Ngày hôm qua 22 tháng giêng năm 2007, “Abbé Pierre”, Linh mục Henri Grouès đã qua đời hưởng thọ 94 tuổi và lễ quốc táng sẽ được tổ chức tại Nhà Thờ Notre Dame de Paris. Khi được tin Tổng Thống Chirac đã tuyên bố: “ Sự ra đi vỉnh viễn của Abbé Pierre, làm cho toàn thể nước Pháp xúc động tận đáy con tim. Nước Pháp mất đi một khuôn mặt vĩ đại, một lương tâm ngay chính, một tấm lòng nhân ái cao cả.”

Linh mục Pierre được bầu là người được quần chúng yêu mến nhất trong 17 lần. Ngài có dáng người mãnh khảnh, có bộ râu trắng bạc, luôn đội trên đầu một chiếc mũ bêret đen và đeo một đôi kính cận to vành. Vào năm 2003, ngài cũng được bầu là người được dân chúng mê thích vượt trên cả những anh hùng thể thao và những tài tử xi nê của nước Pháp.

Linh mục Pierre suốt đời dấn thân làm việc cho người nghèo, người vô gia cư và những người thất nghiệp. Công việc bác ái được thực hành qua phong trào Emmaus mà ngài đã sáng lập. Phong trào này giúp cho người nghèo sống thành những cọng đoàn giúp đỡ lẫn nhau tự túc và tự lập. Phong trào này đã lan tràn ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Abbé Pierre tên thật là Henri Grouès, sinh vào ngày 15 tháng 8 năm 1912 ở Lyon trong miền Nam nườc Pháp, ngài là con thứ ba trong một gia đình có bảy người con. Từ lúc nhỏ ngài thường theo cha vào các bệnh viện thăm viếng bệnh nhân trong nhóm “Thăm Viếng bệnh nhân” của phong trào Công giáo Tiến hành.

Đến năm 16 tuổi ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở Crest như một Thầy Trợ sĩ. Bảy năm sau ngài được thụ phong linh mục Đến tháng 4 năm 1939, cuộc đời ngài chuyển sang một đường hướng mới, ngài phải rời đời sống chiêm niệm trong thanh vắng để đến một thành phố kỷ nghệ náo nhiệt Grenoble làm cha sở. Chỉ vài tháng sau thì cuộc Thế Chiến II bùng nổ và quân Đức đã tràn qua chiếm đóng nước Pháp. Vị linh mục trẻ tuổi hăng hái gia nhập Phong trào Kháng Chiến, làm những giấy tờ giả mạo để giúp những người Do Thái trốn khỏi chế độ Đức Quốc Xã qua đường Thụy sĩ.. Năm 1943 ngài gặp một nhân vật kháng chiến khác là Lucie Coutaz, sau này cùng dấn thân làm việc cho Phong Trào Emmaus. Trong thời gian này cha Henri mang bí danh là “Abbé Pierre” và tên này trở thành như tên riêng của ngài.

Tên này nằm trong danh sách những người rất nguy hiểm cần phải hủy diệt của cơ quan Mật Vụ Gestapo. Năm 1944, Abbé Pierre trốn thoát được qua nước Tây Ban Nha và từ đó gia nhập Đội quân Giải Phóng của Pháp tại Algers và trở thành Tuyên Úy Hải quân. Khi chiến trận chấm dứt ngài trở về Pháp vào tháng 10 năm 1945, trong cảnh tranh sáng tranh tối, cần có những người trung kiên, Tướng De Gaulle khuyến khích ngài ra ứng cử dân biểu. Ngài đắc cử như một ứng viên độc lập nhưng lại thiên về nhóm xã hội cấp tiến.

Chiến tranh đã biến nước Pháp trở thành một xứ với nhiều người nghèo đói. Bắt đầu Cha Pierre đã mở cửa nhà xứ đón tiếp những người thiếu thốn và vô gia cư mà ngài gặp đang vất vưởng ngoài đường phố. Ngài liền tìm cách tu sửa lại ngôi nhà bỏ trống đang bị hư hỏng ngoại thành Paris ở Neuilly Plaisance, thành một cư xá sinh viên nhờ sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm. Lần đầu có 18 người vô gia cư đến cư ngụ.. Cha Pierre dùng tất cả tiền lương dân biểu của mình mua vật dụng và lương thực và làm thêm một nhà tạm trú trong khu vườn.

Một người đã cọng tác hết mình với ngài tên là Goerge, một cựu tù nhân đã giúp ngài thành lập Phong Trào Emmaus. Sau đó thì có nhiều nhà đuợc tạm thời sửa sang và xây cất dùng nơi tạm trú cho nhiều cọng đoàn Emmaus, và họ được gọi với danh xưng thân mật là “Những người lượm rác Emmaus” (Les Chiffonniers d’Emmaus’), họ tỏ ra rất đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong các cọng đoàn bằng cách học nghề để nuôi sống. Họ đi lượm những dụng cụ sa thải đem sửa chữa để dùng hoặc đem bán lại và dành số tiền đóng góp chung lại với cọng đoàn để có thể tự túc và tự lập.

Trong Quốc Hội, Abbé Pierre, luôn lên tiếng tranh đấu cho những người vô gia cư, không nơi trú ẩn và quyền lợi tối thiểu cho những người bị thất nghiệp đang tràn ngập trong thủ đô Paris, và nêu lên những tệ trạng của xã hội cần phải chấn chỉnh như quyền lợi của những người thợ hầm mỏ ở Meurthe-et-Moselle.

