SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU…
Không dưng lời hát cuối này trong bài Diễm Xưa của nhạc sĩ họ Trịnh vọng về trong tôi khi đọc xong hai tờ thư điện tử nhận được trong hai ngày liên tục, tuy đến từ hai nguồn khác nhau, nhưng tôi lại thấy cùng nói đến một chủ đề: sự hiện diện ân cần và mối giao tiếp trong yêu thương đối với tha nhân chính là nhu cầu bức thiết, nếu không muốn nói là lẽ sống của con người. Xin kể hầu qúy bạn đọc, để cùng chia sẻ một cảm nghĩ nhỏ trước khi bước vào một mùa lễ lớn khi chúng ta đón Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Truyện thứ nhất: THÂN PHỤ NGƯỜI LÍNH TRẺ
Cô ý tá dẫn người lính, tuy còn trẻ nhưng dáng mệt mỏi và ưu tư đến bên giường người bệnh. Chắc chàng vừa ở xa về. Có khi từ một vùng lửa khói nào đó. Cô đánh thức cụ già: “Cụ ơi, con trai cụ tới gặp cụ nè!” Cô ta phải lập đi lập lại đến mấy lần thì mới thấy đôi mắt người bệnh từ từ mở ra. Chắc vì quá kiệt sức do chứng đau tim, cụ chỉ thấy được lờ mờ dáng chàng thanh niên trong bộ quân phục đang đứng cạnh giường mình. Cụ đưa tay ra. Người lính vội vàng nắm lấy tay cụ, cất tiếng chào khe khẽ và thốt lên một vài câu ân cần hỏi thăm, an ủi.
Cô y tá đem đến một chiếc ghế cho người thanh niên ngồi xuống bên giường. Suốt đêm hôm ấy, chàng ngồi đó, trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng, tay vẫn không rời bàn tay người bệnh, và miệng vẫn nhỏ nhẹ những lời dịu dàng trìu mến. Thỉnh thoảng cô y tá ngó chừng người lính, thấy anh có vẻ thấm mệt, thì đề nghị anh đứng lên đi lại cho giãn xương giãn cốt và có chút khí thoáng.
Chàng nói cảm ơn, nhưng vẫn giữ yên tư thế, nhẫn nại và chịu đựng. Có đôi lúc, dù cô y tá đến bên giường, chăm sóc và kiểm tra người bệnh, chàng cũng chẳng để ý quan tâm lắm. Trong bóng đêm của bệnh viện, chàng như quên cả những tiếng động bình thường, tiếng xì xục của bình dưỡng khí, tiếng cười nói của mấy cô y tá trực đêm, thỉnh thoảng đùa dỡn cho khuây khỏa, cả những tiếng rên la, mê sảng của vài bệnh nhân nằm kề cận,
Cô y tá vẫn còn nghe được tiếng thì thào của người lính nói nhỏ vào tai ông cụ. Còn ông cụ thì chẳng nói năng gì, chỉ lặng lẽ nắm chặt lấy tay đứa con trai mình. Và suốt cả đêm cái hoạt cảnh ấy cứ tiếp diễn mãi như thế.
Gần sáng, ông cụ trút hơi cuối cùng. Không khí gian phòng vì thế có vẻ hơi chộn rộn hơn vì các cô y tá phải lo những công tác cuối cùng cho người mới ra đi. Mãi một lúc lâu sau đó, chàng mới từ từ buông tay ra, nhẹ nhàng kính cẩn xếp đôi bàn tay người quá cố lên trên ngực, rồi lùi xa ra, đứng yên lặng nhìn cô y tá hoàn tất những việc phải làm trước khi đem ông cụ xuống nhà xác.
