mạch nước khởi đầu (LG 50).

Nhưng sự thánh thiện hay đời sống thần linh do Chúa Ki-tô ban cho chúng ta, khi chúng ta chịu phép Rửa mới chỉ là bước đầu thôi. Chỉ khi nào chúng ta nên giống hoàn toàn hình ảnh Con Một Thiên Chúa, lúc đó sự thánh thiện mới hoàn thành. Chính do việc Chúa Giê-su Ki-tô là tác giả và là nguồn mạch sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa mà sự thánh thiện mang tính Hội Thánh, nghĩa là Hội Thánh là dân được Chúa Ki-tô qui tụ và thiết lập, trong đó mọi người thông cảm, chung sống với nhau trong tình yêu thương chân thật (LG 9).

Vì thế, Thiên Chúa đã muốn thánh hóa và cứu chuộc mọi người một cách tập thể. Tuy nhiên, Người cũng muốn tạo thành một dân nhận biết Người một cách chân tình, và phụng thờ người một cách thánh thiện : “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (I Pr 2, 9)

2. Thánh là đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa

Mọi người ai cũng được mời tham dự vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Nhưng có đáp lại lời kêu mời ấy mà tham dự thì mới nên thánh được. Thiên Chúa có sáng kiến kêu mời và ban ơn cho con người khả năng đáp ứng, nhưng Người lại rất trọng tự do của ai nấy, không cưỡng ép mà chỉ soi sáng, hướng dẫn, lôi kéo; còn theo hay không, hưởng ứng hay hững hờ là tùy mỗi người. Vì vậy, Công Đồng đưa ra ba chỉ thị để giúp mỗi người đắn đo suy nghĩ.

2,1 Mọi người đều được kêu mời nên thánh

Mọi người ai cũng được kêu gọi sống trọn vẹn đời sống của một tín hữu theo Đức Ki-tô, như lời viết trong hiến chế : “Mọi tín hữu bất kỳ thuộc loại nào cũng được kêu mời sống đầy đủ đời sống Ki-tô giáo và theo đuổi sự hoàn thiện của đức ái (LG 40)… Dù cảnh đời và nhiệm vụ khác nhau, nhưng những người được Chúa Thánh Thần lôi kéo, thúc đẩy đều theo đuổi một sự thánh thiện duy nhất, theo Chúa Ki-tô vác thập giá mình để được dự phần vào vinh quang của Người. Trên đường thánh thiện duy nhất này, mỗi người phải tiến bước tùy theo ơn nhận được và nhiệm vụ riêng phải thi hành.” (LG 41)

Khi chịu phép Rửa, ai nấy đều được kêu gọi để nên thánh (LG 2, 39, 40). Nếu trong Hội Thánh, mọi người không cùng theo một con đường thì ai nấy đều được kêu mời nên thánh và phải gắng đạt tới (LG 42). Điều này quan trọng, vì từ trước đến nay, giáo dân vẫn cho việc nên thánh không dành cho ho, như Đức Hồng Y Cerejeira (Xê-rê-hây-ra) đã nhận xét : “Đoạn nói về việc mọi người phải nên thánh là rất quan trọng và cần thiết, vì nhiều người vẫn tưởng việc ấy không dành cho họ.”

Vì thế, cần phải giải thích cho người ta hiểu việc nên thánh không phải là độc quyền của giới tu sĩ, đồng thời khuyến khích giáo dân lo việc nên thánh. Ngoài ra cũng cần lưu ý khi dùng những từ như bậc hoàn thiện, vì những từ này có thể gây mơ hồ lẫn lộn, cũng như khi nói về sự đồng trinh và bậc độc thân dâng mình cho Chúa. Người giữ mình đồng trinh, sống độc thân được coi là hoàn toàn hiến thân cho Chúa, lòng không bị chia sẻ. Còn những người sống bậc đời khác mà muốn thuộc về Chúa thì lòng bị chia sẻ hay sao ?

2,2 Mọi người đều được kêu gọi để thực hiện sự thánh thiện chung

Mọi người đều được kêu gọi để nên thánh. Đây là sự thánh thiện chung cho mọi người. Thánh thiện là kết hợp hoàn toàn với Chúa Giê-su Ki-tô. Việc kết hợp này diễn ra bằng cách thực hành ba nhân đức tin, cậy, mến nghĩa là tin có Chúa, trông cậy ơn Người và hết lòng yêu mến Người như con thảo đối với cha mẹ. Nhờ đức tin, người tín hữu đón nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ đức ái, người ấy tham dự vào đời sống thần linh của Người. Đức ái điều khiển mọi phương thế để nên thánh (LG 42) Đối với mọi người, con đường duy nhất là theo Chúa Giê-su vác thập giá để thông phần vinh quang với Người (LG 41) Điều này thật là cổ truyền và cổ điển, nhưng đã được trình bày trong hiến chế một cách mới mẻ làm cho người ta thấy rằng sự thánh thiện với sự tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giê-su cũng là một.

Ngoài ra, Công đồng còn nhấn mạnh thêm mấy điểm nữa như :

2,2,1 Sự quan trọng của việc suy gẫm lời Chúa. Chương VI trong hiến chế Dei Verbum (Lời Chúa), sắc lệnh Perfectae caritatis (Đức ái hoàn hảo), Presbyterorum ordinis (Đời sống và chức vụ linh mục), Optatam totius Ecclesiae renovationem (Huấn luyện các linh mục) Apostolicam actuositatem (Tông đồ giáo dân) đều nhấn mạnh đến việc học hỏi và nghiền ngẫm Lời Chúa.

