Ngài là ai?

Ngài tên là Karol Wojtyla, sinh ra ngày 18.5.1920 tại Wadovice, địa phận Cracovie, Ba Lan. Chịu chức LM (1946), GM (1958), TGM (1964), Hồng Y (1967). Ngài được bầu lên giáo hoàng ngày 16.10.1978 và lấy tước hiệu Gioan -Phaolô II, để noi theo chương trình của vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô I. Vị này lấy tước hiệu ghép-đôi là để tưởng nhớ đến hai vị tiền nhiệm Gioan XXIII và Phaolô VI. Một loại tước hiệu giáo hoàng ghép-đôi lần đầu tiên mà trước đó chưa hề thấy!

Gioan-Phaolô II là vị giáo hoàng Ba-Lan đầu tiên trong số 263 vị cho đến nay, và là giáo hoàng «từ phương Đông đến», ứng nghiệm lời sấm của tiên tri Malachie: «De labore Solis.» (1) Ngài là vị giáo hoàng đặt nặng vấn đề giới thiệu gương mặt của Giáo hội trong các hoạt động mục vụ của người. Trong những chuyến công du quốc tế sau khi mới lên ngôi, cũng như mới đây, khi đã trên 80 tuổi, ngài luôn cổ võ nhân quyền và tha thiết kêu gọi hòa bình, lên án những chế độ bất công, không kể từ đâu tới.

Ngài đã cảm hóa được lòng mến phục của nhà lãnh tụ XHCN Fidel Castro, đến nỗi, trong dịp ngài viếng thăm Cuba, nhà lãnh tụ đã ngồi tham dự các buổi lễ của Giáo hoàng cử hành trước hàng ngàn vạn dân chúng và lắng nghe bài ngài giảng ....Và để tỏ lòng biết ơn giáo hoàng đã đáp lời mời đến viếng thăm đất nước XHCN Cuba, đem lại niềm hy vọng về mặt ngoại giao trên trường quốc tế cho Cuba, nên Fidel Castro đã ấn định ngày lễ Giáng Sinh là ngày Lễ nghỉ trong nước, kể từ sau chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng.

Gioan-Phaolô II là vị giáo hoàng nêu cao phong trào đối thoại tôn giáo để làm sáng tỏ chân lý đức tin về Chúa Cứu Thế, và đưa các tôn giáo hợp lực để đem lại Hòa bình trên thế giới đầy chém giết, vì nhiều khi người ta còn nhân danh Thượng đế để biện minh cho hành động tàn sát của mình. Cầm tinh tuổi Thân, nên Đức Gioan Phaolô II là người vừa thông minh, vừa có tài hùng biện thu hút nhân tâm, vừa là người rất lạc quan và đầy tự tín, cho rằng «mọi sự đều có thể được», nên người đã thành công nhiều trong vấn đề đối thoại, có khi được ngoài ước muốn!

Tuổi già sức yếu, ngài bất chấp mọi lời tiên đoán là ngài sẽ từ chức, và về hưu dưỡng trong một tu viện ở Ba Lan, trong dịp đi viếng thăm Quê hương đất nước ngày 16-18.8.2002 vừa qua. Trái lại, ngài đã can đảm và còn đủ sáng suốt thi hành sứ mệnh là Đại diện Chúa Giêsu ở trần gian cho đến hơi thở cuối cùng, đúng như lời ngài khẩn cầu cùng Mẹ Maria hôm ấy: «Lạy Mẹ rất thánh... xin cho con được sức khỏe xác hồn, để con thi hành sứ mệnh Chúa Cứu Thế giao phó. Con xin dâng cho Mẹ tất cả hoa trái của đời con, hoạt động mục vụ của con... Con giao tương lai của Giáo hội cho Mẹ. Con tin cậy nơi Mẹ... Totus Tuus Maria, Totus Tuus, Amen!» Mẹ là tất cả đời con!!!