Xong xuôi, khi cô y tá bắt đầu nói mấy lời chia buồn cùng người lính, thì chàng mới lên tiếng: “Ông cụ này là ai thế?” Hết sức sững sờ, cô y tá trả lời: “Ông cụ thân sinh của anh đó chứ ai.” “Không phải đâu,” người lính đáp lại. “Tôi đã bao giờ gặp và biết ông cụ này đâu!” “Thế sao anh không nói gì khi tôi đưa anh đến bên cụ?” Người lính chậm rãi nói: “Thật ra thì ngay từ đầu tôi đã biết có sự lầm lẫn rồi, nhưng tôi cũng nhận ngay ra rằng ông cụ đang rất cần thấy mặt người con ở bên cạnh trong giờ lâm chung. Thế nhưng, chẳng hiểu sao người con ấy đã không có mặt ở đây. Mà ông cụ thì quá kiệt sức rồi, bỗng dưng tôi thấy chẳng cần phải đính chính làm gì, và ngược lại, nẩy ra ý định đóng vai người con trai của cụ, hầu cụ yên tâm ra đi êm ái, nhẹ nhàng và thanh thản, vì nghĩ rằng người con trai yêu dấu mà cụ mong chờ đang ở bên cạnh mình rồi.
Truyện thứ hai: VÒNG ÔM CỨU HỘ
Kyrie và Brielle Jackson sanh ngày 17 tháng 10 năm 1995 tại bệnh viện Memorial, thành phố Worcester, tiểu bang Massachusetts. Hai bé gái sinh đôi này chỉ nặng mỗi đứa hai cân Anh lúc vừa sinh ra. Vài ngày sau, Kyrie tăng trọng chút ít, nhưng Brielle thì không mấy khả quan. Bé khóc nhiều, khiến mặt mày xám ngắt.
Một ngày nọ, tình trạng Brielle tệ hơn nhiều. Gayle Kasparian, cô y tá khu săn sóc đặc biệt phòng bảo sanh đã làm đủ cách đủ kiểu mà bé vẫn cứ khóc. Cô ẵm bé. Cô giao bé cho ông bố bồng. Cô lấy mền cuốn quanh bé. Cô hút nước mũi của bé ra. Vẫn không có hiệu quả gì.
Rồi bỗng sực nhớ đến phương pháp đã được sử dụng tại Âu Châu mà cô nghe biết, cô liền đặt Brielle nằm chung trong một lồng kiếng với Kyrie. Kỳ lạ thay, ngay lập tức, Brielle xích lại gần Kyrie. Lượng dưỡng khí trong máu bé tăng cao, điều trước đấy chưa hề xẩy ra. Bé bắt đầu thở dễ dàng hơn. Bé im bặt tiếng khóc, để rồi gương mặt nhanh chóng tươi hồng trở lại. Một vài tuần lễ sau, sức khỏe bé tăng triển đều đặn, trong nơi ở mới, không còn cô đơn như trước nữa.
Cả hai em sống sót qua những ngày nguy tử, rồi sau đó được đưa về nhà cha mẹ. Khi hai em đi học lớp tiền mẫu giáo, câu chuyện sống sót của hai em lan truyền thật nhanh, điện thoại nhà cứ liên tục reo vang suốt ngày đêm, phần lớn là những lời phỏng vấn của báo chí, truyền thanh truyền hình, khiến cho ông bà Jackson phải đổi luôn cả số điện thoại cho bớt bị làm phiền.
Bức hình chụp hai bé sinh đôi có tựa đề “Vòng ôm cứu hộ” trở thành nổi danh và được truyền đi nhanh chóng trên mạng lưới toàn cầu, đặc biệt được đăng trên tạp chí Life và Reader’s Digest. Tác giả bức hình là Chris Christo của tờ Worcester Telegram & Gazette.
Thế là câu truyện hai bé sinh đôi Jackson đã đi vào lịch sử tại bệnh viện Memorial, theo đó, lần đầu tiên việc trẻ em sinh đôi được cho nằm chung khởi sự từ sáng kiến của nữ y tá Gayle Kasparian.
