LỄ HIỂN LINH: Ánh sao Bê-lem vẫn chưa lịm tắt



Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta long trọng cử hành Lễ Hiển Linh. Mầu nhiệm “Hiển Linh” có nghĩa là “Thiên Chúa biểu lộ thần tính của Ngài”, Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta. Với Phụng vụ lễ Hiển Linh, Giáo Hội muốn nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa vẫn còn “Hiển linh” cho nhân loại, vẫn còn tỏ mình cho chúng ta qua mầu nhiệm “Ngôi Hai Nhập Thể. Chúng ta cử hành lễ Hiển Linh hôm nay trong bối cảnh một năm dương lịch mới bắt đầu và cùng với toàn Dân Chúa Việt nam hân hoan lên đường trong định hướng “Sống đạo hôm nay” để chiếu giải niềm tin Kitô giáo trên mọi nẻo đường cuộc sống.

Giờ đây, chúng ta hãy thành tâm sám hối để xứng đáng cử hành Thánh lễ.

Giảng Lời Chúa

Phụng vụ lễ Hiển Linh có thể nói được là tràn đầy chất thi ca và biểu tượng. Ngay từ ca Nhập lễ, Phụng vụ đã chúc tụng Thiên Chúa trong cái uy linh rạng rỡ của Vị Vua trở về chấp chánh đăng quang :

“Nầy đây, Chúa thống trị ngự đến. Nắm trong tay quyền vương đế uy hùng…”

Nhưng có lẽ khi đọc thánh thi của giờ kinh Phụng vụ Sáng chúng ta mới thấy rõ cái chất nên thơ và biểu tượng của Phụng vụ Hiển Linh :

Hởi các bạn người đi tìm Chúa,

Ngước mắt lên thẳng ngó trời cao,

Kìa xem điềm lạ ánh sao,

Hào quang rộng tỏa khắp bầu không trung.

Ngôi sao ấy ngời trong vẻ đẹp,

Ánh trời hồng nối kết trăng thanh.

Báo tin hội lớn hình thành,

Kitô Cứu Chúa mặc thân xác người…

Trong khi đó, qua ngôn ngữ của phụng vụ và Thánh kinh, chúng ta gần như được mách bảo : Hiển Linh là công trình của Thiên Chúa (Thiên Chúa tỏ mình, Thiên Chúa mặc khải, Thiên Chúa hiển linh), nhưng đồng thời cũng là sự đáp trả của loài người (con người ra đi tìm kiếm, dõi theo ánh sao lạ, cung bái Hài Nhi….)

1. Hiển linh : công trình của Thiên Chúa :

Để nhấn mạnh nội dung nầy, có người đã bảo : “Cuốn Kinh Thánh chỉ là một tiếng kêu mãi vang dội : Thiên Chúa khát khao tìm kiếm nhân loại. Từ sách Sáng Thế, cuốn sách mặc khải đầu tiên của bộ Kinh Thánh, Thiên Chúa đã lên tiếng : "Adong, Ngươi ở đâu ?" cho đến sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh Thiên Chúa lại lên tiếng : "Đây, Ta đứng trước cửa và Ta gõ ! Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào với nó, và Ta sẽ dùng bữa với nó và nó với Ta ". (Kh 3,20).

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất về sự khao khát của Thiên Chúa đó chính là hình ảnh và tiếng kêu của Chúa Giêsu vào Chiều Thứ Sáu trên đồi Sọ : “Sau đó, biết mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Ngài nói : " TÔI KHÁT " (Ga 19,28).

Lòng khát khao nhân loại của Chúa quả thật lớn lao.” Vì thế, không lạ gì, Thiên Chúa luôn tìm cách để “đi ra khỏi chính mình”, tự giới thiệu mình, tự mặc khải mình cho nhân loại để nhân loại nhận biết, đáp trả, mến yêu và thực thi chương trình của Ngài. Trong suốt chiều dài của lịch sử cứu rỗi, chúng ta đều nhận ra những cuộc hiển linh mang ý nghĩa đó : Từ “Bụi gai bốc cháy” nơi hoang mạc Mađian, hay khói bốc, lửa dậy, sấm chớp vang trời trên đỉnh núi Sinai, rồi tiếp đến Biển Đỏ rẽ nước làm đôi, cột lửa, cột mây đưa đường dẫn lối, rồi nào Manna, chim cút, nào mạch nước chảy ra từ núi đá ở Meriba…Sau cái thời “Xuất hành” với muôn cuộc hiển linh uy hùng rạng rỡ ấy, các sứ ngôn lại tiếp tục loan báo những cuộc “xuất hành mới”, những cuộc “trở về chiến thắng của Thiên chúa các đạo binh” cũng không kém uy nghi xán lạn, như lời của sứ ngôn Isaia trong BĐ 1 hôm nay :

“Kìa bóng tôí bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp, kéo đến với ngươi…”

Cũng có đôi khi Chúa hiển linh qua những sự kiện hay con người rất dung dị giản đơn : Trên núi Horeb, Chúa đã hiển linh cùng Tiên tri Ê-li-a trong cơn gió hiu hiu thoảng qua. Nhất là khi bước qua thời Tân ước, Thiên Chúa đã hiển linh hoàn toàn trong khung cảnh dịu hiền, êm ái như chúng ta đã chứng kiến trong suốt Mùa Giáng Sinh nầy : Chúa hiển linh qua “hang lừa máng cỏ nơi hang đá Bê-lem, Chúa hiển linh qua đoàn hợp xướng của Thiên Thần khi báo tin cho các mục đồng, Chúa hiển linh cho các nhà đạo sĩ Phương Đông dõi mắt theo ánh sao lạ, Chúa hiển linh trên đôi tay già nua của cụ Simêon, Chúa hiển linh trong chú bé Giêsu khiêm nhường vâng phục cha mẹ trong suốt 30 năm trường ẩn dật tại quê nghèo Na-da-rét…

Và rồi, công cuộc “hiển linh” như thế, không phải đã khép lại với ánh sao Bê-lem cách đây 2000 năm, bỏ lại một thế giới “của bạo chúa Hê-rô-đê” với bóng đêm của lầm lạc, đui mù, ác độc, tăm tối. Không, kể từ khi Con Một được ban tặng cho thế giới, kể từ khi “Vị Hoàng Tử Bình An đã chấp chánh đăng quang”, cho dù một cuộc đăng quang chẳng giống ai : với mảo gai và thập giá, với tủi nhục và đau thương, với ngày Thứ Sáu thảm sầu trên đồi Sọ…thì một “luồng sáng đã chiếu rọi khắp địa cầu”, Thánh Linh với lửa sáng rạng ngời đã nhen lên khắp cùng bờ cõi trái đất. Suốt 2000 năm nay, ánh sao Bê-lem đã hóa thân trong hàng hàng lớp lớp “bước chân Nhân chứng”, trong những vị đại thánh vang danh ngàn đời hay trong những thân phận kitô hữu khó nghèo khiêm hạ. Những “ngôi sao Bê-lem sống” ấy đã tung chân khắp bốn phương trời để công bố Tin mừng cứu độ, để lôi kéo muôn dân trở về chiêm bái hài Nhi Giê-su, hay âm thầm sống thánh thiện với hy sinh nguyện cầu nơi thâm nghiêm của viện tu hay hạnh phúc trong các mái ấm gia đình…để làm thành một đoàn dân đông đảo cùng tháp tùng tiến về phía trước, phía của tin yêu và hy vọng, phía của tình yêu sự thật và sự sống.

Thánh Phaolô đã xác nhận điều nầy trong thư gởi giáo đoàn Ê-Phê-sô mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2 hôm nay :

“…nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”

2. Hiển linh : chuyện của loài người :

Thế nhưng, nếu “Hiển Linh” chỉ là ”chuyện riêng của Thiên Chúa” mà không liên quan gì đến nhân loại, thì cử hành hôm nay chẳng qua cũng chỉ là kỷ niệm, cũng chỉ là nhắc lại một huyền thoại, một chuyện cổ tích để mua vui. Hoàn toàn không như thế. Bởi vì, Hiển Linh cũng là chuyện của chúng ta, của toàn nhân loại. Bởi vì “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”. (Is 9,5 )

Quả thật, hình tượng Ba Nhà Đạo Sĩ phương đông lên đường dõi theo ánh sao lạ, vượt qua muôn dặm hành trình để về tới máng cỏ Bêlem chiêm bái Hài Nhi Cứu Thế, đã minh họa rõ nét ý nghĩa nầy. Và đó cũng chính là điều căn cốt của niềm tin Kitô giáo, niềm tin lên đường, niềm tin khám phá, niềm tin gặp gỡ, niềm tin đối thoại, và nhất là niềm tin khao khát, như cảm nhận từ xa xưa của các tác giá thánh vịnh :

" Hai tay cầu Chúa giơ lên

Hồn con khát Chúa như miền đất khô ". (Tv..142,6..,)

" Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa

Trong thâm tâm những kiềm tìm khắc khoải " (Is 26,9)

" Linh hồn con đã khát khao Ngài

Tấm thân này mòn mỏi đợi trông

như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước " (Tv.62)

Hay như kinh nghiệm nội tâm của Thánh Giáo Phụ Augustinô : “Hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Tóm lại, nếu “Hiển Linh” đó là mầu nhiệm “Thiên Chúa tỏ mình” thì đây cũng là lời mời gọi chúng ta lên đường tiến về phía của Thiên Chúa, của hang đá máng cỏ, của Ngôi Lời Nhập Thể, của Đấng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.

Tuy nhiên, để đến được với Thiên Chúa, chúng ta phải “lên đường”, phải ra khỏi cái tôi của mình, phải tiến bước trên con đường của “ánh sao Lời Chúa”, phải thức dậy khỏi giấc ngủ triền miên của biếng lười và tự mãn để nghe theo tiếng gọi của “Tin Mừng”. Chỉ với một “đức tin hành động” đó, chúng ta mới “tới được Bê-lem như các đạo sĩ phương đông xưa”, như các mục đồng ở Bê-lem hai ngàn năm trước. Và khi đã gặp Chúa, chúng ta còn phải biến mình thành những “vì sao rực lên trong đêm tối” để đưa đường dẫn lối cho bao anh chị em xung quanh đang còn ở trong những chân trời xa cách Thiên Chúa và ánh sáng cứu độ của Ngài.

Chúng ta hãy cầu cho nhau được Thiên Chúa biến đổi cuộc sống chúng ta thành “những ánh sao của “lòng tốt”, của liêm chính, của quảng đại, khoan dung, của niềm vui và hy vọng…để rọi chiếu vào một thế giới đang còn quá nhiều bóng tối của sự ác, sự dữ, của dối trá lọc lừa, của bất công, hận thù, tham lam, ích kỷ…Và đó chính là của lễ sẽ làm hài lòng Hài Nhi Giê-su hơn mọi thứ quà tặng khác. Amen