ISTANBUL. Hôm 29-11-2006, ngày thứ 2 trong 4 ngày viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm Epheso, cử hành thánh lễ đầu tiên cho các tín hữu Công Giáo, và ban chiều, ngài đến Istanbul, để cầu nguyện với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople.

Ban sáng, ĐTC đã rời thủ đô Ankara, đáp máy bay đến thành phố Izmir (Smyrne) và từ đây, dùng xe đến thành Ephêsô cách đó 45 cây số. Đây là thành phố cảng quan trọng trong thời thượng cổ. Năm 129 trước công nguyên, Ephêsô thuộc quyền kiểm soát của người Roma và dưới thời hoàng đế Augusto, thành này là thủ đô chính trị thương mại và văn hóa của vùng này với trường triết học và thư viện Celso nổi tiếng. Ephêsô cũng đã là một trong các trung tâm quan trọng của Kitô giáo và là tổng hành dinh của công tác rao truyền Tin Mừng cho dân chúng vùng Tiểu Á. Thánh Phaolô đã sống tại đây 3 năm, và đã viết thư thứ I cho tín hữu Corintô, thư gửi tín hữu Philiphê và có lẽ cả thư gửi tín hữu Galát và Ephêso nữa. Còn thánh Gioan Tông Đồ đã sống với Mẹ Maria trong căn nhà, nay là đền thánh Meryem Ana Evì. Thánh nhân đã biên soạn Phúc Âm và các thư tại đây. Công Đồng Chung Epheso diễn ra hồi năm 431 và công bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Đền thánh Meryem Ana Evì ”Nhà của Mẹ Maria” nằm cách Epheso 4 cây số, do các cha dòng Lazarist tìm ra trong các cuộc đào bới khảo cổ năm 1891, dựa trên các mặc khải của nữ tu Katharina Emmerick người Đức. Trong căn phòng của Đức Mẹ, cạnh bàn thờ có nhiều ảnh tượng tạ ơn. Tín hữu Kitô và Hồi giáo tới hành hương đền thánh này của Đức Mẹ rất đông.

ĐTC đến đền thánh Đức Mẹ vào lúc 11 giờ 30. Ngài dừng lại nhà nguyện của các cha dòng Capuchino để viếng Mình Thánh Chúa, trước khi bắt đầu thánh lễ cho các tín hữu tại lễ đài với bàn thờ đơn sơ mầu trắng được dựng cạnh đền thánh, trước sự hiện diện của khoảng 2000 người.

Trong bài giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi mọi người chúc tụng Thiên Chúa, vì chức làm Mẹ Thiên Chúa đã được Công Đồng Chung xác định và long trọng công bố hồi năm 431 tại Ephêsô này, cũng như cảm tạ Thiên Chúa vì ơn cứu độ đại đồng Thiên Chúa cống hiến cho toàn thể nhân loại không phân biệt ai, và xin ơn hòa bình cho Giêrusalem và toàn thế giới.

ĐTC đặc biệt nhắc đến Đức Gioan XXIII, khi còn là TGM Angelo Roncalli, đã hiện diện tại Thổ Nhĩ Kỳ như là Khâm Sứ Tòa thánh 10 năm trời. Đức TGM rất qúy mến và mgưỡng mộ nhân dân Thổ. Ngài nói: ”Được linh hoạt bởi tinh thần đó, tôi ngỏ lời với quốc gia này và một cách đặc biệt với đoàn chiên bé nhỏ của Chúa Kitô sống giữa lòng quốc gia này, để khích lệ và bầy tỏ lòng thương mến của toàn thể Giáo Hội đối với họ. Tôi thân ái chào tất cả mọi người hiện hiện điện nơi đây các tín hữu Izmir, Mersin, Iskenderun và Antakia cũng như các anh chị em đến từ nhiều nơi khác trên thế giới... Xin cám ơn sự hiện diện, chứng tá và việc phục vụ của anh chị em đối với Giáo Hội trong vùng đất được chúc phúc này, nơi thuở ban đầu cộng đoàn kitô đã có các phát triển rất mạnh.”

