TRẠI PHONG ĐAK-KIA GIÁO PHẬN KONTUM 2005



LỜI NÓI ĐẦU:

Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi giảng, Ngài nói: “ Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu” (Mt. 10, 7-8). Khi sai bảy mươi hai môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã nói : “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ”Triều Đại Thiên Chúa đã đền gần các ông” (Lc. 10, 9). Và ngay trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng sai Nhóm Mười Một “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ cứu độ (. . . . ). Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ được trừ quỷ, sẽ nói những tiếng lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc. 16, 15-18)”.

Trừ quỉ, chữa bệnh. . . chẳng những là dấu chỉ Đức Giêsu Kitô có quyền tha tội (Mt. 9, 6), là Thiên Chúa, Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa loài người, mà còn mang tính truyền giáo để tôn vinh Thiên Chúa, cho con người hội nhập vào cộng đồng xã hội, như mười người phong cùi được Chúa cứu chữa (Lc. 17, 11-19). “Trừ quỉ, chữa bệnh. . . ” nói lên công cuộc giải phóng toàn diện và phục hồi nhân phẩm con người, để cho mọi người phục vụ nhau, liên đới tình bác ái trong một đại gia đình, cùng vì có một Người Cha, là Thiên Chúa Cha - “ABBA” và mọi người là anh em với nhau. “Trừ quỉ, chữa bệnh” chính vì thế, được liên kết không thể thiếu trong sứ mạng truyền giáo của các vị thừa sai trên vùng truyền giáo Kontum. Các loại bệnh thời kỳ đầu công cuộc truyền giáo là dịch đậu mùa, sốt rét, bệnh ngoài da. . . . Có một loại bệnh chẳng những giết chết lần hồi thể xác mà còn cả tâm hồn, cắt đứt mọi tương quan đối với bản làng, xô đuổi họ vào cảnh sống cô độc, vùi dập bệnh nhân trong bể khổ, là bản án tử cho bệnh nhân và cả gia đình họ nữa, đó là Bệnh hủi, nay thường gọi nhẹ nhàng hơn là Bệnh Phong Cùi. Nhìn lại 85 năm (1920-2005) từ ngày qui tụ một số người kinh cũng như người dân tộc mắc bệnh cùi và 65 năm ngày các Nữ Tử Bác Ái Hội dòng thánh Vinh-Sơn bắt đầu nhập cuộc dấn thân sống chết với anh em bệnh phong và xây dựng cơ sở tại Đak-Kia, chúng tôi xin trình bày sơ lược tiểu sử Trại Phong Đak-Kia như tưởng nhớ và ghi công những tấm lòng âm thầm phục vụ hy sinh cho những con người bị xã hội loại bỏ, giúp họ tìm lại phần nào ý nghĩa cuộc đời của mình, với những đề mục sau đây:

  • I - Khởi đầu qui tụ và xây dựng trạm thuốc phục vụ cho người phong cùi tại Dak-Kia (năm 1920 –1940)
  • II - Các Nữ Tu Nữ Tử Bác Ái nhập cuộc (năm 1940- 1975).
I. KHỞI ĐẦU XÂY DỰNG PHONG CÙI TẠI DAK-KIA (NĂM 1920 –1940)

Ông Marcel Ner trong tập nghiên cứu có tựa đề “Lépreux et Léproseries Moi” đã ghi lại như sau: “Trong khi trông coi những người Kinh và những người Thượng trong các họ đạo và những vùng lân cận, chính các Cha Thừa Sai đã được gửi đến để chăm sóc những người mắc phải một trong những căn bệnh kinh khủng nhất : Đó là bệnh phong cùi.

Trong khi những người Thượng tìm cách xua đuổi hay đầu độc những người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, thì các Cha lại cố gắng qui tụ họ lại, nhằm làm giảm bớt hay chữa lành những đau khổ của họ; hay chỉ cho họ biết những đau khổ mà họ phải chịu là phương thế để cứu rỗi linh hồn.

Từ lâu, những người phong cùi ở Kontum thường cư trú chung quanh thị xã, trên bờ hồ Mihi. Năm 1920, ông Jérusalemy người pháp đã khởi công thiết lập một Trại Phong, nằm gần tỉnh lỵ Kontum.

Các Bác sĩ người Kinh ở Kontum cũng bắt đầu tham gia tổ chức mà Cha sở Phương Hoà, một họ đạo người Kinh, đã quảng đại đảm nhận trong việc hướng dẫn đời sống luân lý và đạo đức. Năm 1884, Cha Irigoyen đã đến Kontum, ngài là niên trưởng của các Cha Thừa Sai miền truyền giáo Bahnar, đã sống 47 năm và chôn xác tại vùng rừng thiêng nước độc này.

Lúc đầu cơ sở của Trại Phong này hết sức nhỏ bé, nó chỉ là ba căn nhà chòi nhỏ làm nơi cư trú cho 5 người cùi Kinh ( 2 thanh niên và 3 ông goá vợ), rồi thên 5 người cùi Thượng nữa. Năm 1924, số người cùi của Trại Phong tăng lên con số 16 ( 8 Kinh và 8 Thượng).

