Giám mục và trách nhiệm Truyền Thông đại chúng



Sau đây là bản dịch bài diễn văn của Đức TGM John Foley, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông đại chúng tại trường Đại Học Regina Apostolorum vào ngày 23.9.2006, khi Ngài gặp gỡ và nói truyện với với các tân giám mục đến Roma tham dự khóa bồi dưỡng.

Chư Huynh Giám Mục thân mến,

Thật là niềm vui lớn cho tôi được gặp qúi giám mục tụ họp về Roma trong chuyến viếng thăm đầu tiên của các tân giám mục tới mộ thánh Phêrô, gặp gỡ với Đức Thánh Cha, vị nối quyền thánh Phêrô, và để suy tư về các đề tài khác nhau có tầm vóc quan trọng lớn trong sứ vụ mục vụ của qúi giám mục.

Dĩ nhiên, với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Truyền Thông Xã Hội, tôi vui sướng thấy sự liên hệ của qúi giám mục với việc sử dụng các Phưong Tiện Truyền Thông được coi là thành phần trong việc suy tư của qúi giám mục.

Một cách thẳng thắn, tôi xác tín rằng Truyền thông cũng phải là công việc cốt yếu của Giám Mục. Chúa Giêsu truyền cho chúng ta phải đi khắp muôn dân giảng dậy và chúng ta được khuyến khích phải giảng dậy từ trên nóc các mái nhà (nhưng ngày nay có lẽ phải nói là ‘rao giảng đến các nóc mái nhà’, vì chính trên các nóc mái nhà thường có những an-tê-na ở đó). Có thể nói một cách chắc chắn rằng, không sự gì giúp cho trách nhiệm của chúng ta rao giảng và dậy dỗ hơn là dùng các phương tiện truyền thông xã hội, và cũng vậy, đôi khi không có điều chi khác khúc mắc hơn cho trách nhiệm giảng dậy của chúng ta là vấn đề tryền thông xã hội...

Tại Công Đồng Chung Vatican II, một trong hai tài liệu được chấp thuận vào năm 1963 bởi các nghị phụ Công Đồng và được ĐTC Phaolô VI công bố, đó là Sắc Lệnh về Truyền Thông Đại Chúng có tên là "Inter Mirifica." Tài liệu này cách chung bàn về vấn đề truyền thông, nhưng bởi vì tiếng Ý chữ “communicazione” cũng đồng nghĩa với việc vận chuyển bằng máy bay, xe lửa hay xe bus, nên Giáo hội dùng danh từ là “truyền thông xã hội”. Tài liệu này đưa ra 3 đề nghị cụ thể:

Trước tiên là việc thiết lập một phân bộ đặc biệt tại Tòa Thánh để liên hệ với tất cả những gì liên quan tới truyền thông xã hội, và lúc đó gồm việc in ấn báo chí, truyền thanh, truyền hình và cinêma. Bây giờ thì thêm internet, điện thoại di động nữa.

Phân bộ đó lúc đầu được gọi là Ủy Ban Giáo Hoàng Truyền Thông Xã Hội, sau này nâng lên hàng Hội Đồng và là thành phần đầy đủ như một Bộ trong Guồng Máy Vatican, được thiết lập vào năm 1064...

Thứ đến, Sắc lệnh "Inter Mirifica" thiết lập Ngày Thế Giới Truyền Thông, ngày mà các giám mục hoàn vũ quyết định cử hành vào ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần ngự đến. Lưu ý thêm rằng các Nghị Phụ Công Đồng Vatican không thiết lập Ngày Quốc Tế nào khác trừ ngày này, do đó tôi hy vọng là qúi giám mục đây là những cổ động viên trung thành cho Ngày Truyền Thông Thế Giới trong giáo phận của các vị cũng như quảng bá trong Hội đồng giám mục của qúi vị...