ĐTC kêu gọi hòa bình cho Thánh địa và nói rằng: ”Sự hiệp nhất và sự bình an mà Chúa Giêsu đến để loan báo, không chỉ hiện hữu giữa người do thái và dân ngoại mà cũng trải dài ra trên tất cả mọi quốc gia nữa. Được củng cố bởi Lời Chúa, từ Ephêsô này, là thành phố được chúc phúc bởi sự hiện diện của Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng cũng được tín hữu hồi yêu mến và tôn sùng, chúng ta hay dâng lên Chúa một lới cầu đặc biệt cho hòa bình giữa các dân tộc, từ mảnh đất của ban đảo Anatolia này, là cây cầu tự nhiên nối liền các đại lục, chúng ta hãy khẩn nài hòa bình và hòa giải, trước hết giữa những người sống trên vùng đất gọi là Thánh Địa và được tín hữu kitô, do thái và hồi giáo coi là Đất Thánh, quê hương của tổ phụ Abraham, Igiaac và Giacóp, được chỉ định để tiếp đón dân tộc trở thành phước lành của mọi dân tộc (St 12,1-3). Hòa bình cho toàn nhân loại! Ườc chi lời tiên tri Isaia được hiện thực: ”Họ sẽ đúc gươm đao thành thành cuốc thành cầy, rèngiáo mác nên liềm nên hái. Dan này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau nữa và thiên hạ sẽ thôi nghề chinh chiến” (Is 2,4). Chúng ta tất cả đều cần đến sự hòa bình đại đồng ấy. Giáo Hội không chỉ được mời gọi loan báo hòa bình đại đồng này, mà cũng được mời gọi là dấu chỉ và dụng cụ nữa. Chính trong viễn tượng hòa bình đại đồng đó ước vọng tìm về hiệp thông trọn vẹn giữa tất cả mọi tín hữu kitô lại càng sâu xa và mạnh mẽ hơn. Các tín hữu công giáo thuộc nhiều nghi lễ khác nhau hiện diện trong buổi cử hành này diễn tả sự khác biệt tuyệt diệu điểm trang Hiền Thê của Chúa Kitô.”

”Anh chị em thân mến, với chuyến viếng thăm này tội đã muốn biểu lộ tình yêu thương và sự gần gũi không chỉ của riêng tôi mà cũng là của Giáo Hội đại đồng nữa, đối với cộng đoàn kitô tại Thổ Nhĩ Kỳ, một cộng đoàn bé nhỏ hàng ngày phải đương đầu với không ít thách đố và khó khăn. Với lòng tin vững mạnh chúng ta hãy cùng Mẹ Maria hát lên bài ca Magnificat để chúc tụng và cảm tạ chúa, Chúng ta hãy tươi vui hát lên bài ca đó cã khi phải gặp thử thách khó khăn và nguy hiểm, như chứng tá rất đẹp của linh mục Andrea Santoro thuộc giáo phận Roma. Mẹ dậy cho chúng ta biết nguồn mạch niềm vui và sự hỗ trợ duy nhất vững vàng là Chúa Kitộ. Mẹ lập lại lời oChúa nói xưa kia ”Các con đừng sợ” (Mc 6,50). ”Thầy ở cùng các con” (Mt 28,20). Chúng ta hãy tín thác nơi cánh tay quyền năng của Người (x. Lc 1,51). Và lậy Mẹ Giáo Hôi, xin luôn đồng hành với chúng con trên đường. Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa xin cầu cho chúng con Amen.”

Sau thánh lễ ĐTC đã đi một vòng chào tín hữu trước khi cùng đoàn tùy tùng dùng bữa trưa trong tu viện các cha dòng Capuchino và nghỉ ngơi chốc lát trước khi trở lại phi trường Izmir để lấy máy bay đi Istanbul.

