CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C

Lễ giới trẻ

Quê hương chúng ta ở trên trời (Pl 3, 20). Các con có nghĩ như vậy không? Chúng ta hiểu như thế nào câu nói đó của thánh Phaolô? Trong lịch sử Giáo hội, có nhiều thái độ khác nhau đối với xã hội trần thế.

Có những lúc người ta nhấn mạnh nhiều đến thái độ nhập cuộc, coi quê hương trần thế là quê nhà của mình, và người Kitô hữu sống giữa lòng đời như mọi người khác, có mọi quyền lợi và nghĩa vụ như mọi người. Người ta ít nói tới đời sau, mà chỉ nhớ tới đời này. Dòng Thần học này nhấn mạnh tới mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu và sứ mạng dấn thân phục vụ loài người của Giáo hội. Giáo hội cần phải nhập thế, vì Giáo hội đang ở trong trần gian và lịch sử. Giáo hội không nên chạy trốn thế gian.

Nhưng khi nhấn mạnh đến sự nhập cuộc quá mức, trong Giáo hội có thể xảy ra những lệch lạc nguy hiểm. Những thói hư tật xấu của trần gian xâm nhập vào trong Giáo hội, không những ảnh hưởng tới giáo dân, mà còn ảnh hưởng tới cả hàng giáo sĩ và các dòng tu. Các linh mục và tu sĩ không mấy khi nói tới chuyện trên trời mà chỉ bàn tới những chuyện dưới đất. Họ cũng không muốn có dấu hiệu gì chứng tỏ họ không thuộc về thế gian theo như ý muốn của Chúa Giêsu. Thái độ nhập cuộc quá đáng này dễ dàng đưa tới những sa sút trong Giáo hội.

Phản ứng chống lại quan điểm nhập thế và thái độ nhập cuộc quá đáng đã làm ô nhiễm môi trường của Giáo hội, nhiều người chủ trương phải có thái độ xuất thế, vì chính Chúa Giêsu đã nói Nước Ta không thuộc về thế gian này. Giáo hội là Dân lữ thứ, Dân hành trình; quê hương vĩnh cửu của chúng ta không ở trần gian, mà là ở trên trời. Chúng ta là những người đã chịu phép rửa, trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và con cái của Thiên Chúa. Chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, mà thuộc về Thiên Chúa. Bộ mặt thế gian này qua đi, chỉ có sự sống đời sau mới tồn tại vĩnh viễn.

Quan điểm xuất thế cực đoan cũng có hại cho Giáo hội không kém gì thái độ nhập thế cực đoan, vì nó sẽ cô lập Giáo hội, cô lập tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực, đen tối của thực tại trần gian, không nhận ra được những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, không thấy những tiến bộ đầy khích lệ của xã hội loài người. Thế gian là thung lũng nước mắt… Thái độ này có thể làm cho một số người không tích cực xây dựng trần thế, ở bên lề những biến chuyển xã hội, và thiếu gắn bó với quê hương đất nước.

Giữa hai lập trường cực đoan, chúng ta hãy chọn một thái độ trung dung, đúng đắn. Giáo hội vừa phải nhập thế, vừa phải xuất thế. Giáo hội phải nhập thế, vì chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria và đã làm người; Người đã trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Giáo hội còn được Chúa sai đến với muôn dân, làm cho mọi người trở nên môn đệ của Chúa. Giáo hội không thể trốn tránh thế gian và các vấn đề của loài người. Dù không thuộc về thế gian, Giáo hội vẫn ở trong trần gian. Giáo hội phải đến với hết mọi người, “con người là con đường của Giáo hội”.

Nhưng bộ mặt thế gian này qua đi, mà mục tiêu của Giáo hội là sự sống đời đời, nên Giáo hội cũng phải có hướng đi Vượt qua thế gian này để về cùng Thiên Chúa. Giáo hội phải theo con đường Vượt qua của Chúa Giêsu. Mục đích cuối cùng của Giáo hội không là trần gian, mà là Thiên Đàng. Thiên Chúa là Thiên đàng, là Quê hương đích thực của Giáo hội.

Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi vạch rõ hướng đi cho Giáo hội và cho mỗi người kitô hữu. Chúng ta lên núi với Chúa Giêsu, như ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Núi là nơi cao, biểu tượng cho sự siêu thoát cần thiết, để khỏi bị ô nhiễm, hôi tanh mùi bùn. Và lên núi là để cầu nguyện; chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, cầu nguyện với Thiên Chúa. Chính nhờ tiếp xúc với Thiên Chúa mà chúng ta được tràn đầy Thánh Thần và trở nên đẹp đẽ sáng láng như Chúa Giêsu.

Sau đó ta lại xuống núi, chứ không được làm ba cái lều trên núi như ước muốn của ba môn đệ, mà Chúa Giêsu đã không chiều theo. Chúa Cha đã dạy các ông hãy vâng nghe lời của Chúa Giêsu; và Chúa Giêsu dạy phải xuống núi, nhập cuộc, phải dấn thân hy sinh, phải chịu khổ hình trước đã rồi mới được Phục sinh vinh quang với Chúa. Chúng ta nhập cuộc những vẫn ngẩng cao đầu đón chờ ơn cứu độ, hướng về ngày Chúa trở lại trong vinh quang.



Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc