Lễ Phát Thưởng & Bế Giảng Năm Học 2006
Trường Việt ngữ Đắc Lộ - Nam Úc.
Trường Việt ngữ Đắc Lộ - Nam Úc.
Hôm nay, ngày 02 tháng 12 năm 2006, là ngày Lễ Phát Thưởng & Bế Giảng năm học 2006 của Trường Việt Ngữ Đắc Lộ, Nam Úc.
Bây giờ là đầu mùa hạ ở Nam bán cầu. Tuần qua, khí hậu ở Nam Úc đã tăng lên đột ngột, thường là trên 30o C. Chúng tôi cứ sợ như năm ngoái, Lễ Phát Thưởng và Bế Giảng đã diễn ra trong bầu không khí oi nồng, nóng bức, ngột ngạt, làm mọi người khó chịu và mệt mỏi... Nhưng năm nay, thời tiết đã "ủng hộ" chúng ta hết mình nên Buổi Lễ Phát Thưởng và Bế Giảng đã diễn ra trong một bầu không khí mát mẻ, êm đềm và dễ chịu...
Hơn 500 quan khách, thầy cô, phụ huynh & học sinh của ba Chi nhánh thuộc Trường Việt Ngữ Đắc Lộ: Salisbury, Pooraka, Woodville đã tập trung và ngồi kín Hội Trường Woodville để tham dự Lễ Phát Thưởng & Bế Giảng Năm Học 2006, trong khung cảnh long trọng, trang nghiêm nhưng không kém phần hào hứng và cảm đông. Các quan khách thuộc Hội Đồng Mục Vụ CĐ Thiên Chúa Giáo Người Việt / Nam Úc, quý Phụ huynh, quí thầy, cô cùng các em học sinh của Trường đã vui vẻ, phấn khởi và nô nức về tham dự ngày Hội lớn của năm học 2006.
Chúng ta cần khẳng định một điều là Việt Ngữ, từ rất lâu trong quá khứ, vào những năm đầu thập niên 80, đã trở thành một ngôn ngữ quan trọng trong gia đình Second Language của học sinh từ cấp Tiểu học đến Đại học tại Nam Úc. Nhờ vậy, các Trung tâm Việt Ngữ đã "trăm hoa đua nở" trên quê hương mới, và Trường Việt Ngữ Đắc Lộ là một con chim đầu đàn, soải cánh và lớn mạnh không ngừng để trở thành một trong những Mái Trường Việt lớn nhất ở Úc Châu.
Hôm nay, quý Phụ huynh, quý thầy, cô đã vui mừng, sung sướng và cảm động khi được thấy thành quả cụ thể của con, em mình, sau suốt một năm học, đã vinh dự nhận lãnh những phần thưởng giá trị, do Nhà Trường tặng thưởng cho những học sinh xuất săc, ưu tú của toàn trường.
Đặc biệt năm nay, ngoài những phần thưởng thường lệ, mỗi lớp còn có thêm 1 phần thưởng dành cho 1 học sinh tỏ ra nhiều nỗ lực học tập và đạt được nhiều tiến bộ nhất trong lớp. Điều này là một niềm khích lệ lớn lao cho các em trong việc cố gắng trau dồi tiếng mẹ đẻ trên đất nước xứ người. Xin cảm ơn sáng kiến tuyệt vời đó của Ban Giám Hiệu. Mục kích ngót 200 em học sinh (kể cả phần thưởng Báo chí) đã vui vẻ, tự hào, đầy tự tin, bước lên nhận lãnh bằng danh dự và phần thưởng, với những khuôn mặt rạng ngời, những nụ cười tươi thắm, chúng tôi vô cùng phấn khởi và tin tưởng rằng: Việt ngữ hiển nhiên là di sản văn hóa quan trọng của Dân tộc Việt, và nhất định Việt ngữ sẽ sống động, trường tồn và phát huy tốt đẹp trong Cộng Đồng Người Việt khắp nơi trên thế giới.
