"TRÀN ĐẦY VÀ THẤM NHUẦN" CHÚA THÁNH THẦN NHƯ MẸ MARIA

Nhân dịp những sự cố tràn đầy máu và bạo động đã và đang xảy ra đó đây, trên thế giới cũng như trong lòng Quê Hương, một số người đã lên tiếng, diễn tả quan điểm và lập trường của họ. Đó là quyền lợi làm người cần được những người khác lắng nghe và trân trọng. Tuy nhiên, lắng nghe không có nghĩa là đồng ý. Trân trọng chưa hẳn là « rập khuôn hay là nhắm mắt lặp lại, thi hành ý kiến của người khác, một cách máy móc và tự động ».

Trong khi đó, những thành viên khác có thể đã chọn lựa một lối nhìn hay là một thái độ hoàn toàn khác biệt. Tác phong « thinh lặng » của họ chưa hẳn có ý nghĩa là « hèn nhát và đồng lõa », đối với các lực lượng đàn áp, độc tài và quân phiệt đang có mặt trong lòng xã hội và nhân loại.

Hẳn thực, khi ý thức một cách sáng suốt về bản sắc làm người, tôi tìm cách khẳng định quyền tự do chọn lựa và phát biểu của mình. Đồng thời, tôi cũng có trách nhiệm tôn trọng tính khác biệt và phát huy quyền làm người của những ai không cùng chia sẻ quan điểm với tôi.

Trong tinh thần và ý hướng ấy, NÓI chưa hẳn là một hành vi luôn luôn can đảm và sáng suốt. KHÔNG NÓI phải chăng chỉ là dấu hiệu của một tâm hồn bạc nhược, bệnh hoạn ? Lên tiếng đả kích một thái độ, một cách làm, một nếp sống chưa hẳn chỉ là tập tục của loại người « ăn không ngồi rỗi ». Thinh lặng thường khi là cao quí, hướng thượng. Nhưng lắm lúc, đó cũng là một cách chối từ bản sắc, trốn tránh trách nhiệm, hay là dấu hiệu của một tâm hồn hèn nhát, bạc nhược, không dám trình bày con người trung thực của mình.

Nói tóm lại, trong đời sống làm người, không bao giờ có sẵn một con đường độc lộ, bất biến, để cho tôi có thể nhắm mắt đưa chân, lặp lại một cách máy móc và tự động, những gì đã trở nên một lối mòn « xưa bày nay làm ». Trái lại, từng ngày, tôi phải SÁNG TẠO. Từng ngày tôi phải quyết định lại, chọn lựa lại. Tìm ra con đường cần dấn bước, để diễn tả nhu cầu và nguyện vọng của mình. Đồng thời tôi còn có bổn phận không ngừng phát hiện những phương thức hữu hiệu, nhằm phục vụ anh chị em đồng bào, trong lòng Đất Nước và xã hội, nhất là những thành phần nghèo khổ, bị áp bức, bốc lột, không có tiếng nói, không được ai lắng nghe.

Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ muốn phát biểu với tư cách một người Kitô hữu. Tôi cố quyết sống Đức Tin của mình, bằng cách ngày ngày « lắng nghe và thực hiện Lời Chúa », thể theo mẫu thức của Đức Maria. Tôi làm công việc « ghi nhận tất cả vào lòng », để suy niệm và phát hiện con đường, mà Chúa Thánh Thần đang soi sáng và đề nghị cho tôi, xuyên qua từng biến cố xảy ra, trong cuộc đời (Lc 1, 34-38).

Lối nhìn Đức Tin của tôi bao gồm những trọng điểm sau đây :

1.- SỐNG VÀ LÀM CHỨNG TIN MỪNG

Trong mọi tình huống, cho dù khốc liệt, éo le đến đâu chăng nữa, không một lực lượng trên trời hoặc dưới đất nào, có thể cấm cản tôi tuyên xưng và rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, xuyên qua cuộc sống thường nhật.