Thứ ba, Đức Thánh Cha và các Nghị Phụ Công Đồng Vatican II trong sắc lệnh "Inter Mirifica" kêu gọi việc sửa soạn bản chỉ dẫn mục vụ về truyền thông đại chúng để các giám mục toàn cầu sử dụng và văn kiện này được hoàn thành vào năm 1971 và được phát hành dưới tựa đề là “Hiệp Thông và Tiến Bộ - Communio et Progressio." …

20 năm sau, để đáp ứng cho những tiến bộ về kĩ thuật, thay đổi về chính trị, như sự kiện chủ nghĩa Cộng sản đổ vỡ, và bước sang thiên niên kỉ mới, Hội Đồng chúng tôi đã cho phát hành phụ bản chỉ dẫn mục vụ có tựa đề là "Aetatis Novae – Vào Rạng Đông của Kỉ Nguyên Mới."

Theo "Aetatis Novae," thì cần thiết là mỗi Giáo Phận và mỗi Hội Đồng Giám Mục quốc gia phải có kế hoạch cho truyền thông xã hội và coi khía cạnh truyền thông là thành phần của mỗi một kế hoạch mục vụ, tỉ như có trong kế hoạch giáo dục, chăm sóc y tế và sức khỏe, bác ái, hay là trong lý thuyết xã hội và mục vụ của Giáo hội...

Dựa trên những điều tôi trình bày căn bản trong "Aetatis Novae," vậy thì giờ đây chúng ta xem mỗi giám mục có thể và đúng hơn là;

Các Giám Mục phải làm gì trong lãnh vực truyền thông này.

Trước tiên, tôi nghĩ là mỗi giáo phận thiết yếu là phải có viên chức đặc trách về truyền thông mà nhiệm vụ chính của người này bao gồm những gì mà ngày nay người ta cho là liên quan tới những vấn đề “giao tế công cộng”.

Vị đặc trách về truyền thông đó – nếu trong một giáo phận nhỏ -- có thể là chính giám mục bản quyền, vị đó phải biết và liên hệ với các nhà truyền thông khác trong giáo phận của mình, như các nhật báo, các người trách nhiệm về truyền thanh, truyền hình, và ngay cả các hãng quảng cáo nữa.

Vị đặc trách về truyền thông phải luôn sẵn sàng để trả lời các câu hỏi và vị đó cần phải chân thực tôn trọng sự thật, chính xác và đúng thời điểm. Những đòi hỏi của các ngành truyền thông đôi khi xem ra là vô lý, nhưng những cơ hội tiếp cận để tuyên giảng sứ điệp của Chúa Kitô và của Giáo hội của Ngài thì không thể nào cưỡng lại được. Vậy chúng ta phải sẵn sàng trả lời – không phải chỉ khi nào thuận tiện cho chúng ta – nhưng là mỗi khi ngành truyền thông yêu cầu chúng ta. Hãy nghiệm xem sau các vụ tai tiếng về tình dục thì truyền thông quan trọng biết chừng nào.

Nếu như một bầu khí tín tưởng được thiết lập rồi thì giới truyền thông họ sẽ mở rộng lòng tới các đề nghị gợi ý của viên chức đặc trách truyền thông giao tế đối với các mẫu truyện có giá trị khác – những câu truyện mà chúng ta thường gọi là “các anh hùng vô tên tuổi” còn ẩn khuất đâu đó, nhưng việc làm của họ thật anh hùng, đó là những người chăm sóc cho người yếu, những người tàng tật, những giới trẻ có vấn đề, những người gìa, v.v... Có thể nói rằng có hàng ngàn “những tin mừng” cần được biết đến, và nếu giới truyền thông tin cậy vào vị đặc trách truyền thông thì có thể gợi ý cho họ, và rồi họ sẵn sàng đăng tải những gương chứng nhân này.

Theo tôi nghĩ, nếu có một vị đặc trách truyền thông tốt trong mỗi giáo phận thì đó là điều đỡ tốn kém nhất mà lại là công tác hiệu lực nhất trong nỗ lực truyền thông của Giáo hội, bởi vì một khi được điều hành đúng đắn, một văn phòng giao tế tốt sẽ giúp cho Giáo hội truyền đạt những câu truyện tốt của mình cho thế giới bên ngoài qua việc truyền thông đại chúng mà mọi người hằng ngày đều tiếp cận được.

