BÁO CÁO TỔNG KẾT TÌNH HÌNH 26 GIÁO PHẬN VIỆT NAM



Nhân dịp Hội nghị Thường niên của HĐGMVN từ ngày 4-9 đến 9-9-2006 tại Huế, Văn phòng Thư ký xin tổng kết tình hình 26 giáo phận dựa trên các số liệu trong Bản Báo Cáo (Questionnaire) của các giáo phận gửi sang Toà Thánh vào tháng 5-2006 vừa qua, với mốc thời gian tính đến ngày 31-12-2005, cũng như dựa vào báo cáo tình hình của giáo phận trong Hội nghị này để trình bày vài nét khái quát về Giáo hội Việt Nam trong năm qua cũng như đôi điều suy nghĩ cho vài năm tới. Trong phần đầu tiên, chúng con tổng kết về dân số Công giáo, tình trạng nhân sự, bí tích, hoạt động mục vụ bác ái xã hội và Năm Sống Lời Chúa của các giáo phận. Trong phần thứ hai, chúng con tóm lược một số sự kiện đáng lưu ý trong Giáo Hội, một vài khó khăn và vấn đề cần lưu ý, một vài kiến nghị của cộng đồng Dân Chúa và một vài thách đố trước tương lai. Chúng con mong ước Bản Tổng kết này có thể đóng góp phần nào vào việc hoạch định đường hướng để xây dựng và phát triển Giáo Hội Việt Nam trong những năm sắp tới.

1. TỔNG KẾT TÌNH HÌNH GIÁO HỘI VIỆT NAM

1.1. Diện tích các giáo phận và dân số Công giáo

Diện tích:
Tổng diện tích của các giáo phận năm nay giảm đột ngột từ 329.537,27 km2 của năm trước xuống còn 324.248,42 km2. Nếu so sánh với diện tích do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố trên Niên Giám Thống Kê 2005 (x. NXB Thống kê, Hà Nội 2006, tr.29-30) là 329.314,5 km2 thì đã hụt mất 5.066,08 km2.
Lý do: Có 2 số liệu thay đổi lớn là giáo phận Hưng Hoá năm trước ghi 54.315 km2 năm nay chỉ ghi 48.072 km2 và giáo phận Huế năm trước ghi 14.593 km2, năm nay lại tăng tới 16.194 km2.
Tuy nhiên, dù các giáo phận khác giữ nguyên diện tích, nhưng khi so sánh với số liệu do Tổng cục Thống kê mới công bố chúng con vẫn thấy có sự chênh lệch của nhiều giáo phận. Chúng con đã tìm được số liệu về diện tích của các tỉnh thành, quận huyện trong Bản đồ Hành Chính 2005 của Nhà Nước để giúp các Đức cha xác định lại ranh giới và diện tích của giáo phận. Do một vài vùng nằm giữa 2 giáo phận không được xác định thuộc giáo phận nào, nhất là các vùng thuộc giáo tỉnh Hà Nội như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Thái Bình, Lạng Sơn, nên diện tích thật của các giáo phận rất khó xác định.
Chúng con đề nghị nhân dịp này, xin các Đức cha xác định một lần nữa rõ ràng để từ nay có số liệu chính xác hơn.

Dân số:
Từ việc thiếu chính xác về diện tích, các số liệu về dân số cũng chưa ổn định. Trong báo cáo năm trước, số dân của cả nước là 85.230.535 người, còn báo cáo năm nay là 86.701.556 người. Thực tế số dân VN tính đến 31-12-2005 mới chỉ là 83.119.900 người. Như vậy dân số đã tính dư ra 3.581.635 người. Tất cả giáo phận đều có số dân gia tăng, chúng con không thể biết giáo phận nào đã có sai biệt lớn so với thực tế, nếu không biết được ranh giới của giáo phận dù trong bản đồ hành chính của Nhà Nước có cho số dân cư. Dĩ nhiên dân số tăng do sinh sản, do di cư (vừa tính ở nơi mình sống, vừa tính ở nơi đến làm việc), do diện tích chồng chéo (1 chỗ được 2 giáo phận cùng tính), nhưng sự chênh lệch quá lớn yêu cầu chúng ta phải xem lại số dân thật sự.