Đối thoại và Rao truyền

«Đối thoại tôn giáo là một yếu tố và là sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo hội... Không có vấn đề chọn cái này mà loại bỏ cái kia
» (Gioan Phaolô II)

Nhưng giảng rao Tin Mừng cho thế giới làm sao tránh khỏi vấn đề đối diện với các tôn giáo khác? Giảng rao một cách mạnh dạn về chân lý của tôn giáo mình, mà cũng vừa đối thoại với các tôn giáo khác là điều có thể làm được. Đó là điều mà đức Gioan Phaolô II thường nhắc nhở, nhất là trong Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ mệnh cứu chuộc) của người, ban hành ngày 22.1.1991. Và người đã thực hiện nhiều sáng kiến về vấn đề đối thoại như cuộc gặp gỡ các tôn giáo tại Assise ngày 27.10.1986 và 10.01.1993, cũng như cuộc đối thoại với những người trẻ theo đạo Islam tại Rabat ngày 9.8.1985, hay là dịp ngài đến thăm Hội đường Do thái ở Rôma ngày 13.4.1986, cũng như chuyến viếng thăm Đại nguyện đường Hồi giáo tại Damas ngày 6.5.2001 cùng nhiều cuộc gặp gỡ khác....

Tinh thần Assise

Ngày 27.10.1986, đáp lời mời của đức Gioan-Phaolô II, hơn 150 vị hữu trách các tôn giáo nhận lời đến cùng nhau cầu nguyện cho Hòa bình, trên thửa đất thánh Phan-sinh ở Assise. Một cuộc họp đầu tiên thành công vì các chức sắc đó hội họp mà mỗi người vẫn giữ sắc thái của tôn giáo mình, chứ không lẫn lộn, theo một chương trình thiết thực, làm cho dư luận thấy là điều tốt đẹp. Sáng kiến đó được tái diễn vào dịp có chiến tranh ở vùng Balkans năm 1993...

Trong dịp đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật 8.11.2001, ĐGH cũng có ý trở về tinh thần Assise. Ngài nói: «Tình hình thế giới ngày nay vẫn còn tiếp tục có những đấu tranh căng thẳng và đầy lo âu.» (...) Đứng trước tình thế càng ngày càng bi thảm đe dọa bởi bọn khủng bố dân lành, chúng ta cảm thấy có sự đòi hỏi kêu lên Thiên Chúa. Sự khó khăn càng chồng chất và chân trời càng ngày càng u tối, chúng ta lại phải khẩn nài xin Thiên Chúa cho được hiểu biết nhau, hòa giải và hòa bình. Vả lại tôi ước ao kêu mời các đại diện các tôn giáo trên hoàn cầu hãy về họp nhau tại Assise ngày 24.1.2002, để cầu nguyện, san bằng những chống đối và cổ võ một nền hòa bình chân thật. Tôi ước ao tiên vàn là họp tất cả kiô hữu và hồi giáo, để nói lên rằng tôn giáo không bao giờ trở thành lý do để tranh đấu, để gây hận thù và dùng bạo lực.» 

Tình huynh đệ hoàn vũ

Trong dịp tiếp Đại sứ Phi luât Tân ngày 16.12.1999 tại Vaticanô, ngài nói: «Trong khi thế giới đang tiến về một thiên niên kỷ mới, ta phải có một lương tâm hướng về tình huynh đệ hoàn vũ của tất cả các dân tộc trong gia đình nhân loại duy nhất, và một sự hợp tác rộng lớn trong các tín đồ của các đạo trên thế giới để cổ võ những giá trị thiêng liêng mà nhân loại giờ đây cần hơn bao giờ hết.» 

Với Do thái và Islam

Trong dịp gặp gỡ các tôn giáo tại Giêrusalem ngày 23.10.2000, ngài nói:

«Giáo hội CG ước ao theo đuổi một cuộc đối thoại tôn giáo chân thật và có kết quả với người có đạo Do thái và đạo Islam. Qua các cuộc đối thoại đó, chúng tôi không có ý bắt người khác theo ý mình. Điều bó buộc chúng ta là mỗi người trung thành với niềm tin của mình, chúng ta lắng nghe nhau một cách đầy kính cẩn, cố tìm trong các lời giáo huấn những gì tốt đẹp và lành thánh.» 