Hẳn thực, theo lối nói của Thánh Phaolô, rao giảng về Thánh Giá là một sự « điên rồ, dại dột », đối với những người không sống Đức Tin vào Đức Kitô (1Cr 1, 18). Nhưng đối với những người bước theo Ngài, đó là « sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa ». Thánh Giá nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ, mà Thiên Chúa Ngôi Cha đã cưu mang, ấp ủ, từ trước khi tạo thành trời đất, vũ trụ.

Không đi qua con đường Thánh Giá và Khổ Đau, Đức Kitô sẽ chẳng bao giờ « Làm Người », một cách thực sự và trọn vẹn. Ngài chưa phải là con người hoàn toàn giống như mỗi người trong chúng ta. Tại Vườn Cây Dầu, trước viễn ảnh của những cực hình đang chờ đợi, Ngài đã lo sợ đến độ toát ra mồ hôi và máu, trên khắp thân mình. Suốt thời gian bị đóng đinh vào Thánh Giá, Ngài đã xuống tận « đáy sâu vực thẳm » của đời sống nhân loại. Không mang vào mình tât cả mọi chiều kích làm người như vậy, làm sao Ngài có thể đại diện và thay thế chúng ta, trước nhan thánh của Thiên Chúa Ngôi Cha. Khi khoác trên mình và chứng nghiệm những gông cùm của con người từ trước cho tới nay, Ngài mới có khả lực cầu xin Ơn Cứu Độ cho chúng ta, một cách đắc lực và hữu hiệu. Ngài nhận làm của mình mọi lời khổ đau đang rên siếc âm ỉ và tràn ngập khắp cõi lòng của nhân loại.

2.- ĐỨC KITÔ ĐÃ ĐÓN NHẬN MỌI KHỔ ĐAU VỚI SỨC MẠNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN.

Một đàng, như vừa được trình bày, Đức Kitô là con người thực sự và trọn vẹn, hoàn toàn giống như chúng ta. Đàng khác, nếu Đức Kitô chỉ là con người thuần đơn, cơ hồ chúng ta, Ngài sẽ chẳng bao giờ có khả năng làm Đấng Trung Gian, ban phát mọi Hồng Ân của Thiên Chúa cho nhân loại. Nét khác biệt cơ bản giữa Ngài và chúng ta, là sự có mặt của Chúa Thánh Thần với Ngài và trong Ngài :

- Suốt cuộc đời làm người, trong mỗi ngôn ngữ và hành động, Đức Kitô luôn luôn được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và nâng đỡ.

- Trên Thánh Giá, Ngài đã can trường đón nhận mọi khổ đau, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

- Cũng vậy, Ngài đã Sống Lại với tất cả quyền năng vi diệu của Chúa Thánh Thần.

- Thánh Thần của Ngài cũng là Thánh Thần của Ngôi Cha. Nhờ đó, Ngài có khả năng tự đồng hóa với Ngôi Cha : « Cái gì của Cha cũng là của Con » (Ga 17, 10).

- Nhất cử nhất động, trong tất cả những điều Ngài nói, trong mọi việc Ngài làm, Chúa Thánh Thần là động cơ thúc đẩy, là ánh sáng chiếu soi. Hẳn thực, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ngài đã giữ thinh lặng trước mặt quan trấn Philatô (Mt 27, 12-14), và vua Hêrôđê (Lc 13, 9).

- Trái lại, cùng với Chúa Thánh Thần, Ngài đã khiêm khắc lên tiếng khiển trách hành vi bạo động của Phêrô, đã rút gươm chém một tên đầy tớ đứt tai : « Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay là anh tưởng Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì Lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy » (Mt 26, 52-55).

Nói tóm lại, Chúa Thánh Thần là sự sống, hơi thở và bản sắc của Ngài, suốt thời gian Ngài nhập thể làm người, từ lúc sinh ra, cho đến khi bị giết trên Thánh Giá.

3.- CHÚA THÁNH THẦN CÓ MẶT TRONG MỖI NGƯỜI KITÔ HỮU.

