Mùa chay và con số bốn mươi



Lịch phụng vụ giáo hội đã bước vào mùa chay thánh. Mùa chay là gì ? Mùa chay có ý nghĩa lớn lao gì, hay nói khác đi, mùa chay hướng người tín hữu ngày nay đến với những hình ảnh nhân vật đích thực nào trong lịch sử đức tin của dân Thiên Chúa ? Mùa chay kéo dài trong thời gian bao lâu ? Ðâu là những phương tiện hữu hiệu cụ thể để sống thời gian chay tịnh này mà Giáo Hội đề nghị chúng ta ? Trong bài viết này, tôi muốn đề cập ít điều đến những câu hỏi liên quan được nêu ra trên đây và đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến con số « bốn mươi » trong sự liên quan của nó với một số nhân vật cụ thể và kể cả dân Ít-ra-en.

Chữ « mùa chay » đến từ tiếng la tinh quadragesima. Từ này có nghĩa là bốn mươi ngày. Chính vì thế mà mùa chay nói lên thời gian bốn mươi ngày cho đến lễ Phục Sinh của Ðức Ki Tô. Nói một cách ngắn gọn và cô đọng, mùa chay là là thời gian nhằm chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua của Ðức Ki Tô Phục Sinh. Con số bốn mươi ngày này có một ý nghĩa tượng trưng rất lớn : tiên tri Êlia đi ròng rã bốn mươi ngày, bốn mươi đêm trong sa mạc mới tới núi Khô-rép, là núi của Thiên Chúa và cũng trong bốn mươi ngày đêm, Êlia chỉ ăn bánh và uống nước; bốn ngươi ngày Môi-Sen ở trên núi Xi-nai; bốn mươi năm dân Do Thái sống vất vả, cùng cực trong sa mạc Xi-nai; bốn mươi ngày Chúa Giê Su sống ẩn mình trong cô quạnh nơi sa mạc. Ðiều này chứng tỏ rằng con số bốn mươi không phải hoàn toàn vô nghĩa.

Trước hết, tại sao hình ảnh ngôn sứ Êlia là gương mặt được nhắc đến với một tầm quan trong đến thế trong mùa chay ? Về điều này, chắc chắn là vì cuộc sống của ngài. Êlia vượt lên tất cả là một con người sống hết mình vì danh Chúa, vì Chúa các đạo binh. Êlia tin vào Thiên Chúa các đạo binh với trọn tâm hồn. Êlia dâng trọn cuộc đời phục vụ Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Ít- ra-en. Trong sách các Vua quyển thứ nhất, rất nhiều lần khi Thiên Chúa hỏi ông làm gì ở nơi đây, ngôn sứ Êlia trả lời thế này : « Lòng nhiệt thành đối với Ðức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít- ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá hủy bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con » (1). Sách các vua kể lại sự tranh cãi giữa ngôn sứ Êlia và bốn trăm năm mươi ngôn sứ của thần Ba-an trên núi Các-men. Ngôn sứ Êlia đã để cho sức mạnh của Thiên Chúa tỏ hiện qua trung gian của ngài và Thiên Chúa các đạo binh đã chiến thắng (2). Chắc rằng điều đặc biệt làm cho người tín hữu quan tâm đến ngôn sứ Êlia chính là đời sống cầu nguyện của ngài. Trọn cuộc đời của Êlia luôn gắn liền với việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện của ngài cháy bỏng niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa hăng sống của Ít- ra-en. Chính vì thế, không có ngạc nhiên khi thánh Gia-cô-bê, trong lá thư của ngài, nhắc đến ngôn sứ Êlia như là một mẫu mực của những người cầu nguyện với Chúa như thế này : « Ông Êlia xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu xin thì trời liền mưa xuống và đất đã trổ sinh hoa trái »(3). Ðời sống cầu nguyện của ngôn sứ Êlia được thể hiện ra bên ngoài bằng những thái độ rất cụ thể. Ở trên núi cao, khi thì ngài ngồi nghiêm trang thưa chuyện với Chúa, khi thì ngài cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Hành trình lâu dài trong thời gian bốn mươi ngày đêm dẫn ngài đến núi Khô-rép là một minh chứng cho đức tin hùng hồn, đầy táo bạo của ngài. Êlia đã hoàn toàn xứng đáng được gặp Thiên Chúa tại nơi đây. Ông là một con người biết sống trong thầm lặng, trong sự bình thản nội tâm, tập trung trọn vẹn cả con người về với Chúa. Trong bốn mươi ngày đêm, (4) Êlia chỉ ăn bánh và uống nước do thiên thần mang đến cho ngài. Nhìn lại cuộc đời của Êlia, người tín hữu ngày nay chắc hẳn không thể không nhìn nhận ra nhiều bài học cho đời sống đạo, nhất là tấm gương bền bỉ và tin tưởng trong việc cầu nguyện của ngôn sứ Êlia. Chính nhờ việc cầu nguyện mà Êlia đã có một mối tương quan sâu thẳm với Chúa. Có thể vì thế mà Giáo Hội ý thức đến vị ngôn sứ này và đề nghị giáo hữu cùng học hỏi tấm gương sáng hữu ích này trong mùa chay.

