BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Lễ Đêm Giáng Sinh, 24/12/2002

1. “Dum medium silentium teneret omnia...”- “khi cảnh vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì lạy Chúa, Con Chúa là Ngôi Lời toàn năng đã rời bỏ ngai vàng thiên cung mà giáng thế“ (Điệp ca Magnificat, 26/12).

Vào Đêm thánh này lời hứa xa xưa được nên trọn: thời gian chờ đợi đã chấm dứt và Đức Trinh Nữ đã hạ sinh Đấng Cứu Thế.

Đức Giê-su đã sinh ra cho một nhân loại đang tìm kiếm tự do và hoà bình; Người đã sinh ra cho mọi người đã bị gánh nặng tội lỗi đè bẹp, đang cần được cứu độ, và khao khát niềm hi vọng.

Đêm nay Thiên Chúa đáp trả lời kêu cứu không ngừng của đoàn dân: Lạy Chúa, xin hãy đến và cứu độ chúng con! Lời tình yêu vĩnh cửu của Người đã mang lấy xác phàm hay chết của chúng ta. “Lạy Chúa, Con Chúa là Ngôi Lời toàn năng đã rời bỏ ngai vàng thiên cung”. Ngôi Lời đã đi vào thời gian: Emmanuel, Thiên Chúa-ở với-chúng ta, sinh ra.

Trong những Nhà thờ chính toà và đại Vương cung thánh đường, cũng như trong những ngôi nhà thờ nhỏ bé và xa xôi nhất trên thế giới, các Kitô hữu hân hoan cất lên bài ca: “Hôm nay Đấng Cứu độ chúng ta đã ra đời” (Đáp ca).

2. Đức Ma-ri-a “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ“ (Lc 2:7).

Đó là bức tranh Giáng Sinh: một hài nhi bé nhỏ vừa mới sinh ra được bàn tay của một phụ nữ quấn trong tấm vải nghèo hèn và nằm trong một máng cỏ.

Ai có thể nghĩ rằng con người bé nhỏ này là “Con của Đấng Tối cao” (Lc 1,32)? Chỉ mình Mẹ, Mẹ của Người, mới biết sự thật và gìn giữ mầu nhiệm.

Trong đêm nay chúng ta cũng có thể “liên kết” trong cái nhìn của Mẹ và nhờ thế nhận ra trong Hài nhi này khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Chúng ta - những người nam và người nữ của thiên niên kỷ thứ ba - cũng có thể gặp gỡ Đức Kitô và chăm chú nhìn Người qua con mắt của Đức Ma-ri-a.

Vì thế đêm Giáng Sinh trở thành một trường học của đức tin và sự sống.

3. Trong bài đọc thứ hai đêm nay, thánh Phao-lô Tông đồ giúp chúng ta hiểu biến cố - Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong đêm rực sáng này. Ngài viết: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người“ (Tt 2,11).

Ân sủng của Thiên Chúa“ biểu lộ trong Đức Giê-su là tình yêu thương xót của Thiên Chúa, tình yêu ấy chi phối toàn thể lịch sử cứu độ và hướng dẫn nó cho tới sự thực hiện viên mãn. Sự tỏ bày của Thiên Chúa, Đấng “hạ mình khi đến giữa chúng ta như một con người“ (Tiền tụng Mùa Vọng, I) là sự báo trước, ngay tại trần gian này, về sự “xuất hiện“ vinh quang vào lúc kết thúc thời gian (x. Tt 2,13).

Nhưng còn có gì hơn thế nữa. Biến cố lịch sử mà chúng ta đang kinh nghiệm trong mầu nhiệm là “con đường” đã được ban cho chúng ta như một phương tiện để gặp gỡ Đức Kitô vinh hiển. Qua việc Nhập thể Đức Giê-su dạy chúng ta, như thánh Tông đồ nhận xét, “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này, vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,12-13).

Ôi Ngày sinh nhật của Chúa, ngươi đã gợi hứng cho các vị Thánh của mọi thời đại! Tôi nghĩ đến, trong số các vị khác, thánh Bê-na-đô và sự xuất thần của ngài trước cảnh tượng đánh động của Hang đá. Tôi nghĩ đến thánh Phan-xi-cô Assisi, người sáng tạo đầy cảm hứng khi lần đầu tiên miêu tả lại cách sống động mầu nhiệm đêm Giáng Sinh. Tôi nghĩ đến thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su, qua “con đường nhỏ” đã gợi lại cho những tâm trí kiêu căng của thời hiện đại tinh thần đích thực của Giáng Sinh.

4. “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ“ (Lc 2,12).

Hài nhi đặt nằm trong một máng cỏ hèn hạ: đó là dấu chỉ của Thiên Chúa. Các thế kỷ và ngàn năm qua đi, nhưng dấu chỉ vẫn tồn tại, và nó vẫn có giá trị đối với cả chúng ta nữa - những người nam và người nữ của thiên niên kỷ thứ ba. Đó là một dấu chỉ của hi vọng cho toàn thể gia đình nhân loại; một dấu chỉ của hoà bình cho những ai đau khổ vì những xung đột dưới mọi hình thức; một dấu chỉ của tự do cho người nghèo và bị áp bức; một dấu chỉ của lòng thương xót cho những ai bị vướng mắc vào vòng đồi bại của tội lỗi; một dấu chỉ của tình yêu và an ủi cho những ai cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi.
Một dấu chỉ nhỏ nhoi và mỏng manh, một dấu chỉ khiêm tốn và thầm lặng, nhưng được tràn đầy quyền năng của Thiên Chúa, Đấng vì tình yêu đã trở nên người phàm.

5. Lạy Chúa Giê-su, cùng với các mục đồng
chúng con tiến gần hang đá.
Chúng con chiêm ngưỡng Ngài, bọc trong tã
và đặt nằm trong máng cỏ.

Ôi Hài nhi Bê-lem,
trong thinh lặng chúng con thờ phượng Ngài cùng với Đức Ma-ri-a,
Người Mẹ luôn trinh khiết của Ngài.
Mọi vinh quang và lời ca ngợi đều thuộc về Ngài cho đến muôn đời,
Lạy Chúa Cứu độ của trần gian! Amen.