Theo giáo lý của Thánh Phaolô, cũng một Chúa Thánh Thần ấy đã ngự xuống trên người Kitô hữu, từ ngày họ lãnh nhận Phép Bí Tích Rửa Tội. Nhờ quyền năng tác động của Ngài, chúng ta trở thành chi thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Chúng ta có khả lực gọi Thiên Chúa là Cha : « Áp-Ba, Cha ơi » (Gl 4, 6).

Trong tinh thần và ý hướng ấy, để có thể sống Đức Tin vào Đức Kitô, và làm chứng Tin Mừng của Ngài, trên khắp mọi nẻo đường của Quê Hương và thế giới, chúng ta cần phải « tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần ». Ngài là Đấng đưa đường chỉ lối cho chúng ta, trong những điều chúng ta nói, cũng như trong mọi việc chúng ta làm. Khi tâm hồn chúng ta là Đền Thờ của Ngài, tự khắc chúng ta là những sứ giả mang Tin Mừng Yêu Thương và Hạnh Phúc, Bình An và Tha Thứ, cho tất cả anh chị em đồng bào, đồng loại đang sống hai bên cạnh chúng ta. Thay vì lên tiếng tố cáo, phê phán, mạ lị, chửi bới, đe dọa…chúng ta hãy « thổi Thần Khí và chúc lành Bình An cho mọi người », giống như điều Đức Kitô đã làm, trong ngày Phục Sinh (Ga 20, 19-30).

Đến gần chúng ta, người thiện cũng như kẻ ác, đều nhận được Ân Huệ Thứ Tha, cơ hồ một bóng mát bao la, giữa trưa hè đốt cháy. Khi tiếp xúc với chúng ta, người tốt thấy mình tốt hơn trước. Người xấu cũng không bị kết án, tố cáo, khinh miệt và loại trừ. Với chúng ta là người đang cưu mang và tràn đầy Chúa Thánh Thần trong cõi lòng, người đen cũng như người trắng, Do Thái cũng như Hi Lạp, chủ ông cũng như nô lệ, phe bên nầy cũng như phía bên kia, ai ai cũng cảm thấy mình được an lành.

Nói tóm lại, khi chúng ta tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần, tâm hồn và gương mặt của chúng ta tỏa ra bầu trời bao la và đại dương bát ngát, kêu mời và đón nhận mọi cánh chim từ bốn phương thiên hạ. Cho nên, trong cuộc sống làm người, cũng như trên mỗi chặng đường làm chứng Tin Mừng của Đức Kitô, ai chọn lựa con đường thinh lặng, cứ tiếp tục đi con đường thinh lặng của mình, MIỄN LÀ người anh chị em hai bên cạnh nhận biết tiếng nói của Chúa Thánh Thần, trong tác phong và thái độ thinh lặng của người ấy. Ai có khả năng phát biểu những ý kiến và lập trường, cứ tiếp tục lên tiếng khẳng định con người và lối nhìn của mình, MIỄN LÀ ngôn ngữ và tác phong phát biểu của người ấy có khả năng gieo vãi những Hồng Ân Yêu Thương và Hạnh Phúc, cũng như An Bình và Tha Thứ của Chúa Thánh Thần, cho mọi người đang chung sống hai bên cạnh.

4.- KHI NHỮNG BẤT ĐỒNG XUẤT HIỆN …

Khi những bất đồng xuất hiện giữa chúng ta, Chúa Thánh Thần lúc bấy giờ là ĐIỂM QUI CHIẾU đầu tiên và cuối cùng, để mỗi người trong chúng ta có thể tìm ra con đường giải quyết. Chính Ngài thúc giục những thành viên khác nhau, như tay, chân, xương, da, máu thịt…ra sức phát huy những tác vụ độc đáo hay là những đặc sủng của mình. Đồng thời, cũng chính Ngài là Sợi Dây kết hợp chúng ta lại với nhau, trong cùng một Thân Thể Mầu Nhiệm duy nhất của Đức Kitô, là Hội Thánh của Ngài.

