Trích Tuyển Thơ THÁP BABEL

của Lm. Lữ Y Đoan



A. Chính văn Thánh Kinh

11 1 Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. 2 Khi con cháu ông Nô-ê từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Si-nê-ar và họ cư ngụ ở đó. 3 Những người này nói với nhau rằng: “Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung”. Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. 4 Họ còn nói: “Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một ngọn tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu”. 5 Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. 6 Và Chúa phán: “Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. 7 Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia”. 8 Và Chúa đã làm cho họ tản mác xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. 9 Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là Ba-bel”. Và chính tại chỗ đó, Chúa đã làm cho người ta tản mác ra khắp mặt địa cầu. (Bản dịch nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



B. Diễn ca của Lữ Y Đoan

Vả chăng ngôn ngữ cổ thời

Những điều cảm nghĩ, nói lời như nhau

Phía Đông nhiều tộc vùng cao,

Dân đông, đất chật, hoa màu cung vơi

Định cư đất mới kịp thời

Bàn nhau xây tháp để đời hậu lai

Góp nhau vật liệu đủ đầy

Công trình kiến tạo mỗi ngày rộng cao

Quyết xây tháp đụng Thiên Tào,

Nêu cao nhân lực, Trời nào dám đương (1)

Nhân gian ngạo nghễ thiên đường

Trời rằng: “Hiệp nhất vi cường, đại công... (2)

Phải cho ngôn ngữ bất đồng

Mỗi chi một ngả là xong ý đồ!

Thế là: Nhất hữu cửu vô (3)

Thế nhân bỏ cuộc, trở cờ giống nhau

Hỗn Lầu (4) danh gọi về sau

Kể từ việc ấy, ngũ châu (5) người tràn...

C. Chú dẫn của Trần Thanh Đạm



Để bạn đọc có một ý niệm về tính phóng khoáng và sáng tạo của bản diễn ca quốc âm “Sấm Truyền Ca” so với chính bản Thánh Kinh Cựu Ước, chúng tôi trích dịch và trích dẫn trên đây một đoạn nổi tiếng nói về chuyện con cháu ông Nô-ê (STC gọi là Nhữ Y), sau trận Đại hồng thủy lại tái sinh và phồn thực trở lại trên mặt đất đến định cư tại một miền đồng bằng xứ Schinear. Họ rủ nhau xây dựng một ngọn tháp cao chạm trời. Chúa trừng phạt ý đồ ngạo nghễ của họ bằng cách làm cho họ ngôn ngữ bất đồng, không hiểu được nhau, không đoàn kết nhất trí được với nhau, rút cuộc phải bỏ dở công trình bao thiên nghịch địa kia và bị Chúa phân tán thành các giống người khác nhau trên khắp mặt đất. Đây là truyền thuyết về tháp Babel (Thầy Cả Lữ Y Đoan dịch là Hỗn Lầu) nổi tiếng trong Thánh Kinh. Các bạn chú ý tinh thần mà chúng tôi gọi là tinh thần nhân văn chủ nghĩa của tác giả “Sấm Truyền Ca” khi thuật lại truyền thuyết này với những câu như:

Quyết xây tháp đụng Thiên Tào,

Nêu cao nhân lực, Trời nào dám đương

Nhân gian ngạo nghễ thiên đường...

Những câu đó cụ thể hóa tư tưởng mà tác giả nêu lên trong đoạn mở đầu của Tạo Đoan Kinh (Genesia):

Loài người từ thuở A-đam

Đua nhua xây dựng mộng ham làm trời...

Như lời các vị sao chép bản quốc ngữ thuật lại thì chú thích sách này “Bị các linh mục ngoại quốc thời đó chống đối, viện lẽ đã pha trộn nhiều tư tưởng ngoại giáo”, “không nhìn nhận là đúng với Kinh Thánh của Đạo nên cấm bổn đạo đọc vì là sách dị đoan” do đó mà bị mai một.



Phần chính bản Thánh Kinh chúng tôi dịch sát theo bản dịch tiếng Pháp của Louis Segond, Tiến sĩ Thần học, trong sách đã dẫn trong bài viết của chúng tôi. Các con số đánh dấu các chương và các ý chính trong mỗi chương là của chính bản Thánh Kinh được dịch ra tiếng Pháp. Bản Sấm Truyền Ca cũng được một linh mục địa phận Sài Gòn tên gọi là Phaolô Quy đánh số theo sự đánh số trong chính bản Thánh Kinh. Theo dõi sự đánh số này của hai bản có thể thấy tác giả Sấm Truyền Ca vừa theo sát các chương các ý trong chính bản vừa cải biên, vừa sáng tạo theo cách Việt Nam nội dung áng cổ văn Do-thái.



(1) Bản Paulus Tạo:

Vươn lên tháp đụng Thiên Tào,

Muôn đời danh tiếng, trăng sao phải nhường

(2) Tác giả mượn ý ở câu sách xưa: “Hiệp lực vi cường, đại công nhất trí” (góp sức chung thì tạo ra sức mạnh, công việc to lớn là nhờ một lòng một ý với nhau).

(3) Giới Nho học xưa có câu: “Nhất hữu cửu vô thiên hạ tận...” (Một người có chín người không thì cuộc đời bế mạc).

(4) Hỗn Lầu: lâu đài hỗn độn hay là cái tháp hỗn xược, kiêu căng.

(Các chú thích 2,3,4 là của bản sao quốc ngữ của Nguyễn Văn Nhạn).



(5) Cần nghiên cứu thêm: con người ở thế kỷ XVII, kể cả một vị linh mục có Tây học như Lữ Y Đoan đã có kiến thức về “ngũ châu” (năm châu) hay chưa?? Nếu đây đích thực là văn bản của thế kỷ XVII thì trình độ hiểu biết về địa lý của người Việt Nam thời đó đã cao lắm. Đến Lê Quý Đôn, nửa sau thế kỷ XVIII, trong sách Vân Đài Loại Ngữ mới qua sách Tàu mà tiếp xúc lần đầu tiên với khái niệm quả đất tròn.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo