Cản trở lớn nhất trong các quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Hoa là sự tồn tại cùng khắp của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa (CPCA). Đó là vấn nạn nghiêm trọng nhất cho đời sống Giáo Hội, vì nó gây ra sự lủng đoạn các nền tảng tín lý của Công Giáo. Tòa Thánh cần phải tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nó”. Các giới chức lãnh đạo của cả Giáo Hội được nhà nước công nhận và Giáo Hội Thầm Lặng đã cho thông tấn xã Công Giáo AsiaNews biết như trên.

Kiểm soát tư tưởng

GM quốc doanh Phù Tiến San
Được thành lập ngày 2/8/1957 với mục đích khống chế Giáo Hội Công Giáo và đưa đẩy Giáo Hội Công Giáo theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng cộng sản, CPCA đã đóng một vai trò chết người trong cuộc sống của các cộng đoàn Công Giáo Hoa Lục.

Với 3 ngàn tổng thư ký, phó tổng thư ký, chánh văn phòng và cơ man các viên chức địa phương, CPCA khống chế các hoạt động của khối 5 triệu giáo dân Công Giáo sinh hoạt trong Giáo Hội được nhà nước công nhận. Không có hoạt động nào của Giáo Hội loạt qua được những cặp mắt rình mò ngày đêm của bọn giáo gian này: chúng bổ nhiệm Giám Mục, chúng “đề nghị” với các Giám Mục về các bổ nhiệm trong giáo phận, chúng quyết định ai được giảng dạy trong các chủng viện và giảng dạy nội dung gì; chúng đánh giá các ứng sinh nam nữ được tuyển vào các chủng viện và các dòng tu; chúng giám sát các hoạt động quản lý giáo phận.

Vai trò kiểm soát tư tưởng của bọn giáo gian này ít nhiều mang tính chất độc tài. Một giáo dân Công Giáo ở Bắc Hoa Lục cho thông tấn xã AsiaNews biết như sau: “Khi điều gì đó xảy ra trong một giáo phận – thư ký CPCA không báo cho Đức Giám Mục biết nhưng báo ngay cho các cấp lãnh đạo của y ở tỉnh hay ở miền. Chúng tổ chức các cuộc họp bàn thảo xem điều gì phải làm và cách thức đối phó với vấn đề và rồi mới truyền đạt vấn đề và giải pháp giải quyết cho vị Giám Mục”.

Chúng theo dõi và cảnh giác các vấn đề liên quan đến chính trị và buộc các chủng sinh phải học thêm những bài bổ túc hàng tháng và tổ chức sát hạch xem các chủng sinh có “quán triệt” đường lối chưa.

“Dân chủ” trong thần học

Giáo gian Liu Bainian
Trái ngược với sự kiểm soát gắt gao tư duy chính trị, bọn giáo gian trong CPCA hô hào một hình thức “dân chủ” trong thần học với dụng ý lèo lái việc dẫn giải, diễn dịch và nghiên cứu thần học theo đường hướng có lợi cho chế độ độc tài. Trên thế giới huấn quyền tùy thuộc vào các Đức Giám Mục bản quyền và Hội Đồng Giám Mục. Trong khi đó, tại Hoa Lục, huấn quyền nằm trong tay “Hội Đồng Thống Nhất Công Giáo Yêu Nước và Các Giám Mục Trung Hoa”. Hội Đồng này gồm các đại diện của các tổ chức Công Giáo do CPCA chọn, các tổng thư ký của CPCA và một số ít các Đức Giám Mục.

Trên lý thuyết, tất cả các quyết định được đề ra cách dân chủ; nhưng một người Công Giáo khác cho biết, “khía cạnh dân chủ này cũng chỉ là giả tạo: trong thực tế CPCA quyết định tất cả mọi thứ và áp đặt quyết định của chúng trên Giáo Hội. Tại Bắc Kinh, nơi chúng đang chuẩn bị thay thế cho giám mục quốc doanh Phù Tiến San đang đau ốm gần chết, tên các ứng viên đã được công bố và bọn này cho rằng chúng sẽ không chấp nhận một ai khác”

Điều quan yếu là Hội Đồng Thống Nhất Công Giáo Yêu Nước và Các Giám Mục Trung Hoa quyết định mọi thứ, không riêng việc bổ nhiệm các Đức Giám Mục, mà cả các vấn đề liên quan đến thần học, phụng vụ và các phép bí tích. Như vậy, cuộc sống và trung tâm của Giáo Hội phải tùng phục vào các quyết định chính trị và vào “phương thức dân chủ” đang lủng đoạn và hủy diệt chiều kích tông truyền cũng như đức tin Công Giáo.

