Thanh hỏa trà, Hồng huyết lan

Hồng huyết lan, Nguyễn Trung Tây
Chuyện kể rằng hoàng đế Quang Trung trên đường kéo quân ra Bắc diệt quân Mãn Thanh, ngài ghé vào gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hỏi về kế sách đánh giặc. Nguyễn Thiếp nói, “Quân Mãn Thanh vừa kéo sang nước ta, kiêu căng ngạo mạn và khinh địch. Doanh trại chưa thiết lập xong. Nếu đánh nhanh, tất chiến thắng”…

Trời mấy ngày hôm nay lạnh buốt. Cái giá rét cuối năm thổi về huyện La Sơn lạnh se da thịt khiến cụ Nguyễn thêm nặng giọng ho khan vào những buổi tối bên chung trà có mầu nước vàng đặc như mật ong. Khoác vào người chiếc áo bông dầy mầu trắng ngà, cụ Nguyễn loay hoay nấu thêm bình nước nóng cho ấm trà mới. Bóng cụ cô đơn, khẳng khiu, đổ dài bên lò than hồng. Than hồng tí tách nổ văng tung tóe trong đêm đen tựa như những ngôi sao băng trên nền trời cuối năm. Miệng húng hắng ho nhưng cụ vẫn nhận ra được tiếng chân đạp trên lá khô ngoài ngõ vắng. Ngẩng đầu nhìn ra khung cửa sổ, mặt cụ tươi vui hẳn lên. Cụ Nguyễn cất tiếng chào,

— Chào cụ Nghè.

— Không dám, chào cụ.

Từ hồi tóc còn để chỏm, học lớp cụ Tú Chuyên trong làng, cụ Nghè Văn Tiên và cụ Nguyễn Thiếp đã biết và thân với nhau. Học được với cụ Tú Chuyên mấy năm, Văn Tiên chuyển sang huyện bên cạnh theo cửa môn của cụ Nghè Thanh Hậu, một người khoa mục nổi tiếng văn hay chữ tốt không phải chỉ trong tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Hà. Năm Nhâm Tuất, năm vỡ con đê khúc sông Ðáy đổ vào sông Nhị Hà, Văn Tiên hai mươi hai tuổi đỗ thủ khoa trường Nghệ. Ba mươi tuổi Nghè Văn Tiên đỗ tiến sĩ, được bổ làm Tri Phủ quyền thụ Án Sát. Trước khi quân Ó tiến vào kinh thành Thăng Long chấm dứt cơ nghiệp 200 năm của Chúa Trịnh, viện cớ thân phụ cao tuổi, cụ Nghè Văn Tiên từ quan về lại làng. Riêng cụ Nguyễn, ngoại trừ thời gian ngồi dạy học tại nhà Ðề Lĩnh ở Thăng Long, sau mấy kỳ lận đận với thi cử, quyết định về làng mở trường dạy sách thánh hiền cho con cháu và dân chúng trong huyện La Sơn. Bởi vậy người trong huyện gọi cụ là La Sơn Phu Tử. Cụ Nguyễn và cụ Nghè nể nhau về tài học, trọng nhau về đức độ. Riêng cụ Nghè Văn Tiên kính trọng La Sơn Phu Tử về cái kiến thức thông thiên bác cổ. Có lần, trong tiệc rượu tân niên bên nhà quan huyện Hương Sơn, cụ Nghè nói,

— Thời Tam Quốc có Ngọa Long tiên sinh nằm trong nhà cỏ nhưng vẫn biết thiên hạ sẽ chia ba. Bây giờ Bắc Hà có Nguyễn tiên sinh. Một đời lận đận với thi cử, không mấy khi rời bước khỏi làng, nhưng những chuyện trong thiên hạ không đâu cụ không biết. Đến là tài.

Quan huyện Hương Sơn vuốt râu khẽ góp ý,

— Nghe nói La Sơn Phu tử còn biết cả đông y.

