CÂU HỎI VÀ LỜI GỌI
Từ khi có trí khôn đến hôm nay, tôi đã đặt biết bao nhiêu là câu hỏi. Biết đặt những câu hỏi là khởi đầu sự khôn ngoan và là bước đầu đi vào tìm hiểu những gì hiện diện ở chung quanh. Sự phát triển của tư tưởng và sự tiến bộ khoa học bắt đầu từ những câu hỏi : Tại sao và thế nào. Câu hỏi nối tiếp câu hỏi đã để lại cho chúng ta một kho tàng thật phong phú về văn chương, triết học và những tiến bộ không ngừng của khoa học. Thế nên, có một triết gia thế kỷ XX - Martin Heidegger - có một định nghĩa về con người, mà tôi không còn nhớ đã đọc được ở sách nào đại ý như sau : con người là con vật biết đặt câu hỏi « tại sao » và ông cũng cho biết triết gia là ai khi ông viết : Triết gia là người chết với câu hỏi « tại sao ». Thật vậy, không ai trong chúng ta có thể trả lời hết tất cả các câu hỏi « tại sao ». Câu hỏi « tại sao » chính là nỗi ưu tư, là thao thức khôn nguôi, là sự khắc khoải của của kiếp nhân sinh. Trong cõi thâm sâu của con người, niềm khắc khoải tìm kiếm hạnh phúc không ngừng lên tiếng, thúc giục con người tìm kiếm cho được hạnh phúc miên viễn, đích thực có thể lấp đầy và có khả năng làm thoả mãn cơn đói khát hạnh phúc. Thánh Augustinô (thế kỷ IV), một người có kinh nghiệm « đầy mình » trong cuộc tìm kiếm này. Hạnh phúc trong « tứ đỗ tường » ư ? Vẫn không là hạnh phúc thật mà ngài tìm kiếm. Sau những cuộc chơi, là sự ề chề, trống vắng. Hạnh phúc trong văn chương, triết học-tôn giáo ư ? Vẫn cũng không thể lấp đầy cơn đói hạnh phúc miên viễn luôn hoành hành không ngơi nghỉ. Vậy hạnh phúc này thật sự ở đâu ? Sau khi « trở lại » ngài viết : « Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và lòng chúng con vẫn còn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Ngài. » (Tự thuật, I, 1). Mười thế kỷ sau thánh Augustinô, và sáu thể kỷ trước triết gia Heidegger, nhà thần bí dòng Đa minh – Maître Eckhart (thế kỷ XIV) đã tìm thấy câu trả lời cho tất cả các câu hỏi « tại sao » của kiếp nhân sinh, trong bài giảng số 26, ông viết : « Trong Thiên chúa, không tồn tại câu hỏi « tại sao ». Bởi « tại sao » sẽ luôn luôn tạo ra những khoảng cách và còn ở trong thời gian ».
Con người được sinh ra không phải là để chỉ đi tìm câu trả lời cho tất cả những vấn nạn trong cuộc sống, cho tất cả những câu hỏi « tại sao ». Cho dù có thể trả lời đúng hay sai cho câu hỏi có thể được đặt ra, con người vẫn không bao giờ thoả mãn và tìm thấy hạnh phúc. Con người sống là tìm cách đáp trả lại cho một hay nhiều tiếng gọi gởi đến cho mình. Vì sao ? Bởi, một khi một câu hỏi được trả lời thoả đáng, câu hỏi đó sẽ không còn lý do tồn tại. Câu hỏi này sẽ biến mất. Trái lại, khi để trả lời cho một lời mời gọi, tôi không thể trả lời : có hoặc không; đúng hay sai… Lời mời gọi chỉ có thể đáp trả bằng sự hiện diện của tôi. Sự hiện diện của tôi không làm cho lời mời gọi mất đi lý do tồn tại của nó. Ngược lại, lời mời gọi thúc giục một sự dấn thân nơi bản thân tôi và tôi làm cho lời mời gọi luôn luôn sống động, luôn luôn được vang lên cách mới mẻ.
Hàng ngày tôi lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa chính là lời mời gọi. Khi để cho Lời Chúa đánh thức tôi, mở tai tôi, Lời Chúa nên niềm vui, sự hoan hỉ của tâm hồn. Và tôi cảm nghiệm cùng tâm tình vui sướng với ngôn sứ Giêrêmia khi : « Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỉ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang Danh Ngài » (Gr 15, 16). Và tôi hiều được lý do tại sao Thầy Giêsu lại nói với hai môn đồ của Gioan Tẩy giả: « Hãy đến và xem ! » (Ga 1, 39).