Tại Nguyện đường Hồi giáo

Khi viếng Đại nguyện đường Hồi giáo ở Damas ngày 6.5.2001, ngài đã đọc một bài diễn văn trong sân rộng lớn của Nguyện đường:

«Cuộc gặp gỡ của chúng ta tại nơi chốn lừng danh này nhắc cho chúng ta là con người có hồn thiêng, được tạo dựng để nhìn biết và kính trọng quyền tối thượng của Thiên Chúa trên mọi sự. Đối với chúng ta, CG và Hồi giáo, gặp gỡ Thiên Chúa trong lời kinh là của ăn cần thiết cho linh hồn chúng ta, không có của ăn đó, con tim chúng ta sẽ khô héo và ý muốn của chúng ta không còn chiến đấu cho sự thiện mà rơi vào sự dữ.

(...) Trong nhà thờ và trong nguyện đường Hồi giáo của chúng ta, chúng ta giảng dạy gì cho tuổi trẻ công giáo và hồi giáo về căn tính của đạo giáo mình? Tôi ước mong một cách mãnh liệt là các kẻ có trách nhiệm về đạo đức cũng như các giảng sư tôn giáo, Hồi giáo hay Công giáo, giới thiệu hai cộng đoàn quan trọng của chúng ta như những cộng đoàn dấn thân trong một cuộc đối thoại tôn trọng nhau, và không bao giờ xem như là hai cộng đoàn đấu tranh nhau. Điều chính yếu là phải giảng dạy cho tuổi trẻ con đường kính trọng và thông cảm nhau, để họ đừng tiến vào việc dùng tôn giáo mình cách sai lệch để cổ võ hay biện minh cho căm thù và bạo lực. Bạo lực hủy diệt hình ảnh của Tạo Hóa trong các tạo vật của Người, và không bao giờ xem đó là hoa trái của những niềm tin tôn giáo.»

Mỗi Châu một vấn đề

Sự liên lạc của Giáo hội CG đối với các tôn giáo khác dựa trên nền tảng của Công đồng Vaticanô II, trong sắc lệnh Nostra Aetate. Người đem ra áp dụng một cách cụ thể trong các Văn thư Tông đồ Ecclesia in Africa, Ecclesia in Asia, Ecclesia in America, Ecclesia in Oceania, cũng như trong nhiều bài diễn văn khi đi công du ở Đại dương Châu. Người nhắc lại huấn dụ đó cho các Giám mục mỗi nước khi các vị đến viếng ĐGH dịp ngũ niên (ad limina). Ngài nói trong ngày bế mạc cuộc họp các Giám mục ở Phi Châu hôm 14.09.95:

«Giáo hội CG kính trọng và dĩ nhiên ca ngợi các giáo hội ngoài kitô-giáo mà một số đông người theo ở Phi Châu, bởi vì nó là biểu hiệu sống động của một số đông tâm hồn dân chúng. Dẫu vậy dù có sự kính trọng và ca ngợi đối với các tôn giáo đó, dù các vấn đề phức tạp sẽ dấy lên, không làm cho Giáo hội phải im lặng không giảng rao về đức Kitô Giêsu cho các người ngoài Kitô giáo.»

Đối thoại và Khó khăn

Những cuộc gặp gỡ khác nhau như thế nhiều khi làm cho việc đối thoại khó khăn. Ở Phi Châu, Giáo hội gặp khó khăn không những với một đạo Islam có rất nhiều người theo, mà nhiều khi còn gặp phải nhiều tôn giáo truyền thống rất bền chặt. Ở Châu Mỹ la tinh, Giáo hội gặp khó khăn chính yếu là nhiều giáo hội mọc lên và các giáo phái rất hăng say chiêu mô đồ đệ. Ở Ấn độ, đức Gioan Phaolô, trong chuyến đáp xuống Sri-Lanka, cũng đã gặp khó khăn trong việc đối thoại với Phật giáo, vì một nhóm tín đồ địa phương hiểu lầm. Đối với những vị tông đồ hăng say rao giảng Tin mừng qua con đường đối thoại, nhưng không gặp thời buổi thuận tiện, thì ngài nói: «Đối thoại là một con đường dẫn đến Nước Chúa và chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều hoa trái, mặc dầu sẽ gặt được vào thời nào, lúc nào, thì đó là do ý Chúa Cha định liệu»