Xin cảm ơn Mái Trường Việt Ngữ Đắc Lộ, xin chân thành đa tạ quý Thầy, Cô... đã chăm lo và hết lòng dạy dỗ con em chúng tôi, không những chỉ riêng về ngôn ngữ Việt, mà thiển nghĩ, qua đó, quý vị còn duy trì và phát huy được những gì cao quí nhất về phong cách, tính chất đạo dức và nhân bản của con người và dân tộc Việt trong những tâm hồn Việt son trẻ. Buổi Lễ phát thưởng và Bế Giảng năm học 2006 đã thật sự để lại những dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng giới phụ huynh chúng tôi.
Lúc 6 giờ chiều cùng ngày, sau Lễ Bế Giảng và Phát Thưởng, Ban Giám Hiệu đã mở tiệc liên hoan khoản đãi và cảm ơn các giáo chức đã tận tụy cộng tác với nhà trường, giáo dục các em học sinh trong năm học 2006. Đến tham dự có Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh-Tâm quản nhiệm Cộng Đồng và Ban Mục Vụ Cộng Thiên Chúa Người Việt / Nam Úc là cơ quan chủ quản Trường Việt Ngữ Đắc Lộ Nam Úc
Một lần nữa, xin cảm tạ quí vị và kính chúc quý vị, thân chúc các em một Mùa Giáng sinh vui vẻ và Một Năm mới bình an.
Nam Úc Dec. 02. 2006 Nguyễn Thủy Nam
Úc Châu là một quốc gia đa văn hóa, nên tiếng Việt được chính phủ cộng nhận là một ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông. Đó là điểm đặc lợi cho các em học sinh Úc gốc Việt. Tiếng Việt được công nhận là một môn ngoại ngữ cho các thí sinh thi Tú Tài và Đại Học, giống như tiếng Anh và tiếng Pháp cho các học sinh trung học phổ thông bên Việt Nam trước năm 1975. Vì thế các học sinh Úc gốc Việt được các phụ huynh hăng hái cho con, em đến trường học tiếng Việt mong gặt hái được kết qủa điểm cao trong các kỳ thi vào Đại Học. Do đó các trường tiếng Việt tại Úc Châu được mọc lên như hoa nở rộ. Hơn nữa nhằm khuyến khích các Cộng Đồng Sắc Tộc, các trường Việt Ngữ hàng năm nhận được các ngân khỏan do chính phủ tài trợ. Các giáo chức dạy tiếng Việt cũng được hưởng thù lao. Đây là một đặc ân chỉ có trên đất nước Úc Châu, mà không có một nước Tây Phương nào có lòng nhân ái như thế. Vì vậy mà các em học sinh Úc gốc Việt nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Một niềm hãnh diện cho các Cộng Đồng Người Việt tại Úc Châu.
*************
23 Năm nhìn lại: Một Thế hệ -Một chặng đường
Đôi dòng Lịch Sử Của Trường Việt Ngữ Đắc Lộ.
Đôi dòng Lịch Sử Của Trường Việt Ngữ Đắc Lộ.
Số người Việt định cư ở tiểu bang Nam Úc hiện nay vào khoảng trên dưới 15,000 người. Nhu cầu giáo dục Việt Ngữ cho con em người Việt trở thành một vấn đề cấp bách trong cộng đồng chúng ta. Tiểu bang Nam Úc là một trong những tiểu bang có sự phát triển các trường Việt Ngữ được coi là sớm sủa và đồng bộ nhất ở Úc Châu. Hiện nay toàn tiểu bang có nhiều Trung tâm Việt Ngữ như: Đắc Lộ, Lạc Long, Bồ Đề, St. Mary, Thăng Tiến và trường Việt Ngữ Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc, với tổng số học sinh lên đến hơn 2,200 em. Ngôi trường Việt Ngữ đầu tiên ở Nam Úc là Trường Việt Ngữ Lạc Long, do Hội Phụ Nữ Đông Dương và Sister Elizabeth Bùi Thị Nghĩa RSM thành lập năm 1979, ban đầu vỏn vẹn chỉ có 8 học sinh, lớp học là một căn phòng nhỏ bé tại Trung tâm tiếp cư Pennington.
Đầu năm 1983, số người Việt, nói chung, và người Việt thuộc Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo nói riêng, đến định cư tại Nam Úc ngày một đông đảo hơn.
Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy Việt Ngữ cho con em người Việt, Linh mục Augustino Nguyễn Đức Thụ S.J. và Hội Đồng Mục Vụ lúc bấy giờ đã quyết định thành lập một trung tâm giáo dục Việt Ngữ qui mô ở Nam Úc, mang tên là Trường Việt Ngữ Đắc Lộ. (Đắc Lộ là tên phiên âm Hán Việt của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes - A Lịch Sơn Đắc Lộ -vị Giám Mục đã đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 - 1624 - và có những đóng góp lớn lao trong việc hệ thống hóa cách dùng mẫu tự Latin để ghi tả tiếng nói Việt Nam buổi ban đầu).
Bấy giờ, trung tâm Đắc Lộ đặt cơ sở tại ngôi nhà số 32 Đường Holden, Hindmash với tổng số học sinh 185 em. Sĩ số học sinh gia tăng mau lẹ mỗi tuần, khiến cơ sở cũ không thể dung chứa một số lượng học sinh quá lớn. Đầu năm 1984, hai Trường Lạc Long & Đắc Lộ hợp nhất thành một, với tên gọi mới là Liên Trường Việt Ngữ Lạc Long và Đắc Lộ. Sự liên hợp này kéo dài đến 2005, vì những lý do tế nhị thuộc lãnh vực điều hành và nhân sự, hai trường mới trở lại hoạt động độc lập như 22 năm về trước.
Năm 1985 - 1986, vì nhu cầu phát triển lớn mạnh không ngừng, Trung tâm Đắc Lộ mở thêm Chi Nhánh Việt Ngữ Salisbury, cơ sở đặt tại Trường St. Augustine, để con em người Việt những vùng xa như Salisbury, Parafield Gardens, Paralowie, Golden Groves, Virginia, Elizabeth..vv.. có nơi thuận tiện hàng tuần đến học Việt Ngữ. Chi Nhánh này, từ sĩ số học sinh khiêm tốn buổi ban đầu là 70 em, hiện nay (2006) số học sinh đã lên đến 338 em, có 14 lớp từ Vườn trẻ đến lớp 7, với 15 thầy, cô giáo. Cũng do sự phát triển lớn lao ấy, cơ sở cũ không đáp ứng nổi, nên từ năm học 2002, Chi nhánh đã di chuyển đến địa điểm mới là Trường Thomas More College, rộng rãi, khang trang hơn, có nhiều tiện nghi vật chất hơn, hỗ trợ tốt đẹp hơn cho việc giảng dạy. Chi nhánh này có Chi hội Phụ huynh học sinh hoạt động gắn bó, tích cục với các thầy, cô, kiện toàn tốt đẹp các sinh hoạt của Trường.
Vài năm sau, số học sinh gia tăng theo cấp số nhân, trung tâm phải mở thêm Chi nhánh Pooraka (1991) để đáp ứng nhu cầu học hỏi và giảng dạy. Số học sinh buổi đầu khoảng 70 - 80 em. Hiện nay (2006) sỉ số toàn Chi nhánh là 215 em, có 11 lớp, từ Vườn trẻ đến Lớp 6, với 13 thầy, cô giáo. Chi nhánh nầy hằng năm đã tích cực đóng góp vào những sinh hoạt báo chí và văn nghệ rất sôi nổi cho Trung Tâm.