Thêm nữa, ngay cả trên bình diện giáo xứ địa phương cũng có thể gầy dựng những liên hệ giao tế công cộng tốt và hiệu năng. Tỉ dụ, khi có lễ Rước Lễ lần đầu hay Lễ Thêm Sức hay là dịp phát Văn bằng Mãn khóa học, giáo xứ có thể gửi cho báo chí địa phương về những biến cố quan trọng của xứ đạo mình. Tin tức được viết ra đựa trên những điều căn bản như sau: ai, việc gì, khi nào, ở đâu, và lý do tại sao, nhất là kể tên tất cả những ai liên hệ, vì khi báo chí địa phương đăng bài sẽ lôi cuốn người mua, nhất là những gia đình có tên trong bài báo, họ mua cất làm kỉ niệm số báo đó.

Thêm nữa, vào cuối bài viết tường trình nên có một ít lời giải thích Việc Rước Lễ lần đầu hay Thêm Sức là gì? – Làm như vậy cũng là tạo cơ hội giáo dục truyền giáo và ôn lại giáo lý về các bí tích cho người khác cùng biết. Dĩ nhiên, đôi khi có báo không đăng những lời giải thích dài đó, nhưng cũng có báo đăng, và như vậy là cách không tốn phí, chúng ta có thể loan truyền hay giảng giáo lý và truyền giáo vậy.

Căn bản mà nói, thái độ về giao tế công cộng trên bình diện giáo phận và ngay cả giáo xứ cần phải như sau: Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào để tuyên giảng sứ điệp của Chúa Giêsu qua các hoạt động mà trong đó đông đảo quần chúng thích và họ quan tâm đến.

Câu hỏi được đặt ra cho Truyền Thông Công Giáo là: Liệu chúng ta có nên sử dụng các phương tiện truyền thông không? - và nếu sử dụng thì chọn loại nào?

Trường hợp kinh nghiệm riêng của tôi, trước khi về Roma làm việc, tôi đã hoạt động với tờ báo của TGP Philadelphia (giáo phận gốc của tôi) trong vòng 25 năm… Tôi phải nói rằng, tôi có thiên kiến thích các tờ báo của các giáo phận, và tôi xác tín rằng các tờ báo này phải là nguồn cho các tin tức, cho việc đào tạo, cảm hứng và tiếp tục việc giáo huấn Công giáo và làm vững mạnh danh tính người Công giáo.

Cũng có người tố cáo chống Giáo Hội, họ lập luận rằng chúng ta thường có khuynh hướng bỏ quên việc tiếp tục đào tạo cho thanh thiếu niên sau thời gian các em này mãn trường tiểu và trung học, hoặc sau khi mãn khóa học trong các chương trình dậy giáo lý. Nói chung các báo Công giáo và đặc biệt là các tờ báo của các giáo phận thường cung ứng phương cách cho việc tiếp tục giáo dục và giáo huấn mà các phương tiên khác không thể nào sánh bằng – kể ngay cả các chương trình giáo dục người lớn. Báo chí Công giáo không những chỉ trình bày những đề tài này mà còn làm củng cố cho việc giáo huấn thêm nữa.

Tôi là người tin hoàn toàn vào câu nói “Chữ viết để lại dấu ấn- Scripta manent" và báo chí Công giáo cung ứng những tin tức và sự giáo huấn chân chính và đúng đắn để rồi người Công giáo có thể dựa vào mà tra cứu.

Nhiều tờ báo của giáo phận có mục hằng tuần hay ít nhất thỉnh thoảng được Giám mục giáo phận viết ra – và mục này thường là mục lôi kéo độc giả. Giáo dân rất thích thú biết giám mục của mình nói gì, nghĩ gì, và dĩ nhiên điều này sẽ mang ích lợi, nếu các giám mục biết sử dụng và viết tóm gọn và viết hay.

Về truyền thanh và truyền hình thì thế nào?

Trước tiên, trong nhiều quốc gia mà phần đông là Công giáo thì tương đối có sự dễ dàng khi giám mục hay Giáo hội muốn sử dụng những phương tiện truyền thông này.