Cụ Nghè Văn Tiên tiếp lời,

— Quan nói đúng. La Sơn Phu Tử chính là một vị đông y tài sánh với Hải Thượng Lãn Ông của huyện nhà. Có nhiều con bệnh hiểm nghèo, thầy thuốc chê, người nhà chuẩn bị áo quan, tìm kiếm mộ phần. Đưa đến tiên sinh, ngài cứu sống bẩy tám. Trong thời gian dạy học tại kinh đô, Phu Tử và Lãn Ông vẫn thường xuyên gặp gỡ trao đổi về đông y học. Trong thời gian chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán, có hai ba lần Hải Thượng Lãn Ông triệu mời Nguyễn tiên sinh tới Phủ Chúa chẩn mạch cho Thế Tử tại lầu Tử Các. Bởi vậy có lần Hải Thượng Lãn Ông vắng nhà, hình như vô rừng hái thuốc, trong khi đó Chúa Trịnh Khải ngã bệnh nặng. Có người chợt nhớ tới vị đông y bạn của Hải Thượng Lãn Ông. La Sơn Phu Tử lập tức được triệu mời vào kinh đô. Chỉ qua hai thang thuốc, Chúa Trịnh dần dần hồi phục. Từ đó Chúa coi tiên sinh là đại ân nhân, ăn cơm mời ngồi cùng mâm. Biết tiên sinh là người thông thiên bác cổ, Thái Thượng Hoàng và Chúa Trịnh thường xuyên mời ra kinh đô vấn kế. Nếu không có nạn quân Ó, có lẽ tiên sinh đã về lại kinh thành Thăng Long làm việc hẳn trong Phủ Chúa rồi. Có lần thân mẫu của La Sơn Phu Tử ngã bệnh. Nếu không có nhân sâm trong Phủ Chúa, e khó sống. Tiên sinh lên kinh đô diện kiến Chúa Trịnh. Chính tay Chúa Công mở cửa kho thuốc, trao một lạng nhân sâm cho tiên sinh.

Cụ Nguyễn rót nước trà mời khách, những giọt nước trà óng ánh mầu mật ong,

— Mời cụ Nghè.

— Không dám. Mời cụ.

Cụ Nghè Văn Tiên đưa chung trà mầu nâu đỏ nhỏ tựa hột trứng gà con so lên miệng. Uống một ngụm, cụ đặt chung trà xuống mặt bàn.

— Hương trà thơm. Mới đưa vào miệng, vị chát. Nhưng nuốt vào tới cổ họng, vị ngọt đượm quanh cần cổ. Cụ đặt mua trà này ở đâu vậy?

— Tôi có người cháu gọi bằng bác từ phía Đàng Trong gửi tặng. Người Nam Hà họ cũng có nhiều loại trà khá lạ. Tôi thoạt tiên cứ tưởng thằng cháu mua của người Minh Hương mạn Hà Tiên. Sau mới biết không phải. Trà này của người Nam Hà.

Cụ Nghè ngạc nhiên,

— Trà Nam Hà? Cụ mà không nói, chắc cứ tưởng đang uống trà tàu.

— Trà này người Ðàng Trong gọi là Thanh Hỏa Trà, chỉ xuất hiện trên vùng đất có chất diêm, khí hậu lạnh quanh năm. Thanh Hỏa Trà vị đắng. Mầu vàng tươi, óng ánh như mật ong. Người suy nhược uống vào, thần khí trở lại bình thường. Đặc biệt Thanh Hỏa Trà ngừa và giải được độc tính của lá Hồng Huyết.

Cụ Nghè nhíu đôi chân mày,

— Cụ muốn nói đến Hồng Huyết Lan?

Cụ Nguyễn gật đầu. Cụ Nghè Văn Tiên kể chuyện,

— Ở nhà, tôi có một giò Hồng Huyết Lan do một người thân gửi biếu Tết. Người này dặn đừng tưới nước, đúng giờ Giao Thừa Hồng Huyết Lan sẽ nở. Tôi, tôi chưa bao giờ nghe nói tới Hồng Huyết Lan.

Dừng lại nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt cụ Nghè Văn Tiên dò hỏi. Khe khẽ cười, cụ Nguyễn chậm rãi nói,

— Hồng Huyết Lan chỉ xuất hiện trên mạn ngược. Khi nở, hoa hình trái tim đỏ như máu tươi. Lá cắt nhỏ, phơi khô ba sương bốn nắng. Giã nát thành bột, bột mang tính độc dược. Hồng Huyết Lan dùng đúng liều lượng có khả năng cứu sống người bị thổ tả. Nhưng nếu đốt trên lò than, mùi thơm hơn trầm hương. Người ngửi phải khói Hồng Huyết Lan, sau ba canh giờ, thất khiếu bắt đầu ứa máu mà chết...

(Trích trong tuyển tập truyện ngắn Ốc Mượn Hồn www.nguyentrungtay.com do Dân Chúa Úc Châu sắp xuất bản)