Bác sĩ Mickaniewski đã cố gắng phát triển Trại Phong này. Năm 1926, người ta đã làm nhiều ngôi nhà sàn nhỏ theo kiểu người dân tộc. Người ta còn làm một ngôi nhà lớn dài 25m mà một phần dành cho các phụ nữ và con trẻ cùi. Tại đó, người ta còn làm một bệnh xá, một nhà Lâm Chung và một Nhà Nguyện vì hầu hết bệnh nhân là người Công giáo. Các nhân viên y tế của trại có xuất bản một cuốn sách nhỏ cho biết : lúc bấy giờ, trại phong có chừng 60 người bệnh. Chính quyền đồng ý trợ cấp cho mỗi bệnh nhân mỗi ngày: 4,50 đồng/ người lớn; 2 đồng/ trẻ em. Ngoài ra, họ còn được lãnh thuốc, chăn, màng theo định kỳ. Người ta tổ chức trại theo kiểu một nông trại tự cung, tự cấp. Những người cùi còn khoẻ thì trồng lúa, trồng rau, trồng chuối; còn những người khác thì đi vào rừng sâu đào cũ, đào măng, đốn chặt củi để nấu ăn.v.v.

Đôi khi, họ còn đánh bắt cá dưới suối. Một Bác Sĩ ở Kontum mỗi tháng đến Trại Phong hai lần để khám bệnh và phát tiền trợ cấp cho họ. Số người cùi gia tăng từ 40 - 80 mà hầu hết là người Thượng. Từ năm 1926, hoàn cảnh sống của người cùi được cải thiện dần dần, Bác Sĩ Morin và Mickaniewsky viết: “ Mọi sự đã sẵn sàng để tiếp nhận những người cùi của Tỉnh, nhưng người ta không thể đưa họ về đây được vì thiếu ngân khoản”.

Hai Bác Sĩ này cũng cho biết thêm “ Các Cha Thừa Sai đã nói rất nhiều về phương pháp chữa bệnh, mà các các ngài đã áp dụng áp dụng, bằng cách để một mẫu bùi nhùi cháy trên khối u, từ khi nó xuất hiện cho đến khi nó hoàn toàn biến mất trên da”.

“Thật vậy, từ khoảng 20 năm nay, các Cha Thừa Sai đã tìm và phổ biến cho người dân tộc một phương pháp thật là hiệu nghiệm để chặn đứng sự phát triển căn bệnh hiểm nghèo này. Phương pháp này rất đơn giản: Khi thấy những vết sần sùi xuất hiện trên da, người ta dùng bùi nhùi để đốt chúng, bất chấp tình trạng mất cảm giác của những vết thương này. Một lúc sau, người ta cảm thấy đau đớn, bởi vì vết cháy lan ra chỗ thịt lành, nhưng một chút đau đớn có thấm vào đâu sánh với điều mà người cùi sẽ được ? Một mãnh vảy xuất hiện, 1 hai tháng sau, hình thành một vết thẹo; một năm sau, mồ hôi sẽ thoát ra từ những lổ chân lông trên vết thẹo, giống như những phần khác của cơ thể. Việc chữa trị được lặp đi lặp lại nhiều lần mà không gây nguy hiểm cho người cùi. Rất nhiều bằng chứng minh chứng cho điều này. Một làng dân tộc nọ có khoảng 20 người cùi sống chung quanh làng, nhưng từ khi họ áp dụng thường xuyên phương pháp này, thì không có một trường hợp cùi mới nào xuất hiện nữa. Những khối u nghi ngờ cũng bị đốt, một phương ttiện hữu hiệu đã chăn đứng con bệnh tận gốc rễ. Tôi không hiểu tại sao một phương pháp hết sức dễ dàng mà lại không được phổ biến nhanh chóng. Nó đơn giản biết bao! Mặt khác, nó cũng thật hoàn hảo: Chẳng hạn, để giúp những bệnh nhân bị giải phẩu không đau, không gì tốt hơn là chích cho họ trước vài mũi Cocain, thì cũng không gì thay thế bùi nhùi bằng lưỡi dao mỗ.v.v.

Khoa học có kiểm chứng giá trị của phương pháp này, hay có cổ xuý những nỗ lực của những con người để kinh nghiệm của họ ngày thêm vững chắc hơn ? Khoa học không quên cổ võ việc dùng dầu của cây Đại Phong Tử hay dầu của cây Krabao, mà Bác Sĩ thực nghiệm người Campuchia, tên Pen, đã dùng, những loại dầu trên đã được đưa vào tự điển y học Việt-Trung.

Chúng tôi đã đến thăm Trại Phong Dak Kia, chúng tôi không khỏi xúc động, khi được xem những tấm hình của những con người gầy còm, khiếm khuyết những chi thể, da thịt bị ủng thối và chảy mũ.

Mặt khác, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy những con người, trong cảnh cùng cực của đời họ, mà vẫn còn giữ lấy niềm khát khao được sống.

Những cuộc chuyện vãn vui vẻ, nhiều nồi niu đang nấu trên bếp của những tổ ấm. Đời sống cộng đồng, sự quan tâm chăm sóc của các Cha Thừa Sai cho thấy những người cùi đỡ đói khổ, không còn bị cô lập trong rừng, nhưng họ có được niềm vui sống “.

Noi gương Thầy Chí Ái “ Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tiếp nối bước chân của các vị Thừa Sai, hiện nay, các linh mục, ngoài công tác mục vụ mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho giáo dân, các ngài cùng nam - nữ tu sĩ của giáo phận hăng say, nhiệt tình tham gia các công tác phục vụ xã hội, nhằm thăng tiến những mãnh đời bị bỏ rơi.

(còn tiếp)