Trong những quốc gia như vậy thì việc phát thanh hay truyền hình những Nghi lễ tôn giáo không có gì trở ngại, và ngay cả những chương trình thông tin tôn giáo, gồm cả những sứ điệp và tin tức hàng tuần hay hằng ngày được phát đi cho dân chúng, có nơi giám mục trực tiép gửi sứ điệp hằng tuần cho giáo dân.

Điều quan trọng là phải biết dùng những cơ hội thuận tiện sẵn có và đưa ra những chương trình phát thanh hay phát hình giá trị và chất lượng. Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô là sứ điệp qúi hóa nhất mà thế giới cần đón nghe – và chúng ta có trách nhiệm ràng buộc phải trình bày sứ điệp đó thật tốt.

Vì thế, nói một cách chung, tôi rất ủng hộ việc sử dụng càng nhiều càng tốt những cơ hội mà ngành truyền thông thế tục công hiến cho chúng ta để rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu. Thảm thương thay, tại nhiều nơi có những cơ hội tốt như thế mà Giáo hội không sử dụng.

Tại một số các quốc gia, tì dụ như chính tại quê hường tôi là Mỹ quốc, rất khó cho tổ chức tôn giáo tiếp cận với truyền thông, vì nếu muốn có giờ phát thanh phát hình thì những tổ chức tôn giáo phải mua giờ trên đài. Tại Hoa Kỳ hiện nay 10% các đài phát thanh – tức là 1.200 đài trên tổng số 12.000 đài -- không phát thanh gì khác ngoài các chương trình về tôn giáo, và các đài thường bán thời gian từ 15 phút cho tới nửa giờ cho các mục sư giảng Tin Mừng và thường thì họ kêu gọi đóng góp tiền bạc. Hướng đi này phần đông phản ảnh các chương trình của Tin lành.

Chỉ trong thời gian gần đây thì một số các giáo phận và các tổ chức tư Công giáo mới mua giờ ở các đài phát thanh để trình bày chương trình Công giáo. Như tôi biết thì hiện tại có chừng 100 đài phát thanh Công giáo tại Hoa Kỳ.

Tại Bồ Đào Nha, hệ thống Phát thanh lớn nhất là Radio Renscenca, Đài này là đài Công giáo và lấy cảm hứng về những đề tài Công giáo; tại Tây Ban Nha, Radio COPE được coi là hệ thống phát thanh lớn thứ nhì trong nước; tại Pháp có 2 hệ thống phát thanh Công giáo; tại nhiều quốc gia khác như tại Ý, có đài phát thanh Radio Maria, một hệ thống mà gần đây hệ thống phụ phát thanh ở Ba lan có sự đụng chạm với giáo quyền.

Tại Phi luật tân có một hệ thống gồm 50 đài phát thanh Công giáo. Ở Nam Mỹ, nhiều quốc gia có những đài phát thanh Công giáo hay phát thanh cộng đồng. Dĩ nhiên chúng ta không quên nói tới đài phát thanh Radio Vatican, đài này được thành lập 70 năm về trước theo lời yêu cầu của ĐGH Piô XI và do ông Guglielmo Marconi xây dựng lên, chính ông là người phát minh ra radio. Ngày nay Radio Vatican có số lượng độc giả quốc tế rất đông, không chỉ được phát trên làn sóng ngắn mà còn được phát qua hệ thống vệ tinh satellite và qua hệ thống Internet nữa.

Như vậy, thực tế thường là nên sử dụng đài phát thanh sẵn có dễ móc nối và mua số lượng thời giờ nếu cần, dùng cho việc rao giảng và nỗ lực truyền giáo; nếu trường hợp có thể thành lập một đài phát thanh Công giáo riêng thì nên làm.

Quyết định của qúi giám mục về chương trình phát thanh trong giáo phận phải tùy thuộc và tình hình địa phương và ngay cả tình hình chung của quốc gia qúi vị -- nhưng dầu thế nào chăng nữa thì khi khởi xướng các chương trình phát thanh Công giáo cần chú trọng đến chất lượng giá trị. Không nên đưa ra những chương trình mà dân chúng cho rằng thiếu chất lượng và người nghe sẽ bình phẩm và có suy tư không được tốt về Giáo hội.