TẠI ISTANBUL

ĐTC đã bay tới thành Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ kỳ với 13 triệu dân. Ra chào đón ĐTC tại phi trường có ông thống đốc, vị chỉ huy trưởng quân đội và thị trưởng Istanbul. Về phía tôn giáo có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I Giáo chủ toàn Chính Thống giáo và hai TGM, Đức Thượng phụ Armeni Tông Truyền Mesrob II Mutafian, Đức TGM Filuksinos Yusuf Cetin, Đại diện Thượng Phụ Chính thống Siro.

Lúc 17 giờ 30 ĐTC đã viếng thăm nhà thờ thánh Giorgio để tham dự buổi hát kinh chiều với Đức Thượng Phụ và cộng đoàn chính thống.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC Biển Đức XVI đã cám ơn Chúa về cuộc găp gỡ đầy thiện chí và ý nghĩa. Ngài cám ơn sự tiếp đón nồng hậu mà Đức Thượng Phụ và các vị Giám Mục khác dành cho ngài. Buổi gặp gỡ cầu nguyện trong nhà thờ chính tòa này nhắc nhớ lại các biền cố đã nâng đỡ dấn thân tìm về hiệp nhất của hai Giáo Hội. ĐTC cũng nhắc tới biến có ĐGH Phaolo VI viếng thăm Đức Thượng Phụ Athanagoras và hai bên đã ra tuyên ngôn chung hủy bỏ vạ tuyệt thông năm 1054. Đức Athanagoras đã chọn câu trong thư của thánh Gioan ”Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 9); còn Đức PHaolô VI đã chọn câu thánh Phaolo khuyến khích tín hữu Ephexô ”Hãy bước đi trong tình yêu” (Ep 5,2). Tuyên ngôn đó ghi dấu tình yêu thương và các liên hệ mới mở ra con đường tiến về hiệp nhất giữa hai Giáo Hội Roma và Giáo Hội Constantinople.

Cũng kể từ đó nhiều dấu chỉ biểu lộ yêu thương giữa hai bên đã tiếp tục. Đức Phalô VI đã được Đức Athenagoras tiếp đón trong nhà thờ chính tòa thánh Giorgio; Đức Gioan Phaolo II cũng đã được Đức Dimitrios I tiếp đón tại đây, và giờ đây ĐTC cũng là người được đến viếng thăm quốc gia, nơi xưa kia đã có biết bao nhiêu cộng đoàn kitô triển nở mạnh mẽ, như được thánh Pherô nhắc tới trong thư thứ I: ”Pontus, Galatia, Cappadocia, Asia và Bithynia” (1 Pr 1,1), với biết bao vị tử đạo, thần học gia và chủ chăn, các tu viện, và các thánh nam nữ của cả hai giáo hội dọc dài các thế kỷ. Trong số đó đặc biệt có các thánh chủ chăn Giáo Hội Constantinople như thánh Gregorio Nazianzo và thánh Gioan Kim Khẩu là các Giáo Phụ của cả hai Giáo Hội. Hài cốt của hai vị vẫn còn được lưu giữ trong đền thờ thánh Phêrô và từ cuối năm 2004 trong nhà thờ chính tòa thánh Giorgio này. Xin hai vị bầu cử cho chúng ta trước Tòa Chúa. Trong phần đất này của Giáo Hội cũng đã có 7 Công Đồng Chung được triệu tập được cả hai Giáo Hội thừa nhân quyền bính liên quan tới lòng tin và luật lệ. Các Công đồng đó là cột cây số hướng dẫn hành trình của chúng ta tiến tới sự hiệp nhất. Ước gì cuộc gặp gỡ này củng cố lòng thương mến của chúng ta đối với nhau và canh tân sự dấn thân của chúng ta hướng tới hào giai và hòa bình giữa các Giáo Hội.

Tiếp đến ĐTC Biển Đức XVI đã hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I trước khi về ”Nhà Roncalli” là Tòa Khâm Sứ xưa kia tại Istanbul, cách đó 5 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ 4 ngày.(Radio Vatican)