Dân số Công giáo
Tổng số dân Công giáo là 5.854.880 người, so với số năm cũ là 5.776.972 người, tăng thêm 77.908 người, chiếm tỷ lệ 7,04% so với dân số thực. Tỷ lệ này vẫn không thay đổi so với năm trước nhưng nếu so với số tăng năm trước 109.544 người thì năm nay thấp hơn đến 31.636 người.

1.2. Thống kê nhân sự

Hàng giáo phẩm:
Có 45 người gồm 2 hồng y, 2 tổng giám mục và 41 giám mục, trong đó có 14 vị nghỉ hưu. ĐHY Phaolô G. Phạm Đình Tụng, Đức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, Đức cha Phaolô M. Nguyễn Minh Nhật đang trong tình trạng bệnh nặng. Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến và Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đang chữa bệnh ở nước ngoài.

Linh mục:
Tổng số linh mục 3.404 người, trong đó có 2.627 triều, 594 dòng, 216 tân linh mục và trừ đi 33 người qua đời trong năm, so với năm trước là 3.126 người, tăng thêm 279 người.

Chủng sinh:
Tổng số chủng sinh là 1.277, giảm 16 người so với năm trước, trong đó có 1022 người đang học trong các đại chủng viện và 255 người đã học xong, chưa kể 1.573 chủng sinh dự bị. Ngày 26-8 vừa qua, cơ sở 2 của Đại chủng viện Thánh Giuse thuộc tổng giáo phận TP.HCM đã được đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng tại Xuân Lộc, Đồng Nai.

Tu sĩ nam nữ:
Tổng số tu sĩ là 14.223 gồm 12.382 nữ và 1.841 nam so với năm trước giảm 190 người. Ngoài ra còn phải kể thêm 1.015 người thuộc các tu hội đời hoặc tu đoàn tông đồ, số người này cũng giảm 81 người so với năm trước.

Giáo lý viên:
Tổng số giáo lý viên là 56.517 người, tăng 2.630 người so với năm trước.

1.3. Thống kê về số người nhận bí tích

Rửa tội:
Người lớn: 31.876; trẻ em từ 1-7 tuổi: 7.106 và trẻ sơ sinh: 108.736. Tổng số người được rửa tội là 147.718, so với năm trước tăng 591 người.

Rước lễ lần đầu:
130.108 người, tăng 5.818 người so với năm trước.

Thêm sức:
136.649 người, giảm 882 người so với năm trước.

Hôn phối:
59.735 tăng 4.867 lần so với năm trước, trong đó có 54.055 lần cùng tôn giáo và 5.680 lần khác tôn giáo.
1.4. Thống kê các cơ sở, hoạt động mục vụ bác ái xã hội

Giáo xứ-Giáo họ:
Có 1.655 giáo xứ có linh mục triều đảm nhận việc coi sóc giáo dân và 113 giáo xứ do linh mục dòng, tổng cộng 1.795, tăng 211 giáo xứ so với năm trước. Tuy nhiên vẫn còn 565 giáo xứ, giáo họ chưa có linh mục thường trực hoặc nhờ đến tu sĩ hay giáo dân quản trị.

Cơ sở giáo dục và đào tạo:
Có 724 nhà trẻ, lớp mẫu giáo do các tu sĩ phụ trách, tăng 26 so với năm trước. Trường cấp 1 là 18, giảm 76 trường so với năm trước và giảm 127 trường so với năm 2004 (145). Ở Bùi Chu có 2 trung tâm đào tạo văn hoá.
Về lĩnh vực bác ái xã hội: có 100 trạm xá, phòng phát thuốc, bệnh viện; 28 trung tâm dạy nghề; 90 nhà cô nhi, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ khuyết tật; có 11 cơ sở lo cho người phong, người nhiễm HIV và nghiện ma tuý. So với năm trước tăng thêm 12 cơ sở. Giáo phận Phú Cường có 2 cơ sở lo cho người di dân và TP.HCM có 4 cơ sở lo cho các nạn nhân bị bạo hành, phụ nữ yếu kém trong xã hội, và giáo phận Bùi Chu có 2 cơ sở về truyền thông xã hội.