Năm 1992, số học sinh tăng vọt đáng kể và nhất là nhu cầu khẩn thiết cần phải mở các lớp cấp trung học để đáp ứng kịp thời tinh thần và khả năng học hỏi Việt Ngữ của học sinh ngày một nâng cao; hơn nữa, các phụ huynh người Việt ý thức được rằng: việc cho con em theo học các trường tiếng Việt là một vấn đề hiển nhiên và cần thiết để duy trì và phát huy ngôn ngữ Việt cũng như nền văn hóa đặc thù của đất nước Việt Nam, nên hàng tuần họ không nề hà khó nhọc, mưa nắng, rét lạnh, sớm chiều... vui vẻ đưa đón con em đến trường học tiếng Việt đều đặn năm này qua năm khác; do đó, thể theo nguyện vọng chung, Trung Tâm Đắc Lộ quyết định mở Chi nhánh Woodville là Chi nhánh có cấp Trung học đầu tiên và lớn nhất trong các trung tâm Việt Ngữ ở Nam Úc. Hiện nay, Woodville là chi nhánh lớn nhất của Trường Việt Ngữ Đắc Lộ, với số học sinh linh động trên dưới 400 em, có 17 lớp, từ lớp 4 đến lớp 12, với 20 thầy, cô giáo. Trường Woodville có cơ sở rộng rãi, mát mẻ; phòng ốc sáng sủa với những tiện nghi vật chất đầy đủ; có sân chơi, sân vận động thoáng mát, là cơ sở lý tưởng để mỗi chiều thứ Bảy, các em đến cùng nhau vui vẻ học tập, trau dồi tiếng Việt cũng như bước đầu làm quen với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Chúng ta cũng cần ghi nhận công lao to lớn của những vị sáng lập và điều hành Trung Tâm đã đóng góp vào công cuộc giáo dục Việt Ngữ tại Nam Úc, phát triển và hoàn thiện tốt đẹp, rực rỡ như ngày nay:
* Trong thời gian liên hợp với Trường Lạc Long, Linh mục Augustino Nguyễn Đức Thụ SJ làm Giám đốc Liên Trường kiêm Hịệu trưởng Trường Đắc Lộ; Sister Elizabeth Bùi Thị Nghĩa RSM làm Phó Giám đốc kiêm Hiệu trưởng Trường Lạc Long. Cha Thụ là vị Hiệu trưởng kỳ cựu và thâm niên nhất của Trung tâm trong hai thời kỳ: từ 1984 đến 1992 và từ 1998 đến 2002, tổng cộng 14 năm trời.
* Năm 1993, Hiệu trưởng Trường Đắc Lộ là Linh mục Giuse Phạm Minh Ước SJ.
* Năm 1994, Linh mục Giuse Vũ Đình Tường SJ thay thế chức vụ Hiệu trưởng.
* Từ năm 1995 đến 1998, vì đa số Quí cha đều bận rộn trong công tác mục vụ, nên Quí cha và Hội đồng mục vụ cử ông Phạm Khánh Tường phó chủ tịch nội vụ của Ban Mục Vụ làm Hiệu phó rồi lên làm Hiệu trưởng Trung tâm Đắc Lộ.
* Từ năm 1998 đến năm 2002, Linh mục A. Nguyễn Đức Thụ SJ. trở về giữ chức vụ Quản nhiệm Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt tại Trung tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân Pooraka, cha là người có duyên nợ sâu đậm và nặng tình với công cuộc giáo dục Việt Ngữ, với đại gia đình Đắc Lộ, nên một lần nữa, cha lại đứng ra gánh vác trách nhiệm Hiệu trưởng của Trung tâm.
*Đến năm 2003 chức vụ Hiệu trưởng được giao phó cho bác sĩ Nguyễn Mạnh Việt chủ tịch Ban Mục Vụ Cộng Đồng, vì cha Nguyễn Đức Thụ SJ được thuyên chuyển đi công tác mục vụ ở tiểu bang khác.
*Năm 2004, chức vụ Hiệu trưởng được giao hoàn cho Linh mục phó quản nhiệm G.B. Nguyễn Viết Huy SJ. *Từ niên khóa 2005 đến nay, Quí cha và Hội Đồng Mục Vụ đã đế cử kỹ sư Nguyễn Quốc Hiệp Tân Chủ tịch Ban Mục Vụ Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt / Nam Úc làm Hiệu trưởng, với sự phụ tá đắc lực của các Hiệu phó Lê Quang Tín, Nguyễn Duy Tân; Ks. Nguyễn Quang Bình (đã nghỉ); với Ban Chuyên môn dày dặn kinh nghiệm giảng dạy, đứng đầu là thầy Lê Luân Lý.
Về chuyên môn, cũng phải kể đến công lao của những vị giáo chức tiền nhiệm đã từng gắn bó lâu dài với trường Đắc Lộ như các thầy: Nguyễn Phụng, Trần Quốc Hùng và Hoàng Ánh...