Tiếp đến là Môi-sen. Ông là ai ? Ðọc phần cựu ước của Kinh Thánh, người ta dễ dàng nhận ra gương mặt của Môi-Sen rất nổi bật. Là một người mang dòng máu do thái. Ngay lúc sinh thời, Môi-sen đã tìm con đường thoát chết bằng cách nằm bồng bềnh trên mặt nước ở trong một chiếc thúng do bàn tay của mẹ ngài. Thế rồi số phận đứa bé Môi-sen người Híp-ri, tức người do thái, mong manh như trên sợi chỉ lềnh đềnh trên dòng sông Nin. Chiếc thúng cứ dào dạt đó đây, và bỗng dạt đến gần bờ, nơi các cô gái xinh đẹp của Pharaô tắm mát. Một hôm, nàng công chúa của Pharaô đang tắm, cô bỗng nhận thấy chiếc thúng và cho người đến xem. Thế là cậu bé Môi-sen được cứu mạng. Chúng ta cũng cần biết rằng, cái tên Môi-Sen có nghĩa là người được cứu vớt ra khỏi nước. Chắc là nàng công chúa ấy đặt cho cậu bé cái tên Môi-sen là nhằm đánh dấu sự kiện ghi dấu lịch sử đời cậu. Thế là Môi-sen, được sống và được nuôi dưỡng trong cuộc sống cung đình nhà vua Pharaô của Ai Cập. Là người mang dòng máu do thái, Môi-sen lớn lên, nhưng tiếng lòng, tiếng lương tâm của ông vẫn tỉnh táo và rất hay cảm kích khi thấy người đông bào của ông bị đánh đập cách bất công tại nơi đây và ông không ngần ngại ra tay hành động để bảo vệ họ, cho du điều này làm hại đến địa vị « con vua » của ông. Môi-sen ngày càng lớn lên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi ông. Ông có một sứ mạng nặng nề và quan trọng được Người giao phó : « Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi khổ của chúng… Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Ít- ra-en ra khỏi Ai Cập » (5). Từ đó, Môi-sen trở thành người mở đường và dẫn dắt dân tộc It- ra-en ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Một con người số phận lênh đênh trên nước sông, nay lại trở nên một vị đại anh hùng của một dân mà Thiên Chúa tuyển chọn. Hoàn thành sứ mạng được giao, Môi-sen cùng toàn thể dân chúng vượt qua biển đỏ và tiến vào sa mạc. Một hành trình mới và gian khổ trước mắt. Trong sự kiện này, con số « bốn mươi ngày và bốn mươi đêm » hay « bốn mươi năm » lại được nhắc đến. Niềm vui được giải thoát dường như rất chóng qua đối với mọi người It- ra-en vì sự sống bị đe dọa do thiếu lương thực và nước uống. Nhưng trong sa mạc Xi-nai này, Thiên Chúa đã ký kết Giao ước với dân qua trung gian Môi-sen. Ông Môi-sen lên núi Xi-nai và ở lại nơi đây « bốn mươi ngày, bốn mươi đêm. »(6) Sự kiện giải phóng khỏi ách nô lệ và việc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người đánh dấu một mối tương quan đã được đổi mới. Vì vậy, mùa chay là dịp thuận tiện cho người tín hữu cùng sống lại cách sống động sự hiện diện của Chúa.

Còn dân Ít-ra-en thì sao ? Hành trình trở về miền đất hứa của họ không phải một hai ngày, cũng không phải một hai tháng hay một hai năm. Hành trình sa mạc của họ là bốn mươi năm. Cuối cùng, dân Ít-ra-en cũng tiến đến vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Chỉ có vị anh hùng giải phóng họ là Môi-sen không được nếm mùi hương của xứ sở này. Môi-sen qua đời trước giây phút hân hoan này. Sách Ðệ Nhị Luật nhắc nhở con số bốn mươi năm của dân Do thái trong sa mạc như thế này : « Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. »(7) Như vậy, tôi tin rằng trong thời gian mùa chay ưu đãi cho việc suy niệm về lịch sử cứu độ, mỗi người cần nhớ đến quảng thời gian bốn mươi năm của dân Ít-ra-en. Bởi vì tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người được thực hiện trong con Người Giê Su Nazareth đã được mạc khải trong suốt chiều dài lịch sử của dân do thái.