Trong các thập niên qua, nhiều Giám Mục trong Giáo Hội được nhà nước công nhận đã nhận thức được tình trạng mơ hồ của mình và bí mật xin Đức Thánh Cha tha thứ, hòa giải với Tòa Thánh và chỉ có tên trong danh sách của CPCA cho có lệ. Nhờ vào những trao đổi thường xuyên giữa Tòa Thánh và Trung quốc, và một cởi mở chừng mực của phía nhà nước Trung quốc, Tòa Thánh đã thành công trong việc có được các Giám Mục do mình chọn lựa. Nhưng tình hình vẫn còn bấp bênh như đã được chứng minh trong các vụ tấn phong Giám Mục trái phép đã diễn ra trong năm 2006 vừa qua.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung quốc được cải thiện dần. Nhiều quan chức cao cấp Trung quốc đã bóng gió đưa ra những tuyên bố theo đó nhà nước Trung quốc đã bắt đầu suy nghĩ về vai trò của CPCA trong tình hình mới hiện nay.

Những cuộc tấn phong trái phép trong năm qua là một cố gắng của bọn giáo gian CPCA muốn chứng minh cho người Công Giáo Trung Hoa, đặc biệt là các Giám Mục Trung Hoa thấy chúng vẫn còn có quyền sinh sát trong tay.

Vấn đề nghiêm trọng hiện nay làm nhiều người lo ngại là ít nhất 45 giáo phận trong tổng số 112 giáo phận tại Hoa Lục đang trống tòa hay đang được cai quản bởi các Giám Mục đã quá già yếu. Nếu bọn giáo gian CPCA quyết định tấn phong hàng loạt thì nguy cơ hai Giáo Hội song song sẽ trở thành hiện thực và phá bỏ mọi cố gắng hòa giải mà Tòa Thánh đã bắt đầu tiến hành từ thời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Bắt bớ người Công Giáo Thầm Lặng

Bọn giáo gian CPCA là cớ cho các vụ bắt bớ người Công Giáo Thầm Lặng tại Trung Hoa. Một thành viên trong Hội Đồng Bộ Trưởng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã về hưu cho thông tấn xã Công Giáo AsiaNews biết tại Trung Hoa những người Công Giáo nào từ khước sự kiểm soát của CPCA thì đặt mình vào tình trạng sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp, ông cho biết như sau: “các thành viên của CPCA tiết lộ các địa điểm của các cộng đoàn thầm lặng; họ dẫn cảnh sát đến và buộc cảnh sát phải bắt giữ những người Công Giáo không chính thức”.

Theo hồ sơ về Trung Hoa của thông tấn xã AsiaNews, ít nhất 17 Đức Giám Mục Thầm Lặng biến mất, bị bắt hay biệt giam; 20 linh mục Thầm Lặng đang bị giam giữ. Cuộc ruồng bắt mới nhất diễn ra vào ngày 27/12/2006 với 9 linh mục bị bắt trong đó 5 vị vẫn còn bị giam giữ.

Một Giám Mục được nhà nước công nhận cho biết trong những năm qua bọn giáo gian CPCA ngày càng tỏ ra hà khắc vì sự kiện là “hầu hết các tổng thư ký không phải là người Công Giáo đâu, họ là những kẻ vô thần, mà lại còn nằm trong hàng ngũ các thành phần ác ôn nhất của đảng, những kẻ chủ trương phải hủy diệt mọi tôn giáo hay chí ít cũng phải kiểm tra chặt chẽ các tôn giáo”.

Ngăn chặn bang giao Tòa Thánh và Trung quốc

Chính sách hà khắc của bọn giáo gian CPCA được ghi nhận qua sự gia tăng khủng bố các cộng đoàn Công Giáo Thầm Lặng và tăng cường kiểm soát các cộng đoàn được nhà nước công nhận. Những người Công Giáo được thông tấn xã AsiaNews phỏng vấn cho biết, động cơ của chính sách hà khắc này là do những tiến bộ tuy vẫn còn hạn chế trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh sau chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Rocher Etchegaray. “CPCA hiện nay là trở ngại duy nhất thực sự trên con đường tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao họ cản trở mọi bước tiến của nhà nước và cho rằng không có nhu cầu cho các mối quan hệ với Tòa Thánh vì Trung quốc mạnh và đầy uy quyền. Tòa Thánh cần phải tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nó”.

