ĐHY Renato Martinô, Chủ tịch Công Lý và Hòa Bình đã nhận định về ĐHY Thuận ra sao?
BANGKOK -- Trong kỳ họp do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình được tổ chức tại Thái Lan vào cuối tháng Giêng 2007 (26-30/1/2007), nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn tấn Dũng có cuộc gặp mặt với Đức Thánh Cha Benedictô XVI, chúng tôi có phỏng vấn về quan điểm của ĐHY Martinô về vần đề này. Một biến cố khác cũng rất quan trọng là trong Hội Nghị các Giám Mục Á Châu vào đầu năm 2007, ĐHY Martinô đã long trọng tuyên bố rằng cuốn sách "Bản Toát Yếu những Lý thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo" là do Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã có công thực hiện. Với cuộc sống anh dũng và nêu gương sáng, Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình đã đưa dự án Phong Chân Phước cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê. Bài phỏng vấn bằng Anh ngữ do LM Trần Công Nghị thực hiện và đã được dịch ra Việt ngữ như sau:
LM Trần Công Nghị và ĐHY Renato Martinô |
Kính thưa ĐHY, chỉ vài ngày trước đây vào ngày 25.1.2007, thủ tướng Việt Nam là Nguyễnt ấn Dũng đã tới gặp ĐGH Benedictô XVI, Tòa Thánh Vatican và Việt Nam có cuộc gặp gỡ và xem ra đang bàn thảo về tiến trình đi tới bình thường hóa ngoại giao. Đức Hồng Y có lời bình luận gì về tình trạng này không?
ĐHY Martinô: Tôi đã đợi bước tiến này từ rất lâu, rất là lâu rồi. Bời vì tôi đã từng có mặt tại khu vực này, miền Đông Nam Á trong nhiều năm, vì thế tôi đã từng quan sát những hiện tượng của Giáo hội tại Việt Nam, và bây giờ với sự kiện thủ tướng Việt Nam thăm Đức Thánh Cha chứng tỏ rằng tình trạng và sự liên hệ giữa Giáo hội và chính quyền Việt Nam bắt đầu trở nên tốt hơn khá hơn. Vì vậy bây giờ chúng ta tiếp tục chờ đợi những bước kế tiếp.
Cha Nghị: Vâng, thưa Đức Hồng Y, đúng vậy, đó cũng là lời tuyên bố của Tòa Thánh sau cuộc họp mặt giữa thủ tướng Việt Nam và Đức Thánh Cha, lời tuyên bố cho rằng, đó là bước đầu rất tích cực, ngoài ra cũng cho biết còn tiếp tục sẽ có những cuộc đàm phán khác nữa về những bước cụ thể. Vậy Đức Hồng Y có thể cho biết những điều đó có phải là tự do tôn giáo, tài sản của Giáo hội, hay là những vấn đề khác còn tồn đọng không, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Martinô: Tất cả những vấn đề nêu trên đều trong những lãnh vực thuộc tiến trình đàm phán giữa Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam. Vì vậy tất cả những gì mà Cha vừa nêu ra sẽ có trên bàn cuộc đàm phán. Vì thế tôi hy vọng sẽ có những kết quả tốt trong những cuộc đàm phán như vậy. Do đó, tôi nghĩ anh chị em Công giáo Việt Nam se rất lấy làm hạnh phúc về những gì đang diễn tiến xẩy ra.
Cha Nghị: Kính thưa Đức Hồng vào tháng 11 năm 2005, ĐHY Sepe đã tới thăm viếng Việt Nam và đã phong chức cho 57 tân linh mục tại Hà Nội, và chắc chắn rằng khi về Roma, ngài đã tường trình về diễn tiến và tình trạng của Việt Nam và cuộc thăm viếng này. Đức hồng y nhận thấy thế nào?
ĐHY Martinô: Dĩ nhiên rồi cuộc thăm viếng của ĐHY Sepe là một cuộc thăm viếng rất thành công và là một phương tiện cho tiến trình này. Và ĐHY Sepe đã trình bầy cho Đức Thánh Cha và cho cả tôi nữa vì tôi cũng là thành viên của Bộ Truyền Bá Đức Tin cho Các Dân Tộc. Do vậy cúng tôi đã được báo cáo đầy đủ và chúng tôi rất vui mừng về việc đó.
Bây giờ tôi muốn loan báo một tin mừng là vào tháng 9 năm nay, sau 5 năm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời. Ngài chính là vị tiền nhiệm của tôi. Với sự cho phép của Đức Thánh Cha, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến trình phong Chân Phước cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là người đã chịu khổ quá nhiều trong thời gian Ngài bị cầm tù, nhưng Ngài là tấm gương cho tất cả mọi người về đời sống Kitô hữu, một đời sống nhân đức.
Cha Nghị: Cám ơn Đức Hồng Y, vậy Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết qua về một vài kinh nghiệm cá nhân riêng tư nào với Đức Hồng Hy Văn Thuận được không?
ĐHY Martinô: Dĩ nhiên. Tuy dù tôi không có nhiều cuộc gặp gỡ với Ngài, chỉ gặp ít lần thôi, nhưng tôi luôn luôn thán phục sự nhẫn nại, sự khiêm cung, và sự luôn luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón tiếp người khác. Vì thế giờ đây tôi cũng muốn xin tất cả mọi người những ai đã từng biết hay từng gặp Đức Cố Hồng Y Văn Thuận, và nếu có gì muốn mang tới cho Ủy Ban lo công tác tiến trình Phong Chân Phước thì cho chúng tôi biết để chúng tôi cho vào hồ sơ tiến trình phong chân phước này.
Cha Nghị: Vâng, thưa Đức Hồng Y, qua công việc Đức Hồng Y đem vấn đề phong chân phước cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận đễ trình với Đức Thánh Cha, chúng con những người Việt Nam rất biết ơn Ngài vì sáng kiến này. Và chúng con hy vọng một ngày nào đó, Đức Hồng Y sẽ có dịp đến viếng thăm nước Việt Nam chúng con.
ĐHY Martinô: Ồ, tôi hy vọng và muốn điều đó rất nhiều. Nhiều năm trước đây, khi tôi đi tới Phi luật tân vào thập niên những năm 1964, 1965, tôi đã ghé qua Saigòn. Tôi đã có những kỉ niệm và kinh nghiệm rất tốt đẹp, đã quá nhiều năm qua rồi... tôi cần cuộc thăm viếng mới làm tươi mát lại kỉ niệm.
Cha Nghị: Vâng, giờ đây đặc biệt với tiến trình bình thường hóa, chúng con hy vọng nếu ngày nào đó, Đức Hồng Y và Đức Thánh Cha có thể thăm Việt Nam, thì chắc chắn tất cả người Việt Nam mong chờ ngày đó, vì chúng con rất kính mến Đức Thánh Cha.
ĐHY Martinô: Tôi hy vọng là thế.