Rao truyền và Hiệp thông

Nghiêng mình trên sứ mệnh của Giáo hội trong các văn hóa khác nhau, trong Thượng Hội đồng Giám mục mà ĐGH triệu tập từng châu ở Rôma, (Phi châu 1994, Mỹ Châu 1997, Á châu và Đại dương châu 1998, Âu châu 1991 và 1999) đều tìm hiểu sâu xa về sự đòi hỏi đối thoại giữa các tôn giáo. Trong thông điệp Redemptoris Missio cũng như trong các Tông huấn kết thúc sau các Hội Đồng Giám mục khác nhau, ĐGH nhấn mạnh việc đối thoại là phải tránh sự hòa đồng tôn giáo và biết chắc là luôn có thể thích hợp với Phúc âm và kết hiệp với Giáo hội hoàn vũ.

Ngày di dân và đối thoại

Trong Ngày Quốc tế về Di dân và Di cư lần thứ 88 vào ngày Chúa Nhật 27.01.2002, ĐGH đã bàn đến. Ngài chọn đề tài là «Di dân và đối thoại tôn giáo.» Tín thư của ngài được công bố bằng tiếng Ý và tiếng Anh:

«(...) Ngày nay phương tiện giao thông bành trướng làm cho người dân nước này đi qua nước khác, lục địa này qua lục địa kia. Trên thế giới có 150 triệu di dân là một trong những hậu quả của hiện tượng nói trên... Cho nên, chúng ta có một thế giới trong đó chúng ta được kêu mời để sống chung với nhau, người này cạnh người kia, người nam cạnh người nữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Sự di dân vĩ đại của thế kỷ chúng ta làm cho người ta có thêm cơ hội đối thoại tôn giáo. Những nước kitô-giáo cổ xưa cũng như các xã hội đa văn-hóa làm cho chúng ta có những dịp đặc biệt để trao đổi về các tôn giáo với nhau.»

Đối thoại và tự do tôn giáo

«Nhưng đối thoại nhiều khi không phải là dễ, ngài nói tiếp. Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì phải có kiên nhẫn và tìm kiếm sự đối thoại tín cẩn lẫn nhau là một đích điểm nhắm đến... Họ biết rằng muốn đối thoại thực sự với các kẻ khác, thì cần phải chứng tỏ đức tin của mình rõ ràng là điều cần thiết. Nhất thiết là mỗi người, dù theo đạo nào đi nữa, phải chú trọng đến đòi hỏi tiên khởi về sự tự do tôn giáo và tự do lương tâm, mà Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh một cách rõ ràng.

Tôi hy vọng cái đồng tình liên đới ấy được biểu lộ ra trong các nước mà đa số tín đồ không phải là kitô-giáo, nhưng nơi đó có người kitô-giáo di dân đến, mà tiếc thay, họ không được tự do tôn giáo thực sự. Nếu chúng ta được tinh thần đó hướng dẫn thì chúng ta sẽ gặp được biết bao dịp trời cho để có sự đối thoại hữu ích trong thế giới đầy người di chuyển này, mà cá nhân của con người không bị quên lãng. Đó là con đường duy nhất để nuôi dưỡng hy vọng, đẩy xa viễn tượng chiến tranh tôn giáo đã nhuốm đỏ nhiều thời kỳ của lịch sử nhân loại và làm cho nhiều người bắt buộc phải trốn ra khỏi nước.

Nếu sự đối thoại giữa các tôn giáo làm thành một ván bài chính trong lúc này, thì hiện tượng di dân có thể làm nảy nở phát triển... Muốn được thế, thì hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn».

Để thay lời kết, thiết tưởng nên nhắc lại buổi cử hành thánh lễ tôn giáo tại thánh đường Saint-Pierre ở Rabat, ngày 16.9.2001 mà lời kêu gọi đối thoại tôn giáo bấy lâu của ĐGH Gioan Phaolô II đã có tiếng vang và được nhắc đến như khuôn vàng thước ngọc.