Cuối cùng, sống mùa chay là sống tiến về sự kiện của mầu nhiệm khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Ðức Ki Tô Giê Su. Giáo Hội đã dựa vào lời Chúa trong Kinh Thánh để xác định thời gian mùa chay bốn mươi ngày. Các thánh ký Tin Mừng có kể lại sự việc Ðức Giê Su ở một mình trong hoang địa ăn chay và cầu nguyện. Trong bối cảnh tin mừng theo thánh ký Mát-thêu chẳng hạn, sau khi chịu phép rửa, Ðức Giê Su được thần khí dẫn vào hoang địa… Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày … Như vậy là con số bốn mươi ngày, bốn mươi đêm luôn xuất hiện và vì vậy đối với người tín hữu thì con số ấy phải có một ý nghĩa tượng trưng lớn mạnh. Bốn mươi ngày là một đặc ân để con người tin Chúa ngày nay nhìn một cách thiết thực và sâu lắng hơn bao giờ hết đến cuộc đời Ðức Giê Su. Ngài là Con Thiên Chúa, và chính là Chúa, là Chúa ngang hàng với Thiên Chúa Cha. Thế nhưng, Ðức Giê Su không ngừng chứng tỏ cho con người thấy Ngài là một Con Người cầu nguyện. Ngài luôn sống và dành thời gian nối kết lại sự quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Minh chứng hùng hồn nhất là việc Ngài ẩn mình trong một nơi hoang vắng để ăn chay và phó thác cách trọn vẹn với Cha Ngài mà không hề lo sợ bị Xa-tan cám dỗ hay dã thú xâu xé thân xác.



Tóm lại, với những gì được nói đến trên đây, mùa chay rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt đối với người ki tô hữu trong đời sống đức tin hôm nay. Ý nghĩa ấy là điều cốt yếu và căn bản của thời gian chay tịnh mà bất cứ người tín hữu nào cũng cần biết. Theo truyền thống từ khi có mùa chay trong lịch sử giáo hội, mùa chay là thời gian Giáo Hội muốn nhắc nhở mọi người con của mình tưởng nhớ lại và sống lại trong hiện tại lịch sử giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và phải trải qua sa mạc hoang vu cát trắng, khô cằn trong suốt bốn mươi năm mới đặt chân đến miền đất hứa, đồng thời ôn lại cuộc sống và sự kiện mang lại ơn cứu độ của chính Ðức Ki Tô Giê Su ban cho thế gian loài người, nhất là trong mùa chay, sự kiện Chúa Giê Su đi vào sa mạc sống trong chay tịnh, thinh lặng, cầu nguyện và đối diện với nhiều thử thách của thế lực quỉ ma. Phương tiện bên ngoài hữu hình và bên trong để sống mùa chay chính là việc ăn chay, cầu nguyện và làm phúc. Chính vì vậy mà trong sứ điệp mùa chay năm 2005, Ðức Thánh Cha Gio-an Phao lô II có viết : « Mỗi năm, Mùa Chay được giới thiệu với chúng ta như là thời gian thuận tiện để gia tăng cầu nguyện và làm việc đền tội, vừa mở rộng tâm hồn để dễ dàng chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. Trong Mùa Chay, chúng ta được chỉ cho thấy con đường thiêng liêng chuẩn bị chúng ta sống một lần nữa Mầu Nhiệm cao cả của cái chết và sống lại của Chúa Kitô, nhất là nhờ qua việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và việc thi hành cách quảng đại hơn sự hãm mình, mà nhờ đó chúng ta có thể rộng rãi đến trợ giúp cho người lân cận cần được trợ giúp. »(8) Như vậy, phụng vụ mùa chay chú tâm đến sự sống như là cao điểm của đời sống người ki tô hữu với hai chiều kích thiêng liêng, hay tâm linh và chiều kích thực thi việc bác ái, hay việc thiện đối với tha nhân. Bởi vì con người không thể đào sâu mối tương quan với Chúa bằng việc cầu nguyện mà lại không sống trong tình liên đới, giúp đỡ người khác trong tình thương yêu. Như ngôn sứ Êlia và Môi-sen ngày xưa đã sống cách riêng biệt bốn mươi ngày đêm như một quảng thời gian nhằm đổi mới, thanh tẩy con người để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa, thì con người ngày nay cũng cần làm như vậy hầu làm mới mẻ tâm hồn để sống sinh động hơn trong sự thân tình, gần gũi và mật thiết với Người.

---

Chú thích:

(1) 1 V 19, 10.14

(2) 1 V, 18

(3) Gc 5, 17-18

(4) 1 V 19, 8

(5) Xh 24, 18. ( có thể xem thêm Xh 34, 28; Ðnl 9, 9)

(6) Ðnl 8, 2

(7) Mt 4, 1-2 ( có thể xem thêm Mc 1, 12)

(8) Jean-Paul II, Sứ điệp mùa chay 2005