Như nhiều qúi giám mục đã rõ, tại Hoa Kỳ, tại Nam Mỹ và ở các quốc gia Âu châu hiện có hệ thống Truyền Hình có tên là “Hệ thống Truyền Hình Lời Hằng Sống -- Eternal Word Television Network” được phát đi 24/24 tiếng mỗi ngày. Hệ thống này được khởi sự từ một tu viện kín ở tiểu bang Alabama, miền Nam Hoa Kỳ. Mẹ Angelica thời danh chính là người đã khởi sự đài truyền thanh và truyền hình quốc tế này.

Tại nước Ba Tây và tại nước Cộng Hòa Dominicô cũng có hệ thống Truyền hình, và từ hai hệ thống này ĐHY López Rodríguez đang có ý định phát động một hệ thống Truyền hình bằng tiếng Tây Ban Nha xuyên xuất trong lục địa Mỹ Châu.

Hiện nay cũng có những kênh phát sóng truyền thanh và truyền hình qua vệ tinh satellite tại 2 quốc gia Ý và Pháp.

Những phương thế và hình thức truyền thông mới mở ra những viễn tượng và khả năng mới, nhưng cũng có nhiều khó khăn cần phải vượt thắng, đó là việc sử dụng internet.

Có nhiều giáo phận và ngay cả các giáo xứ đã có trang Web riêng. Như nhiều người trong chúng ta đã rõ, hệ thống internet của Vatican ở địa chỉ là www.vatican.va. Tôi vui mừng tường trình cho qúi giám mục là chính tôi là người đã lấy tên miền ‘.va’ (vatican) cho tên của hệ thống internet từ Vatican; khi dùng tên này chúng tôi muốn rằng bất cứ sứ điệp nào phát ra từ tên miền này đều là chính hiệu và bảo đảm. Nhưng không may, cũng có những người lạm dụng và lấy những địa chỉ na ná giống của Vatican và phát tán ra những tin tức sai lệch và ngay cả việc dùng các địa chỉ giả này để phát tán những hình ảnh dâm ô trên các trang Web của họ dưới nhãn hiệu mang tên Vatican. Do vậy một khi người ta vào đúng trang có tên miền tận cùng là “.va” thì bảo đảm là trang Công giáo chính hiệu. Dĩ nhiên cũng có những trang Web Công giáo khác có thể tin tưởng được, nhưng cũng có nguy cơ là nhiều trang mang nhãn hiệu “Công giáo” nhưng thực ra không phải là Công giáo!.

Về đề tài trả lời Phỏng vấn

Nhân đây tôi cũng muốn trình bày vài điều về những cuộc phỏng vấn. Đôi khi giới truyền thông phỏng vấn qúi giám mục và có thể qua đó “sập bẫy hay đánh úp qúi giám mục. Do đó lời khuyên quan trọng của tôi là hãy luôn luôn trong câu trả lời và cách trả lời của qúi giám mục làm sao phản ánh được những điều theo gương của Chúa Kitô, đó là: lịch thiệp, rõ ràng và toàn diện.

Đừng bao giờ nói điều gì mà qúi giám mục không muốn thấy điều đó được in ra trên báo, hay không muốn người ta nghe; nếu qúi giám mục không biết rõ điều người ta hỏi hoặc không muốn trả lời điều gì thì đừng nói gì cả về đề tài đó. Đàng khác cũng nên học biết rõ câu hỏi để có câu trả lời thích ứng. Có nghĩa là nên nhấn mạnh vào điểm mà qúi vị muốn trả lời cho câu hỏi của người phỏng vấn, bởi vì sau này sẽ không có cơ hội khác để nói lên điều muốn nói.

Điều hiển nhiên là các câu trả lời của qúi giám mục luôn luôn cần phải trung thực trong nội dung và duyên dáng trong cách trả lời. Thiên Chúa là sự thật và Thiên Chúa là tình yêu – và chúng ta phải phản ánh cả hai sự kiện nêu trên, vì chúng ta là chứng nhân cho Chúa trong cách chúng ta sửa soạn điều mình nói và trong các câu trả lời của chúng ta cho giới truyền thông.

(LM Trần Công Nghị chuyển ngữ)