«Sau biến cố bi thảm tại Nữu Ước và Washington ngày 11.9.2000, lời tường thuật của Đức TGM ở Rabat, cộng đoàn kitô-giáo ở Marốc gồm nhiều người nói tiếng Anh và nhất là rất đông người Mỹ, đã muốn cử hành một thánh lễ tại thánh đường Rabat ngày Thứ bảy 15.9.2001. Nghi lễ hôm nay đây sốt sắng và trầm tư được diễn tiến trong thánh đường đông nghẹt những người. Đó là cách chúng tôi sống các biến cố ấy trước mặt Thiên Chúa, xin ngài ban cho sức mạnh để đem phần mình xây dựng «một thế giới không bạo lực, một thế giới yêu sự sống, và lớn lên trong sự công bằng và tình liên đới»  (ĐGH Gioan-Phaolô II )

Hôm sau, lễ Chúa nhật xong, có một buổi lễ cầu nguyện chung gồm các nhân vật cao cấp của nhiều tôn giáo: Vua Mohammed VI, vị Đại diện Tông tòa, Đại giáo sĩ Do thái tại Casablanca, Đại diện TGM, một Mục sư Tin lành, một giáo dân Anh -giáo và cha sở.

Sau khi cha sở nói vài lời chào mừng bằng tiếng Arabe, tiếng Anh, và tiếng Pháp, vị Cố vấn Hoàng gia đọc lời của Vua nhắn gởi. Nhà Vua, trích dẫn vài câu trong Coran, nhân danh Islam, lên án vụ giết những người vô tội và bạo lực mù quáng. Islam, lời Vua Mohammed VI, là một đạo dạy đường ngay, lẽ phải, bình an và yên lành, cũng như khuyên có sự cảm thông và hiểu biết nhau giữa con người... Islam kêu gọi đối thoại và thảo luận bằng lời ôn hòa»

Tiếp theo là vị Đại diện Tông tòa lên đọc, bằng tiếng Anh, bài nhắn gởi của ĐGH Gioan Phaolô II, khi ngài nói trong ngày 12 tháng Chín: «Ngày Thứ Ba (11.9.2001) là ngày đen tối của lịch sử nhân loại, một sự xúc phạm kinh hoàng đối với phẩm giá con người».

Trước bài hát cuối cùng bằng tiếng Anh, kết thúc buổi lễ, mỗi người đều được kêu mời trao «áp má bình an» cho người bên cạnh, bất phân người đó thuộc tôn giáo nào!

Một phần lớn của buổi lễ cầu nguyện được đưa lên Truyền hình trong nước và có các hãng truyền hình các nước nữa. Ngoài ra, trong hai ngày liên tiếp, các báo chí trong nước trích đăng các bài diễn văn và các buổi phỏng vấn các nhân vật đạo đời nổi tiếng. Kể từ ngày đức Gioan Phaolô II viếng thăm Marốc (19.8.1985), người ta không ngừng nói một cách công khai là có thể có cuộc gặp gỡ giữa các thành viên của ba tôn giáo độc thần...»

Âu đó là kết quả công trình đề cao tinh thần đối thoại tôn giáo của đức Gioan- Phaolô II trong 24 năm qua, vì sự đối thoại tôn giáo nằm trong sứ mệnh rao giảng Phúc Âm của Giáo hội. Dẫu rằng, chính cố giáo hoàng Phaolô VI đã cổ võ cho công việc đối thoại bằng cách thành lập Văn phòng đặc trách những người không phải là Kitô giáo, hiện giờ được gọi là Hội đồng giáo hoàng đặc trách Đối thoại Tôn giáo.

Nhưng chính dưới triều đại của đức Gioan Phaolô II, sự đối thoại tôn giáo đã được đẩy mạnh kèm theo việc rao truyền Phúc Âm một cách thiết thực và cố gắng thích hợp cho từng lục địa... Đó cũng nhờ tài cán đức độ của Ngài, nhờ triều đại khá dài của Ngài, nhất là nhờ lòng khao khát đưa hàng triệu người ngoài kitô giáo trở về cùng một đàn chiên. Thành công hay thất bại, Ngài dành cho Mẹ Maria và Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn mỗi người!

---------------

Chú thích:

(l) Tôi hy vọng có dịp bàn đến lời sấm Malachie này.

Tạm dịch:Tác động của Mặt trời!

24 năm Triều đại Gioan-Phaolô II