Một phương pháp khác được dùng tương tự có tên là “săn sóc đại thử,” thuật ngữ ám chỉ việc trẻ em khó nuôi được tiếp xúc ‘da-với-da’ trong một thời gian lâu dài với cha mẹ và người săn sóc. Kỹ thuật này được đặt tên dựa vào cách thức con đại thử (kangaroo) dùng túi đựng trước ngực để chăm sóc con mình. Đây là cách để cho trẻ sơ sinh tiếp xúc da thịt với cha/mẹ: em bé được đóng tã, cuốn mền, và được đạt sát vào ngực trần của cha/mẹ em. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với trẻ em sinh non, yếu ớt và có làn da thật mỏng lúc chào đời. Thử nghiệm cho thấy hiệu quả rất khả quan: nhịp tim đập đều đặn, hô hấp dễ dàng hơn, em bé thấy thoải mái hơn, và ngủ ngon hơn.
Ai cũng biết rằng, chỉ cần ẵm một em bé đang khóc lên, vỗ về, nâng niu, là hầu như chắc chắn em sẽ nín khóc, hoặc ít là bớt khóc ngay. Tín hiệu đó quả rõ ràng và càng minh chứng nhu cầu tiếp cận và cảm thông của nhân loại. Đó là ý nghĩa sâu sắc của “the magic touch”--sự tiếp xúc thần diệu (xem thêm: www.52best.com/hug.asp)
*
* *
Thì ra thế, nếu sỏi đá mà cần có nhau, thì huống hồ là con người! Qua câu truyện của người lính, tôi chợt nhận ra giá trị của sự hiện diện, mặc dù chỉ là một hiện diện không lời. Chỉ cần có mặt, ở đó, nhưng qua một ánh nhìn, một nắm tay, một hỏi han nho nhỏ, một cử chỉ ân cần, sự hiện diện trở thành một vô ngần qúy giá, mà ngọc ngà trân châu không thể đem lại được.
Tôi bỗng mường tượng cảnh các bà vợ lặn lội, vượt suối băng rừng, tay xách nách mang, đi đến những trại tù cải tạo, ở hút mãi trong những vùng rừng thiêng nước độc, chỉ để được nhìn thấy người chồng trong vòng mươi phút đồng hồ ngắn ngủi, mừng mừng tủi tủi, có khi hụt hẫng xót xa, để rồi lại lầm lũi trở về, bước theo những lối chông gai vẫn còn in hằn dấu chân của lần ra đi. Thôi thì dẫu sao chăng nữa, mình vẫn còn có nhau...
Tôi cũng bỗng thấy cảm phục những qúy vị trong các hội đoàn, dấn thân hy sinh, dành nhiều thì giờ quý báu, tìm đến những bệnh viện, những viện dưỡng lão, những cơ sở phục hồi, để ủi an, ủy lạo các bệnh nhân. Hẳn nhiên, họ làm thế là vì một lý tưởng cao siêu và thiêng liêng. Nhưng với tôi, trước hết họ đang thực hiện và đáp ứng một nhu cầu thiết thực của tình nhân loại. Chỉ duy sự hiện diện, sự tìm đến với nhau trong ‘yêu thương tình loài người’ đã đủ để mang lại một cái gì hết sức qúy báu rồi.
Và tôi bắt trí tưởng tượng của mình bay bổng lên đỉnh Gôn-gô-ta, một chiều nao u ám, để nhìn thấy cảnh “Mẹ đứng đó” dưới chân thập giá. Câm nín, rối bời, tan nát, tả tơi,nhưng Mẹ vẫn ở đó, một hiện diện khôn tả.
Sau cùng, tôi liên tưởng đến cảnh tượng giáng sinh tại Bê-lem năm xưa, khi Con Chúa Trời, từ giã thiên cung rực rỡ, xuống “cắm lều” ở giữa nhân loại: một hiện diện độc nhất vô nhị, vô tiền khoáng hậu, vét cạn hết ý nghĩa của việc sớt chia thân phận và kiếp làm người, đồng lao cộng khổ, đồng hành và hoà nhập trọn vẹn với thế nhân. Thiết tưởng chẳng bao giờ mình có thể hiểu được hết ý nghĩa Mầu Nhiệm Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng ta.
Mùa Vọng 2006
Nguyễn Kim Ngân