CÁNH CHUNG CÁ THỂ – Luyện Tội



Chúng ta đã bước sang tháng 11, tháng Giáo Hội dành để cầu nguyện đặc biệt cho các đẳng linh hồn.

Ngày 01 tháng 11, Lễ Các Thánh, Giáo Hội hướng lòng trí chúng ta lên trời, chiêm ngưỡng vinh quang Các Thánh Nam Nữ đang hưởng phúc bên Chúa, để bao lâu còn sống trên trần gian, chúng ta biết nỗ lực sống đạo đức thánh thiện và hằng ngày xin Các Thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, hầu ngày sau được về thiên đàng hưởng nhan Thánh Chúa.

Ngày mùng 2 và suốt cả tháng 11, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn xuống Luyện ngục, nơi những linh hồn còn phải đau khổ đền tội, để dâng lời cầu nguyện và việc lành phúc đức chúng ta làm hàng ngày, để cầu xin Chúa tha phần phạt cho họ, hầu mau về hưởng phúc với Các Thánh.

Cả tháng 11 này, Giáo Hội nhắc chúng ta sống Tín Điều Các Thánh Thông Công : những người còn sống ở thế gian, Các Thánh trên trời và các linh hồn ở luyện ngục đều thông công cùng nhau, trong một Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô. Tất cả đều là anh em với nhau trong đại gia đình nhân loại, được Thiên Chúa là Cha hiền lành nhân ái hằng thương yêu bảo vệ chăm sóc. Tất cả thông hiệp với nhau trong đức tin, trong đức ái, trong đời sống Bí Tích và trong lời cầu nguyện hằng ngày.

Trong ý nghĩa đó, chúng ta cùng ôn lại một chút về CHIỀU KÍCH CÁNH CHUNG CÁ THỂ, đặc biệt là tìm hiểu về LUYỆN TỘI.

I- NỘI DUNG VÀ NỀN TẢNG TÍN ĐIỀU.

- Đời vĩnh cửu là tận đích, là phần thưởng Thiên Chúa hứa ban. Ngài ban những phương thế để mỗi người có thể đạt tới. Tuy nhiên trong số những người được cứu độ, ít người đạt thẳng tới Nước Trời ngay. Phần đông còn phải trải qua một thời gian thanh luyện tinh thần.

- Vào thời Trung Cổ, Giáo Hội đã định tín về Luyện Tội.

Công Đồng Lyon II (1274) công bố : “Các linh hồn đã lìa xác trong sám hối và đức ái được thanh luyện sau khi chết bằng những hình phạt thanh tẩy” (D 464).

Công Đồng Florence đã lặp lại lời công bố đó (D 693). Đến sau Đức Léon X đã bác bỏ luận thuyết của Luther cho rằng Luyện Tội không được Thánh Kinh xác nhận (D777). Công Đồng Trente một lần nữa lại xác nhận có Luyện Tội trong khóa họp cuối cùng, khoá XXV (D 983).

- Qủa thật Thánh Kinh không minh nhiên nói đến Luyện Tội, nhưng có ám chỉ hoặc gián tiếp xác nhận. Chẳng hạn, việc cầu cho người chết để xin ơn xá tội được chuẩn nhận (2 M 12/ 38-45). Nhiều Giáo Phụ, để minh chứng có Luyện Tội, thường trích dẫn lời Thánh Phaolô ở thư Corintô: “Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Ngày của Chúa sẽ … tỏ rạng trong lửa. Chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thế băng qua lửa” (1 Co 3/ 13 – 15).

- Học thuyết Luyện Tội đã thành hình với các Giáo Phụ và đã được khai triển thêm dần. Khởi điểm của sự khai triển này là những ý niệm “xét xử” và “thưởng phạt” ta gặp rất nhiều trong Cựu Ước và trong Tân Ước. Các ý niệm đó cũng có trong ngoại giáo, nhưng được Kitô giáo tô đậm nét hơn.

Ngay từ buổi đầu các tín hữu đã cầu cho những người chết, đặc biệt khi cử hành Thánh Lễ, nhiều khi ngay trên mộ người chết. Trên vách các nghĩa trang ngầm, họ cũng ghi lời cầu, chẳng hạn : “ Xin Thiên Chúa cho hồn anh (chị) được mát mẻ. Xin Ngài cho anh (chị) được hưởng bình an”. Tertullien là người đầu tiên chỉ rõ ý nghĩa của việc cầu cho người chết được giải thoát và được hưởng nhan thánh Chúa. Dựa vào Mt 5/ 26, tác giả này cho rằng, nơi địa giới, linh hồn người chết phải trả nợ dần “cho tới đồng xu cuối cùng”. Ông cũng phân biệt trong các người chết, một bên là các vị tử đạo hoàn toàn thánh thiện được người ta dâng lễ kính hằng năm và một bên là các tín hữu thường cần được người sống cầu cho.