Trường Đắc Lộ từ trước đến nay, được sự cộng tác nhiệt thành của các Trưởng Chi nhánh lâu năm như cô Nguyễn Thị Mộng Cầm, thầy Nguyễn Giõng, thầy Cao Minh Châu, thầy Thái Đức Xuân, thầy Nguyễn Văn Ba, thầy Hà Văn Lành, thầy Phạm Quốc Tuấn, với hơn 50 giáo viên tận tụy, yêu nghề, mến trẻ, thủ đắc kinh nghiệm giảng dạy dồi dào và phong phú, Trung tâm Việt Ngữ Đắc Lộ lớn mạnh không ngừng và hiện nay trở thành một Trung tâm giảng dạy Việt Ngữ lớn nhất tại Nam Úc, có đủ các lớp từ cấp sơ học đến trung học, sỉ số học sinh lên đến gần 1000 em... Trường có một bộ sách giáo khoa được soạn thảo công phu từ lớp Vỡ lòng đến lớp 12. Sau một thời gian, các sách giáo khoa thường được Ban Tu Thư của trường san định, sửa chữa và thay đổi để kịp thời cập nhật hóa và theo sát với chương trình giảng dạy của Bộ Giáo Dục Nam Úc.
Theo đà phát trìển của việc học tiếng Việt hiện nay của tiểu bang nhà, và để tạo điều kiện thuận tiện hơn cho quí phụ huynh trong việc đưa đón con em, Ban Giám Hiệu, Trường Việt Ngữ Đắc Lộ đang dự tính mở các lớp cấp Sơ học (từ Vườn trẻ đến lớp 3) tại Chi nhánh Woodville. Đó là một niềm vui lớn lao của học sinh, quí phụ huynh, quí thầy cô, và của Cộng Đồng chúng ta; đánh dấu một chặng đường dài, một cuộc hành trình khó nhọc nhưng đầy ý nghĩa trong việc duy trì, phát huy ngôn ngữ, học thuật và văn hóa Việt trên đất nước xứ người.
Nếu tính rằng: cứ 25 năm là một thế hệ, thì Mái trường Việt Ngữ Đắc Lộ của chúng ta đã vươn vai trưởng thành và lớn mạnh như một thế hệ Việt Nam hải ngoại tự do, mới mẻ, đầy sinh lực, đầy tính nhân bản; luôn luôn tha thiết gắn bó và nặng tình với quê hương, đất nước. Con em chúng ta ở Nam Úc ngày nay, gặt hái được những hoa trái trí tuệ đầu mùa tốt đẹp, rực rỡ mà không bao giờ bỏ quên nguồn cội, vẫn duy trì bền vững những giá trị tinh thần cao quí như lòng hiếu thảo, lòng tôn sư trọng đạo, lòng yêu chuộng ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Đó là nhờ công lao xây dựng của lớp người tiên phong khai sơn phá thạch như L.m. Âu Tinh Nguyễn Đức Thụ SJ, Sister Elizabeth Bùi Thị Nghĩa RSM, và biết bao thế hệ thầy cô, phụ huynh, học sinh...
Cuộc hành trình trải qua nhiều năm tháng nhọc nhằn, gian khổ, buồn vui... nhưng mọi người dưới mái nhà Việt Ngữ Đắc Lộ, như anh chị em thân thương trong một gia đình, cùng nhau cố gắng làm việc, điều hành, soạn thảo, giảng dạy, học hỏi, đón đưa... thầm lặng hy sinh và thầm lặng đóng góp biết bao trí tuệ, thì giờ, sức lực... để cùng nhau xây dựng Trường Việt Ngữ Đắc Lộ của chúng ta ngày một huy hoàng, xán lạn hơn cho bây giờ và mai sau.
S.A. Niên Học 2006 Thầy Nguyễn Giõng
Tài liệu tham khảo:
Các bài viết Việt ngữ và Anh ngữ của Sister Elizabeth Bùi Thị Nghĩa RSM đăng trong Kỷ Yếu Mái Trường Việt Lạc Long & Đắc Lộ năm 1990, 1991 và 1994