Mới đây thủ tướng VN ông NTD đã ban hành quyết định nhằm thay đổi quyền quản lý khu vực nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trước đây khu vực này thường được gọi là nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà. Điều 1 của quyết định viết như sau: “Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hectare đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương do quân khu 7 bộ quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương.” Từ tay quân đội nay nghĩa trang này được chuyển giao cho chính quyền dân sự tỉnh Bình Dương để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội.”

Đây là lần đầu tiên chính quyền CHXHCNVN đưa ra quyết định chính thức liên quan đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Được biết nghĩa trang này được công binh Quân Lực VNCH khởi công từ năm 1965 để dành mai táng cho 30 ngàn tử sĩ. Sau các trận Mậu Thân 68 và mùa hè đỏ lửa 72, rồi đến các trận lấn đất giành dân sau hiệp định Paris, nghĩa trang này đã chôn cất khoảng 16 ngàn tử sĩ. Sau đó khi miền Nam bị quân đội cs xâm chiếm, tượng Tiếc Thương bị giật sập, một số ngôi mộ bị phá phách. Ngay khi chiếm được miền Nam, chính phủ cs coi nghĩa trang này là khu vực quân sự thuộc bộ quốc phòng. Bộ quốc phòng giao cho quân khu 7 quản trị, có 1 đơn vị đóng doanh trại trên nghĩa trang quân đội này. Việc kiểm soát rất tùy tiện, lúc dễ lúc khó, nhưng nói chung thân nhân của các tử sĩ VNCH vẫn được vào để chăm sóc cho ngôi mộ của người thân. Mặc dù quyết định của thủ tướng NTD chỉ mang tính cách hành chánh, nghĩa là chuyển giao quản lý từ quân đội sang chính quyền địa phương và nhằm đến mục đích dân sự để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương, người dân miền Nam và con cháu của họ trong cũng như ngoài nước đều không thể không xúc động khi đọc bản tin này!

Nghĩa trang quân đội Biên Hoà là nơi yên nghĩ của những người đã từng chiến đấu cho lý tưởng tự do. Đây là điều không thể chối cãi được. Những người đang yên nghĩ trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa là những người đã thật sự hy sinh cho một chế độ tương đối tự do được tồn tại thêm gần 20 năm. Nói cách khác, chính nhờ họ mà việc công sản hóa miền Nam VN được làm cho chậm lại 20 năm. Họ đã chết bằng những cái chết anh dũng. Họ đã chết cho người khác được tự do. Họ hy sinh mạng sống để cho miền Nam Vn được sống và xây dựng cuộc sống chung trong một chế độ tương đối dễ thở. Trong 20 năm đó ai cũng biết rằng mặc dù đang sống trong chiến tranh, người dân miền Nam cũng xây đựng được một cuộc sống cộng đồng, bảo vệ được một lối sống mà ngày nay nhìn lại chúng ta không thể phủ nhận được rằng đó là một lối sống tốt đẹp.

Trong 20 năm đó, khinh tế miền Nam VN phát triển theo lối thị trường, nhiều xí nghiệp ra đời, các công nhân học thêm nghề mới, tập dùng máy móc và thiết bị mới. Các nông dân tập sử dụng cơ khí, và trồng nhiều hoa màu mới. Trong 20 năm đó dĩ nhiên nạn tham nhũng vẫn có đó, nhưng chưa bao giờ miền Nam VN được liệt kê vào những quốc gia tham nhũng nhất thế giới! Trong 20 năm đó, các nhà văn vẫn có tự do để sáng tác; các nhạc sĩ vẫn đặt được những bài ca ngay cả với nội dung chống chính phủ; các nhà báo vẫn được phê bình từ ông Tổng Thống trở xuống các cấp trong chính phủ; chẳng có ai bị chỉ đạo bằng các giáo điều hay phải sáng tác theo đơn đặt hàng của nhà nước. Sinh viên hs và công nhân được quyền biểu tình, các tôn giáo được tự do hoạt động, được có những sinh hoạt nội bộ mà không cần phải xin phép chính phủ. Trong 20 năm đó nhiều trẻ em được đi học miễn phí, nhưng điều quan trọng hơn cả đó là cha mẹ được dạy dỗ con cái những đạo nghĩa của ông bà tổ tiên và mọi người ai cũng biết rằng sống cho ra người là phải sống theo lễ nghĩa và liêm sỉ. Trong 20 năm đó chính nhờ các tử sĩ đang yên nghĩ tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa này mà người dân miền Nam có quyền sống theo một lối sống hoàn toàn khác với xã hội cs không ai đi dò xét hay rình rập hàng xóm của mình; trẻ con không cần báo cáo thái độ chính trị của cha mẹ, các tu sĩ trong các giáo hội không phải làm điềm chỉ viên để tố cáo người đồng đạo của mình. Trong 20 năm đó trẻ em sinh ra ở miền Nam không phải bị nhồi sọ bằng chủ nghĩa Mác Lê hay phải tập nói dối để vươn lên trong xã hội, mà được học những bài học vở lòng về làm người do tổ tiên để lại. Nhờ lối sống tương đối tự do ấy mà các sinh viên miền Nam mới xuống đường biểu tình đòi thêm các quyền tự do khác; các tu sĩ của các giáo hội đi làm việc thiện mà không phải xin phép; các đoàn thể được sinh hoạt mà không bị chính quyền kiểm soát.

Đó là một lối sống bình thường đáng quý.Sau năm 1975, khi những người cs thôn tính miền Nam người ta mới thấy đó là một cuộc sống đáng quí. Cuộc sống ấy càng đáng quí bao nhiêu thì những người bảo vệ cuộc sống ấy thì lại càng đáng được thương tiếc và biết ơn hơn. Nơi yên nghĩ của họ phải là một di tích lịch sử đáng được trân quí. Bởi lẻ nắm mồ của họ là biểu trưng của những hy sinh cao đẹp nhất trong cuộc sống con người. Dù có chiến đấu ở bên nào, bất cứ một người nằm xuống nào cũng đáng được tôn trọng và nhớ thương.

Năm 1802 khi nhà Nguyễn mới lên, tổng trấn Bắc Thành là ông Nguyễn văn Thành đã làm lễ chiêu hồn. Ông đã đọc bài văn tế mà đã được truyền tụng cho đến ngày nay. Ông nói như sau: “ Cho hay sinh là ký mà tử là qui, mới biết mệnh ấy yếu mà danh ấy thọ.” Thiết tưởng cũng cần có một văn tế tương tự cho tử sĩ hai miền Nam Bắc, phải tiếc thương và kính trọng những người nằm xuống. Đó là tình cảm cao quí nhất trong lòng còn người. Nghĩa tử, nghĩa tận; người VN nào mà chẳng nằm lòng câu nói ấy. Ở đâu và thời nào bất cứ ai muốn sống cho ra người phải đều cảm thấy phải đối xử như thế với người chết. Trong bài điếu văn đọc khi khánh thành nghĩa trang Gettysburg nơi chiến sĩ hai miền Nam Bắc đã bỏ mình trong cuộc nội chiến và nhiều người được chôn tại chỗ sau một trận đánh khóc liệt, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã nói lên một ước nguyện như sau: “Làm sao cho những người đã chết không chết uổng để một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bị tàn phai trên mặt đất này.”

20/01/2007