Các Giáo Phụ lớn như Ambrôsiô, Auguttinô và Grégoire le Grand đều nhìn nhận những người lành nhưng còn mang tội nhẹ cần phải được thanh luyện trước khi về với Thiên Chúa và trong thời kỳ thanh luyện họ có thể được trợ giúp bởi lời cầu và việc lành của người sống. Chính bà mẹ Mônica đã dặn con mình là Auguttinô hãy nhớ đến mình nơi bàn thờ của Chúa.

- Vào khoảng thế kỷ VIII việc nhớ và cầu nguyện cho người đã chết được thêm vào trong Thánh Lễ. Sang thời Trung Cổ, đan viện Cluny truyền bá rộng rãi việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.

Sự thành hình và phát triển học thuyết về Luyện Tội cho thấy Giáo Hội thời xưa có một ý thức rất sâu sắc về sự Thánh Thiện và Công Bình của Thiên Chúa và tiếp nhận một cách nghiêm túc những giới luật cũng như những đe dọa của Người. Giáo Hội cũng cho thấy rõ sự Thanh Khiết đòi nơi các Thánh Trên Trời khi nhìn nhận rằng hầu hết mọi tín hữu, ngoại trừ các vị tử đạo, các Tông Đồ và các Tiên Tri, đều cần được thanh tẩy sau khi chết.

II.- Ý NGHĨA LUYỆN TỘI.

- Khi có lòng sám hối, tội được tha. Tuy nhiên còn để lại dấu vết cần được thanh tẩy. Luyện Tội được coi là hình phạt, nhưng hình phạt này rất đặc biệt. Vì chính linh hồn ý thức được tình trạng bất xứng của mình trước sự thánh thiện hoàn hảo của Thiên Chúa, vì vậy tự nguyện được thanh tẩy. Chính linh hồn muốn trở nên thanh khiết, trưởng thành, trong sáng hơn để được hiệp nhất với Thiên Chúa, nên đón nhận những đau đớn do việc thanh tẩy như một phương thế cần thiết. Thánh Cathasienna nói: “Linh hồn lao vào luyện tội với hạnh phúc”.

- Luyện Tội trước hết và chủ yếu là một Tình Trạng, mặc dầu Công Đồng Trente có dùng chữ “hình phạt và đau khổ” ( D 983 ). Và người ta nói nhiều đến đau khổ của Luyện Tội, nhưng khó có thể nghĩ rằng tình trạng này chỉ có đau khổ. Thực ra, trong Luyện Tội hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở. Đây là một thứ đau đớn làm sung sướng, hoặc một thứ hạnh phúc còn pha lẫn đau đớn.

Thánh Bernardin đặc biệt chú trọng đến hạnh phúc của thời luyện tội. Ngài kể ra năm nguồn vui của tình trạng này :

1- Confirmatio Gratio : Xác định ân sủng – Tình trạng ân sủng không thể mất.

2- Gertitudo salutis : Chắc chắn được cứu độ.

3- Amor Dei : Tình yêu và lòng mến của Thiên Chúa dành cho họ.

4- Visitatio Angelorum : Được các Thiên Thần thăm viếng.

5- Visitstio Sanctorum : Được các Thánh thường xuyên viếng thăm.

Rồi Ngài kết luận : mặc dầu những người trong luyện tội phải chịu những đau khổ rất lớn, nhưng tình trạng của họ tốt đẹp và hạnh phúc hơn tình trạng của những người còn sống ở trần gian.

- Giữa địa ngục và Luyện Tội không phải chỉ có sự khác biệt về thời hạn, nhưng còn khác nhau về bản chất. Luyện Tội không phải là một địa ngục có thời hạn. Mặc dù có hình phạt, nhưng là hình phạt có tính tự nguyện. Hơn nữa, hồn ở trong Luyện Tội luôn sống trong hy vọng được về với Thiên Chúa, vì thế luôn bừng lên tình mến trọn vẹn đối với Thiên Chúa, tràn ngập bình an của Thiên Chúa. Người ta đã biết chắc số phận của mình, một số phận hạnh phúc, vĩnh cửu không gì có thể đe doạ. Trái lại, trong địa ngục không bao giờ có thể có một chút hy vọng, không bao giờ có lòng mến, không bao giờ có bình an và niềm vui.