1.5. Tổng kết Năm Sống Lời Chúa
Văn phòng xin tổng kết từ bản tường trình của 16/26 giáo phận, về 3 điểm học hỏi, hành động và kết quả:

Học hỏi:
Để gây ý thức cho cộng đồng dân Chúa, các toà giám mục đã tổ chức các buổi học hỏi cho nhiều thành phần về: Thư mục vụ 2005 của HĐGMVN, Hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum của Công đồng Vatican II, cách đọc Lời Chúa, cách sống Lời Chúa bằng các bài suy niệm ngắn, cách chia sẻ Lời Chúa, rao giảng Lời Chúa, giáo lý sống Lời Chúa gồm 232 câu hỏi thưa…

Hành động:
Các toà giám mục đã có một số công việc tiêu biểu sau đây:
- Mua sách Thánh Kinh, Tân Ước hay 4 Phúc Âm cho các gia đình (Ban Mê Thuột, Hải Phòng).
- Tổ chức Đại hội Giới trẻ với các chủ đề xoay quanh Lời Chúa là sức sống (Vĩnh Long), suy tôn Thánh Giá (Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn), giao lưu giới trẻ giữa các giáo phận Kontum, Huế.
- Thi Thánh Kinh, giáo lý, học Phúc Âm bằng văn vần cho thiếu nhi (Bắc Ninh, Hưng Hoá).
- Tổ chức các buổi thuyết trình cho các học sinh sinh viên (Quy Nhơn, Huế).
- Tổ chức các buổi tĩnh tâm, diễn nguyện, cầu nguyện theo Tin Mừng, đào tạo giáo lý viên các cấp về Thánh Kinh (Bắc Ninh, Hưng Hoá).
- Chầu Thánh Thể theo đề tài và nội dung Năm Sống Lời Chúa.
- Tiếp sức mùa thi: các bạn trẻ giáo xứ đưa đón, tìm nhà trọ, nấu ăn cho các sinh viên ở tỉnh xa đến (Hà Nội).
- Xây dựng cầu, máng nước cho người dân ở Hoà Bình (Hà Nội).

Kết quả:
- Đời sống đạo của người tín hữu có chuyển biến tích cực, trưởng thành hơn. Nhiều người trẻ có ý thức trách nhiệm phải làm gì cho bản thân, gia đình, quê hương, Giáo Hội (Vĩnh Long).
- Nhiều tệ nạn xã hội đã giảm bớt hoặc bị loại trừ (Vinh).
- Nhiều việc bác ái từ thiện như sửa chữa nhà cho người nghèo, neo đơn, vệ sinh môi trường,… được nâng cao.
- Một ít lương dân trở lại đạo.

2. MỘT SỐ SỰ KIỆN VÀ CÁC VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

2.1. Một vài sự kiện nổi bật
- Chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Crescencio Sepe, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, là dịp để các giáo phận có những sinh hoạt chung và san sẻ với nhau (giáo tỉnh Hà Nội, Huế).
- Việc tấn phong giám mục và bổ nhiệm các giám mục mới cho giáo phận Bùi Chu, Nha Trang, Đà Nẵng và giám mục giám quản cho giáo phận Ban Mê Thuột đóng góp vào sự phát triển của các giáo phận này.
- Trong tình hình cởi mở, có sự thông cảm chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và toà giám mục, nhiều nhà thờ mới được phép xây dựng hay sửa chữa (Kontum, Đà Lạt), nhiều giáo xứ mới được thiết lập ở các giáo phận.
- Nhiều sinh hoạt của các đoàn thể Công giáo tiến hành được phục hồi như sinh hoạt Thiếu nhi Thánh Thể ở Huế.