2,2,2 Liên kết sự thánh thiện với hoạt động tông đồ và việc tông đồ với sự thánh thiện, đồng thời nói rõ hoạt động đồ là nhằm để nên thánh. Điều này liên hệ trưc tiếp đến các linh mục làm việc trong các họ đạo và cũng làm cho người ta liên tưởng đến các giáo dân làm việc tông đồ nữa. Trong hoạt động tông đồ, phải dành thời giờ và một vị trí xứng đáng cho việc suy gẫm lời Chúa.

2,2,3 Các thánh Tử Đạo là gương mẫu về sự thánh thiện. Công Đồng dạy : “Quả vậy, nhờ đổ máu mình ra, tín hữu nên giống Thầy mình và được đồng hóa với Người, Đấng đã tự ý chịu chết để cứu chuộc nhân loâi. Vì thế, Hội Thánh rất coi trọng việc tử đạo, xem đó là sự hiến thân cao cả và bằng chứng tuyệt đối về lòng yêu mến Chúa. Nếu chỉ một số ít được phúc chịu tử vì đạo, thì mọi người lại càng phải mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Ki-tô trước mặt thế gian, và theo Người trên con đường thập giá, qua mọi gian lao thử thách mà Hội thánh thường phải chịu.” (LG 42)

3. Nên thánh là ơn gọi chung nhưng có nhiều cách thực hiện.

Mọi người được kêu mời nên thánh. Phải nên thánh trong cảnh đời và khu vực sinh sống của mình. Riêng đối với giáo dân, Công Đồng nhắn nhủ là không nên tách dời sự kết hợp với Chúa Giê-su ra khỏi đời sống và nhiệm vu ràng buộc mình với đời sống hằng ngày, mà ngược lại phải lớn lên trong sự kết hợp ấy, bằng cách làm nên việc bổn phận của mình theo thánh ý Chúa. Như thế, giáo dân sẽ hăng hái, vui vẻ tiến lên trên đường thánh thiện, cố gắng vượt qua những khó khăn không thể tránh một cách can đảm và kiên trì. Lòng đạo đức của giáo dân phải kết hợp cả mối bận tâm lo lắng cho gia đình và những vấn đề trần thế nữa như hiến chế viết : “Do được ơn gọi riêng, giáo dân có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc quản trị công việc trần gian và hướng dẫn những công việc ấy theo ý Thiên Chúa.” (LG 31)… “Đức tin phải thâm nhập tất cả cuộc đời họ, kể cả đời sống thế tục.” (LG 21,5) Chẳng những không được che dấu trong lòng, niềm hy vọng vinh quang sắp tới, mà còn phải bày tỏ ra trong mọi cơ cấu của sinh hoạt trần thế, tinh thần Tin Mừng và làm cho thế giới tăng thêm tình huynh đệ.

Hiến chế Anh sáng muôn dân dạy rằng có nhiều cách thực hành các lời khuyên trong Tin Mừng và những lời khuyên đó không phải chỉ dành cho tu sĩ. Mỗi hạng người được chỉ định cho những cách thế riêng để nên thánh. Vợ chồng, người góa, người độc thân, người lao động, người đau ốm, tất cả đều có thể nên thánh theo hoàn cảnh và bậc sống của riêng mình.

Tuy nhiên, bậc tu trì có bổn phận phải tổ chức chu đáo một lối sống thích hợp, để thực hiện lời khuyên sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục cách hữu hiệu. Điều ấy là tốt không nguyên cho bậc tu trì mà còn cho cả giáo dân nữa. Khi sống ba lời khuyên nói trên, tu sĩ tỏ cho người ta thấy ngay từ cõi đời này, những của đời sau, đồng thời minh chứng cho họ rằng chỗ ở vĩnh viễn của mình không phải ở đời này mà ở đời sau, trong cảnh rực rỡ vinh quang, hạnh phúc không cùng do Chúa Cứu Thế mang lại, nhờ cái chết và sự sống lại của Người. Như vậy, tu sĩ đảm nhận vai trò tiên báo cảnh đời đó trong trần gian này. Ơn gọi theo Chúa Ki-tô một cách mật thiết hơn bằng cách thực hành ba lời khuyên, không phải là con đường chung cho mọi người, nhưng ai cũng có thể được nhờ, bởi những người hiến thân cho con đường đó. Hội Thánh là một cộng đồng hiệp thông. Kết quả của việc hiệp thông và canh tân không ngừng trong Hội Thánh, nhờ Chúa Thánh Thần khơi động là do các thánh. Các ngài là món quà đẹp nhất mà Chúa Ki-tô trao tặng cho Hội thánh cũng như cho thế giới.

Quả vậy, khi nhìn vào đời sống của những người đã trung thành theo Chúa Ki-tô, người ta có thể có một lý do mới thúc đẩy mình đi tìm đô thành tương lai : “Vì trên đời này, chúng ta không có thành trì bền vững, nhưng đang tìm kiếm thành trì tương lai.” Dt 13,14)

Công Đồng Va-ti-ca-nô II, qua hiến chế Anh sánh muôn dân và rải rác trong nhiều sắc lệnh cũng như hiến chế khác, đã mang lại cho thời đại chúng ta những cách thế nên thánh phù hợp với cảnh đời của mỗi người. Từ nay việc nên thánh ở trong tầm tay của mỗi người chứ không quá xa vời, và dường như chỉ dành riêng cho giới tu trì như trước kia nữa. Vậy, mọi người bất kỳ trong cảnh đời nào, nên suy nghĩ về giáo huấn này và tìm cách thực thi trong cảnh đời và bậc sống của mình.