- Hình ảnh lửa phát sinh từ đâu ?

trong thư Corintô I Thánh Phaolô viết: “Chính Lửa sẽ thử thách phẩm chất việc làm của mỗi người” (1 Co 3, 13). Ở đây tác giả không nói về Luyện Tôi, nhưng trong câu này hai chữ “LỬA” và “THỬ THÁCH” được liên kết với nhau. Dựa vào câu trên, thánh Auguttinô đặt ra hai chữ “LỬA SỬA DẠY” và “LỬA THANH TẨY”. Do cách ghép chử của Thánh Auguttinô, dần dần nhiều người tin rằng, các linh hồn được thanh tẩy bằng lửa trong thời Luyện Tội.

Phần đông các nhà thần học Latinh chấp nhận hình ảnh lửa. Nhưng chính Giáo Hội thì không xác định. Công Đồng Florence và Công Đồng Trente không dùng chữ “lửa” khi xác nhận Luyện Tội. Nhiều mạc khải tư nói đến lửa luyện tội, tuy nhiên mạc khải tư không đủ để xác định chân lý đức tin.

Giáo Hội Đông Phương không chấp nhận ý kiến thanh tẩy bằng lửa. Theo Giáo Hội này, sau khi chết linh hồn được thanh luyện bằng tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có khả năng thanh luyện. Còn “lửa” là một hình ảnh thích hợp để diễn tả sức mạnh của tình yêu, hợp với lời thư Do Thái: “Thiên Chúa chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Dt 12, 29).

Về vấn đề “lửa” có thể tóm lược như sau : Giáo Hội không chấp nhận cũng không phủ nhận việc thanh tẩy bằng lửa; do đó cũng không phi bác lập trường của Giáo Hội đông phương. Ý kiến chỉ có tình yêu mới thanh luyện được rất đúng. Tuy nhiên không thể coi sự thanh luyện này chỉ là một hiện tượng hoàn toàn tâm lý, chủ quan. Trong thực hành, Giáo Hội khuyến cáo nên tránh diễn tả thời Luyện Tội một cách quá thô thiển, vật chất.

- Về thời gian thanh luyện.

Sự thanh tẩy có thể hoàn tất trong thời gian ngắn. Lúc đó, cường độ bù lại thời gian. Nhưng thường thường thời gian thanh tẩy phải kéo dài ít lâu. Có những tác giả như Dominique Soto cho rằng mười năm thanh tẩy thì đủ cho một đời người. Nhiều tác giả khác như Bellarmin thì thấy cần một thời gian dài hơn. Thực ra chúng ta không thể biết được Thiên Chúa sẽ đong tội ta bằng đấu nào.

Người sống có thể cầu cho các linh hồn nơi Luyện Tội. Việc này vẫn được Giáo Hội khuyến khích và hợp với mầu nhiệm “Các Thánh Thông Công” (chia sẻ các kho tàng thiêng liêng ).

- Còn các linh hồn có thể cầu cho người sống không ?

nhiều người như Alexandre de Halès và Thánh Thomas, phủ nhận. Thánh Thomas lý giải: “Các linh hồn qua đời hơn ta ở chỗ không còn phạm tội, nhưng kém ta ở chỗ còn đang chịu đau khổ; vì thế các linh hồn cần được ta cầu khẩn cho hơn là cầu khẩn cho ta”.

Richard de Middleton bác bỏ ý kiến này. Ông cho rằng: “Các linh hồn có thể cầu khẩn cho ta vì sống trong đức ái và là bạn của Thiên Chúa”. Bellarmin và Suarez cũng nghĩ như vậy.

Về phần Giáo Hội, trong phụng vụ, Giáo Hội không bao giờ chính thức cầu khẩn các linh hồn. Tuy nhiên, các tín hữu buổi đầu thường ghi lời cầu trên các ngôi mộ, chẳng hạn “xin cầu cho chúng tôi”.

Có thể tạm kết luận như sau : có thể xin các linh hồn cầu cho ta. Nhưng ta cầu cho các linh hồn vẫn là điều chính.

KẾT LUẬN :

Như vậy đức tin cho ta biết : giữa trời và đất có một cõi trung gian là Luyện ngục, nơi thanh luyện những linh hồn chưa hoàn toàn trong sạch trước khi được hưởng nhan Thánh Chúa, vì Chúa là Đấng tuyệt đối thanh sạch thánh thiện, chỉ có linh hồn nào hoàn hảo thanh sạch mới đáng được sống với Ngài.

Trong Luyện ngục hiện giờ chắc chắn còn nhiều linh hồn đang đền tội, đang được thanh tẩy, trong số đó có thể có ông bà cha mẹ, anh chị em, bà con bạn hữu và ân nhân của chúng ta. Muốn cho các linh hồn đó được sớm về hưởng nhan thánh Chúa, chúng ta dâng việc lành phúc đức, những hy sinh, các ân xá và nhất là Thánh Lễ, cầu xin Chúa tha bớt hình phạt cho họ. Các linh hồn này đang khẩn thiết kêu cầu chúng ta cứu vớt họ, than trách chúng ta về sự thờ ơ lãnh đạm đối với họ. Lẽ nào chúng ta đành làm ngơ trước sự đau khổ khốn khó của những người thân yêu, những kẻ đã làm ơn làm phúc cho chúng ta, những người đồng hương đồng loại với chúng ta.