Các vụ tấn phong trái phép vừa qua cũng là một thủ đoạn của bọn giáo gian CPCA muốn gây căng thẳng giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh.

Một yếu tố khác gây ra căng thẳng nữa là sự gia tăng các tín hữu công khai bày tỏ sự trung thành với Đức Thánh Cha và Giáo Hội Công Giáo, cũng như sự gia tăng các thái độ khinh miệt và xem thường bọn này trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo và CPCA trong những năm gần đây càng gia tăng trước các vụ tranh chấp đất đai của Giáo Hội. Theo luật lệ Trung quốc, các tài sản của Công Giáo do bọn Hồng Vệ Binh tịch thu trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa phải được trao trả cho Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, các thành viên CPCA và bộ Tôn Giáo Vụ Trung quốc đã chiếm dụng làm của riêng và bán nhiều sở đất cho nước ngoài xây dựng khách sạn để bỏ túi một số tiền. Theo Holy Spirit Study Centre đặt trụ sở tại Hương Cảng, số tiền bọn giáo gian bỏ túi riêng lên đến 130 tỷ nhân dân tệ (13 tỷ Euro).

Đưa đất nước đến chỗ làm trò cười cho gia đình nhân loại

Đức Hồng Y Giuse Trần Như Quân, Giám Mục Hương Cảng, đã nhận định về bọn giáo gian Trung Hoa như sau trong biến cố tấn phong Giám Mục trái phép hồi tháng Mười Một vừa qua như sau:

Khó có thể hiểu được làm sao lại có những con người kiên trì hoạt động cho sự huỷ diệt. Dưới lớp áo phục vụ Giáo Hội, họ hoạt động chống lại sự hiệp nhất của Giáo Hội. Việc tấn phong bất hợp pháp một giám mục tại Xuzhou ngày 30/11 làm rõ cách thế những con người đặc quyền đặc lợi đang sợ hãi rằng Giáo Hội một ngày kia có thể hoạt động bình thường và tự do theo Giáo Luật của mình.

Những tổ chức ngoại vi đối với Giáo Hội tiếp tục dùng quyền lực đã được Nhà Nước ban bố để ủng hộ các tín hữu lầm lạc và phương hại lợi ích thực sự của Quốc Gia.

Điều xảy ra lần này còn nghiêm trọng hơn những gì đã diễn ra hồi cuối Tháng Tư và đầu tháng Năm vì:

1) Lần đó, Tòa Thánh đã minh định rõ ràng hơn một lần rằng những việc tấn phong trái phép như vậy là những vi phạm nghiêm trọng đưa đến những vạ đã được quy định trong Giáo Luật.

2) Chính quyền trung ương, trước những sự kiện này, đã mời đoàn đại biểu Tòa Thánh đến Bắc Kinh và hứa không đưa ra thêm những vụ tấn phong như thế nữa.

3) Để đạt được mục đích của họ, các biện pháp họ sử dụng lần này không chỉ gồm đe dọa, dụ dỗ và lường gạt, nhưng kể cả giam giữ và bắt cóc bằng bạo lực!

Họ cố gán trách nhiệm lên giáo hội địa phương, lên một giám mục đã 94 tuổi! Những chuyện đó thật khôi hài.

Xuất phát từ tình yêu Nước và yêu Giáo Hội, chúng tôi thỉnh cầu các nhà lãnh đạo cao nhất xin đừng tiếp tục để cho những người bất kể đến lợi ích thực sự của Đất Nước tiếp tục làm phương hại Giáo Hội chúng tôi, làm thương tổn tình cảm của vô số các tín hữu, và đưa Đất Nước chúng ta đến chỗ làm trò cười cho gia đình nhân loại trên thế giới.

Trên căn bản tối cao của sự hài hòa, tôi thỉnh cầu quý vị đưa ra một quyết định mạnh mẽ để khởi đầu một cuộc đối thoại cần thiết với Tòa Thánh, để tìm ra một cách thế thích hợp cho cả hai bên, Nhà Nước và Tòa Thánh, để Giáo Hội tại quốc gia chúng ta có thể hoạt động bình thường và các tín hữu có thể vui mà đóng góp công sức chính họ cho ích lợi thực sự của Đất Nước.”