Vào mùa đông năm 1954, thời tiết lạnh bất thường chưa hề từng xẩy ra, mức lạnh xuống dưới 20 độ C. Khi có một người đàn bà vô gia cư vì qúa lạnh nên máu đông lại đã nằm chết ngoài đường phố, thì Abbé đã loan báo tin này trên các Đài Phát thanh cho toàn nước Pháp, làm cho toàn dân bị kích động mạnh và họ đã gởi tới tấp những tiền cứu trợ đến cho Cọng đoàn Emmaus. Câu chuyện này được đóng thành phim vào năm 1989 do đạo diển Denis Amer ‘Un hiver 54’ (Một Mùa Đông 54).

Abbé Pierre nhận biết uy lực của phát thanh và truyền hình, và từ đó ngài dùng các phuơng tiện thông tin trên và chính thức làm phát ngôn viên của những người thiếu may mắn. Dùng tài hùng biện cũng như tâm tình thương yêu những kẻ nghèo đói thiếu may mắn, ngài thúc đẩy các nhà chính trị yễm trợ những công việc của ngài. Ngài thường dùng thời gian kêu gọi trước những cuộc bầu cử để đưa ra những kế hoạch và chương trình của ngài.

Từ lòng nhiệt thành của Abbé Pierre và những nhóm “Đòi quyền có nơi cư trú ‘ nhận thấy bất công và phí phạm khi có rất nhiều nhà cửa bỏ trống ở Paris cũng như ở những thành phố khác của nước Pháp mà hàng triệu người không nơi trú ẩn, họ phải sống ngoài đường phố, dưới gầm cầu, dưới hầm tàu điện hoặc chui rúc trong những ổ chuột quá tải dơ dáy đầy bệnh tật.

Khi nêu lên điểm đó, Abbé Pierre đến Paris và cho những người vô gia cư đến chiếm một nhà trống ở dường phố Rue Du Dragon. Lúc bây giờ Jacques Chirac là Thị trưởng Paris, và Bộ trưởng Nội vụ Balladur bắt buộc phải phản ứng. Hai ông đành phải đến điều đình với Abbé Pierre, vì họ biết nếu dùng luật mà làm mạnh thì cuộc đời chính trị của họ sẽ tiêu tan. Do đó Chirac hứa sẽ tịch thu những nhà bỏ trống vô chủ như một đạo luật của thời 1945 là chính phủ có quyền tịch thâu căn nhà bỏ trống vô chủ để giải quyết nạn vô gia cư.

Mặc dù chính phủ cảm thấy khó chịu vì những đòi hỏi của Abbé Pierre nhưng luôn kính trọng và đối xử tốt với ngài và gọi ngài là “Linh hồn quảng đại của nước Pháp”. Năm 1981 ngài đưọc ân thưởng Huy chương cao quý nhất của nước Pháp là Legion d’Honneur (Bảo quốc Huân chương).

Năm 1988, lúc đã 70 tuổi, ngài trở về sống trong tu viện Saint Wandrille. Vào năm sau khi Đức Gioan Phao lồ II đến thăm nước Pháp ngài được xếp ngồi bên phải của Đức Giáo Hoàng. Đến năm 1992 ngài đem trả lại huy chương Legion d’Honneur cho chính phủ vì họ không gấp rút giải quyết vấn đề nơi cu trú cho người vô gia cư.

Một khủng hoảng khác nữa đã xẩy ra vào năm 1996, là có một vài nhóm quá khích người Do Thái lên án ngài là có tinh thần kỳ thị Do thái, vì ngài đã có vài nhận xét khi bình luận sách của người bạn củ Roger Gadaury khi nhà triết học này viết là trong quá khứ người Do thái cũng có hành động diệt chủng và đã được lịch sử đã ghi lại.

Ở Hoa Kỳ các hội đoàn người Do thái đòi hỏi Giáo Hội Công giáo lên án nhận xét cùa Abbé Pierre. Lúc này ngài đã 83 tuổi, ngài khước từ những lời buộc tội và đã lánh vào trong một tu viện ở Ý để tĩnh tâm trong hai tuần lễ. Ngài nói là ngài phải rời nước Pháp để tránh dư luận “một cuộc vận động phi lý chống đối ngài”.

Những người bênh vực ngài nêu lên người linh mục già nua này một thời đã can đảm, bất chấp mọi nguy hiểm đến tánh mang để đưa người Do thái trốn khỏi chế độ Đức Phát xít không thể là một người chống Do Thái. Họ nói là lời bình luận về quyển sách đã bị xuyên tạc vì câu nói của ngài đã được tách ra khỏi toàn bài khi ngài kêu gọi đem lại hòa bình và công lý cho người dân Palestine.

Sau vụ đó Tổng Thống Chirac đã đền bù lại cho ngài bằng một lần nữa trao tặng ngài huy chương Legion d’Honneur

Ngày nay các Cọng đoàn Emmaus đang phát triển mạnh ở Âu châu, ở Bắc Mỹ và tại Phi Châu. Với khẩu hiệu “Hãy giúp đỡ cho người vô gia cư một nơi trú ẩn... ” Mọi người xin ra tay giúp đỡ, san sẽ cơm ăn áo mặc, hãy đến với Cọng đoàn trong tâm tình khuyến khích những kẻ thiếu may mắn này có một chổ ở, một nghề tầm thường để sinh sống và tự túc.”

Trung tâm điểm của phong trào Emmaus là tình tương thân tương trợ vì chúng ta là người sống trong xã hội chúng ta có bổn phận giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn chúng ta.Trong nếp sống thường nhật chúng ta nên chỉ xử dụng những gì cần thiết mà thôi những gì dư thừa thì nên ban bố cho những người đang cần thiết để sinh sống”