Trong sách Công Vụ, ở hai chương 20 và 21, Thánh Luca đã tường thuật cách giải quyết của Hội Thánh sơ khai, khi Thánh Phaolô và các đồ đệ của Ngài đang có những dự phóng hoặc nguyện vọng không ăn khớp với nhau. Hẳn thực, sau khi được Chúa Thánh Thần thúc đẩy từ bên trong nội tâm, Thánh Phaolô nôn nóng chuẩn bị trở về Giêrusalem, để lãnh nhận « xiềng xích và gian truân », mà Thiên Chúa đã sắp xếp cho Ngài (Cv 20, 22-23). Trong cùng một lúc, bạn bè thân tín và đồ đệ của Ngài cũng được Thần Khí soi sáng, tìm cách cản trở Ngài, thành khẩn yêu cầu Ngài đừng lên Giêrusalem (Cv 21, 4-12).

Sau khi hiểu rõ tình huống và những ý kiến bất đồng ấy, Thánh Phaolô và các đồ đệ của Ngài đã quì gối và cùng nhau cầu nguyện (Cv 20, 36; 21, 4, 12, 14) : « Xin cho Ý Chúa được thể hiện ».

Trong thể thức giải quyết vấn đề này, chúng ta dễ dàng nhận ra cách làm của Đức Kitô, ở tại Vườn Cây Dầu (Lc 22, 41-42). Ngài đã quì xuống cầu nguyện, để Thánh Ý của Ngôi Cha trở nên rõ ràng và trong sáng cho Ngài, nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu và hướng dẫn từ bên trong nội tâm.

Với Đức Kitô cũng như với chúng ta, Chúa Thánh Thần không bao giờ cưỡng chế hay là áp đặt, từ bên trên hoặc bên ngoài. Ngài sử dụng tiếng nói của Tình Yêu, để kêu mời và soi sáng. Nói khác đi, đối với Đức Kitô, cũng như đối với những ai dấn bước đi theo Ngài, Tình Yêu là câu trả lời, cho mọi vấn đề xuất hiện trong lòng cuộc sống. Thánh Ý của Thiên Chúa là Tình Yêu. Và chỉ có tâm hồn tràn đầy Tình Yêu, mới có khả năng đáp lại Tình Yêu của Ngài.

Một cách đặc biệt, trong lãnh vực Đức Tin, Tình Yêu vừa là ngôn ngữ, vừa là lối nhìn, vừa là quan hệ, vừa là tác phong của những tâm hồn tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần.

Theo lối nói của Thánh Augustinô, hãy Yêu, rồi bạn có thể chọn lựa Thinh Lặng.

Hãy Yêu, rồi bạn có thể phát biểu, đánh giá, trình bày những nhận xét một cách khách quan, với sứ điệp ngôi thứ nhất « TÔI », thay vì vơ đũa cả nắm, giận cá chém thớt hay là suy bụng ta ra bụng người…

Ama et fac quod vis. Hãy tràn đầy Tình Yêu, để có thể tiếp xúc, trao đổi và thông đạt với người anh chị em, xuyên qua ngôn ngữ chính xác, đặt nền tảng trên những sự kiện cụ thể và khách quan. Hãy tràn đầy Tình Yêu, để có khả năng thinh lặng, lắng nghe tiếng kêu « cầu cứu » của những người anh chị em đồng bào, đồng loại đang khổ đau, mặc dù tác phong bên ngoài của họ đang còn tràn đầy chia rẽ, hận thù và bạo động.

Tình Yêu và Tha Thứ phải chăng là danh hiệu, bản sắc, hơi thở và đường đi của những người, đang ngày ngày cố quyết sống Đức Tin vào Đức Kitô ?

Khi đi con đường nầy, chúng ta đã, đang và sẽ gặp rất nhiều gian truân và khổ lụy, giống như Đức Kitô trên đường vác Thánh Giá và leo lên ngọn đồi Gôngôtha. Nhưng « vào ngày thứ ba », ở cuối chặng đường ấy, Đức Kitô Sống Lại chắc chắn sẽ xuất hiện, đồng hành, dẫn đưa chúng ta « Về Trời », là Cung Lòng Yêu Thương và An Lạc vô bến bờ của Thiên Chúa Ngôi Cha.

Lausanne Thụy Sĩ