2.2. Một số khó khăn
• Sự phát triển kinh tế và đô thị hoá đã dẫn đến một số tiêu cực trong sinh hoạt đạo đức, cũng như làm cho tệ nạn xã hội gia tăng (Hải Phòng).
• Nhiều cơ cấu tổ chức, ban chuyên môn được đặt ra trong giáo phận mới chỉ mang tính hình thức chứ chưa có những hoạt động cụ thể và thiết thực.
• Tình trạng thiếu nhân sự (Hưng Hoá, Hải Phòng), thiếu chuyên viên về nông lâm nghiệp, tiểu thủ công mỹ nghệ để giúp đỡ người dân về mặt kinh tế (Lạng Sơn).
• Chưa truyền giáo mạnh mẽ được hoặc chưa được phép sinh hoạt tôn giáo vì còn gặp khó khăn về phía chính quyền (Lạng Sơn, Hưng Hoá).
• Việc di dân khiến cho nhiều xứ đạo gặp khó khăn trong hoạt động mục vụ như mất giới trẻ, ca đoàn dẫn đến khó khăn và phức tạp trong việc điều hành giáo xứ (Hải Phòng).

2.3. Một vài kiến nghị
Văn phòng Thư ký nhận được rất nhiều kiến nghị từ nhiều cá nhân cũng như cộng đồng Dân Chúa trong và ngoài nước, đặc biệt về các vấn đề sau đây:
- Từ bản dịch Nghi thức Thánh lễ mới, nhiều người mong ước Uỷ ban Phụng tự có được sự cộng tác rộng rãi của nhiều thành phần chuyên môn để có những bản dịch tốt đẹp hơn.
- Việc đào tạo nhân sự cho các linh mục, tu sĩ để những người này quan tâm hơn đến các hoạt động truyền giáo mang tính cách xã hội cũng như có thái độ xứng hợp với các đức tính nhân bản.
- Việc quan tâm của linh mục đối với những giáo dân có chuyên môn để cùng cộng tác trong các hoạt động của giáo xứ.

2.4. Hướng về tương lai
• Nhiều người tín hữu đang đặt ra câu hỏi: HĐGMVN đã có kế hoạch cụ thể và lâu dài nào cho cộng đồng Dân Chúa trong những năm sắp tới? Những kế hoạch này phải được xây dựng dựa trên những hiểu biết và nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt xã hội.
• Trước mắt, Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc gia nhập này sẽ tác động sâu xa đến toàn xã hội Việt Nam, trong đó có các tín hữu. Khu vực dễ tổn thương nhất là những người nông dân Việt Nam chiếm tới 70% dân số. Nhiều người chưa biết sẽ có những cạnh tranh khốc liệt, nhiều vùng nông thôn với những cây trồng không hợp với thương mại nông nghiệp (ví dụ như bông vải, bắp/ngô) sẽ bị xoá sổ, nhiều miền đất đai manh mún sẽ bị dồn điền đổi thửa, nhiều người nông dân sẽ phải bỏ ruộng để đi làm công ăn lương khi nông sản rớt giá trên thị trường… Còn rất nhiều vấn đề khác mà nếu không sớm tìm hướng giải quyết sẽ trở nên nghiêm trọng.
• Về phương diện xã hội, nghiên cứu về cấu trúc tâm lý và bản sắc của người Việt, người ta không thể không ưu tư trước những vấn đề tham nhũng, giáo dục, lối sống thực dụng của nhiều người, nhất là giới trẻ; thái độ sống nghi ngờ, cục bộ, thiếu đoàn kết và cộng tác chân thành với nhau… Vậy HĐGMVN đang có những phương hướng nào để đào tạo nhân sự vượt qua những mặt yếu kém ấy để giúp cho dân tộc phát triển bền vững cũng như giúp cho người tín hữu sống đạo cách thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay.

Trên đây là những điểm mà Văn phòng Thư ký đã tổng kết đuợc từ những báo cáo của các giáo phận và cộng đồng Dân Chúa gửi về. Chúng con xin chân thành cám ơn Quý Đức cha đã chú ý lắng nghe.

Văn phòng Thư ký HĐGMVN