Chúa Nhật II Mùa Chay, C

Núi Tabor và cuộc sống hằng ngày

(Lc 9,28b-36)

« Thật phi thường ! Quá trời ! Không thể tưởng tượng được ! Số dách ! Số một ! Kinh khủng ! Hạng nhất ! » và còn bao nhiêu danh từ kỳ cục khác, nếu không nói là nhiều khi còn vô nghĩa nữa, mà chúng ta đã xử dụng khi phải diễn tả một sự kiện ngoại thường mà chúng ta chưa tìm ra được những danh từ và những ý niệm thích hợp. Ðó là những sự kiện hay biến cố điển hình đã làm cho chúng ta quá sung sướng và ngạc nhiên, những sự kiện và biến cố cực kỳ lạ thường, độc nhất vô nhị và không sao diễn tả hết ! Và trong hoàn cảnh đó, chúng ta thường nói : « Tôi không có đủ lời để nói; nó làm cho tôi hết đổi sững sờ và không sao nói lên lời; thật không sao diễn tả hết ! »

Các môn đệ xưa kia cũng đã từng đứng trước những trường hợp kỳ lạ tương tự. Bởi vì Ðức Giêsu đã làm những việc « có một không hai », như : Người làm cho bệnh nhân nan y lành mạnh, mở mắt người mù, cho người chết sống lại, v.v… Nhiều người sau khi gặp gỡ và nói chuyện với Người đã cảm thấy được giải thoát, cảm thấy lòng mình thơ thới nhẹ nhàng, đầy vui mừng. Họ trở nên lạc quan và như được biến đổi hoàn toàn. Vì thế, xưa kia các môn đệ chắc chắn cũng đã tự hỏi : « Làm thế nào mà Người có thể hành động được như vậy, là thay đổi được bao nhiêu người khác và cả chính chúng tôi nữa ? »

Những điều được tường thuật trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, đã giúp cho các môn đệ - ít là từ từ - hiểu được Ðức Giêsu cách sâu xa và rõ ràng hơn.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt, và đã trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Thế nhưng biến cố Tabor đối với các môn đệ vào lúc bấy giờ còn là một điều xa lạ, không trực tiếp liên quan đến họ. Họ chỉ nhìn thấy được trong biến cố đó sự quan hệ của Ðức Giêsu với Thiên Chúa, Cha của Người, trong sự vinh quang thần thiêng, chứ họ chưa cảm nhận được rằng biến cố đó xảy ra là vì họ. Chẳng những thế, họ còn tỏ ra rối rắm và mất hết tự chủ. Bởi vì một biến cố như thế không nằm trong khả năng hiểu biết về đức tin, cũng như không thuộc về phạm vi thực hành đức tin của họ. Họ cảm thấy mình là những người ngoại cuộc ! Cũng vì thế họ đã ngủ gật, tương tự như sau đó ít lâu tại Vườn Cây Dầu : Trong khi Ðức Giêsu đầy lo âu sợ hãi trước cuộc khổ nạn, đến đổ mồ hôi máu ra, thì các môn đệ vẫn dửng dưng và ngồi ngủ gật !

Chỉ sau đó khá lâu, các ông mới khám phá ra được ý nghĩa quan trọng của biến cố Tabor. Ðó là lúc các ông cảm nhận và hiểu rõ được cuộc khổ nạn vả sự vinh hiển trong biến cố phục sinh của Ðức Giêsu. Bấy giờ lòng trí các ông mở ra và hiểu được những gì mà các ông đã từng cảm nhận và từng chứng kiến phần nào trong cuộc sống trần thế của Ðức Giêsu. Nhất là họ hiểu được một cách sâu xa đầy đủ, tại sao họ cần phải lắng nghe các giáo huấn của Ðức Giêsu và chiêm ngưỡng cuộc đời của Người. Bởi vì đã có tiếng từ trời bảo họ : « Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! »

Dĩ nhiên đối với Phêrô, Gioan và Giacôbê : Biến cố trên núi Tabor là một hiện tượng có một không hai. Ðó là một biến cố không ai có thể áp đặt hay tạo ra được. Ðối với ba ông, đó là một điều ngoại lệ. Ðể hiểu được như vậy, đòi hỏi người ta phải có tâm hồn cởi mở và thuần phục. Nếu không, người ta sẽ nói ngay : « Ðiều đó chẳng có gì liên quan tới tôi cả ! Tôi chẳng có ý kiến gì về chuyện đó cả ! »

Những biến cố đặc biệt và độc nhất vô nhị trên núi Tabor, ngày nay cũng vẫn còn xảy ra trong nhiều lãnh vực – thuộc tôn giáo cũng như dân sự -, thí dụ :

  • Những ai khi đi vào trong rừng rậm xa lạ, mà vẫn tìm ra lối đi, chứ không bị lạc đường, sẽ cảm thấy sung sướng.
  • Một nhà thể thao sau khi đã đạt được những thành công vàng son của mình, anh sẽ bày tỏ cho người khác hay sự hạnh phúc của mình. Và anh càng được động viên trong những nỗ lực mới.
  • Khi một người nhận được sự thông cảm và tha thứ mà anh không dám chờ đợi. Phải chăng đó không phải là một sự kiện quan trọng đáng mừng?
  • Hay khi một người có được một cảm nghiệm ngọt ngào và đầy an ùi trong khi cầu nguyện, mà người đó không hề dám nghĩ tới. Ðiều đó chắc chắn sẽ giúp anh ta rất nhiều trong việc tiếp tục trông cậy vào Thiên Chúa hay lại có được sự phó thác vào Thiên Chúa, v.v…
Vâng, đức tin của chúng ta sống nhờ những cảm nghiệm đặc biệt và cả những cảm nghiệm bình thường hằng ngày. Trong cuộc sống cụ thể, nhiều khi chúng ta cảm thấy lòng đầy sốt sắng và hạnh phúc trong việc đọc kinh xem lễ, và chúng ta rất vui mừng khi tiếp xúc với cộng đồng dân Chúa. Thế nhưng, thường tình thì chúng ta lại phải đối mặt với cuộc sống vật lộn hằng ngày.

Ðúng vậy, Ðức Giêsu không để các môn đệ ở lại trên « núi Tabor của những an ủi » lâu, ngay sau đó Người đã dẫn họ trở lại với cuộc sống thường nhật của họ. Người không để họ xây dựng những căn lều trên núi Tabor, nhưng ở dưới thung lủng của cuộc sống đức tin hằng ngày với bao những thử thách. Vâng, cuộc sống hằng ngày phải thực sự là nơi các môn đệ vâng nghe Ðức Giêsu, là nơi họ phải hướng nhìn lên Người, và là nơi họ phải bước theo Người.

Tuy nhiên, biến cố trên núi Tabor vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của họ trong suốt tiến trình theo Ðức Giêsu. Cũng vậy, trong cuộc sống đức tin, trong cuộc sống đạo hằng ngày, chúng ta cần có ơn an ủi đỡ nâng của Thiên chúa, để chúng ta có thêm sức mạnh chống chọi với các thách đố của cuộc sống, nhưng chính chúng ta phải tự ra tay chiến đấu lấy. Và để cuộc chiến đấu đức tin đạt được thắng lợi, chúng ta phải thực hành theo lời khuyên đến từ trời cao : « Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! » Amen