Việc giúp các linh hồn ở luyện tội bằng lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta, đem lại hiệu quả cứu rỗi : một mặt nó cứu vớt các linh hồn khỏi trầm luân đau khổ; mặt khác nó giúp chúng ta tránh mọi tội lỗi và kéo ơn Chúa xuống trên chúng ta; Sau cùng khi linh hồn nào được chúng ta cứu vớt, chắc chắn sẽ không quên công ơn chúng ta, sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta ngày sau được hưởng phước với họ.

VẤN TÂM

1.- Ông Cao Bá Quát là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông có mấy câu thơ như sau: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy những nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời - Tiêu khiển một vài chung lếu láo”.

Qua đó chúng ta thấy Cao Bá Quát chủ trương còn sống bao lâu thì hãy ăn chơi, hưởng thụ cho tối đa, kẻo chết rồi sẽ không còn được hưởng thụ nữa. Đây là quan niệm của những người không tin có đời sau. Thế nhưng có những người có đạo mà cũng sống theo kiểu đó, quan tâm duy nhất của họ là chỉ lo ăn, lo mặc, lo xài, lo mua sắm, lo chơi, lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Sống kiểu đó là mâu thuẫn với niềm tin của mình.

2.- Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần đã khuyến cáo rằng : ngày hôm nay có rất nhiều người, kể cả các Linh Mục rất ngại nói đến cái chết và rao giảng những chân lý đức tin về thực tại cánh chung và đời sống vĩnh cửu.

Đối với những người không có niềm tin, cái chết quả là một cái gì phi lý nhất trong cuộc sống. Nhưng đối với những ai có niềm tin thì chính cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi chúng ta vẫn tin rằng, bên kia cái chết thì cuộc sống vẫn tiếp tục, đó là cuộc sống trong cõi phúc trường sinh. Đây là niềm tin, niềm hy vọng mà chúng ta được mời gọi rao giảng để nuôi dưỡng đức tin và đời sống đạo người tín hữu mỗi ngày.

3.- Mỗi người cuối cùng phải trả lẽ với Thiên Chúa là một điều có thực, rất thực như lời chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đây cũng là xác tín của Thánh Phao-lô, ngài nói: “Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống”. Niềm tin này không chỉ là một lời tuyên xưng, nhưng phải được thể hiện qua cuộc sống vui tươi của từng người chúng ta ngay giữa những thử thách, khó khăn trăm bề của cuộc sống hiện tại.

Cùng với niềm vui và hy vọng, niềm xác tín này còn đòi mỗi người chúng ta phải luôn tỉnh thức, vì chúng ta “không biết ngày nào giờ nào”.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Mỗi người chúng ta đều phải chết, điều đó ai ai cũng biết, nhưng không ai biết mình sẽ chết lúc nào – cách nào. Vì thế cần phải chuẩn bị chết lành hằng ngày, bằng cách cố gắng sống đạo đức thánh thiện luôn, nhờ ơn Chúa giúp và nhờ sự chuyển cầu của Các Thánh trên trời.

Thánh Phaolô nói: “Chết là một mối lợi, còn sống là một khổ hình”. Vì thế Ngài quả quyết : “Đối với tôi, sống là đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Đức Kitô là gì, nếu không phải là sự chết cho thể xác và là Thần Khí ban sự sống ?”

Vì thế chúng ta hãy cùng chết với Người để cùng sống lại với Người. Chớ gì hằng ngày chúng ta tập quen với sự chết và yêu mến nó, để linh hồn chúng ta nhờ sự chia lìa này mà biết đoạn tuyệt với các dục vọng xác thịt. Khi linh hồn được đặt ở nơi cao cả như thế, dục vọng trần tục không thể tới gần để bẫy nữa, linh hồn sẽ lãnh hình ảnh sự chết, để khỏi chịu hình ảnh sự chết. Quả vậy, luật xác thịt chống lại luật tinh thần và muốn kéo tinh thần vào lầm lạc. Có phương thế nào cứu chữa không ? Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết dở nầy ? Chính ơn của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Lạy Chúa, con một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin cho chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhậm lời chúng con khẩn nguyện, mà làm cho lòng chúng con luôn trông cậy vững vàng : Chính Đức Giêsu sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được Phục Sinh Vinh Hiển. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen